| Hotline: 0983.970.780

Vốn ít, giải ngân chậm

Thứ Sáu 12/08/2011 , 11:05 (GMT+7)

Đến đầu tháng 7/2011, toàn tỉnh Long An có 82% cư dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, 35,4% cư dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn...

Theo báo cáo của Trung tâm NSH và VSMTNT tỉnh Long An, tính đến hết tháng 6/2011 các dự án xây dựng trạm cung cấp nước sinh hoạt mới ở hầu hết các địa phương đều đã được thẩm định. Tuy nhiên do nguồn vốn ngân sách của tỉnh mới được chuyển xuống Trung tâm vào cuối tháng 6, cho nên hiện mới chỉ giải ngân được khoảng hơn 20,3% (264 triệu đồng).

Ông Nguyễn Ngọc Hải, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm NSH và VSMTNT tỉnh Long An, cho biết, hiện nay ở hầu hết các địa phương, những dự án đã được triển khai từ các năm trước đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Tại các khu vực không có mạch nước ngầm như ở xã Tân Thanh (huyện Tân Thạnh), xã Tân Tây (huyện Thạch Hoá) người dân đã có thể sử dụng nước từ trạm cung cấp nước mặt (công suất 15 - 20m3/giờ).

Nguồn nước này được cung cấp từ Kênh 3 hoặc được khai thác từ một ao trữ nước đưa qua hệ thống bể lắng, thiết bị lọc, khử trùng clo đảm bảo đạt tiêu chuẩn nước sạch. Hay như ở các xã thuộc các huyện Vĩnh Hưng, Đức Huệ hàng ngàn hộ dân đã có thể mua nước với giá rẻ (2.500-3.000 đồng/m3) từ các trạm cấp nước ngầm công suất 10 - 15m3/h được khai thác từ giếng khoan tầng sâu (độ sâu khai thác 320m).

Tuy nhiên ông Hải cho rằng, việc triển khai các dự án mới trong thời gian gần đây gặp khó khăn vì nguồn vốn ngân sách không được điều chỉnh để phù hợp với giá cả vật tư, cũng như công lao động trên thị trường. "Thường thì bắt đầu từ tháng 7, tháng 8, Trung tâm NSH và VSMTNT tỉnh đã bắt đầu chỉ đạo các huyện trình kế hoạch triển khai các dự án nước sạch, nhưng phải đến khoảng tháng 4 năm sau tỉnh mới có quyết định về kinh phí phân bổ cho các địa phương. Thực tế, nguồn vốn ngân sách được cân đối dựa trên nhiều mục tiêu nên chỉ có một phần các dự án được duyệt chi. Mức duyệt chi qua các năm đối với 1 dự án thường chỉ tăng thêm khoảng 10-15% vì thế khó có thể đuổi kịp mức tăng chi phí thực tế khi triển khai công trình", ông Hải nói.

Ông Nguyễn Văn Đảnh, Phó BQL Dự án xây dựng huyện Tân Trụ thì cho rằng, hiện nay theo quy định chung, nguồn vốn để xây dựng các dự án cung cấp nước sạch là 60% vốn Nhà nước, 40% vốn địa phương (vốn huyện và vận động từ người dân). Tỷ lệ này đang khiến cho nhiều huyện phải dè dặt khi cân đối ngân sách đầu tư.

Đến đầu tháng 7/2011, toàn tỉnh Long An có 82% cư dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, 35,4% cư dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn, 51,7% số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh. Trong năm 2011, tỉnh Long An sẽ xây dựng 47 công trình nước sạch, hiện đã hoàn thành được 8 công trình, số còn lại đang triển khai giai đoạn đầu.

“Hiện nay ở Tân Trụ, đa phần là do huyện phải tự bỏ tiền mua đất để xây dựng các trạm cấp nước. Khi có dự án, huyện chủ động ứng vốn, hợp tác với nhà thầu để thi công. Phần kéo ống nước về các điểm dân cư được giao cho xã để vận động đóng góp thêm từ người dân. Khi dự án hoàn thành thì giao luôn cho xã thành lập BQL trực tiếp khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, đối với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt thì việc kêu gọi dân đóng góp là không khả thi vì nguồn vốn quá lớn", ông Đảnh cho biết.

Cũng theo ông Đảnh, hiện nay giá bán nước từ các trạm được tính toán linh hoạt nhưng không được vượt quá mức quy định chung của tỉnh nên ở một số nơi để đảm bảo cho dân có nước sạch thường xuyên, huyện phải trích kinh phí để bù lỗ. Hiện mỗi năm huyện Tân Trụ phải bù thêm khoảng 100 triệu đồng để đảm bảo giá bán nước bình quân 2.500 đồng/m3 cho người dân. "Những khu vực có mạch nước ngầm thì không phải lo lắm nhưng ở các xã ngập mặn, không thể khoan được giếng, buộc phải vận chuyển từ xa về thì giá bán nước ở mức 3.000-4.000 đồng/m3 thì chắc chắn không đủ chi phí”-ông Đảnh nói.

Tương tự, ở huyện Vĩnh Hưng, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó phòng NN- PTNT cho biết, hiện toàn huyện có 44 trạm cấp nước nhưng chỉ có một vài trạm thu nộp ngân sách hàng năm đạt 30 -100 triệu đồng, còn hầu hết các trạm thu vừa đủ chi hoặc huyện phải bù thêm tiền từ ngân sách địa phương.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất