| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông giàu có

Thứ Ba 14/01/2014 , 10:43 (GMT+7)

Nhiều tỉnh triển khai kế hoạch ì ạch và quyết tâm lắm cũng chỉ đạt 50 - 60% SX vụ đông 2013 thì Hải Dương lại vượt.

Nông dân Hải Dương bước vào SX vụ đông 2013 khá may mắn nhờ mưa thuận gió hòa. Nhiều tỉnh triển khai kế hoạch ì ạch và quyết tâm lắm cũng chỉ đạt 50 - 60% thì Hải Dương lại vượt.

>> Về vùng hành lớn nhất miền Bắc

Riêng huyện Kinh Môn đặt kế hoạch 3.800 ha nhưng đạt tới 4.200 ha. “Vấn đề không phải là vượt kế hoạch mà căn bản là toàn bộ diện tích gieo trồng cây vụ đông đến thời điểm này đều được trời cho ăn. Như thế là vui sướng nhất”, ông Mai Văn Hòa, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Kinh Môn bộc bạch.

Cũng theo ông Hòa, ở Kinh Môn có truyền thống làm cây vụ đông, đặc biệt là 7 xã khu Nam. Vùng đó thuần túy nông nghiệp. Nếu như một vài nơi có hiện tượng bỏ ruộng thì mấy nghìn ha SX nông nghiệp ở 7 xã Lạc Long, Thăng Long, Hiệp Hòa, Quang Trung, An Phụ, Thượng Quận, Phúc Thành không một tấc để trống.

“Toàn bộ diện tích canh tác ở khu Nam được người dân SX quanh năm 3 vụ. Trong đó 2 vụ lúa với năng suất cao, sản lượng khá. Còn vụ đông được người dân kỳ vọng làm để tích lũy, để có cái làm giàu”, ông Hòa khẳng định.

Chia tay ông Hòa, chúng tôi tìm đến những cánh đồng bạt ngàn cây vụ đông ở Kinh Môn để cắt nghĩa điều đó. Những tia nắng hanh vàng không đủ ấm trong cái lạnh buốt giá của mùa đông nhưng đủ làm bừng sáng lên sức sống con người nơi đây.

Trên cánh đồng hành của xã Hiệp Hòa chúng tôi thấy người nông dân đang hối hả với những công việc hàng ngày của họ. Từng luống hành xanh sắp đến ngày thu hoạch được họ chăm chút nâng niu. Họ tính toán từng ấy luống hành thì bón bao nhiêu phân cho đủ, tưới bao nhiêu nước là vừa. Rồi nữa, những ruộng hành chỉ trong khoảng chục ngày nữa thu hoạch thì đồng nghĩa họ sẽ không phun thêm bất cứ loại thuốc sinh học nào để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.


Hành, cây làm giàu ở Kinh Môn

Điều mà người trồng hành ở Kinh Môn lo ngại lúc này không phải là thời tiết mà chính là thị trường tiêu thụ. Ông Nguyễn Đình Luyện ở thôn An Bộ, xã Hiệp Hòa cho hay: “Trồng hành trở thành một nghề SX chính ở quê tôi. Chúng tôi có truyền thống làm ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng tốt nhưng lại lo lắng về thị trường vì việc tiêu thụ hàng ngàn tấn hành lúc vào vụ của nông dân phụ thuộc vào thương lái”.

Lo lắng của ông Luyện cũng là băn khoăn của nhiều nông dân hiện nay. Song thực tế, những năm qua, người trồng hành ở Hải Dương không mấy khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm mặc dù giá lúc xuống lúc lên nhưng nhìn chung đại bộ phận người dân cho rằng, SX hành vẫn là có hiệu quả hơn cả.

Như gia đình ông Luyện có 8 sào ruộng thì ngoài 2 vụ lúa ra, năm nào ông cũng tiến hành trồng hành và luôn cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng/vụ trong khi chi phí bỏ ra cũng chỉ 20 triệu. Nếu đưa lên bàn cân thì rõ ràng trồng hành lãi gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa.

Để có được nguồn thu lớn từ giá trị vụ đông, điều mà người nông dân nơi đây đúc rút được chính là chớp lấy thời vụ để xuống giống kịp thời. “Làm vụ đông phải nắm bắt diễn biến thời tiết. Theo dõi thông tin thời tiết trên đài báo là yêu cầu bắt buộc của chúng tôi. Nắm chắc được thời tiết để xuống vụ kịp thời coi như ăn chắc 50% rồi. Cho nên có khi đầu góc ruộng này đang thu hoạch lúa nhưng ở góc ruộng kia xuống giống vụ đông”, ông Luyện vui vẻ nói.

Nghe vậy nên tôi hỏi, làm gần mẫu ruộng mà hai vợ chồng thì sao có thể chạy kịp thời vụ sáng lúa chiều hành xanh được hả bác? Ông Luyện cười khà và bảo: “Cả làng tôi giờ không dùng sức trâu, bò để làm ruộng nữa chú ơi. Ruộng được dồn lại theo thửa lớn. Việc SX sử dụng cơ giới hóa hiện đại. 8 sào lúa chỉ thu hoạch trong mấy phút đồng hồ là xong.

Trong chốc lát cả khu ruộng có thể được cày xới lật tung lên tạo thành hàng, thành luống. Chỉ chưa đầy 1 tuần lễ là cả cánh đồng lúa màu vàng được thay thế bằng bạt ngàn chồi non màu trắng của những mậm hành xanh”.

Lợi nhuận lớn

Đâu đó bỏ ruộng, bỏ làng nhưng ở nơi đây người nông dân họ gắn bó với đồng ruộng “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”. Rõ ràng ở vùng thuần túy nông nghiệp có một thứ sản phẩm hàng hóa truyền thống cũng tự hào lắm chứ. Vì thế, nói SX 3 vụ nhưng chỉ cần 1 vụ đông cũng đủ làm giàu không phải không có lý.

Vợ chồng chị Phan Thị Tứ ở đội 6 thôn An Bộ, xã Hiệp Hòa là một điển hình. Chồng quê Hải Dương, chị Tứ quê Vũ Quang, Hà Tĩnh. Hai người có thời gian dài làm công nhân may mặc ở miền Nam. Sau ngày cưới, anh chị sinh con trai được 1 tuổi thì gửi con về quê nội nhờ ông bà chăm sóc.

Vợ chồng quần quật quanh năm, làm tăng ca, thêm giờ ở xí nghiệp may mà cũng không tiết kiệm được gửi về nuôi con. Cách đây 4 năm, hai vợ chồng khăn gói về Hải Dương sống với ông bà và tiếp tục cái nghiệp mà họ đã lãng quên gần chục năm - làm ruộng. Gặp chị Tứ trên ruộng hành chuẩn bị thu hoạch, nghe tiếng Nghệ của tôi, chị nhận ra đồng hương. Thế rồi những gì về cuộc sống gia đình, về nghiệp làm nông chị tự sự với tôi tất cả.

Chị bảo: “Làm công nhân chân tay không lấm lem bùn đất nhưng khó có thời gian nghĩ ngơi và tích góp được. Giờ làm nông không vất vả như ngày xưa. Qua 3 vụ đông mà tôi trả hết nợ. Vụ đông năm ngoái mặc dù mưa bão gây thiệt hại nhưng nhờ được giá nên 6 sào hành vẫn bán được 60 triệu đồng. Số tiền đó, sau khi trừ chi phí SX, vợ chồng quyết định gửi vào ngân hàng được 40 triệu.

Vụ hành năm nay năng suất chắc sẽ tăng gấp rưỡi năm ngoái. Giá cả hiện tại chưa có biến động gì lớn nhưng nếu như giá bán của bà con bên huyện Nam Sách thì chắc chắn 1 sào hành vẫn có thể thu được 8 - 10 triệu đồng".

Chị Tứ dự kiến nguồn thu được từ vụ hành năm nay, ngoài trang trải cho cái Tết Nguyên đán tới đây được sung túc, chị sẽ dành phần lớn cho việc đầu tư sửa sang nhà bếp, xây dựng công trình phụ khép kín. Số còn lại sau khi trừ chi phí đầu tư, chị lại tiếp tục gửi vào ngân hàng.

Chị nói: “Thật không ngờ, làm nông bây giờ lại có tiền gửi vào ngân hàng. Nó chính là khoản tích góp có ý nghĩa mà mai này con trai lớn lên học hành, lúc tuổi già có thể lấy khoản đó ra đầu tư cho con ăn học”.

Gần chính Ngọ, chúng tôi có mặt ở đồng đất xã Lạc Long, huyện Kinh Môn. Nhiều người dân vẫn chưa về ăn cơm trưa, họ vẫn miệt mài trên những luống hành của mình. Gần đó, chúng tôi thấy có một hộ dân đang thu hoạch lứa hành sớm nên tiếp cận để hỏi. Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Tuyến thôn Kim Đậu. Vụ đông này, gia đình anh làm 8 sào hành.

Gia đình anh Tuyến là hộ thu hoạch hành sớm nhất ở xã Lạc Long trong vụ đông này. Anh bảo: “Có người đặt mua và thấy hành xuống dọc sớm nên tôi tính thu hoạch dần để bán. Hiện giá bán tại ruộng là 17.000 đ/kg. Theo tính toán của tôi thì làm lúa xác định lấy gạo để ăn, còn SX vụ đông là để có tiền tiêu và đầu tư cho những việc lớn. Vì thế người nông dân thuần túy như chúng tôi thì trồng hành mới khá lên được”.

Cũng theo anh Tuyến, chi phí đầu tư 1 sào hành hết khoảng 2 triệu đồng và năng suất đạt khoảng 4 - 5 tạ. Rõ ràng so với giá hiện tại thì phép tính hành hơn nhiều lần lúa mà anh Tuyến đưa ra không phải không có lý.

Có một thực tế ở Kinh Môn, người ta làm vụ đông là làm thêm nhưng là làm giàu vì nó có tích lũy và có điều kiện để đầu tư kiến thiết.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 3] Thời cơ cho vùng nắng gió

UBND tỉnh Tây Ninh vừa ban hành chiến lược phát triển chăn nuôi nói chung, yến nói riêng đến 2030 tầm nhìn 2045, mở ra cơ hội phát triển nghề yến vùng nắng gió này.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thủ phủ cam Cao Phong tái canh để cứu cây đặc sản

Cao Phong, Hòa Bình từng là thủ phủ cam nổi tiếng của miền Bắc nhưng khi giá bán hạ, bệnh phát sinh khiến địa phương này phải tính đến bài toán tái canh.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.