| Hotline: 0983.970.780

Vụ thu hồi đất rừng tại Tân Kỳ, Nghệ An: Vì đất mất nghĩa

Thứ Năm 22/03/2018 , 09:50 (GMT+7)

Đã từng chén tạc chén thù, từng hỗ trợ vốn liếng làm ăn, vì tranh chấp 1,5ha đất rừng, họ phải đưa nhau đến chốn công đường. Còn những người cầm cân nảy mực lại không công bằng trong xử lý vụ việc!

Cho mượn đất không văn tự?

Năm 1995, sau khi nhận bàn giao một số diện tích đất rừng từ lâm trường Tân Kỳ, UBND xã Nghĩa Bình cho “đấu thầu” tài sản trên đất gồm 12ha rừng mỡ tái sinh. Ông Nguyễn Văn Hảo, công dân xóm 8 xã Nghĩa Bình là người trúng thầu. Đến năm 1999, trên cơ sở diện tích rừng đấu thầu và căn cứ theo nhu cầu của hộ gia đình, UBND huyện Tân Kỳ có quyết định giao 47ha đất lâm nghiệp cho ông Nguyễn Văn Hảo.

khe-ct113358305
Khe Cát, nơi phân định ranh giới đất trại bò và đất ông Hùng vẫn còn

Ngày 20/11/2003, ông Nguyễn Văn Hảo viết giấy chuyển nhượng toàn bộ diện tích trên cho em trai là Nguyễn Văn Hùng, trú tại xóm 9, xã Nghĩa Bình. Năm 2006, UBND huyện Tân Kỳ cấp GCN QSDĐ thửa đất số 415, tờ bản đồ số 2, tại khu vực Hố Trù, diện tích 50,4929ha, cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng.

Trước đó, năm 1994, ông Nguyễn Trường Cửu và tổ liên doanh trại bò, thuộc công dân xã Nghĩa Đồng đã lập dự án chăn nuôi gia súc thuộc khu vực Khe Dọc (giáp Hố Trù) với tổng diện tích 550ha. Đây là diện tích đất thuộc địa phận hành chính xã Nghĩa Bình, được UBND huyện Tân Kỳ ra chủ trương cắt cho xã Nghĩa Đồng mượn để phát triển kinh tế.

Sau khi nhận đất, tổ liên doanh trại bò xây dựng lán tạm trên phần đất được giao, gần khu vực Khe Cát. Quyết định giao đất của Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đồng cũng ghi rõ, phần đất giao cho tổ liên doanh trại bò phía bắc giáp Khe Cát.

Theo đơn gửi các cơ quan chức năng của ông Nguyễn Văn Hùng, do mối quan hệ làm ăn thân thiết, tổ liên doanh trại bò mượn 300m2 thuộc phần đất ông Hảo để xây dựng nhà bảo vệ trại. Đổi lại, trại bò sẽ hỗ trợ ông Hảo bảo vệ diện tích rừng được giao. Hai bên thỏa thuận miệng mà không có giấy tờ làm bằng. Đến năm 1996, liên doanh trại bò xây dựng nhà, công trình phụ, trại tạm trên phần đất mượn.

Một nhân chứng trước đây là công dân xã Nghĩa Đồng (nay là công dân xóm 12 xã Nghĩa Bình) đến vùng đất này từ những ngày đầu cho biết, phần đất của ông Hảo (sau này thuộc đất ông Hùng) và trại bò được phân định bởi Khe Cát đến nay vẫn còn nguyên. Khi vào lập trại (khoảng tháng 10/1993), liên doanh dựng lán trại tạm trên phần đất được dự án phê duyệt, năm 1996 mới xây nhà trên phần đất hiện nay đang tranh chấp. Nhân chứng này cũng cho biết, không chỉ tranh chấp phần đất với ông Nguyễn Văn Hùng, liên doanh trại bò còn tranh chấp đất rừng với cả hai hộ giáp ranh khác. Tuy nhiên, quá trình hòa giải, phía liên doanh đuối lý nên bỏ cuộc.

ket-lun-gim-dinh113510710
Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự

Ông Trần Văn Sơn, cán bộ lâm nghiệp (nay là Trưởng công an kiêm lâm nghiệp xã Nghĩa Bình), người trực tiếp giao đất thực địa cho ông Nguyễn Văn Hảo cũng khẳng định, ranh giới giữa trại bò và đất của ông Hùng là Khe Cát nay vẫn còn. Thời điểm giao đất, trên phần đất đang tranh chấp chưa có ngôi nhà và các công trình phụ như hiện nay.
 

Ai giả mạo chữ ký biên bản vay tiền - đổi rừng

Suốt quá trình ở trên phần đất hiện đang tranh chấp, phía trại bò xây dựng thêm lán trại, trồng cây, giữa hai bên xảy ra xô xát. Tuy nhiên, trại bò nhất quyết không tháo dỡ nhà và lán trại. Theo đơn gửi cơ quan chức năng, ông Hùng trình bày, năm 2005, sau khi nhận đơn, UBND xã Nghĩa Bình đã xuống làm việc và xác nhận chủ trại bò lấn chiếm đất của gia đình ông nhưng rốt cuộc họ vẫn không chịu trả lại đất.

Cực chẳng đã, ông Hùng gửi đơn lên UBND huyện Tân Kỳ nhưng việc hòa giải không thành. Sau đó ông Hùng tiếp tục gửi đơn lên Tòa án Nhân dân huyện Tân Kỳ. Lúc này, ông Nguyễn Trường Cửu (đại diện trại bò) đưa ra biên bản xác nhận về việc vay tiền và bán đất rừng mỡ khu vực Khe Cát (thuộc phần đất đang tranh chấp). Theo biên bản này, vào ngày 5/7/1996, ông Hảo vay của tổ trại bò 3,3 triệu đồng. Trong số này, ông Hảo chỉ phải trả lại 1,5 triệu đồng; số tiền còn lại đổi ngang 1,5ha rừng mỡ khu vực Khe Cát. Trong biên bản này, ngoài chữ ký của đại diện bên cho vay là ông Thái Văn Sơn còn có chữ ký của ông Nguyễn Văn Hảo và xác nhận của Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ là ông Võ Đình Môn.

i-gi-mo-chu-ky-ong-nguyen-vn-ho113452127
Ai đã giả mạo chữ ký ông Nguyễn Văn Hảo?

Căn cứ theo biên bản này, cơ quan chức năng tổ chức hòa giải nhưng không thành. Còn ông Nguyễn Văn Hảo khẳng định, ông có vay tổ trại bò số tiền 1,8 triệu đồng để làm ăn nhưng khi đem trả, đại diện trại bò từ chối không nhận. Hai bên không lập biên bản cho vay tiền - đổi rừng và bản thân ông cũng không ký vào biên bản trên. Để làm rõ vấn đề, ông Hảo đề nghị cơ quan chức năng giám định chữ ký.

Để giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất, ngày 5/5/2017, Tòa án Nhân dân huyện Tân Kỳ quyết định trưng cầu giám định chữ ký của ông Nguyễn Văn Hảo. Ngày 28/6/2017, Viện Khoa học hình sự - Tổng cục Cảnh sát có văn bản số 180/C54-P5 khẳng định, chữ ký trong biên bản xác nhận về việc vay tiền và bán đất rừng mỡ khu vực Khe Cát không phải do ông Nguyễn Văn Hảo ký.

Thế nhưng, khi việc giám định khẳng định ông Hảo không ký vào biên bản xác nhận về việc vay tiền và bán đất rừng mỡ khu vực Khe Cát thì đến nay Tòa án Nhân dân huyện Tân Kỳ vẫn chưa đưa vụ việc ra xét xử. Không hiểu vì lý do gì, ngay sau đó, UBND huyện Tân Kỳ lại thành lập đoàn kiểm tra xác minh việc cấp GCN QSDĐ cho ông Nguyễn Văn Hùng. Căn cứ theo kết quả kiểm tra xác minh, UBND huyện Tân Kỳ đã ra quyết định thu hồi, tiêu hủy GCN QSDĐ mang tên Nguyễn Văn Hùng - Nguyễn Thị Tâm.

Liệu cách giải quyết vụ việc của cơ quan chức năng huyện Tân Kỳ đã đã hợp tình, hợp lý?

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất