| Hotline: 0983.970.780

'Vua biệt dược" phòng the

Thứ Năm 21/02/2013 , 09:57 (GMT+7)

Mỗi năm chữa vô sinh cho hàng trăm người, mế Tăng Thị Mụi, bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa được mọi người đặt cho cái tên trìu mến “Vua biệt dược phòng the”.

Mỗi năm chữa vô sinh cho hàng trăm người, mế Tăng Thị Mụi, bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, Thanh Hóa được mọi người đặt cho cái tên trìu mến “Vua biệt dược phòng the”.

70 năm bốc thuốc vô sinh

Đã ở cái tuổi 94 nhưng một tháng mế phải lên núi ít nhất vài lần để tìm những cây thuốc chữa bệnh vô sinh cho mọi người. Mế bảo, ở đây không ai biết loại thuốc này cả. Bản thân mế cũng được bố mẹ truyền lại rồi cứ thế lên rừng tìm về mà làm. Nhưng giờ cây thuốc cũng hết dần, có khi mế đi một chuyến mấy ngày mới về.

Trước đây nhà mế ở tận bản Pù Quăn cao chót vót, chính vì vậy người ta không biết đến mế chữa được bệnh vô sinh. Mế chỉ chữa cho anh em trong dòng tộc và dân bản Pù Quăn. Bản Pù Quăn ngày đó chỉ có gần trăm hộ dân, không hiểu sao con cháu trong bản rất khó sinh con. Có gia đình lấy nhau cả chục năm nhưng vẫn không đẻ được đứa nào, vậy mà qua tay mế là được luôn.

Tiếng lành đồn xa, mọi người biết tới mế một nhiều. Cứ ai hiếm con đều tìm đến mế Mụi. Cái nghiệp bốc thuốc vô sinh đã gắn với mế ngót nghét 70 năm nay. Nhưng sự nổi danh của mế được nhiều người từ Bắc chí Nam biết đến là từ khi gia đình mế hưởng ứng cuộc vận động của huyện Mường Lát, cùng với nhiều hộ gia đình khác chuyển xuống nơi ở mới, sát con đường vào thị trấn (bản Hạ Sơn bây giờ).

Khi chúng tôi đến, trong nhà mế đang có một phụ nữ 22 tuổi, trên tay bồng đứa con trai kháu khỉnh. Mế bảo đó là thành quả của loại thảo dược này đấy. Người phụ nữ đó là Triệu Thị Máy, bản Hạ Sơn. Máy kể lấy chồng đã lâu mà không có con. Nhiều lần Máy đi chạy chữa đông y, tây y nhưng chẳng được.


Triệu Thị Máy đang bế đứa con là thành quả của vị thuốc chữa vô sinh

Máy nghe hàng xóm nói sao không xuống mế Mụi xem thế nào. Người dân khắp nơi kéo về nhờ mế chữa đông lắm, biết đâu lại được. Nghe lời hàng xóm, ngày hôm sau Máy xuống nhà mế Mụi hỏi về thuốc chữa bệnh vô sinh. Mế chẳng cần phải khám như bác sĩ, mế chỉ hỏi trong số khám bệnh bác sĩ ghi thế nào? Từ đó mế bốc thuốc, trăm phát trăm trúng.

Uống thuốc của mế liên tục 3 tháng, năm sau Máy mang thai trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Đẻ đứa con trai kháu khỉnh, Máy nhận mế Mụi là người đỡ đầu cho cháu. Tuy hai nhà cách nhau cả chục cây số nhưng hầu như tuần nào Máy cũng bế con xuống nhà mế chơi như người trong một gia đình.

“Thuốc của Mế chỉ là những loại cây trong rừng. Uống hết hai thang đầu trong người đã có cảm giác thay đổi rất nhiều, người khỏe, tinh thần phấn chấn. Đặc biệt là chuyện của phụ nữ được điều tiết một cách dễ dàng”, chị Máy cho biết.

Mới đây mế cũng vừa chữa cho một vị khách ở tận Lâm Đồng. Vị khách là N.M.T, hai vợ chồng anh lấy nhau đã 7 năm nhưng không có con. Anh T có quen một vị cán bộ biên phòng tại Mường Lát và được anh giới thiệu đến.

Vừa bước chân vào nhà, mế nhìn người khách lạ và nói: Bệnh này không cần phải khám đâu. Nghe xong câu nói anh T lặng người vì tưởng mế nói như vậy là vô phương cứu chữa. Xong mế Mụi lại nói tiếp, anh đọc kết quả những lần đi khám ở bệnh viện xem bác sĩ nói thế nào. "Tinh trùng của cháu loãng, không đủ để đậu thai", anh T nói.

Mế cười hiền, để ta cho thuốc về uống. Cách thức chữa bệnh của mế Mụi cũng rất đơn giản. Mế bảo, bất kỳ ai đến đây mế cũng chia thành ba nguyên nhân. Thứ nhất là do chồng, thứ hai là do vợ và thứ ba là do… cả hai.

Mế Mụi bảo, mế không ghi chép nổi xem đã bao nhiêu người đến đây nhờ chữa bệnh, nhưng số lượng người gọi điện đến cảm ơn thì nhiều. Nhiều đến mức mà mế không thể nghe xuể. Mế phải sắm cả một chiếc điện thoại di động cho đứa cháu để nó trả lời hộ.

Những vị thuốc bí truyền

Ngồi kể chuyện cho chúng tôi về biệt tài chữa bệnh vô sinh của mình, mế bảo các chú uống thử loại thuốc này xem có ngon không nhé? Rồi mế bảo con dâu vào trong bếp lôi ra một bình rượu trong đó ngâm toàn thân cây. Rót ra một cái bát nhỏ, mế bảo uống thử.

Trong cái vị cay nồng của rượu, khi nuốt vào cổ họng lại trở nên mát rượi kèm theo vị chát của cây rừng. Mế khoe: “Đó là loại cây mế đi lấy trên rừng đó. Loại thuốc này uống chữa được nhiều bệnh, nhất là cho người bị cao huyết áp và uống để bồi bổ sức khỏe”.

Uống xong bát rượu, mế giới thiệu cho chúng tôi thuốc chữa vô sinh bí truyền. Mỗi thang thuốc thường có ba loại thảo dược bao gồm rễ cây, thân cây và hoa. Những loại cây này được mế tìm về từ những dãy núi xa tít mù tắp. Hướng mắt về phía dãy núi xa xăm, mế bắt đầu kể về hành trình với nghề bốc thuốc của mình.


Mế Mụi đang truyền lại nghề thuốc bí truyền cho con dâu

Theo mế Mụi thì ngày trước những loại cây thuốc này dễ tìm lắm. Tuy nhiên càng ngày càng hiếm vì nhiều người làm nghề bốc thuốc nam săn tìm, thậm chí còn nhập sang cả Trung Quốc. Bây giờ muốn tìm được thuốc mế phải đi vào rừng xa, đi bộ cả ngày đường. Trong thang thuốc của mế Mụi, có thể thay thế được ở vài ba vị nhưng dứt khoát không thể thiếu củ nâu sần, thân cây Pằn Pắn và hoa Du Dẻ.

“Đó là ba vị thuốc chủ lực không thể thiếu để dung hòa và đóng vai trò kết nối với tác dụng của ba vị thuốc còn lại. Nếu chỉ thiếu một trong ba vị thì dứt khoát không thể thành công. Ba loại dược liệu đó cũng đặc trưng cho ba vị chủ đạo của thang thuốc tạo nên tên tuổi mế bây giờ. Nâu sần (vị đắng), cây Pằn Pắn (vị chát) và hoa Du Dẻ (vị ngọt)”, mế Mụi cho biết.

Trước khi người bệnh uống thuốc phải tuyệt đối kiêng ăn các chất tanh như: tôm, cua, cá, hải sản, kiêng lạnh; hạn chế uống rượu và ăn thịt chó.

“Dọc đường lên Mường Lát qua các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Quan Hóa… rất nhiều người bán thuốc vô sinh lấy tên “thuốc vô sinh mế Mụi”. Thực tế thuốc này không phải thuốc của mế. Họ lợi dụng vào cái tên mế để bán thuốc. Hiện nay mế chưa truyền lại nghề cho ai ngoài con dâu đang ở cùng mế. Nên mỗi khi có ai cần đến bài thuốc này, nếu không để ý rất dễ mua phải thuốc giả”, mế Mụi cho biết.

Khi có kế hoạch cho việc sinh con, vợ chồng phải tránh gần gũi một tuần lễ. Vì theo mế, đó là giai đoạn chuẩn bị "lực lượng tinh nhuệ" cho trận đánh then chốt. Trung bình một lượt điều trị kéo dài hai tháng, nếu lâu thì bốn tháng là "chiến dịch" kết thúc.

Mế bảo, ta làm cái nghề này là vì cái tâm. Nếu vì tiền thì chắc hơn 70 năm qua ta đã là tỉ phú của núi rừng này rồi. Người đến chữa bệnh mế không hề ép phải mua cái này cái nọ. Mế chỉ lấy tiền công, mỗi thang thuốc vỏn vẹn một trăm ngàn đồng. Thậm chí có những cặp vợ chồng nghèo quá, nhưng đã mấy năm nay không có con họ chỉ mang con gà, chai rượu đến biếu mế là mế cũng sẵn sàng giúp đỡ.

“Mỗi lần mế chữa được cho người nào là họ lại đến cảm ơn. Có những gia đình sau khi có con mang cả đống tiền biếu mế mà mế không nhận. Mế chỉ làm bằng tất cả cái tâm của mình”, mế tâm sự.

Giờ đôi chân mế đã mỏi, không thường xuyên lên núi tìm cây thuốc được. Một tháng mế cùng đứa con dâu may ra chỉ lên được đôi ba lần. Mế bảo, việc lớn nhất mấy năm nay mế đang làm là lên rừng cùng cô con dâu để truyền lại nghề cho nó. Giờ đứa con dâu của mế đã học được hết bài thuốc và trở thành người bốc chính của gia đình khi mế về với ông bà tổ tiên.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Yên Bái: Cảnh tan hoang những ngôi nhà bị mưa đá, giông lốc tàn phá

Ngày 28/3, tại tỉnh Yên Bái đã xảy ra mưa đá, giông lốc gây thiệt hại nhiều nhà ở và cây cối hoa màu các huyện Mù Cang Chải, Trấn Yên và Văn Chấn.

Bình luận mới nhất