| Hotline: 0983.970.780

Vụ 4.000 con heo tiêm thuốc an thần ảnh hưởng nặng người chăn nuôi và tiểu thương

Thứ Ba 17/10/2017 , 09:55 (GMT+7)

Việc phát hiện và xử lý gần 4.000 con heo tiêm thuốc an thần ở cơ sở giết mổ Xuyên Á (Củ Chi, TP.HCM) đã nửa tháng nay, nhưng hiện vẫn còn ảnh hưởng nặng nề không chỉ cho người chăn nuôi mà cả tiểu thương.

* Giá heo tại Đồng Nai giảm 8.000 đ/kg so tháng trước

* Quản lý lò mổ nhiều kẽ hở

Bởi lâu nay ít ai quan tâm, chính lò này với công suất giết mổ 5.000 con/ngày đã đưa ra thị trường đến 50% sản lượng thịt heo mảnh kể từ khi TP.HCM chấn chỉnh, qui hoạch tập trung lại lò giết mổ heo trong năm 2017.
 

Tác động "kép"

Theo đó, đến nay tất cả các lò mổ truyền thống đều dẹp bỏ, ngoại trừ 2 cơ sở giết mổ thủ công tại huyện Cần Giờ cung cấp cho người dân của địa phương này. Vì vậy, khi sự việc xảy ra khiến lò Xuyên Á bị ngưng hoạt động (dự kiến sau 26/10 mới hoạt động trở lại) thì lập tức tác động dây chuyền đến người chăn nuôi và cả tiểu thương.

12-44-53_h1jpg
Việc gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần xảy ra tại lò mổ Xuyên Á đã tác động "kép" đến người chăn nuôi và các tiểu thương

Tại Đồng Nai, giá thịt heo hơi đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi TP.HCM là thị trường tiêu thụ chính của heo Đồng Nai. Ước tính, tại đây tiêu thụ khoảng 60% trong tổng số 10 ngàn con heo xuất bán mỗi ngày của tỉnh. Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, hơn 10 ngày qua, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đã giảm mạnh do người tiêu dùng hạn chế sử dụng thịt heo dẫn đến nhu cầu thu mua heo hơi giảm. Cụ thể, giá heo hơi trên địa bàn tỉnh chỉ còn khoảng 26-27 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 8.000 đồng/kg so với tháng trước. Với giá bán này, hiện người chăn nuôi đang lỗ khoảng 700 ngàn đến 1 triệu đồng/con heo bán ra.

Đối với các tiểu thương cũng khốn đốn không kém. Bà Tôn Nữ Kiều Trang, một tiểu thương kinh doanh thịt heo chợ đầu mối nông sản Hóc Môn phản ảnh, sau sự cố đó, các tiểu thương phải vận chuyển heo chạy khắp các lò mổ trong TP và các tỉnh lân cận để giết mổ rồi vận chuyển ngược về chợ đầu mối Hóc Môn tiêu thụ.

Bởi theo qui định, sau ngày 31/7 toàn bộ nguồn heo từ các nơi đưa vào TP.HCM giết mổ xong phải quay về tập trung ở hai chợ đầu mối nông sản Hóc Môn hoặc Bình Điền để cơ quan chức năng quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Trong khi thịt heo tại chợ rớt giá, sức mua giảm thì các tiểu thương gặp rất nhiều khó khăn do chi phí giết mổ, vận chuyển tăng lên gấp mấy lần so trước đó.

“Trước đây, chúng tôi được quyền lựa chọn nơi giết mổ thích hợp, nhưng kể từ khi các cơ sở giết mổ Bà Điểm, Trung tâm quận 12, Hóc Môn… là các lò mổ truyền thống bị đóng cửa một cách vô cớ, chỉ có lò Xuyên Á được hoạt động nên họ độc quyền áp đặt giá thuê mướn tùy tiện. Chính chi phí bất hợp lý là một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến việc các tiểu thương tiêm thuốc an thần cho heo", bà Trang nói.
 

Khó quy trách nhiệm

Theo tìm hiểu chúng tôi, chủ lò Xuyên Á chỉ bỏ vốn đầu tư xây dựng lò giết mổ, sau đó cho nhiều chủ lò vệ tinh thuê. Các chủ lò vệ tinh lại giết mổ gia công cho các thương lái.

Nhằm thu hút các thương lái về với mình, các chủ lò vệ tinh làm lơ hoặc cấu kết cùng thương lái tiêm thuốc an thần, bơm nước để thịt heo có màu đẹp, dẻo, ít hao hụt khi đưa ra thị trường bán được giá, có lãi. Thậm chí, có trường hợp chủ lò còn ứng trước tiền cho thương lái mua heo hơi để "cầm chân" họ.

"Theo tính toán của một số thương lái, với giá thu mua heo hơi như hiện nay, họ chỉ lãi có 100-200 ngàn đồng/con, nhưng nếu tiêm thuốc, bơm nước trước khi giết mổ thì có thể lãi đến 300 ngàn đồng/con".

Theo qui trình, cứ khoảng 10 giờ đêm hôm trước, thương lái chở heo đến lò. Sau giết mổ thì đưa lòng vòng qua nhiều khâu trung gian, đầu tiên từ lò về một trong hai chợ đầu mối nông sản là Hóc Môn hoặc Bình Điền để cơ quan chức năng quản lý nhận diện và truy xuất nguồn gốc, từ đó mới vận chuyển ra hàng trăm chợ truyền thống, chợ cóc, chợ chồm hỗm lề đường, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi để bán trực tiếp cho người tiêu dùng thật sự.

"Trong khi hầu như miếng thịt lại không được bảo quản lạnh mà để phơi nắng, phơi mưa từ lúc 1-2 giờ sáng đến tận chiều tối nên họ (thương lái) thường tiêm thuốc an thần để miếng thịt heo đỏ sậm, giữ được lâu lại bán giá cao", một chủ lò vệ tinh tiết lộ.

Chi phí giết mổ được chủ lò vệ tinh lấy bằng giá thuê, chỉ tính thêm công giết mổ, điện, nước, tiền vận chuyển heo từ lò ra chợ đầu mối và ăn chênh lệch giá bộ lòng heo. “Ví dụ, bộ lòng heo bán ở ngoài là 300 ngàn đồng, thương lái để lại tụi tui 200 ngàn thôi”, vị này nói thêm.

Chính vì tình trạng thuê mướn lòng vòng, nên ngay ở khâu quản lý cũng khó xác định trách nhiệm khi có sự cố xảy ra để quy kết người chịu trách nhiệm cuối cùng. Bởi chủ cơ sở lò mổ có lý do không nhận trách nhiệm vì không trực tiếp giết mổ, còn chủ lò, thương lái lại đổ cho nhau. Điển hình, vụ phát hiện tiêm thuốc an thần vừa qua, các đối tượng đã và đang đổ thừa trách nhiệm cho nhau.

"Trước đây cơ sở Xuyên Á chỉ tiếp nhận 100 con heo mỗi đêm, với giá cho thuê chỗ giết mổ 5.000 đồng một con heo. Sau khi các lò khác bị ngưng hoạt động, cơ sở này tăng giá lên 48 ngàn đồng. Trung bình mỗi đêm chúng tôi phải gồng mình trả cho họ 240 triệu đồng tiền thuê mặt bằng", bà Trang nói.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.