| Hotline: 0983.970.780

Vụ lừa bán lao động ở Bình Định: Chuyện kể người trong cuộc

Thứ Tư 08/12/2010 , 10:11 (GMT+7)

Sau khi bị các “cò” lao động lừa bán cho các chủ vườn cà phê ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), trong suốt 10 ngày qua, 40 lao động ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn (Bình Định) phải sống trong tột đỉnh lo sợ và cơ cực.

Những nạn nhân ở xã Cát Hanh (Phù Cát) buồn bã kể chuyện với PV

Sau khi bị các “cò” lao động lừa bán cho các chủ vườn cà phê ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), trong suốt 10 ngày qua, 40 lao động ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn (Bình Định) phải sống trong tột đỉnh lo sợ và cơ cực.

Chiêu lừa ngọt ngào

Tây Nguyên đang vào vụ hái cà phê, các chủ vườn “khát” lao động như trời hạn mong mưa. Thực tế này đã làm nảy sinh nghề “cò” lao động. Một số kẻ “bất nhân” đi về các vùng nông thôn ở Bình Định giở chiêu “lừa" bằng những lời hứa hẹn mức thu nhập cao nếu theo họ lên Lâm Hà (Lâm Đồng) hái cà phê. Trong thời điểm Bình Định đang ngập chìm trong mưa lũ, lao động thất nghệp dài dài, không ai cầm được lòng trước những lời chiêu dụ ngon ngọt đã khăn gói lên đường.

Trong những ngày cuối tháng 11/2010, nhiều vùng quê của xã Cát Hanh (Phù Cát - Bình Định) bỗng xôn xao khi có 2 người đàn ông xưng tên Đông và Cư về rảo quanh các thôn xóm với tư cách là người đi tuyển dụng lao động hái cà phê ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) của Cty Giới thiệu việc làm (GTVL) Hiếu Nghĩa. Mức lương họ đưa ra rất hấp dẫn: 3,5 triệu đồng/người/tháng cho lao động nam và 3 triệu đồng/người/tháng cho lao động nữ. Tiền xe, chi phí ăn uống dọc đường cũng được những người tuyển dụng lao động lo chu đáo.

Đang ăn không ngồi rồi bỗng dưng có công việc, lại thu nhập cao, người này rỉ tai người nọ, hàng chục lao động ở địa phương này lập tức nhận lời. Có gia đình đóng cửa đi cả vợ chồng, con cái. 3 giờ chiều ngày 28/11, sau khi gom đủ số lượng, chiếc xe khách mang biển kiểm soát 49 đến tận địa phương đón lao động. Người người hồ hởi lên xe với những gương mặt phấn khởi, cầm chắc Tết năm nay gia đình mình sẽ được ăn Tết sung túc nhờ vào thu nhập của chuyến đi này.

Đến 3 giờ sáng hôm sau (29/11), khi xe thả người lao động xuống huyện Lâm Hà trong sự “đón tiếp” rất “xã hội đen”, mọi người mới hiểu ra mình đã bị lừa.

Người lao động chuẩn bị hồi hương tại bến xe Lâm Hà

Trở mặt làm trái

Chiều ngày 6/12, khi đoàn công tác của huyện Phù Cát vừa đưa các lao động bị lừa trở về địa phương, chúng tôi có mặt tại xã Cát Hanh để gặp các nạn nhân. Anh Trần Văn Minh (1965) ở xóm Hanh Mai, thôn Vĩnh Trường (Cát Hanh) kể: “Chiều ngày 27/11, 2 người tự xưng là nhân viên tuyển dụng lao động của Cty GTVL Hiếu Nghĩa đến nhà tôi, nhờ tôi giới thiệu cho họ một số lao động đi hái cà phê ở Lâm Hà với mức lương cao. Riêng tôi, để trả công giới thiệu lao động họ sẽ trả tôi mức lương 4 triệu đồng/tháng. Mặc dù không giới thiệu được lao động nhưng tôi quyết định theo họ đi làm kiếm tiền tiêu Tết".

Chiều 28/11, xe của những người tuyển dụng lao động đến thôn Tân Xuân và thôn Hòa Hội đón lao động. Trong số 40 lao động đi chiều hôm ấy có 3 người ở huyện Phù Mỹ và 4 người ở huyện Hoài Nhơn. 11 giờ đêm 28/11, xe dừng ăn cơm. Đến 3 giờ sáng ngày 29/11 xe đến 1 địa điểm thuộc huyện Lâm Hà. Tại 1 căn nhà nhỏ đã có sẵn hơn 10 chủ vườn đang đợi xe về nhận lao động.

Đón tiếp lực lượng lao động từ Bình Định lên là 2 ông mặc đồ “rằn ri”, gương mặt bặm trợn kèm theo những lời hăm dọa: Nếu ai không ngoan ngoãn, phản đối lại sự phân công lao động thì sẽ bị ăn đòn. Lúc này, họ nhận ra mình chẳng khác gì những nô lệ thời cổ đại. Các chủ vườn “ngắm nghía”, đánh giá sức khỏe từng người, rồi chọn. Khi chủ vườn nhận lao động phải chi trả cho 2 “cò” khoản tiền 1.250.000đ/lao động về các khoản: tiền xe, chi phí ăn uống dọc đường và phí giao dịch. Những người lao động bỗng tá hỏa khi nghe các chủ vườn công bố mức lương cho lao động nam chỉ có 2 triệu đồng/người/tháng và lao động nữ chỉ 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Rồi những con người khốn khổ kia càng tá hỏa hơn khi các chủ vườn công bố khoản tiền 1.250.000đ/lao động mà họ vừa trả cho “cò” trên sẽ được trừ vào tháng lương đầu tiên của mỗi lao động. Thời gian hái xong vườn cà phê của chủ vườn chỉ chừng 1 tháng, sau khi bị trừ đầu trừ đuôi người lao động chỉ còn 2 bàn tay trắng. Mà công việc làm thì cơ cực như lao động khổ sai. 

“Cò” Đông (người ngồi hàng trên, bên trái)

Ông Huỳnh văn Thủy (58 tuổi) cũng ở xóm Hanh Mai, thôn Vĩnh Trường (Cát Hanh - Phù Cát) kể thêm: “Tôi và anh Trần Văn Minh được 1 chủ vườn nhận làm. Mặc dù suốt đêm thức trắng nhưng ngay chiều hôm sau (ngày 29/11) chúng tôi đã phải bắt tay vào việc. Chúng tôi đã quen với việc lao động cực nhọc nhưng công việc ở đây khiến chúng tôi hoảng ngay trong những ngày đầu. 4 giờ rưỡi sáng mỗi ngày chúng tôi phải dậy để sạt cà phê. Vừa sáng được cho ăn cơm rồi tiếp tục đi vào vườn hái cà phê đến 11 giờ rưỡi trưa. Vừa xong bữa trưa, không được nghỉ lưng chút nào chúng tôi lại phải đi phơi cà phê cho chủ. Tiếp đến lại đi hái cà phê cho đến chiều tối. Chúng tôi bất mãn muốn bỏ việc thì chủ vườn bảo trước khi nghỉ phải trả lại khoản tiền 1.250.000đ mà họ đã trả cho “cò”. Ai đời đi làm mướn chưa nhận được đồng lương nào đã bị mang nợ”.

Nhưng lao động muốn trốn khỏi chỗ này cũng không dễ, bởi khi mới về đến nơi, các chủ vườn lập tức tịch thu hết giấy tờ tùy thân của người lao động. Anh Hà Văn Thung nói trong nước mắt: “Tôi làm nghề phụ hồ mỗi ngày cũng được 80-85 ngàn/ngày. Năm nay trời mưa dai quá, tôi bị thất nghiệp dài ngày, nghe nói đi hái cà phê có thu nhập cao vợ chồng tôi gửi con cho họ hàng trông nom dùm, đóng cửa cùng đi làm. Vợ chồng tôi được ông Nông Văn Quỳnh ở thôn Đoàn Kết, xã Đan Phượng, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) nhận làm. Khi về rẫy, ông Quỳnh đưa hợp đồng giữa ông và các “cò” ra tôi mới biết mức lương của tôi theo hợp đồng chỉ có 1,7 triệu đồng/tháng và lương của vợ tôi chỉ 1,5 triệu đồng/tháng. Nản quá, vợ chồng tôi muốn bỏ trốn nhưng giấy tờ đã bị chủ vườn giữ hết, lại không biết đường, với lại quanh rẫy luôn có người canh chừng nên chúng tôi đành cam chịu. Đến khi thấy chính quyền địa phương của huyện Phù Cát lên tận nơi đưa chúng tôi về, mừng quá vợ chồng tôi đã bật khóc".

Người lao động được tập trung về huyện Lâm Hà

Phản ứng nhanh

Theo nguồn tin từ 2 huyện An Lão và Hoài Nhơn, đến sáng ngày 7/12, khoảng 100 lao động của 2 huyện này vẫn còn bị kẹt tại các vườn cà phê ở Tây Nguyên, trong đó có 10 lao động đã được người nhà giải cứu bằng cách dùng tiền chuộc với số tiền gần 30 triệu đồng.

Ông Trần Hữu Hộ - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn cho biết, Công an huyện này đang xác minh cụ thể số lượng, nơi đang làm việc của số lao động bị lừa, sau đó sẽ thành lập đoàn công tác lên giải cứu như ở huyện Phù Cát.

Ông Nguyễn Minh Phụng - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho hay: “Ngày 2/12 chúng tôi nhận được tin phản ánh của thân nhân một số lao động ở Lâm Hà, ngay trong đêm ấy huyện đã thành lập tổ công tác về ngay địa phương để xác minh. Sau khi khẳng định sự việc trên là có thật và thống kê đầy đủ tên của số lao động đi Lâm Hà, sáng ngày 3/11 chúng tôi thành lập đoàn công tác gồm CB Phòng LĐ-TBXH và Công an huyện lên làm việc với huyện Lâm Hà. Kinh phí chưa có, chúng tôi ứng tiền túi để chi phí. Chúng tôi lo khi đã bị động, chậm 1 ngày lao động của mình sẽ bị họ “tẩu tán” mất”.

Ông Vũ Văn Nghiêm-  Trưởng phòng LĐ-TBXH huyện Phù Cát cho biết thêm: “Lên đến nơi, mặc dù đang đêm nhưng nhờ sự chỉ đạo kiên quyết của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, các ngành chức năng của huyện Lâm Hà đã phối hợp với đoàn công tác của huyện Phù Cát làm việc ngay với Cty GTVL Hiếu Nghĩa, đề nghị đơn vị này tập trung các “cò” lao động lại và buộc các “cò” phải đưa đủ số lao động tập trung về ủy ban. Sau đó chúng tôi hỏi ý kiến người lao động, ai đăng ký hồi hương thì ký tên vào danh sách. Loáng chốc, danh sách 40 lao động đầy ắp chữ ký. 17 giờ chiều ngày 6/12, chúng tôi đã đưa toàn bộ số lao động nói trên về nhà an toàn”.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất