| Hotline: 0983.970.780

Vốn ưu đãi nông nghiệp: Chỉ nằm mơ mới thấy, còn thực tế không tiếp cận nổi!

Thứ Tư 26/07/2017 , 07:15 (GMT+7)

Nhiều nông dân “khát vốn” mở rộng sản xuất nói rằng, chính sách ưu đãi tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn đang ở... trên mây. Cho nên dù đã thử nhiều cách tiếp cận, nhưng họ vẫn không thể với tới.

Hi vọng chính sách, thất vọng cách làm

Phạm Ngọc Hưng, một chàng trai “quê lúa” có một giấc mộng lớn. Anh muốn thiết lập chuỗi giá trị khép kín sản xuất lúa từ đồng ruộng tới bàn ăn. Cty TNHH Khang Long (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, Thái Bình) do anh sở hữu đang liên kết chặt chẽ với nông dân, gieo cấy khoảng 400 mẫu lúa.

12-25-23_tin-dung-3
Do không có sổ đỏ thế chấp ngân hàng, anh Hưng rất chật vật để huy động vốn xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ lúa gạo.

Thế nhưng, số thóc ấy chẳng thấm tháp vào đâu so với giàn máy xay xát “cực khủng” trị giá hơn 3 tỷ đồng của doanh nghiệp này. Mỗi ngày, nó ngốn tới 600 tấn nguyên liệu đầu vào. Để cỗ máy trên hoạt động ổn định, anh phải bỏ gần 500 triệu đồng xây một trạm biến áp 22kV; đầu tư hệ thống lò sấy, đóng gói, bảo quản và nhà kho hiện đại... nói chung là cần rất nhiều tiền.

Gạo của Hưng bán ra không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Thế nhưng, vị giám đốc trẻ lúc nào cũng than “đói” vốn. Anh chưa hài lòng với thành công nhỏ bé mà muốn tạo dựng một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếng tăm ở phía Bắc.

Khổ nỗi, để có được cơ ngơi này, Hưng đã phải thế chấp 7 cái sổ đỏ của mình và người thân, giấy đăng ký sở hữu 2 chiếc ô tô cho ngân hàng để vay 1,7 tỷ đồng (lãi suất 8,7%/năm). Chàng trai cũng đã tìm đến nhiều ngân hàng để thế chấp giàn máy xay xát trị giá hơn 3 tỷ đồng, nhưng tất cả đều từ chối. Họ coi đó là tài sản đặc biệt, giá trị thấp và không có tính thanh khoản cao nên không đồng ý cho vay vốn.

Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn quy định: Các doanh nghiệp đầu mối ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết.
 

Mua cân đạm, gói hạt giống cũng cần chứng từ

Vốn là yếu tố quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, hành trình làm giàu của rất nhiều nông dân đã bị kìm hãm bởi những thủ tục vay vốn tín dụng.

Điển hình như trường hợp của anh Nguyễn Tiến Mạnh, 30 tuổi, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư (Thái Bình). Chàng trai này đang sở hữu 12ha cây trồng tập trung tại vùng đất bãi. Để hạn chế rủi ro thiên tai trong quá trình canh tác, anh muốn xây dựng khu nhà màng sản xuất cây trồng giá trị cao và ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ. Muốn vậy, anh cần vay hàng tỷ đồng.

12-25-23_tin-dung-2
Nhiều nông dân khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất

Tuy nhiên, việc tranh thủ nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, vay vốn theo hình thức tín chấp theo quy định hiện hành là rất khó. Bởi theo Thông tư 39/2016/TT-NHNN, người vay vốn phải chứng minh được việc sử dụng ngồn vốn vay ưu đãi đúng mục đích. Như vậy, có nghĩa là mua cân lân, bao đạm, gói hạt giống hay chai thuốc bảo vệ thực vật... cũng phải có hoá đơn đỏ. Và tất nhiên, muốn có hoá đơn đỏ thì phải mất thuế. Như thế chẳng khác nào tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.

“Ông vua bờ bãi” Đặng Xuân Hạnh - người đang canh tác hơn 130 mẫu đất nông nghiệp tại xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam, chia sẻ: “Muốn vay một khoản tiền lớn từ ngân hàng để phát triển sản xuất là điều vô cùng khó. Thậm chí cả khi ngủ tôi cũng không dám mơ đến”.

Để canh tác trên cánh đồng khổng lồ hàng trăm mẫu ruộng (20 mẫu chuối, 40 mẫu cây húng quế, 60 mẫu dong giềng và ngô ăn lá...) thuê của 9 tổ hợp tác với giá 800 triệu đồng/năm, ông Hạnh phải đầu tư hàng chục tỷ đồng để sắm máy làm đất, máy gieo hạt giống, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy thu hoạch; chi trả lương cho khoảng 50 lao động thường xuyên; kèm với đó là chi phí vật tư nông nghiệp hàng năm, phương tiện vận chuyển, xưởng chế biến tinh bột và ép tinh dầu húng quế... Hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh tiến triển rất tốt, lợi nhuận mỗi năm hàng tỷ đồng.

Làm ăn thuận lợi, lão nông này mong muốn có thêm vốn để gia hạn thuê đất của nông dân lâu dài, ổn định sản xuất. Tuy nhiên, gõ cửa các ngân hàng, cán bộ tín dụng nào cũng đều lắc đầu nguầy nguậy.

Thứ duy nhất, và chỉ thứ đó có thể đem thế chấp ngân hàng là quyển sổ đỏ. Nhưng sổ đỏ của ông Hạnh đã nằm trong ngân hàng từ cuối năm 2014 để vay gần 1 tỷ đồng mua 16 con bò sữa dự án của tỉnh Hà Nam. Ông Hạnh chia sẻ: “Tôi đã từng đề nghị UBND xã chứng thực các hợp đồng thuê ruộng, đồng thời bảo lãnh để mình được vay vốn theo hình thức tín chấp. Tuy nhiên, chẳng ai đáp ứng nguyện vọng ấy. Bởi, theo phản hồi của lãnh đạo địa phương thì UBND xã chưa tham gia bất cứ hội nghị nào về việc tôi thuê đất của dân nên không chứng thực được”.

+ Anh Phạm Ngọc Hưng chia sẻ: “Chính phủ cứ nói có rất nhiều nguồn vốn, nhưng không ngân hàng nào muốn thực hiện. Họ lấy rất nhiều lý do để không cho doanh nghiệp nông nghiệp vay vốn ưu đãi. Bởi mục đích hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại là lợi nhuận và hạn chế tối đa rủi ro, nợ xấu. Trong khi đầu tư vào nông nghiệp là lĩnh vực đầy rủi ro. Chúng tôi không thể nào với tới được”.

+ Trao đổi với chúng tôi, nhiều nông dân chia sẻ, Nhà nước có nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Chính sách nào cũng ưu việt, gieo những hạt mầm hi vọng cho nông dân. Thế nhưng, người dân có tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi hay không lại phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại. Khi chính sách không đảm bảo nguyên tắc cùng có lợi giữa Nhà nước, ngân hàng và nhà sản xuất thì sẽ bị phủ định ngay từ khi nó chưa ra đời.

 

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

'Ghim' một đời, 'trọn' khoảnh khắc cùng DOJI

Cưới hỏi là trái ngọt của chặng đường tình yêu đôi lứa mà ở đó, nhẫn cưới là một tín vật thiêng liêng khiến khoảnh khắc sánh đôi trở nên trọn vẹn.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.