| Hotline: 0983.970.780

Vụ lừa bán lao động ở Bình Định: Nỗi lòng những người trở về từ đất “Cam”

Thứ Hai 20/12/2010 , 10:31 (GMT+7)

Câu chuyện trở nên bi đát hơn, khi lên đến Lâm Đồng, một số lao động này lại tiếp tục bị lừa bán sang Campuchia.

 2 nạn nhân Đinh Thị Ô (tóc dài) và Đinh Thị Phong ở xã An Vinh (An lão)

Cũng với chiêu dụ “trả công hậu hĩnh” khi lên Lâm Đồng hái cà phê, đầu tháng 11/2010, những cò lao động ở xứ sở cà phê về đến tận huyện miền núi An Lão (Bình Định) chiêu mộ người làm thuê (NNVN số ra ngày 8/12 đã có bài " Vụ lừa bán lao động ở Bình Định"). Tuy nhiên, câu chuyện trở nên bi đát hơn, khi lên đến Lâm Đồng, một số lao động này lại tiếp tục bị lừa bán sang Campuchia.

>> Vụ lừa bán lao động ở Bình Định: Chuyện kể người trong cuộc

Bỗng dưng thành nô lệ

Anh Đinh Văn Cư (1982), dân tộc Hrê, ở thôn 7, thị trấn An Lão là 1 trong 4 nạn nhân ở địa phương này bị lừa qua tận nước bạn Campuchia nhớ lại: “Sáng 5/11/2010 tôi cùng mấy người bạn đang ngồi tại một quán nước ở làng Đất Dài thuộc thị trấn An Lão thì gặp Hà Trọng Phúc quê ở Thanh Hóa, đang cư trú tại quê vợ ở thôn 4 (An Trung-An Lão) ghé vào quán. Vừa gặp nhau Phúc đặt ngay vấn đề với tôi là cùng rủ một số thanh niên trong làng lên Lâm Đồng hái cà phê. Tiền công sẽ được trả hậu hĩnh, 2,5 triệu đồng/người/tháng với lao động nữ và 3 triệu đồng/người/thángvới lao động nam. Mọi khoản chi phí tàu xe đi về, ăn ở trong quá trình đi lao động tại Lâm Đồng sẽ được chủ thuê lao động chi trả không hoàn lại”.

Tin vào lời đường mật, cũng như hàng chục lao động đã bị lừa khác mà NNVN từng đề cập trong số báo trước (ngày 8/12), 36 lao động là đồng bào dân tộc Hrê ở các xã An Vinh, An Dũng, An Trung, An Quang và thị trấn An Lão đã khăn gói lên đường vào Lâm Đồng. Tuy nhiên, khi vào đến đó, họ đã bị đối xử như tù nhân và làm việc như nô lệ. 

Anh Cư kể thêm: Đến Lâm  Đồng, chúng tôi bị những kẻ môi giới và ông chủ "bán trao tay".  Tôi và 3 người khác cũng quê gồm Cư, Thật, Ô, Phong cùng hai người khác là Đinh Thị Trâm (1986, dân tộc Hrê) ở xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) và Bùi Văn Thuận (1994, dân tộc Mường) ở xã Nguyệt Án, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) là 2 lao động được vợ chồng ông chủ tên Đà mua và bắt làm việc quần quật cho họ, không kể giờ giấc, nắng mưa. Từ việc cắt cỏ đến làm đất, hái bí, làm cỏ đậu, hái cà phê... Họ hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, xem ra, những người bị đưa đến làm khổ sai tại Lâm Đồng vẫn còn may mắn hơn, bởi trong đoàn quân lao động đó, không ít người đã bị đưa bán sang tận Campuchia.

Kể lại hành trình cay đắng đó, anh Cư cho hay: Một hôm, ông Đà đi Châu Đốc (An Giang), sau đó gọi điện về bảo vợ đưa hết những lao động nói trên đi vào huyện Châu Đốc. Vợ ông Đà bảo với các lao động là đi cắt lúa với tiền công cao hơn và sẽ được trả lại tiền, vàng và điện thoại. Lúc đầu những lao động trên từ chối không đi nhưng vì trong túi không tiền, không biết đường về nhà, không liên lạc được với ai nên đành chấp nhận đi theo. 23 giờ đêm 22/11, ông Đà đón lao động tại Châu Đốc rồi đưa họ xuống một chiếc ghe máy do một người lạ mặt đưa đi đến 1 cồn đất.

 “Khi chúng tôi đang ở đó, thỉnh thoảng có một vài chiếc ghe máy ghé vào cồn, họ nói chuyện với ông Đà bằng thứ tiếng “lạ” rồi họ đưa cho ông Đà nhiều tờ tiền “lạ” sau đó bỏ đi. Ở lại trại lá trên cồn đất 5 ngày nhưng không bị sai bảo gì, ông Đà lại thường xuyên đi vắng, tôi nghĩ 6 anh em chúng tôi chắc đã tiêu đời kể từ đây" - anh Cư nhớ lại.

Thoát thân nhờ lòng từ tâm

Cô gái Hrê Đinh Thị Phong nói trong nước mắt: “Em sợ lắm rồi, từ bây giờ có đói mấy em cũng ở nhà làm rẫy với cha mẹ thôi, không dám đi làm xa nữa đâu. Em sẽ biết ơn bà Hồng Điệp suốt đời, không có bà ấy giúp giờ này không biết cuộc đời em sẽ ra thế nào”.
Cô gái Đinh Thị Ô kể thêm: “Một hôm, có một chiếc ghe máy ghé vào cồn, một phụ nữ người Việt, đã đứng tuổi, tự xưng là Hồng Điệp đến gặp ông Đà để hỏi nợ. Lúc đó 3 người nam đã đi đánh cá, chỉ có 3 chị em chúng tôi ở lại trại. Tôi và chị Đinh Thị Phong tiếp cận bà chủ ghe, kể hoàn cảnh rồi van nài bà Hồng Điệp cứu giúp. Động lòng thương, bà Điệp cho tôi và chị Phong lên ghe rồi đưa về đồn biên phòng 941 thuộc tỉnh An Giang. Riêng chị Đinh Thị Trâm vì sợ ông Đà bắt lại, hành hạ như lời hăm dọa nên không dám bỏ trốn cùng chúng tôi”.

Nhận được thông tin từ Ô và Phong, 2 ngày sau, Bộ đội biên phòng cửa khẩu 941 phối hợp với cảnh sát Hoàng gia Campuchia bắt được tên Đà. Lúc này tên Đà lộ diện danh tính là Dương Duy Vũ, quê ở tỉnh Quảng Ngãi. 4 lao động còn lại trên cồn đất được giải cứu và được Bộ đội biên phòng đưa về thị xã Long Xuyên.

Ngày 3/12/2010, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Định và UBND huyện An Lão nhận được công văn số 618/LĐ-TB-XH tỉnh An Giang đề nghị tiếp nhận 4 nạn nhân ở huyện An Lão được giải cứu từ Campuchia trở về. Công văn có đoạn nêu: “Do phần lớn nạn nhân là người dân tộc thiểu số không có tiền tàu xe về quê quán, nạn nhân không nắm rõ lộ trình trở về. Do đó có thể gặp nhiều nguy hiểm trên đường đi”. Ngay sau đó huyện An Lão đã cử người vào tỉnh An Giang tiếp nhận và đưa 4 lao động trên trở về đoàn tụ với gia đình.

Rời xã vùng cao An Vinh (An Lão), gương mặt còn nguyên vẻ hoảng hốt của 2 cô gái Đinh Thị Ô và Đinh Thị Phong cứ mãi ám ảnh chúng tôi. Vừa thấy người lạ vào nhà các cô gái kia đã đùng đùng bỏ chạy. Thế mới biết sự cố vừa xảy ra đã làm nên vết thương lớn trong lòng các cô gái miền cao có tâm hồn trong veo như suối rừng.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.