| Hotline: 0983.970.780

Vụ 'hai ông Chấn': 21 người bị thương lên tiếng

Thứ Hai 27/07/2015 , 09:36 (GMT+7)

Tất cả những người mà chúng tôi gặp đều khẳng định họ không được công an cho đi giám định thương tích, cho nên đến nay họ cũng không biết mình bị tổn hại sức khỏe bao nhiêu phần trăm.

Ngày 23/7/2015, chúng tôi tiếp tục trở lại xã Phú Phúc (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) để tìm hiểu về vụ án “Giết người” và “Tàng trữ trái phép vũ khí” xảy ra tại xã Phú Phúc ngày 29/11/1992. Đối tượng mà chúng tôi tìm gặp lần này là 21 người bị thương trong vụ án đó.


Hai anh em ruột Nguyễn Xuân Hùng và Nguyễn Xuân Trường, cùng bố là cụ Nguyễn Văn Năm (đã mất) đều bị thương trong vụ án xảy ra ngày 29/11/1992

Người đầu tiên chúng tôi gặp là anh Trần Quang Bình, người xóm 4 (Lý Nội) làng Nhân Phúc. Anh Bình năm nay 43 tuổi, tức là lúc bị thương, anh mới 20 tuổi. Anh Bình cho biết:

- Hôm đó gia đình tôi tổ chức trồng màu, nhưng cách bãi Bạc Hà khoảng 500 mét. Khi thấy rất nhiều dân Thanh Nga và dân Nhân Phúc tràn lên, lao vào nhau, tôi chạy đến đó để xem. Bên Thanh Nga có khoảng 5 đến 6 người. Tôi vừa chạy đến thì nghe tiếng nổ, khói mù mịt. Thấy 2 chân mình đau nhói, tôi thụp xuống rồi không đứng lên được nữa.

Nhìn sang, tôi thấy anh Trần Ngọc Ngọc nằm cách mình chừng 6 đến 7 mét, máu chảy đẫm người, còn anh Trần Văn Việt chạy được khoảng 30 mét thì gục xuống (anh Việt sau đó được xác định là đã chết). Người Nhân Phúc cũng chạy hết, bên Thanh Nga còn lại ba, bốn người, họ chỉ trỏ sang phía Nhân Phúc rồi bảo nhau “chúng nó chết 3 thằng”. Anh Hậu (người Nhân Phúc) là người ra bế tôi đầu tiên.

Từ lúc đó tôi ngất đi không biết gì nữa, đến sáng tỉnh lại, đã thấy mình nằm ở bệnh viện đa khoa Nam Định rồi. Tôi bị gãy cả hai chân. Nằm ở bệnh viện đa khoa Nam Định chừng 20 ngày thì tôi được chuyển về bệnh viện huyện Lý Nhân để bó bột. Sau 2 tháng thấy không được, lại đập ra bó lại, 4 tháng sau mới tháo bột.

- Trong thời gian anh nằm viện, công an có đến lấy lời khai không?

- Có đến. Sau khi tôi tháo bột về nhà rồi, họ còn triệu tập tôi nhiều lần nữa, lần thì lên công an huyện, lần thì lên công an tỉnh. Lên, họ bắt tôi viết tường trình. Tôi viết đúng sự thực như thế. Nhưng lần nào viết xong, họ cũng xé vứt đi, nói là không đúng sự thực. Cả chục lần như thế…

- Anh có được công an đưa đi giám định thương tích không?

- Không.

- Khi phiên tòa sơ thẩm được TAND tỉnh Nam Hà mở để xét xử vụ án này, anh có nhận được giấy triệu tập của Tòa không?

- Không.

Trong vụ án này, có một gia đình cả 3 bố con đều bị thương. Người bố là cụ Nguyễn Văn Năm, hai con là Nguyễn Xuân Hùng và Nguyễn Xuân Trường. Cụ Năm hiện đã mất. Anh Nguyễn Xuân Trường năm nay 45 tuổi, tức là lúc bị thương anh mới 22 tuổi. Anh Trường kể:

- Tôi bị vào cạnh sườn phía trước và một số mảnh lấm tấm khác. Bị xong, tôi chạy được chừng 10 mét lên đến gần đường to thì gục xuống. Anh Hùng tôi cũng bị một số mảnh vào đùi.

Bố tôi bị đứt động mạch phía trước đùi. Khi đưa bố tôi vào bệnh viện đa khoa Nam Định, bệnh viện giới thiệu ngay lên bệnh viện Việt - Đức trên Hà Nội. Nằm ở Việt - Đức 20 ngày thì họ đưa bố tôi về bệnh viện huyện Lý Nhân. Hai anh em tôi cũng phải điều trị một số ngày ở bệnh viện đa khoa Nam Định và bệnh viện huyện Lý Nhân.

- Ông cụ và hai anh em anh có được công an đưa đi giám định thương tật không?

- Không.

- Công an có đến lấy lời khai của anh không?

- Tôi được công an huyện, công an tỉnh triệu tập nhiều lần. Lên, họ bắt viết tường trình. Tôi đã viết đúng những gì mà tôi thấy. Nhưng cứ viết xong họ lại xé đi, bảo viết không đúng sự thật.

- Ngày mở phiên tòa sơ thẩm, 3 bố con anh có nhận được giấy triệu tập của Tòa không?

- Không. Chẳng ai được nhận cả.

Đặc biệt trong lần này, chúng tôi gặp được 2 người, và họ đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin rất đáng lưu ý. Thứ nhất là anh Trần Thanh Thu. Năm nay anh Thu 40 tuổi, tức là lúc bị thương, anh 17 tuổi. Anh Thu khẳng định:

- Không bao giờ tôi quên được. Buổi chiều ngày 29/11/1992 đó, khi dân hai làng xô xát. Tôi nhìn rõ Trần Văn Cự người làng Thanh Nga, mặc quần cụt, áo Na Tô. Cự vung tay ném một vật xì khói về phía dân làng Nhân Phúc. Lúc đầu tôi cũng không biết là vật gì. Chỉ khi có tiếng nổ, tôi mới biết đó là lựu đạn.

Thứ hai là chị Trần Thị Thúy. Chị Thúy là vợ anh Trần Văn Sáu. Anh Sáu cũng là người bị thương rất nặng trong vụ án. Chị Thúy cho biết:

- Chiều hôm 29/11/1992 đó, vợ chồng tôi trồng ngô ở bãi. Khi dân hai làng xô xát, tôi thấy anh Cự người Thanh Nga mặc quần cộc, áo Na Tô. Anh Cự cúi xuống một tý rồi đứng lên, ném vật gì đó sang phía dân làng Nhân Phúc. Còn vật đó có phải là lựu đạn hay không thì tôi không biết.

Tất cả những người bị thương trong vụ án mà chúng tôi gặp, đều khẳng định họ không được công an cho đi giám định thương tích, cho nên đến nay họ cũng không biết mình bị tổn hại sức khỏe bao nhiêu phần trăm.

Và tất cả đều không nhận được giấy triệu tập của cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm, với tư cách là người bị hại. Nên họ cũng không được ai bồi thường.

Một điều nữa mà ai cũng khẳng định, là khi ra viện, thì toàn bộ viện phí, thuốc men, ăn uống của họ đã được “một ai đó” chi trả. Họ không phải bỏ ra bất cứ đồng nào. Còn người chi trả đó là ai thì đến nay, sau 23 năm, họ vẫn chưa biết.

Chúng tôi sẽ còn trở lại với vụ án này, khi phát hiện thêm những tình tiết mới.

Vi phạm nghiêm trọng Bộ luật Tố tụng Hình sự

Về việc những người bị thương không được đưa đi giám định và không được triệu tập đến Tòa, chúng tôi đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Hồng Bách (ảnh), Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật hợp danh Hồng Bách & Cộng sự (đoàn LSTP Hà Nội).

Thưa luật sư, trong phiên tòa xử vụ án hình sự, HĐXX có bắt buộc phải triệu tập những người bị hại đến tòa không?

Trong phiên tòa xử vụ án hình sự, HĐXX phải triệu tập những người bị hại đến tòa. Căn cứ của điều khẳng định này là quy định tại điều 183; khoản 2, điều 39 và các điểm c, đ, khoản 2, điều 51; điều 19 Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS).

Trong vụ án “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí” xảy ra tại xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ngày 29/11/1992, có 1 người chết và 21 người bị thương. Những người bị thương cho biết: Trong quá trình điều tra, công an đã không đưa họ đi giám định thương tích.

Trong phiên tòa HSST ngày 23; 24; 25; 26/2/1994 do TAND tỉnh Nam Hà mở để xét xử vụ án trên, họ đã không nhận được giấy triệu tập đến tòa của HĐXX. Một số người biết có phiên tòa, đã đến tòa nhưng bị ngăn cản không được vào.

Luật sư bình luận về những sự kiện trên như thế nào?

Về việc cơ quan công an không đưa 21 người bị thương trong vụ án đi giám định thương tích: Căn cứ khoản 5, điều 44, Bộ luật TTHS năm 1988, thì trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định đối với 21 người bị thương để giám định tỷ lệ thương tích.

Việc giám định tỷ lệ thương tích vô cùng quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án, liên quan đến trách nhiệm hình sự cũng như trách nhiệm bồi thường của người gây ra thương tích.

Về việc không triệu tập 21 người bị thương đến Tòa và ngăn cản không cho họ vào dự: Theo thông tin quý báo cung cấp, thì 21 người bị thương trên được xác định là người bị hại.

Căn cứ điều 39, Bộ luật TTHS năm 1988, thì việc không triệu tập và ngăn cản không cho họ vào Tòa của TAND tỉnh Nam Hà đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền của người bị hại.

Hơn thế nữa, bằng việc ngăn cản không cho họ vào Tòa, thì TAND tỉnh Nam Hà đã vi phạm nguyên tắc xét xử công khai, được quy định tại điều 19, Bộ luật TTHS năm 1988, vi phạm nguyên tắc Bình đẳng trước Tòa, được quy định tại điều 20, Bộ luật TTHS năm 1988.

Xin cảm ơn luật sư!

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất