| Hotline: 0983.970.780

Vũ khí bí mật chống Trung Quốc trên biển Đông: Trả giá chính trị

Thứ Tư 27/05/2015 , 09:51 (GMT+7)

Cái giá phải trả khi danh dự, uy tín mất đi có thể khiến Trung Quốc bị cô lập trước tòa án lương tri quốc tế, trước con mắt của người dân khắp nơi trên thế giới./ Cách nào ngăn Trung Quốc?

Theo các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), thậm chí trước khi một tòa trọng tài được triệu tập để giải quyết tranh chấp, Tòa quốc tế về Luật biển (ITLOS) có thể dùng những biện pháp tạm thời để buộc các quốc gia có biện pháp cụ thể bảo vệ quyền của các bên hoặc ngăn chặn những hành động gây hại môi trường biển.

Do vậy, có thể hiểu rằng ITLOS hoặc một một tòa trọng tài có thể yêu cầu Trung Quốc dừng lại hoặc điều chỉnh các hoạt động tôn tạo đảo nếu các cơ quan này thấy rằng hoạt động tôn tạo, xây đảo đang tạo ra những nguy cơ đối với môi trường biển.

Tiền lệ

Đã có những tiền lệ về một đề nghị theo khuôn khổ UNCLOS với những biện pháp tạm thời nhằm ngăn chặn những hành động có hại đối với môi trường bắt nguồn từ việc tôn tạo, xây đảo.

Năm 2003, Malaysia khởi kiện Singapore về các hoạt động cải tạo đất tại các vùng nước tranh chấp ở eo biển Johor. Malaysia đề nghị có các biện pháp tạm thời bao gồm việc đình chỉ mọi hoạt động cải tạo đất cho đến khi một tòa trọng tài ra được phán quyết.

Mặc dù ITLOS không đồng tình với đề nghị của Malaysia, đình chỉ các hoạt động tôn tạo của Singapore, tổ chức này yêu cầu các bên thành lập một nhóm hoạt động chung gồm các chuyên gia độc lập.

Nhiệm vụ của nhóm là nghiên cứu các tác động môi trường từ hoạt động cải tạo đất của phía Singapore và đề xuất những biện pháp giảm nhẹ phù hợp. Thêm vào đó, gác lại việc ra quyết định cuối cùng tại tòa, ITLOS yêu cầu Malaysia và Singapore chia sẻ thông tin và cùng ngồi lại đánh giá các nguy cơ.

ITLOS cũng yêu cầu Singapore hạn chế bất cứ hoạt động tôn tạo nào có thể gây nguy hại “không thể sửa chữa” tới quyền lợi chính đáng của Malaysia. Sau một năm, nhóm chuyên gia độc lập đã đề xuất một loạt biện pháp làm giảm nhẹ tác động môi trường, trở thành nền tảng cơ bản để hai bên tiến đến thỏa thuận cuối cùng.

Trung Quốc cho rằng các hoạt động cải tạo đất, xây đảo không gây hại tới môi trường biển, thậm chí họ còn nói các hoạt động này “làm lợi” cho các quốc gia vùng biển Đông thông qua việc theo dõi thời tiết hay hạ tầng phục vụ tìm kiếm, cứu hộ. 

Tuy nhiên, chuyên gia và giới chức các nước khác đưa ra những đánh giá hoàn toàn khác. Theo đại diện của Philippines tại Liên hợp quốc, hoạt động cải tạo đất (của Trung Quốc) “đang gây ra những hủy hoại quy mô lớn đối với sự đa dạng sinh học của vùng” và sẽ “tàn phá ở mức không thể phục hồi sự cân bằng sinh thái toàn vùng”.

Ngày 13/4/2015, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cáo buộc các công trình xây dựng của Trung Quốc đã hủy hoại hơn 121 ha dải san hô và làm thiệt hại 100 triệu USD/năm đối với kinh tế của các nước trong vùng.

Chính phủ Trung Quốc nói họ đã thực hiện đánh giá tác động môi trường để bảo vệ các hoạt động cải tạo đất, nhưng việc họ không công bố những đánh giá đó (nếu có) làm dấy lên thêm nhiều câu hỏi về việc Trung Quốc có tuân thủ các cam kết trong UNCLOS về sự minh bạch và hợp tác hay không.

Như vậy, một tòa án của UNCLOS có thể ít nhất là yêu cầu Trung Quốc minh bạch hơn trong các hành động và phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Câu hỏi không thể không được nêu trong một tiến trình kiện tụng là một tòa án quốc tế liệu có quyền đưa vụ kiện ra xét xử hay không. Đây là vấn đề chủ chốt trong vụ kiện mà Philippines phát động trong khi Trung Quốc từ chối tham gia.

Nguy cơ bị cô lập

Mặc dù Trung Quốc đã phê chuẩn UNCLOS, họ ra tuyên bố tự loại mình ra khỏi tiến trình giải quyết tranh chấp bắt buộc đối với các tranh chấp phân định ranh giới biển. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là họ có thể tự đặt mình ra khỏi các trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường biển.

Hơn nữa, trong vụ kiện Malaysia - Singapore, sự tồn tại xung đột của các tuyên bố về lãnh hải không cản trở việc thực thi các quy định để cân nhắc những hiệu ứng ngược xuất phát từ hoạt động cải tạo đất. Và như vậy, nếu Trung Quốc phải đối khẩu với một tòa trọng tài, rõ ràng họ sẽ cảm thấy lập trường của mình không vững vàng chút nào.

Tuy nhiên, tiến trình pháp lý có thể kéo dài hàng năm, trong khi đó Trung Quốc có thể tiếp tục các dự án xây dựng. Nhưng nếu tòa phán quyết rằng các tác động tiêu cực đến môi trường đã ở mức nghiêm trọng, tòa có thể ra lệnh thực thi các biện pháp tạm thời sớm, yêu cầu ngừng hoặc điều chỉnh mọi hoạt động nạo vét đáy biển và mở rộng đảo. Hoặc, trong trường hợp Malaysia và Singapore, tòa có thể yêu cầu có các chuyên gia độc lập đánh giá tác động và những biện pháp giải quyết.

Khả năng bị phán quyết bất lợi có thể khiến Trung Quốc phải điều chỉnh và cân nhắc “cái giá chính trị” của các hành động. Việc này cũng có thể tạo thêm động lực để ASEAN tiến đến một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) hoặc củng cố những nỗ lực ngăn chặn những hành động làm mất ổn định ở khu vực.

Mặc dù Trung Quốc cũng lên tiếng cho rằng các nước xung quanh cũng cải tạo đảo, nhưng điều ai cũng thấy là họ sẽ bất lợi hơn bởi quy mô và cung cách cải tạo đất của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều và khả năng gây nguy hại môi trường cũng lớn hơn rất nhiều lần. 

Hơn nữa, các quốc gia ven biển đều đã nhận thức được rằng biển Đông đang phải chịu một cuộc khủng hoảng môi trường với những hậu quả kinh tế nhãn tiền. Các nhà sinh vật học đánh giá, việc khai thác cá ở biển Đông phải giảm 50% để bảo vệ những loài chủ chốt, cho thấy đây là một vấn đề không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết.

Tất nhiên, cho dù như vậy, không có gì đảm bảo Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào đồng ý tuân thủ các phán quyết bất lợi. Sức mạnh phán xử của các cơ quan giải quyết tranh chấp của UNCLOS không được đảm bảo bởi vũ lực hay sự áp bức.

Tuy nhiên, cái giá phải trả khi danh dự, uy tín mất đi có thể khiến Trung Quốc bị cô lập trước tòa án lương tri quốc tế, trước con mắt của người dân khắp nơi trên thế giới, đồng thời đẩy các quốc gia tranh chấp gần hơn với Mỹ. Đây là điều họ không hề muốn tí nào. (Hết)

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Trồng cây cảnh lấy vui cũng có thu nhập bằng 1ha nhãn

HƯNG YÊN Chỉ với gần 100 chậu cây cảnh bày đặt trong sân nhà, năm nào ông Dinh cũng có thu nhập 40-50 triệu đồng, tương đương thu nhập từ thâm canh gần 1 ha nhãn.