| Hotline: 0983.970.780

"Vua" bơ

Thứ Hai 14/04/2014 , 12:11 (GMT+7)

Mọi người gọi Trịnh Xuân Mười là "vua" bơ, bởi anh là người hiểu biết hơn ai hết về cây bơ.

Mọi người gọi Trịnh Xuân Mười là "vua" bơ, bởi anh là người hiểu biết hơn ai hết về cây bơ và thường xuyên cung cấp giống bơ tốt nhất cho khắp Tây Nguyên và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc.

Tôi đến thăm gia đình anh và được anh kể cho câu chuyện thật khó hình dung nổi. Mười quê ở xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu- Nghệ An. Bố mẹ sinh được tới 11 người con (7 trai, 4 gái). Mười có một anh trai là liệt sĩ, một chị gái mất sớm. Gia đình quá nghèo nên một hôm vào năm 1990, ở tuổi 16, Mười đã liều lĩnh trốn nhà vào Nam tìm cách mưu sinh.

Không phải có tài hùng biện, nhưng Mười cũng ra đi với cái túi rỗng, bảo bối của Mười là một chiếc sáo trúc (!). Chúc bé loắt choắt ngày ấy đã liều mạngj leo lên tàu Nam tiến và thổi sáo trên từng toa để xin tiền mua thức ăn và nước uống. Đến ga TP Nha Trang, Khánh Hòa, Mười vội vã xuống tầu. Lang thang hết chợ nọ chợ kia ở Nha Trang để làm thuê kiếm cơm, trong một lần phụ xe lên Đắk Lắk, Mười đã quyết định ở lại với Tây Nguyên.

Để bố mẹ khỏi đi tìm, Mười đã gửi thư về và nói cứ yên tâm về anh. Một chặng đường đi làm thuê cho các ông chủ trại cà phê và chủ trại bơ bắt đầu. Sau khi dành dụm mua được một chiếc xe đạp cũ, Mười bắt đầu chuyển sang nghề mua gom bơ để bán cho thương lái. Sau 6 năm làm việc vất vả, ở tuổi 22, Mười làm quen với cô Phan Thị Thanh, một cô gái nhà nghèo gốc Quảng Nam. Hai người lấy nhau với một quyết tâm cùng phấn đấu thoát nghèo.

Tới năm 2002 thấy có người bán 1,3 ha đất vì trồng cà phê thua lỗ, anh gom số tiền tích lũy được và vay thêm ngân hàng để mua với giá 55 triệu đồng. Đấy là cơ ngơi đầu tiên của vợ chồng anh. Anh tìm thầy học hỏi về kỹ thuật ghép hai giống bơ khác nhau.

Nhiều khi anh chở sọt đi vào các buôn làng xa xôi lùng mua trái cây về bán cho thương lái. Những lần đạp xe vào các nương rẫy mua bơ về bỏ mối, để ý đến những cây bơ cho trái rất ngon, anh ấp ủ ý định đem về làm giống.

Thế nhưng hạt bơ giống ấy sau bảy năm chăm bẵm lại cho ra loại quả hoàn toàn khác, không ngon như ban đầu. Làm sao để có thể tạo ra giống bơ ngon? Câu hỏi ấy thôi thúc Mười đến Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tìm hỏi cách lai ghép giống bơ.

Câu trả lời là hiện vẫn chưa ai nghiên cứu đề tài này cả. Anh lại lân la đến các nhà vườn bán giống cây trồng để tìm hiểu học hỏi phương pháp lai giống, rồi tìm thêm sách vở tài liệu đọc. Kiên trì tìm kiếm, cuối cùng, anh đã rút ra phương pháp lai tạo giống bơ theo cách riêng của mình dựa trên nguyên lý "tính di truyền quyết định bởi cành ngọn".

Anh tiến hành ghép mắt chồi của cây bơ giống tốt lên thân cây bơ địa phương được ươm bằng hạt. Năm 2006, những quả bơ ghép đầu tiên bắt đầu cho thu hoạch. Không chỉ rút ngắn được thời gian cho quả, giống bơ mới còn cho quả rất sai, quả đều, khi chín cơm vàng, béo ngậy.  

Đến năm 2007, được một dự án giúp sức quảng bá, thương hiệu bơ DAKADO đã có mặt trong hệ thống các siêu thị lớn và thị trường toàn quốc. Tháng 5/2010, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH- CN) đã ra Quyết định số 22987 chấp nhận đơn hợp lệ đăng ký nhãn hiệu “BXM” tức Bơ Xuân Mười.  Anh sở hữu bốn gióng bơ quý là BXM1,BXM2, BXM4 và Bơ muộn tháng 10.

Một mốc quan trọng đánh dấu sự bứt phá trong kinh doanh đó là việc Mười phát hiện thấy bơ chính là cây lý tưởng để che bóng và hạn chế tác hại của mưa bão đối với cây cà phê. Mọi người đã trồng thử khá nhiều loại cây, phổ biến nhất là các cây muồng thuộc họ đậu.

Cây này ưu điểm là vì có bộ rễ có nốt sần chứa các vi khuẩn có khả năng cố định đạm từ không khí để làm giàu cho đất (đấy là tôi giảng giải cho Mười biết) nên không tranh giành thức ăn với cà phê. Tuy nhiên vừa tốn đất mà không tạo ra sản phẩm gì.

Nhiều người chuyển sang trồng sầu riêng và cũng đã có thu hoạch thêm từ sầu riêng. Nhưng sầu riêng có độ che phủ không thật thích hợp, hơn nữa lại tranh chấp thức ăn với cà phê. Mười nhận thấy những cây lâu năm có cành lá xum xuê nhưng lại không che quá mức ánh sáng, do đó rất thích hợp cho các cây cà phê mọc dưới tán lá cây này. Hơn nữa thu hoạch của cây bơ trồng xen về giá trị kinh tế còn cao hơn nhiều so với cây cà phê.

Anh quyết định mở rộng diện tích SX 4 giống bơ lai để cung cấp cho các nương cà phê ở khắp Tây Nguyên. Các giống bơ này đã nhanh chóng lan rộng tới cả nhiều tỉnh niền núi phía Bắc. Mười trở thành chủ một trại bơ rộng mênh mông tại xã Hòa Thắng, một xã cách không xa sân bay Buôn Mê Thuột.

Anh lập ra Công ty TNHH Trịnh Mười có văn phòng tại số nhà 137 đường Nguyễn Thái Bình, TP Buôn Ma Thuột. Công ty phát triển dần dần để trở thành một trung tâm khuyến nông dành riêng cho cây bơ. Mười lập trang blog www.botrinhmuoi.vn để giới thiệu kỹ thuật trồng bơ và chăm sóc bơ.

14-55-26_000000mb1
Vườn ươm giống bơ của anh Mười

Trại cây giống bơ của Mười trông thật thú vị. Mỗi cây giống bán được 45 -50 nghìn đồng mà lúc nào cũng có hàng vạn cây chuẩn bị xuất giống. Tôi hỏi Mười liệu có lo thừa giống không? Mười cười hồn nhiên: Có đủ đâu thầy, khắp các tỉnh Tây Nguyên đến mua vì mọi người bắt đầu thấy bơ là cây lý tưởng để che bóng cho cà phê. Hơn nữa thu nhập từ quả bơ (bán quả về TPHCM, Hà Nội và các thành phố khác) đâu có kém.

Với mong ước để nhiều nông dân thoát nghèo và làm giàu, ngoài việc cung cấp các giống cây có bảo đảm về năng suất và chất lượng, Mười còn thường xuyên hướng dẫn trực tiếp hay qua trang web về kỹ thuật trồng bơ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho bơ. Anh được bà con tin yêu và tôn anh lên danh hiệu "vua" bơ.

Năng suất quả bơ với giống cây do Mười cung cấp như sau: Năm thứ 3 - ra quả bói khoảng 30 kg/cây. Năm thứ 4 từ 80 - 100 kg quả/cây. Năm thứ 5 từ 150 - 200 kg quả/cây. Năm thứ 6 từ 200 - 250 kg quả/cây. Năm thứ 7 đến 30 từ 250 - 300 kg quả/cây.

Bài toán kinh tế của Mười là như sau: Mỗi ha cà phê nếu không trồng xen bơ thì chỉ cho khoảng 4 tấn nhân, với giá chừng 40 nghìn đồng/kg thì thu được 160 triệu đồng. Trừ đi chi phí mất khoảng 60 triệu thì còn thu được chỉ có 100 triệu đồng. Nếu trồng xen trên mỗi ha cà phê thêm 120 cây bơ thì sau 5 năm trở ra có thể thu được thêm 540 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 100 triệu vẫn còn khoảng 440 triệu, cao hơn 4 lần so với chỉ trồng riêng cà phê.

Và như vậy người trồng cà phê sẽ thu được khoảng 700 triệu đồng mỗi năm trên 1 ha đất trồng. Thu nhập về bơ nhẽ ra còn cao hơn nữa nếu được chăm sóc tốt và không bị cắt cành làm giống như ở vườn của Mười. Hiện nay với số đất đai của trang trại gia đình Mười mỗi năm đã thu được trung bình 4,5 - 5 tỷ đồng nhờ bán cây giống, về tiền bán quả bơ trồng xen cà phê là 1,8 tỷ đồng, tiền bán cà phê là 400 triệu đồng.

Như vậy là mỗi năm vợ chồng Mười thu được 7 tỷ đồng và trở thành tỷ phú trên vùng Tây Nguyên. Ngoài chi phí cho gia đình với hai con gái và một con trai, anh đã dùng toàn bộ số tiền còn lại để mua thêm đất và trang trại của anh chị đang ngày một mở rộng thêm.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất