| Hotline: 0983.970.780

Vụ đông ở Ba Vì trắc trở

Thứ Năm 31/10/2013 , 10:25 (GMT+7)

Như nhiều địa phương khác ở miền Bắc, SX vụ đông 2013 tại huyện Ba Vì (Hà Nội) gặp nhiều trắc trở do thời tiết không thuận.

Như nhiều địa phương khác ở miền Bắc, SX vụ đông 2013 tại huyện Ba Vì (Hà Nội) gặp nhiều trắc trở do thời tiết không thuận.

Đạt khoảng 70%

Trên những cánh đồng có truyền thống SX vụ đông của huyện Ba Vì, chúng tôi không còn nhìn thấy những khuôn mặt vui tươi, hứng khởi của người nông dân như những vụ mùa trước nữa.

Điều này dễ lý giải, bởi những cơn mưa kéo dài liên tục trong suốt thời gian từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 (đúng thời điểm bà con làm đất và xuống giống vụ đông) đã làm cho đất nhão nhoét, dính chặt vào nhau, không thể cày ải, đánh luống gieo giống được. Nhiều thửa ruộng lúa sau khi gặt vẫn bỏ hoang, trơ gốc rạ vì lỡ vụ đông.

Ông Hứa Bá Trình, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết: Theo kế hoạch, vụ đông năm nay, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện khoảng 6.400 ha. Trong đó, những cây chủ lực vẫn là ngô (khoảng 2.000 ha); đậu tương (1.500 ha); khoai lang (1.500 ha); lạc (450 ha) và khoai tây (100 ha); còn lại là các loại rau như: su hào, bắp cải, bí…(với tổng diện tích khoảng 900 - 1.000 ha). Để đẩy mạnh diện tích trồng đậu tương và khoai tây, huyện có cơ chế hỗ trợ 50% giá giống cho bà con.


SX khoai lang vụ đông ở xã Đồng Thái

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mặc dù thời vụ gieo trồng vụ đông đã gần kết thúc, nhưng toàn huyện mới chỉ trồng được khoảng 4.500 ha (70,3% kế hoạch). Hiện tại, chỉ còn khoai tây và các loại rau là còn thời vụ. Bởi thế huyện đang chỉ đạo rốt rốt ráo các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các diện tích còn trống.

Theo ông Trình, hầu hết diện tích trồng cây vụ đông của huyện Ba Vì đều là đất 2 lúa + 1 màu. Vì thế, việc triển khai gieo trồng vụ đông muộn đối với các giống ngô, đậu tương, lạc để bù đắp vào các diện tích đất trống là điều không thể thực hiện được, do vướng cơ cấu mùa vụ.

Hiện tại, huyện đang xem xét có nên hỗ trợ giống để bà con trồng rau thay thế không? Bởi nếu SX rau quá ồ ạt, không tính đến nhu cầu của thị trường sẽ rất dễ dẫn đến giá cả sụt giảm mạnh, nông dân thất thu.

Nông dân buồn

Xã Tây Đằng là một trong những địa phương SX đậu tương vụ đông lớn nhất của huyện Ba Vì, nhưng trong vụ này, nông dân nơi đây cũng chịu thiệt hại nhiều nhất.

Ông Nguyễn Hồng Anh, Chủ nhiệm HTXNN Tây Đằng, nói giọng trầm buồn: “Năm nay, xã dự tính trồng khoảng 334 ha cây vụ đông, trong đó 150,5 ha đậu tương; 37 ha ngô; 10,5 ha khoai lang; 51 ha rau và các loại cây trồng khác, nhưng thời điểm này mới chỉ thực hiện được khoảng 70% kế hoạch.

Riêng diện tích thiệt hại cây đậu tương khoảng 30 - 35 ha do thời điểm từ 15 - 29/9, khi nông dân vừa hoàn thành xuống giống đậu tương trà sớm thì gặp trận mưa kéo dài liên tục gây thối rễ và chết”.

Để bù đắp diện tích đất trống này, định hướng của xã là vận động bà con trồng thay thế bằng cây rau đậu, bởi thời gian sinh trưởng của cây này ngắn.

Vừa đánh lại luống đất trồng thay thế giống cải bắp vào diện tích đậu tương bị chết, bà Nguyên Thị Hồng, 42 tuổi, thôn Bắc, xã Tây Đằng tâm sự: “Vụ đông năm nay nhà tôi trồng 2 sào đậu tương, 2 sào ngô thì toàn bộ diện tích đậu tương chết sạch, chẳng còn gì. Bỏ bao nhiêu công sức, tiền mua giống, phân bón lót giờ mất trắng. Đành trồng tạm vài luống rau lấy thức ăn qua ngày thôi vậy”.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Đoàn Văn Cầu, thôn Bắc cũng bị thiệt hại 2 sào đỗ, 1 sào lạc do mưa kéo dài dẫn đến chết úng. Anh Cầu thở dài: “Sắp tới đành phải tạm bỏ ruộng để lên thành phố làm thợ kiếm tiền thôi chú ạ”.

Rời xã Tây Đằng, tôi tìm về xã Đồng Thái, vùng SX khoai lang lớn nhất huyện Ba Vì. Ông Quý, Phó Chủ tịch xã Đồng Thái cho biết:

Theo kế hoạch, vụ đông năm nay xã triển khai trồng 230 ha khoai lang, nhưng đến thời điểm này giỏi lắm chỉ đạt khoảng 160 ha. Những năm trước, khoai lang, đậu tương, lạc phủ kín cả cánh đồng, nhưng năm nay khó làm đất, nông dân cũng chán nên gặt lúa mùa xong là bỏ không để chờ vụ chiêm.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Siết quản lý sâu đầu đen hại dừa

UBND tỉnh Bến Tre vừa có công văn yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa trước dấu hiệu gia tăng.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất