| Hotline: 0983.970.780

Vụ "hai ông Chấn": Những người trong cuộc nhớ gì?

Thứ Tư 01/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Chúng tôi trở lại xã Phú Phúc (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), và đã phát hiện thêm nhiều tình tiết mới./ Vụ án kinh hoàng

Sau loạt ba bài “Vụ án kinh hoàng”, “23 năm, bố nạn nhân vẫn liên tục kêu oan cho hung thủ” và “Ai là người thực sự ném trái lựu đạn” được đăng trên Báo NNVNvới một tít chung “Liệu có thêm hai ông Chấn?”, Trung ương đã có chỉ đạo xem xét lại vụ việc .

Cụ thể, ngày 12/6 và 19/6, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Chủ tịch nước có công văn gửi Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu xem xét lại vụ án “giết người” và “tàng trữ trái phép vũ khí” xảy ra tại xã Phú Phúc (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) ngày 29/11/1992.

Và chúng tôi trở lại xã Phú Phúc, đã phát hiện thêm nhiều tình tiết mới. Lần này, chúng tôi đã gặp được rất nhiều người, như các ông, bà Nguyễn Hữu Chinh, Trần Thế Huệ, Nguyễn Văn Quân, Trần Thị Thúy…, đều là người xóm 4 (Lý Nội) làng Nhân Phúc (tất cả những ý kiến dưới đây chúng tôi chỉ ghi lại nguyên văn, không có điều kiện kiểm chứng, vì vụ án xảy ra quá lâu, người còn người mất, ngay cả hai luật sư cũng đã mất...Chúng tôi cũng chưa gặp được những người trực tiếp tham gia điều tra, xét xử vụ án để xác minh thông tin người dân cung cấp). 

Tất cả đều cho biết, sau khi vụ án xảy ra, họ đã được các điều tra viên công an tỉnh Nam Hà triệu tập và dùng đủ cách, để họ phải khai theo ý của cơ quan điều tra, là có thấy Trần Văn Vót, Trần Ngọc Thanh có mặt ở hiện trường lúc xảy ra vụ án, và Thanh là người đã ném trái lựu đạn do Trần Văn Vót đưa.

Ông Nguyễn Hữu Chinh cho biết: Hôm đó (29/11/1992) tôi có mặt tại nơi xảy ra vụ án, nhưng chỉ đứng trên bờ. Sau đó, tôi bị cơ quan Cảnh sát Điều tra công an tỉnh Nam Hà triệu tập rất nhiều lần đến trụ sở ở TP. Nam Định...

Có một hôm, buổi trưa, có một anh mặc quần bò cộc, áo may ô, vào bảo tôi “Thằng Thanh, thằng Huệ đều nhận cả rồi, sao ông vẫn nói là không nhìn thấy nó?”. Và sau đó...

Một hôm khác, buổi sáng họ xích tay tôi, đưa ra một lệnh bắt và nói “chiều sẽ bắt”. Buổi chiều, anh Hồng, điều tra viên, bảo tôi “Ông người nhỏ bé như thế mà bị bắt vào trại, nó khoán mỗi ngày phải vác mấy chục tấn đá, có chịu nổi không? Chỉ hai tháng là ... chết. Mà tội của ông thì ít nhất cũng phải hơn chục năm”.

Sau đó, tôi bắt buộc phải viết lời khai là Thanh có mặt ở hiện trường lúc xảy ra vụ án, dù sự thực không phải vậy.

Ông Trần Thế Huệ, cũng là người xóm 4 (Lý Nội) nhớ lại: Tôi bị triệu tập rất nhiều lần, lên công an huyện, rồi công an tỉnh. Họ đều nói tôi phải nhận là có cùng Thanh, Đạt khiêng anh Bình vào nhà bác sỹ Tuấn nhưng tôi không nhận.

Sự thực là tôi có tham gia sơ cứu cho anh Bình, nhưng không có Thanh. Hôm cuối cùng, công an tỉnh làm việc với tôi từ 6h30 sáng đến 12 giờ trưa, họ cho tôi ra quán ăn cơm. Trong bữa ăn, một người bảo tôi: "Nhân danh người quê hương, tôi kêu gọi anh hãy viết đúng như những gì chúng tôi nói. Chúng tôi sẽ giữ kín thông tin để bảo vệ anh, và chúng tôi sẽ bắt thằng khác".

Cơm xong, họ lại tiếp tục làm việc với tôi, cũng chỉ có nội dung ấy, đến tận 7 giờ tối lại ra quán đó ăn cơm. Cơm xong, lại tiếp tục làm việc. Làm đến hơn 1 giờ sáng, lúc này đầu óc tôi mụ mị hết cả, không còn biết gì nữa.

Tôi bảo họ: "Tôi đi bộ đội, bị sức ép của bom. Giờ tôi không còn biết gì nữa đâu". Họ đưa một tờ giấy mà họ viết sẵn, bảo tôi ký. Tôi bảo tôi đồng ý ký, nhưng nếu có viết gì sai là lỗi của các anh chứ không phải lỗi ở tôi. Lấy được chữ ký của tôi xong, họ đưa tôi lên xe, bỏ cả cái xe đạp của tôi lên đó rồi đưa tôi về.

Anh Nguyễn Văn Quân, con trai ông Nguyễn Văn Tòng (ông Tòng là người đã thuê Trần Ngọc Thanh và một số người khác vác đất vào ngày xảy ra vụ án), cho biết:

- Hôm ấy, vác đất đến 5 giờ chiều thì mọi người nghỉ. Nhưng công an gọi tôi lên, bắt tôi xác nhận là Thanh có làm cho bố tôi vào ngày đó, nhưng 3 giờ chiều đã nghỉ và đi lên bãi (hiện trường vụ án). Tôi cãi là không phải vậy.

Nhưng họ bảo: Thằng Thanh nó đã khai như vậy rồi. Bây giờ mày khai thế là lệch đi, thì mày phải vào tù.

Vì chưa va chạm với pháp luật, chưa từng bị gọi lên công an bao giờ, lại sợ phải đi tù, nên tôi bắt buộc phải viết theo ý họ. Đêm ấy về nhà, tôi nghĩ ân hận quá, nên sáng hôm sau tôi bỏ nhà, lên nhà một anh bạn ở Hà Nội. Vài hôm sau, tôi kể cho anh bạn nghe việc đó.

Nghe xong, anh bạn đuổi tôi về vì sợ ở nhà đi tìm. Tôi về, thì quả nhiên như vậy. Thấy tôi đột ngột bỏ đi, cả nhà đang nháo nhác.

Chị Trần Thị Thúy, người có mặt ở hiện trường vụ án khi trái lựu đạn nổ, dù đã 23 năm, vẫn không nén được sự bức xúc:

 - Hôm xảy ra vụ án, vợ chồng tôi đều đang trồng ngô ở bãi. Lựu đạn nổ, chồng tôi là anh Sáu bị thương rất nặng (anh Sáu là 1 trong 3 nạn nhân bị thương nặng nhất trong tổng số 21 người Nhân Phúc bị thương hôm đó), phải đưa đi viện điều trị.

Một mình tôi phải vừa chăm chồng nằm ở bệnh viện, vừa lo cho hai đứa con nhỏ. Công an huyện gọi tôi lên, anh Sỹ, công an huyện, hướng dẫn tôi khai là có nhìn thấy Trần Ngọc Thanh có mặt ở bãi hôm đó, và là người ném trái lựu đạn. Tôi không nghe.

Anh Sỹ bảo: Sao em dại thế. Chồng mình bị thương nặng như vậy mà vẫn còn đi bao che cho kẻ làm hại chồng mình.

Tôi bảo: Thưa anh, chồng em là lao động chính trong gia đình. Giờ bị thương thế này, không biết chạy chữa đến bao giờ mới khỏi. Một mình em là đàn bà con gái, phải gánh vác hết mọi chuyện. Khó khăn chồng chất. Em căm cái thằng nó làm hại gia đình em lắm chứ. Nhưng em không phải vì thế mà khai gian cho người vô tội được. Thuyết phục mãi không được, rồi cuối cùng các anh ấy cũng thôi.

Chúng tôi sẽ còn trở lại với vụ án này, khi phát hiện thêm những thông tin mới.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm