| Hotline: 0983.970.780

Vụ 11 cháu bé "biến mất" tại chùa Bồ Đề: Bản danh sách đáng ngờ của CAQ Long Biên

Thứ Sáu 15/08/2014 , 11:13 (GMT+7)

Tại sao có sự khác biệt trong danh sách giữa các cháu được đề nghị điều tra truy tìm và danh sách các cháu được CAQ Long Biên xác minh?

Theo Đơn của nhóm thiện nguyện đứng đầu là bà Nguyễn Bích Ngọc gửi Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội và báo Pháp luật & Xã hội thì trong thời gian làm từ thiện tại chùa năm 2007-2011, nhóm đã chăm sóc và nhận đỡ đầu một số cháu, nhưng đến nay không còn thấy ở chùa. Những lời giải thích từ phía nhà chùa là đã trả các cháu về cho cha mẹ đẻ hoặc cho đi làm con nuôi chưa thật sự thuyết phục...

Bé Tùng Anh ( Khoai), được đưa vào chùa từ tháng 8/2007, thời điểm đưa vào chùa Tùng Anh còn chưa rụng rốn. Tháng 1/2008, cháu không còn ở chùa, phía nhà chùa cho biết cháu được mẹ ruột nhận về nuôi. Tuy nhiên, trả lời trên báo chí, sư trụ trì cho biết nhà chùa chỉ trả duy nhất một trường hợp cháu bé 8 tuổi về cho cha mẹ vào năm 2008, thông tin không trùng với cháu Tùng Anh.


Ảnh minh họa


Bé Việt Anh, được nhận vào chùa tháng 7/2007, tháng 5/2009 cháu không còn ở chùa, nhiều thông tin từ nhà chùa cho biết cháu được một gia đình ở gần chùa nhận nuôi. Tuy nhiên, trả lời trên một tờ báo điện tử, sư trụ trì cho biết từ trước đến nay nhà chùa chỉ cho duy nhất một cháu bé đi làm con nuôi một gia đình ở phố Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng. Thông tin về cháu bé này và cháu Việt Anh không trùng nhau.

Bé Minh Anh, vào chùa năm 2007, được gần 1 tuổi, năm 2012 cháu không còn ở tại đây và có thông tin cháu được bảo mẫu tên Cúc đưa về quê nuôi. Nhưng địa chỉ, số điện thoại của người nuôi dưỡng nhà chùa không cung cấp được. Ngày 19/7, nhóm thiện nguyện sau nhiều lần dò hỏi phía nhà chùa thì nhận được thông tin: Minh Anh được mẹ đẻ nhận về nuôi ở tận Kiên Giang. Tuy nhiên không có địa chỉ và số điện thoại xác thực để chứng minh.

Bé Duy Anh, vào chùa năm 2009, năm 2014 không còn ở chùa và thông tin về cháu là đã được chuyển về Trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng Trung tâm nào thì không rõ.

Bé Bảo Anh được nhận vào chùa năm 2009, tháng 7/2014 cũng không còn ở chùa, thông tin về cháu không được cung cấp.

Bé Mai Anh được đón nhận vào chùa năm 2009, bé Vi Anh được đón nhận vào chùa năm 2009, cháu Huy Anh được đón nhận vào chùa năm 2009, bé Cù Triều Anh vào chùa từ Tết năm 2010, bé Tuấn Anh, vào chùa năm 2007, bé Cù Hoàng Anh vào chùa năm 2010. Cho đến nay tất cả các bé này không còn ở chùa và không có thông tin rõ ràng giải thích sự vắng mặt của các cháu.

Cơ quan CSĐT điều tra theo bản danh sách nào?

Ngay sau khi nhận Đơn đề nghị của nhóm thiện nguyện, Phòng PC45 CATP Hà Nội đã khẩn trương rà soát danh sách các cháu bé có tên trên, thời gian vào chùa trùng khớp thời gian đã nêu trong danh sách mà CAP Bồ Đề, quận Long Biên, đơn vị quản lý khu vực chùa Bồ Đề cung cấp. Tuy nhiên, do danh sách hơn 100 cháu nhỏ, nhiều cháu được đặt tên trùng nhau, Cần có sự thanh lọc cụ thể để tránh nhầm lẫn nên việc xác minh đã được chuyển về cho CAQ Long Biên giải quyết.

Sau khi tiến hành xác minh, CAQ Long Biên đã có báo cáo kết quả xác minh. Theo đó, 11 cháu bé mà nhóm thiện nguyện đề nghị điều tra vì nghi mất tích hiện có 4 cháu đang sống cùng mẹ đẻ và người nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề là Kiều Vi Anh, Cù Huy Anh, Cù Tuấn Anh, Cù Hoàng Anh. 1 cháu là Cù Bảo Anh được cho đi làm con nuôi hiện đang sống với bố mẹ nuôi tại quận Ba Đình, Hà Nội. Các cháu còn lại đều đang sống với bố mẹ đẻ hoặc người thân ở quê, có địa chỉ cụ thể.
 


Bản báo cáo kết quả của CAQ Long Biên.

Tuy nhiên, ngay sau khi có kết quả xác minh, chị Ngọc còn chưa nhận được văn bản trả lời, trên một số trang báo điện tử đã dẫn lời của lãnh đạo CAQ Long Biên khẳng định đã tìm thấy đủ 11 cháu bé có địa chỉ, số điện thoại.

Bà Ngọc cùng nhóm thiện nguyện đã xem danh sách các cháu bé được CAQ Long Biên tìm thấy và nhận thấy có những sự không trùng khớp như sau:

Thiếu 3 cháu mà nhóm thiện nguyện phát hiện không còn ở chùa đã đề nghị điều tra nhưng không có trong danh sách xác minh là: Kiều Minh Anh, Cù Việt Anh, Kiều Mai Anh.

Bên cạnh đó, trong khi nhóm thiện nguyện gửi Đơn đề nghị xác minh điều tra 11 cháu bé được nuôi dưỡng tại chùa Bồ Đề nhưng nghi mất tích (ngày 22/7/2014), đại diện nhà chùa trả lời trên một trang báo điện tử (ngày 29/7) khẳng định: Không có cháu nào tên Cù Huy Anh. Tuy nhiên, đến ngày 12/8, trong danh sách CAQ Long Biên xác minh thì lại có cháu Cù Huy Anh, hiện đang sống tại chùa Bồ Đề cùng mẹ đẻ là Nguyễn Thị Lan, quê ở thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.  Theo sổ khai báo tạm trú của CAP Bồ Đề thì cháu Cù Huy Anh được ghi trong bản xác minh là con sinh đôi cùng với cháu Cù Hoà Anh, con của chị Lan trong khi cháu Cù Huy Anh mà nhóm thiện nguyện cần tìm là cháu Huy Anh bị bỏ rơi một mình ở cổng chùa (?!)

Cháu Cù Duy Anh theo xác minh đang ở với bố mẹ, bị bại liệt nên mẹ cháu tạm thời chưa thể đưa cháu lên Hà Nội gặp, nhưng mẹ đẻ cháu xác nhận đang nuôi dưỡng cháu. Theo chị Ngọc, cháu Cù Duy Anh mà các chị tìm hoàn toàn khỏe mạnh, không hề bị bại liệt (?!)

Trường hợp cháu Tùng Anh, sinh tháng 8/2007 và được nhận vào chùa ít lâu sau đó, đã không còn ở chùa từ tháng 1/2008. Tuy nhiên ngày 29/7/2014 cũng trên một trang báo điện tử, đại diện nhà chùa cung cấp thông tin: Tùng Anh được chuyển lên Trung tâm chữa bệnh và lao động số 2, Yên Bài, Ba Vì theo Biên bản bàn giao ngày 27/2/2009. Vậy nhưng trong danh sách mà CAQ Long Biên xác minh thì: Cháu Tùng Anh, tên khai sinh là Lâm Thuận Thiên, SN 2007, con chị Phan Thị Thuận, trú tại xóm 8, xã Tân Châu, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Chị Thuận đưa cháu về từ tháng 12/2007, hiện cháu đang sống cùng bố mẹ đẻ ở địa chỉ trên. Câu hỏi được nhóm thiện nguyện đặt ra là: Vậy cháu Tùng Anh, sinh tháng 8/2007 thật sự đang ở đâu?
 

Để xác thực các thông tin về 11 cháu bé nghi mất tích mà nhóm thiện nguyện nêu cũng như CAQ Long Biên xác minh PV đã tìm về địa chỉ nhà cháu Tùng Anh tại xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
 

Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Vinh, Phó chủ tịch kiêm Trưởng CA xã cùng các công an viên sau khi kiểm tra tất cả các sổ sách về nhân hộ khẩu trong xã khẳng định: Xóm 8 không có ai tên là Phan Thị Thuận mà chỉ có Phạm Thị Thuận, SN 1984, là con gái ông Phạm Văn Tháng đồng thời cho biết chị Thuận hiện đi khỏi địa phương đã lâu, không có con nhỏ gửi ở nhà.

Đến nhà chị Thuận, PV trao đổi với ông Tháng, bố đẻ chị Thuận xác nhận: Gia đình quá khó khăn, đông con và bị bệnh tật nên được một người bà con giới thiệu vào chùa Bồ Đề nương nhờ một thời gian dài. Gia đình ông gồm hai vợ chồng và con gái (nhưng không phải chị Thuận) đến ở tại chùa một thời gian dài, ông làm bảo vệ, trông xe, vợ ông nấu ăn, quét dọn. Chị Thuận không lấy chồng nhưng có một con trai, đặt tên là Lâm Thuận Thiên (Chí Thiên), có mang về chùa Bồ Đề chơi ít lâu. Khi con trai được khoảng 3 tuổi, chị Thuận đã bỏ đi Trung Quốc đến nay chưa về, cháu Thiên được một người họ hàng mang đi cho nhà chùa nào đó trong Vũng Tàu và hiện không rõ ở đâu.
 

Với những thông tin như trên, PV đã có cuộc trao đổi với một đồng chí lãnh đạo CAQ Long Biên, vị lãnh đạo này cho biết: Sau khi nhận được đề nghị phối hợp xác minh danh sách 11 cháu bé đã chỉ đạo Đội CSHS thực hiện, quá trình xác minh chỉ trong vòng 1 ngày, và kết quả báo cáo là đã tìm thấy đầy đủ 11 cháu với địa chỉ, số điện thoại cụ thể. Nhận những thông tin PV cung cấp, vị lãnh đạo hết sức bất ngờ vì "lọt" những thông tin quan trọng. Liên quan đến việc khẳng định với một số PV việc đã điều tra xác minh đầy đủ thông tin địa chỉ của 11 cháu, vị lãnh đạo này khẳng định: "Việc điều tra là của Cơ quan điều tra, ở vụ việc này là của PC45, đơn vị trả lời nếu có cũng là PC45, chúng tôi phối hợp xác minh thì chỉ trả lời về kết quả xác minh chứ không trả lời về kết quả điều tra, các PV đã  hiểu như thế là sai".

Trao đổi với PV, một lãnh đạo Đội CSHS CAQ Long Biên, Đội đi được chỉ đạo xác minh danh sách 11 cháu bé cho biết: Khi Phòng PC45 đề nghị phối hợp xác minh thì chỉ đọc cho ghi danh sách của 11 cháu bé có tên như trong Bản báo cáo kết quả xác minh mà các PV có, không có kèm theo Đơn của nhóm thiện nguyện để xác định rõ ràng các cháu trùng tên và các cháu được xác minh có phải là các cháu cần tìm hay không. Nhiệm vụ của Đội là xác minh đúng danh sách được cung cấp, có kết quả phải báo cáo, còn các cháu được nêu trong Đơn như thế nào, là ai thì không nắm được.
 

Trong số 11 cháu Đội CSHS xác minh có 2 trường hợp là cháu Triều Anh ở Yên Bái phải xác minh qua CA xã vì không có số điện thoại của mẹ cháu, thông tin lại cần gấp nên chưa thể lên tận nơi. Hiện chưa liên lạc được với mẹ cháu để đối chứng.
 

Trường hợp cháu Tùng Anh ở xã Xuân Châu, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định do CAP Bồ Đề xác minh, báo cáo là đã kiểm tra thông tin và thấy trùng khớp nên đưa vào danh sách đã xác minh (?!).
 

Tại CAP Bồ Đề, đồng Chí CSKV phụ trách địa bàn chùa Bồ Đề cho biết: Khi thấy danh sách 11 cháu bé do CAQ Long Biên gửi xuống đề nghị tra soát trong sổ khai tạm trú, phối hợp xác minh có một số trường hợp hiện đang sinh sống tại chùa cùng mẹ đẻ nên đã chứng thực ngay, còn một số cháu khác vì thời gian rất gấp nên chia cho các tổ khác trong CAP đi xác minh, còn ai xác minh trường hợp cháu Tùng Anh thì không rõ.
 

Trước những thông tin trên, PV đã chuyển toàn bộ nội dung thông tin xác minh được cho Đội CSHS CAQ Long Biên để tiếp tục xác minh làm rõ.
 

Tại sao có sự khác biệt trong danh sách giữa các cháu được đề nghị điều tra truy tìm và danh sách các cháu được CAQ Long Biên xác minh, là do tổng hợp chưa chính xác hay có sự nhầm lẫn, hiện CQĐT vẫn đang tiếp tục làm rõ. 

Theo: phapluatxahoi.vn

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm