| Hotline: 0983.970.780

“Vua gà” vùng biên

Thứ Tư 03/11/2010 , 11:13 (GMT+7)

Chính những con gà đã “tôn” anh nông dân chân đất Lê Văn Quí lên làm vua, “vua gà” - ông vua không ngai…

Vốn là nông dân chân đất, Lê Văn Quí từng rong ruổi khắp vùng biên giới Lào Cai buôn bán đủ loại hàng hoá. Thất bại thê thảm, khiến anh quay trở lại với ruộng đồng, mở trang trại nuôi gà. Chính những con gà đã “tôn” anh lên làm vua, “vua gà”  - ông vua không ngai… 

Còn nhớ, cách nay chừng ba bốn năm đang đêm Lê Văn Quí điện cho tôi phàn nàn về việc anh bị giữ mấy tạ gà tại huyện Than Uyên (Lai Châu) khi anh đang chuẩn bị giao cho các đầu mối tiêu thụ ở đây. Quí cho biết: Em có giấy kiểm dịch của thú y, giấy vận chuyển. Nhưng do giấy vận chuyển ghi hàng giao tại thị trấn Nông trường Than Uyên (hồi ấy huyện Than Uyên chưa tách, nên Quí đi thêm ba chục cây số giao hàng cho mấy địa điểm ở thị trấn Than Uyên). Họ vin cớ: Hàng giao không đúng địa điểm.

Tôi gọi điện cho mấy người có trách nhiệm ở đó, người nọ đùn đẩy cho người kia, tôi bảo Quí: Tại chú chưa đưa phong bì thôi… Quả nhiên sau đó thì toàn bộ số hàng của Quí được giải phóng, chẳng phải vì chuyện cúm gà mà họ giữ hàng của Quí đâu.

“Vua gà” không ngai Lê Văn Quí

Nhớ lại những đêm lọ mọ chở từng bu gà đến các địa điểm giao hàng, Quí lắc đầu: Hồi ấy vất vả quá, gà của em nuôi trong trang trại, thú y kiểm dịch hẳn hoi. Vậy mà nhiều khi phải bán chui lủi như bọn buôn lậu, cực chẳng khác gì cái hồi em đi buôn hàng Trung Quốc, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, bị mấy ông Hải quan, Biên phòng bắt thì mất trắng…

Vốn là nông dân thuần chất ở xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, Lê Văn Quí cũng chỉ thạo những mặt hàng nông sản: Chuối xanh, bí đỏ, ba ba… Đó là những năm đầu khi tỉnh Lào Cai vừa được tái lập, người dân khắp nơi kéo nhau lên cửa khẩu buôn bán hàng hoá, Quí cũng trong đội quân chân đất đi buôn bán hàng sang Trung Quốc. Mới đầu cũng chỉ buôn bán chuối xanh nhì nhằng, có vị khách đặt ba ba, rồi tê tê Quí đánh vài chuyến thắng đậm.

Vị khách ấy sau đó đặt anh một lô hàng hơn một tạ ba ba trị giá khoảng 20 triệu, khi hàng đã giao, người khách nói chưa rút được tiền trong ngân hàng, hẹn anh hôm sau quay sang lấy tiền. Cứ nghĩ anh ba Tàu này tử tế, trước khi chia tay anh ta còn bắt tay anh rất chặt: Hảo lớ, hảo lớ! Hôm sau anh sang nhận tiền, đi khắp Hà Khẩu mà chẳng tìm thấy vị khách đó đâu, khi đó Quí mới biết mình bị lừa, toàn bộ số vốn tích cóp được trong mấy năm buôn bán bỗng không cánh mà bay, anh trở thành tay trắng.

Không còn một đồng vốn Quí trở lại ruộng đồng cày cấy. Nỗi khát khao làm giàu cứ cháy bỏng trong anh, Quí vay tiền xắm một bộ video mua băng phim chưởng đi chiếu khắp các xã, cũng thất bại. Năm 1995 khi cơn sốt đề lan tận hang cùng ngõ hẻm các làng quê, Quí đứng ra làm chủ một dây đề, bị vỡ nợ, chiều 27 Tết các con đề kéo nhau đến nhà Quí, cái gì đáng giá thì họ khiêng đi. Bàn ghế, giường tủ…lần lượt bị các con đề khuân ra khỏi nhà, vợ con anh chỉ biết khóc chứ không làm sao ngăn nổi.

Một trang trại nuôi gà liên kết với “vua gà”

Thua keo này bày keo khác, năm 1996 Quí vay lãi tư nhân mua 2 ha đất bãi ven sông Hồng trồng mía. Vụ mía năm đó anh thắng lớn trả hết nợ lại mua được cặp trâu, vụ mía năm sau anh lãi 20 triệu, sau đó Quí bán đất chuyển sang kinh doanh gà đẻ trứng. Anh bảo: Chả biết trời đất run rủi thế nào lại xui khiến em vào cái nghề này. Bắt đầu từ đàn gà 200 con đẻ trứng, người ta bảo: Người nuôi gà đẻ trứng vàng sẽ giàu nhanh, thật tội cho họ, mỗi quả trứng được lãi vài chục đồng, chẳng khác gì bỏ tiền tiết kiệm vào ống. Nếu chẳng may nhập phải lô thức ăn kém chất lượng, gà tịt đẻ thì lỗ chổng vó. Ngày ấy trứng gà Trung Quốc tràn ngập các chợ Việt Nam, giá mỗi quả chỉ hai ba trăm đồng, mình không cạnh tranh nổi, từ đó em xoay ra nuôi gà thịt, rồi liên kết với các hộ nuôi gà gia công, mình đứng ra tiêu thụ cho họ. Cơn bão cúm gà năm 2003 đã khiến các trang trại gà của em liêu xiêu, không chỉ vì gà thải loại của Trung Quốc nhập lậu giá rẻ mà người tiêu thụ cũng dè dặt với thịt gà. Thành ra em phải mang gà đi bán tứ tung, không chỉ Thú y, Công an, Quản lý thị trường cũng hành đủ kiểu…

Cách nay mấy năm Quí gọi điện cầu cứu tới tôi cũng vì cái sự “hành” của các cơ quan công quyền, có lẽ từ đêm ấy Quí đã biết cách hành xử đối “công bộc” đứng đường?

“Quí gà” là biệt danh mọi người đặt cho anh, nhiều người lại gọi anh là “vua gà” vùng biên. Xem ra hai biệt danh ấy chả sai với Lê Văn Quí. Trong cơn bão cúm gà năm 2003, những hộ nuôi gà nhỏ lẻ khó thoát khỏi vòng xoáy của cơn bão, trang trại của “vua gà” suýt nữa thì vỡ trận, may sao trận bão cúm gà qua mau, các trang trại gà nhanh chóng hồi phục. Từ 12 hộ sau 7 năm đến nay đã có 32 hộ tham gia nuôi gà gia công cho “vua gà” Lê Văn Quí.

Mô hình liên kết của “vua gà”: Hệ thống chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y, kỹ thuật, con giống do “vua gà” xây dựng, cung cấp và bao tiêu toàn bộ lượng gà thịt do hộ liên kết sản xuất ra, hộ liên kết chịu trách nhiệm người chăn nuôi, mỗi kg gà thịt “vua gà” mua với giá sàn là 25.000đ/kg, tuỳ theo giá thị trường để điều chỉnh giá trần, thời điểm hiện nay “vua gà” đang mua của các hộ liên kết là 30.000đ/kg. Theo tính toán mỗi kg gà thương phẩm người chăn nuôi được lãi 4.000-5.000đ/kg, một lứa gà nuôi một vạn con sau 45 ngày được lãi 40 triệu.

“Vua gà” cười tủm tỉm: Đây là mô hình khép kín đầu tiên của Lào Cai và khu vực miền núi phía Bắc, nhằm quản lý dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm…Để chứng minh cho điều mình nói, Lê Văn Quí mời tôi vào xã Xuân Quang, nơi có nhiều trang trại mà “vua gà” liên kết.

Nuôi gà hệ thống nhà 2 tầng ở xã Sơn Hà

Mới đây Lê Văn Quí thành lập HTX Chăn nuôi gia súc gia cầm Quí Hiền với 106 xã viên, tôi hỏi Quí: Với mô hình đang hoạt động hiện nay mình có thể thành lập Cty được chứ? “Vua gà” cười rất hiền: Em vốn là nông dân, xã viên của em cũng là nông dân nên thành lập HTX là phù hợp…

Phan Nhật Quang là kỹ sư kinh tế, con chủ nhiệm HTX nông nghiệp Xuân Tiến Phan Quốc Ân một thời lừng danh ở Lào Cai, anh đã bỏ công việc nhà nước để về cùng với cha chèo chống con thuyền HTX, nhưng đã thất bại, phải bán cả nhà máy chè chịu lỗ mấy trăm triệu. Nhớ lại những ngày đó Quang lắc đầu chua chát: Lẽ ra người ta phải ưu ái kinh tế HTX nhưng lại bị o ép đủ đằng, triệt tiêu sự cạnh tranh buộc em phải bán nhà máy. Bây giờ chính đơn vị cạnh tranh với HTX mà được người ta ưu ái đang lâm vào tình trạng bi đát. Chuyện dài lắm, bây giờ thì em liên kết với anh Quí nuôi gà…

 Quang dẫn tôi đi xem trang trại của gia đình, anh cho hay: Kể từ năm 2007 em liên kết với anh Quí nuôi gà, mỗi lứa nuôi 5 ngàn con, trung bình một năm xuất cho anh Quí chừng 30-40 tấn gà. Trừ chi phí điện, nước, trả công thuê lao động mỗi con gà được lãi khoảng 4 ngàn đồng. Năm 2010 gia đình em mở rộng trang trại nuôi một vạn con mỗi lứa, tính ra năm nay xuất cho anh Quí chừng 100 tấn gà thịt, mỗi lứa lãi chừng 40-45 triệu. Chia cho 4 lao động, tính ra lương mỗi người khoảng 3 triệu đồng/tháng. Thu nhập ở nông thôn mà ổn định như vậy là được rồi…

Mỗi năm “vua gà” Lê Văn Quí cung cấp ra thị trường Lào Cai, Lai Châu gần nửa triệu con gà, tính ra khoảng 1.100 tấn thịt gà sạch. Quí bảo: Mấy năm nay gà Trung Quốc không sang Việt Nam không chỉ do các cơ quan chức năng quản lý chặt đường biên, mà chính sản xuất nội địa đã đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nếu giá thịt gà ở trong nước mà đắt thì gà nước ngoài sẽ tràn vào dù có cấm thế nào. Bây giờ, giá gà trong nước rẻ hơn thì người ta nhập gà Trung Quốc về làm gì. Như tình hình hiện nay, em là người quyết định giá gà công nghiệp của hai tỉnh biên giới Lào Cai và Lai Châu. Tuy nhiên cũng phải căn cứ vào giá cả thị trường chung anh ạ…

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.