| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông 2016 và kỹ thuật canh tác

Thứ Hai 26/09/2016 , 09:35 (GMT+7)

Ngoài cực đoan của thời tiết đang diễn ra, năm 2016 sản xuất vụ đông nhất là phát triển cây vụ đông sớm còn bị cập rập do lúa mùa phải thu hoạch muộn hơn so với mọi năm. Áp lực về thời vụ là rất lớn...

Để phấn đấu đạt được một vụ đông hiệu quả nông dân các vùng cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm giảm thiểu những hạn chế nêu trên.

07-43-53_dscf5725
Tham quan học tập mô hình che vòm ni lông cho dưa hấu

 

- Lựa chọn các giống cây trồng phù hợp: Tùy theo đặc điểm thế mạnh của mỗi vùng mà nông dân có thể lựa chọn cây vụ đông sớm, chính hay muộn để phát triển. Nên ưu tiên chọn các giống cây trồng lai F1 để tăng năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh... Các cây trồng vụ đông sớm nên chọn các giống có TGST ngắn, ưa thâm canh, có nhiều đặc tính nông học quý (thân, lá, quả cứng chắc, chất lượng cao...).

- Bố trí thời vụ thích hợp: Với các cây ưa ấm như ngô, dưa, bí các loại, cần trồng càng sớm càng tốt. Nên bố trí trồng trước 15/9 đối với vùng bãi ngoài đê. Vùng trong đồng trồng 2 vụ lúa nông dân cần tiến hành làm bầu cho các cây và bố trí trồng xen vào ruộng lúa uốn câu. Thời gian thích hợp là 15 - 30/9(cần định trước để đường công tác rộng khi cấy lúa mùa hoặc gặt lúa non để đặt cây con trong ruộng lúa).

Cây vụ đông sớm cho lợi nhuận cao nhưng thời điểm trồng đúng vào thời tiết chuyển vụ nên thường bị thiệt hại lớn nếu mưa, nắng kéo dài. Vì vậy các vùng chuyên canh cần rải lứa các cây rau màu ở vụ đông sớm để giảm thiểu thiệt hại nặng nề khi gặp thiên tai, tranh thủ để đất ruộng được nghỉ ngơi và xử lý mầm bệnh. Việc rải lứa cũng sẽ giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, không phải chịu tình trạng “ hàng nhiều, giá rẻ”.

Với các cây ưa lạnh như hành tỏi, cải bắp, hoa lơ, khoai tây... có thể bố trí trồng sớm từ 15 - 30/10 nếu giải phóng được đất hoặc trồng chính vụ từ 1-20/11... Trồng sớm các cây này tuy năng suất thấp nhưng được lợi về giá.

- Áp dụng tốt kỹ thuật canh tác, giải pháp kỹ thuật:

+ Tăng mật độ: Với cây ngô tăng mật độ ở mức 1.700 - 2.000 cây/sào Bắc bộ bằng cách trồng hướng lá ngô vuông góc với hướng luống trồng.

Với dưa hấu, dưa kim thực hiện tăng mật độ bằng giảm chiều rộng luống chỉ còn 1,8 - 2m đối với luống đôi và điều chỉnh quay ngược ngọn vòng về gốc rồi mới hướng ngọn bò ra giữa luống.

Với cây khoai tây: Cần phân loại củ để trồng sao cho đảm bảo khoảng 8 vạn củ/ha (đối với củ nhỏ) và 5 - 5,5 vạn củ/ha (đối với củ trung bình).

+ Giảm tỷ lệ thất thoát cây sau mưa lớn: Cần tiến hành làm vòm khum ni lông cao 0,8 - 1m che mưa cho các cây rau màu có chiều cao thấp. Lên luống cao 30 - 35cm (nhất là cây vụ đông sớm), đào hố các góc ruộng khoảng 1m3, nạo vẹt các dõng luống thường xuyên để tiêu úng kịp thời...

- Làm đất tối thiểu trồng cây vụ đông nếu đầu vụ thời tiết có mưa nhiều( cần xới xáo mặt luống cho thông thoáng bộ rễ cây sau này).

- Cải tạo đất và bón phân cân đối, hợp lý:

Đất trồng đòi hỏi cần phải được cải tạo mới phát triển cây vụ đông được thuận lợi. Do đó cần phải khắc phục thiếu hữu cơ cho đất bằng 3 cách:

+ Sử dụng phân vi sinh từ 40 - 60kg/sào để thay thế cho phân chuồng mục.

+ Sử dụng rơm rạ tươi, bèo tây ủ cùng men vi sinh hoặc vôi để trồng khoai tây, khoai lang hoặc ngô.

+ Sử dụng mùn rác thực vật ủ mục với chế phẩm men vi sinh.

Việc sử dụng phân bón tổng hợp NPK là hợp lý và cân đối hơn so với bón phân đơn. Cây trồng được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất sẽ phát triển thuận lợi, kháng sâu bệnh và chống chịu tốt hơn. Mặt khác, phân tổng hợp có đặc điểm phân giải chậm nên ít bị thất thoát, cây trồng không mấy khi thừa hoặc thiếu dinh dưỡng...

07-43-53_img_0347
Thu hoạch khoai tây vụ đông

 

- Chủ động tưới tiêu nước theo yêu cầu của từng loại cây trồng: Các giải pháp tưới nước nhỏ giọt, tưới ngầm, tưới phun mưa đang được nhiều vùng triển khai áp dụng. Song các vùng không chuyên canh vẫn có thể áp dụng cách tưới thủ công (dẫn nước vào các dõng luống) nhưng cần chú ý không để xảy ra hiện tượng thiếu hoặc thừa nước kéo dài.

- Bảo vệ thực vật hiệu quả: Các biện pháp dùng bẫy bả thu bắt côn trùng, sử dụng các chế phẩm nấm có ích để hạn chế bệnh cho cây đang được khuyến cáo áp dụng để nông sản an toàn... Sử dụng thuốc BVTV hóa học cần tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng.

Yếu tố quyết định nông dân có gắn bó với vụ đông hay không, là phụ thuộc vào thị trường. Do vậy, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đạt kế hoạch gieo trồng cây vụ đông, các địa phương cũng cần quan tâm xây dựng mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Có như vậy, những khó khăn trong sản xuất mới được tháo gỡ triệt để.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.