| Hotline: 0983.970.780

Vựa heo miền Trung rầm rộ vào vụ Tết

Thứ Tư 04/12/2013 , 09:42 (GMT+7)

Cơn lũ dữ xảy ra vào giữa tháng 11 vừa qua trên địa bàn tỉnh Bình Định đã cuốn đi của “vựa heo” Hoài Ân gần 1.000 con mới được thả nuôi để chuẩn bị bán Tết.

Cơn lũ dữ xảy ra vào giữa tháng 11 vừa qua trên địa bàn tỉnh Bình Định đã cuốn đi của “vựa heo” Hoài Ân gần 1.000 con mới được thả nuôi để chuẩn bị bán Tết.

Lũ vừa dứt, những hộ chăn nuôi ở nơi được mệnh danh là “vựa heo của miền Trung” này nhanh chóng khôi phục sản xuất, để kịp cung ứng nguồn hàng cho người tiêu dùng trong những ngày Tết Giáp Ngọ sắp tới.

Theo ngành nông nghiệp Hoài Ân (Bình Định), thiệt hại nặng nề nhất là 2 xã Ân Nghĩa và Ân Tường Đông, đó là những vùng nuôi heo trọng điểm của vựa heo lớn nhất miền Trung này. Những thiệt hại do cơn lũ gây ra đã không hề làm nản lòng những người nuôi heo ở huyện Hoài Ân.

Bởi lẽ, giá heo đang ở mức cao, lại vẫn còn đủ thời gian để gây đàn kịp bán Tết nên họ cấp tập khôi phục chăn nuôi. Do đó, sau những mất mát do lũ, đàn heo ở Hoài Ân hiện vẫn đang ổn định với tổng đàn 150.000 con. Không khí chăn nuôi ở đây hiện đang rộn rã như chưa hề có thiên tai xảy ra.


Thương lái thu mua heo giống dọc đường

Nếu như Hoài Ân là vựa heo của miền Trung thì xã Ân Tường Đông là vựa heo của huyện này. Hiện tổng đàn heo trên địa bàn xã có đến 17.800 con. Ở địa phương heo hút của huyện miền núi này có đến 20 trang trại, gia trại nuôi heo lớn, nhỏ. Trong đó có trang trại của bà Trần Thị Tuyết đang có trong chuồng đến 380 con nái sinh sản được nuôi theo quy trình công nghệ cao.

Hoặc như ông Hoàng Anh Dũng, người ở xã Ân Tường Tây sang Ân Tường Đông mở trang trại nuôi đến vài trăm con heo nái sinh sản. Quy mô hộ gia đình nuôi bình quân 40 con/hộ thì ở Ân Tường Đông có đến hơn 200 hộ.

Ông Nguyễn Thành Phụng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Hoài Ân, cho biết: “Người chăn nuôi heo ở Hoài Ân “già đời” lắm rồi, họ rút kinh nghiệm từ những năm trước, khi giá heo hạ thấp họ vẫn duy trì đàn chứ không bỏ trống chuồng.

Do đó, khi giá heo tăng đột biến như mấy tháng gần đây, họ vẫn có heo xuất bán đều đều, lợi nhuận thu vào đủ bù đắp cho thời điểm heo hạ giá. Họ cũng rất nhạy cảm với chuyện làm ăn, biết là sau lũ thị trường sẽ hút heo nên khi cơn lũ vừa dứt, dù giá heo giống có tăng đột biến họ cũng nhanh chóng khôi phục đàn để Tết lượm tiền”.

Cũng theo ông Phụng, nếu như vào tháng 7/2013, giá heo thịt tại Hoài Ân chỉ có 34.000 - 35.000 đ/kg (hơi) thì trước lũ đã tăng đến 41.000 đ/kg, thời gian gần đây (sau lũ) lại tiếp tục tăng đến 43.000 đ/kg; giá heo sữa cũng tăng từ 32.000 đ/kg lên 52.000 đ/kg. Nếu con heo nào phát triển tốt, người chăn nuôi sẽ cai sữa, bán cho những nhà chuồng chuyên nuôi heo thịt với giá 560.000 đ/con (10 kg), trước đó loại heo này chỉ có giá 340.000 đ/con.

Lượng heo xuất bán ra thị trường cũng tăng mạnh, nếu như trong tháng 10/2013, trên địa bàn huyện Hoài Ân xuất bán khoảng 27.000 con heo (cả heo thịt lẫn heo sữa) thì trong tháng 11 đã tăng đến 33.686 con.


Cả đoàn xe chở heo đi tiêu thụ

Thị trường tiêu thụ chủ yếu vẫn là các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế. “Hiện tổng đàn heo ở Hoài Ân là 159.000 con. Thời điểm này, người chăn nuôi đang thả giống nuôi lứa heo chuẩn bị cung ứng cho thị trường tiêu thụ vào dịp Tết Nguyên đán, do đó giá heo giống cũng tăng cao”, ông Phụng cho biết thêm.

Chị Lê Thị Luận ở thôn Phú Hữu 2 (xã Ân Tường Đông), đang có trong chuồng 7 con nái sinh sản, cho biết: “Nếu vào tháng 3 (DL) năm nay giá heo giống chỉ có 25.000 đ/kg thì trong tháng 10 vừa qua đã tăng đến 54.000 - 56.000 đ/kg. Sau đợt lũ vừa qua, các chuồng có heo tiếp tục tăng đàn nên giá heo giống càng cao, hiện đã tăng trên 60.000 đ/kg. Hiện nay bà con đang rầm rộ thả nuôi lứa heo bán Tết nên heo giống bây giờ hút hàng lắm, giá đắt nhưng không có mà bán”.

Đặc biệt, người chăn nuôi ở Hoài Ân không mua giống nơi khác, chỉ nuôi giống heo được sinh sản tại địa phương. Bởi lẽ, không biết nguyên nhân gì mà heo nuôi trên đất này có chất lượng thịt ngon, thị trường rất ưa chuộng, luôn được bán với giá cao hơn heo nuôi ở các địa phương khác.

Ông Trần Hữu Lợi, Chủ tịch UBND xã Ân Tường Đông, chia sẻ: “Chất lượng thịt heo ở Hoài Ân ngon, được người tiêu dùng cả nước biết tiếng. Do đó, hiện nay có nhiều thương lái mua heo ở các địa phương khác, chở lên Hoài Ân giả dạng heo được nuôi ở địa phương để bán giá cao hơn”.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Hoài Ân, tại địa phương đang có trên 39.000 con heo nái sinh sản. Nếu người chăn nuôi không xuất bán heo sữa thì lượng heo giống đẻ ra bảo đảm cung ứng đủ cho người chăn nuôi nuôi heo thương phẩm. Tuy nhiên, giá heo sữa đang cao, thị trường "ăn" mạnh nên số lượng heo sữa xuất bán khá nhiều, gây ra thiếu heo giống trên địa bàn.


Trang trại heo của 1 hộ nông dân ở xã Ân Tường Đông

Đàn heo ở Hoài Ân phát triển ổn định tại thời điểm heo cao giá như hiện nay đã cho người chăn nuôi thu nhập cao. Hiện với giá heo thương phẩm là 43.000 đ/kg, sau khi trừ tất tần tật mọi chi phí, người chăn nuôi còn lãi từ 700.000 - 800.000 đ/con. Có thể nói, trong những năm gần đây, đàn heo ở Hoài Ân không bị “dính” dịch bệnh là nhờ người chăn nuôi tuân thủ việc tiêm phòng. Theo ông Nguyễn Thành Phụng, từ năm 2010 đến nay, đàn heo ở huyện này luôn được tiêm phòng đạt trên 90%, nhờ đó ổn định về dịch bệnh.

Bên cạnh đó, vấn đề môi trường trong chăn nuôi cũng được chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm; thường xuyên thành lập tổ công tác liên ngành tổ chức kiểm tra môi trường chăn nuôi trên địa bàn, hướng dẫn người chăn nuôi nâng cấp chuồng trại và xử lý chất thải trong chăn nuôi nên cũng góp phần hạn chế dịch bệnh.

“Từ nay đến tháng 1/2014, chúng tôi sẽ cố gắng triển khai nhiều biện pháp để khống chế dịch LMLM và dịch tai xanh, bảo toàn đàn heo trên địa bàn cho đến mùa bán heo Tết”, ông Nguyễn Thành Phụng, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Hoài Ân.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm