| Hotline: 0983.970.780

'Vua dao' trên núi Nà Trông

Thứ Tư 20/05/2015 , 09:50 (GMT+7)

Từ lâu, tôi đã nghe ở trên đỉnh núi cao Sa Pa (Lào Cai) có một bản nhỏ với những bậc thầy người Mông rèn dao nổi tiếng...

Nghề gia truyền

Thôn Hòa Sử Pán 2 nằm cheo leo trên sườn núi đá Nà Trông, ngửa cổ nhìn lên chỉ thấy đá nhấp nhô và cây rừng lúp xúp. Vừa đến đầu thôn, tiếng búa nện vào đe chan chát đều đặn vang lên đâu đó đã khiến tôi rất đỗi tò mò về những lò rèn trên lưng chừng núi này.

Dưới gốc tre già, một người đàn ông trạc ngũ tuần mái tóc điểm hoa râm đang miệt mài quai búa. Mỗi lần ông vung búa lên rồi đập xuống mảnh sắt nung đỏ, những thớ thịt trên hai cánh tay rắn chắc như hai khúc gỗ lim lại nổi lên cuồn cuộn. Đó là ông Châu A Giáo, một người thợ rèn dao nổi tiếng khắp vùng. Ông là cha đẻ của những con dao tốt nhất được nhiều người đặt mua.

Ông Giáo bảo nghề rèn truyền thống của người Mông ở Sử Pán đã có từ rất lâu, từ đời bố mẹ, cụ kị của ông. Trên núi đá khắc nghiệt này, nếu không có con dao, cái búa tốt để chặt cây, cái cày, cái cuốc tốt để trồng ngô lúa, cái liềm để gặt lúa, khẩu súng kíp để chống lại thú dữ… thì không tồn tại được.

Ông Giáo không nhớ nổi trong đời mình đã rèn được bao nhiêu con dao, nhưng chắc chắn là nhiều hơn cả những vết nứt nẻ trên đôi bàn tay sần sùi của ông. 

Tôi hỏi làm thế nào để rèn được một con dao tốt? Ông Giáo hấp háy đôi mắt đầy ánh thép: Có sắt tốt thì mới làm được dao tốt mà. Phải tìm cái nhíp ô tô, cái mũi khoan, răng máy xúc, hay mảnh bom của Pháp, Mỹ ngày xưa để rèn.


Sản phẩm dao của người Mông ở Sử Pán càng ngày càng khẳng định được thương hiệu

Người Kinh rèn bằng than đá, còn người Mông ta rèn bằng than củi lấy từ cây gỗ chắc trên rừng già. Rèn thế nào à? Nung đỏ sắt lên, dùng búa đập mỏng thành hình con dao nhọn thì bỏ vào tôi cho thép cứng…

Gặng hỏi mãi ông Giáo mới tiết lộ một phần bí quyết tôi dao của người Mông nơi đây là tôi dao bằng cây chuối rừng thì lưỡi dao sẽ bền chắc và sắc lâu. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào lửa nữa.

Để hoàn thiện được một cặp dao tốt, phải mất cả một ngày ròng. Rút từ trong bao dao ra con dao chuôi bọc những vòng đồng sáng bóng, ông Giáo bảo nó đã theo mình ngót 20 mùa hoa trẩu, chặt cây mãi chỉ mòn đi chứ không biết mẻ.

Lửa rèn không tắt

Trước khi tìm hiểu về nghề rèn của người Mông ở Sử Pán, tôi cứ nghĩ hẳn các lò rèn ở đây phải rất hoành tráng, nhiều thanh niên lực lưỡng cùng làm với không khí sôi động như ở một số xưởng rèn của người Kinh mà tôi có dịp gặp. Tuy nhiên, điều mà tôi tận mắt thấy ở Sử Pán thì khác hẳn.


Ở Sử Pán có hàng chục gia đình người Mông theo nghề rèn truyền thống

Lò rèn của người Mông ở Sử Pán rất đơn giản, chỉ cần có một ụ đất làm bếp lò, mấy cục sắt to làm đe, bễ rèn và cái búa, cái kẹp sắt là được. Chẳng thế mà hầu như hộ nào ở thôn Hòa Sử Pán 2 cũng sở hữu một lò rèn.

Trước đây bễ lò rèn dùng bằng thân cây to đủ vòng tay một người ôm đục rỗng, có pít tông như cái bơm để kéo ra kéo vào thổi gió vào lò cho than nhanh đỏ, còn bây giờ có quạt điện thay bễ vừa đỡ mất sức người, vừa tiện lợi hơn. Vì thế, cũng không cần phải nhiều người, mà một người cũng có thể rèn dao được.

Trừ lúc mùa vụ bận rộn, còn bình thường các lò rèn ở Sử Pán luôn đỏ lửa, âm thanh chan chát quen thuộc của đe búa rộn vang cả bản làng.

Rời nhà ông Giáo, tôi tìm đến nhà ông Châu A Chính, một già làng có thâm niên rèn dao trên núi Nà Trông. Qua câu chuyện với nghệ nhân rèn dao lão luyện, tôi hiểu thêm về nghề rèn gia truyền và bí quyết rèn dao của người Mông ở Sử Pán.

Ông Chính nheo nheo đôi mắt già nua chia sẻ kinh nghiệm tổ tiên truyền lại: “Tôi dao bằng cây chuối rừng rất tốt, nhưng thường chỉ dùng với loại thép rất cứng, còn với sắt thép thông thường thì tôi bằng nước là được. Khi tôi dao thì phải nhúng sống dao vào trước rồi cho nước ngập dần đến lưỡi dao. Nếu nhúng lưỡi dao trước, thì lưỡi dao sẽ giòn và nhanh mẻ”.

Tôi hỏi bây giờ ông còn rèn dao nữa không? Ông Chính bảo ông tuổi cao rồi, mắt bị mờ nên hai năm nay đã nghỉ rèn và truyền nghề lại cho con trai.

Nghề rèn ở đây được thế hệ này dạy lại cho thế hệ khác để không mất bí quyết gia truyền, và điều đặc biệt là chỉ đàn ông mới được truyền nghề. Với đàn ông người Mông, dù đi đâu cũng có con dao đút vào bao đeo bên mình, nó vừa là dụng cụ lao động hữu ích, vừa là vật hộ mệnh, phòng thân.

Ông Chính bày tỏ trăn trở xung quanh chuyện nghề rèn dao ở Sử Pán đang phát triển mạnh để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Điều đó rất tốt vì nhiều người sẽ biết đến nghề rèn nổi tiếng của người Mông ở đây và khi dao làm ra bán chạy thì nhiều hộ sẽ có cuộc sống ấm no hơn. 
Nhưng hiện nay một số hộ dân vì tiền mà không giữ bí quyết gia truyền, mua dao rởm về làm lại cho nhanh hoặc làm ra những con dao đẹp mắt nhưng không đảm bảo chất lượng mang lên Sa Pa bán để đánh lừa khách. Cứ như thế thì dao Sử Pán sẽ đánh mất tên tuổi, nghề rèn ở đây cũng không còn như xưa nữa.

 

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Một làng nghề cây cảnh ở Hà Nội thu hút 200.000 lượt khách du lịch

Năm 2022, điểm du lịch làng quê Hồng Vân, huyện Thường Tín được Hà Nội công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, xã đã đón khoảng 200.000 lượt khách du lịch.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất