| Hotline: 0983.970.780

Vựa lài trước cửa tử

Thứ Năm 14/10/2010 , 10:03 (GMT+7)

Làng hoa lài quận 12 (TP.HCM) từng nổi tiếng là “vựa lài” lớn nhất thành phố. Ấy vậy mà hiện hàng trăm ha hoa lài bị chết, khiến làng hoa lài có nguy cơ xóa sổ…

Làng hoa lài quận 12 (TP.HCM) từng nổi tiếng là “vựa lài” lớn nhất thành phố chuyên cung cấp sản phẩm hoa lài tươi cho các công ty, cơ sở ướp trà XK. Ấy vậy mà hiện hàng trăm ha hoa lài bị chết, khiến làng hoa lài có nguy cơ xóa sổ…

Chúng tôi vượt qua đò An Phú Đông tìm đến làng hoa lài, chứng kiến những khu vườn giờ đây xác xơ, trơ trụi. Dẫn chúng tôi đi thực tế, ông Điệp - Chi hội phó HND khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12 thở dài: “Trước đây, người dân phất lên cũng chính nhờ trồng cây lài, hái bông bán cho các công ty ướp trà. Thời đó lài bán có giá lắm, vì thế nhiều người ở đây đã trở thành triệu phú, tỉ phú. Gia đình tôi trước kia cũng nhờ trồng lài mà thoát nghèo, còn xây được căn nhà vài tấm lên ở, nhưng đến nay có vườn đất cũng chỉ trồng mấy cây rau linh tinh”.

 Theo kinh nghiệm của ông Điệp, nguyên nhân khiến cho cây hoa lài chết dần, chết mòn do nguồn nước tưới bị ô nhiễm, đất ở đây trũng phèn, triều cường dâng lên gây ngập úng nặng khiến chẳng cây lài nào ngóc lên nổi.  \Cách đây chừng 5 năm về trước, quận 12 đang là một trong những làng trồng lài nổi tiếng và lớn nhất thành phố, tập trung chủ yếu ở phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân. Những năm 1985-1990, ở đây có 700 ha lài trồng đại trà. Nhà nhà trồng lài, người người chăm lài. Tuy nhiên, đến nay ở làng hoa lài chỉ còn lại chục hộ trồng rải rác với diện tích khoảng 3-4 ha, mà xem ra những vườn cây sót lại không đủ sức kháng cự trước tốc độ đô thị hóa chóng mặt.  

Gia đình chị Trương Thị Thu Hương, ở 168/1A, KP4, phường An Phú Đông là một trong những hộ dân trồng lài đầu tiên ở làng hoa. Ngay từ thời điểm năm 1978, ba chị là ông Trương Văn Nhì (Tám Nhì) vốn là kỹ sư canh nông đã có công tìm tòi nghiên cứu các loại giống tốt nhất, đem về phổ biến cho nhiều người dân trong làng cùng trồng để nhân rộng diện tích. Theo chị Hương, từ sau năm 2000 cây lài bắt đầu bị chết dần và chết sạch, gia đình chị đành phải chuyển toàn bộ diện tích đất trồng lài qua trồng riềng. Nhưng chẳng khác gì cây lài, cây riềng trồng mấy năm đã héo rũ và chết, khiến gia đình chị phải “giải nghệ” và bỏ vườn không.

Tương tự, hộ bà Lê Thị Bảy cũng phải chuyển đổi trồng nhiều loại cây nhưng chẳng có ngày hái quả. Dẫn chúng tôi ra xem vườn, bà Bảy kể: “Từ khi vườn lài chết, mấy trăm mét đất vườn tôi tìm mua giống xoài cát Hòa Lộc về trồng. Vậy nhưng do năm nay mưa nhiều, đê bao thi công bịt cống, nước không thoát được nên bị ngập úng khiến vườn xoài cũng…đứt bóng luôn.

Theo ông Lương Chánh Định - Chủ tịch HND phường An Phú Đông, cây lài chết là do giống lài đã quá cũ, không còn phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng. Hệ thống nước tưới tiêu lại chủ yếu bắt nguồn từ các con sông, kênh, rạch ô nhiễm dẫn đến cây lài chết hàng loạt.
Theo người dân địa phương, thời hoàng kim của cây lài từ năm 1987-1992, hộ nào cũng trồng lài, chỉ cần đi ngoài đường đã ngửi mùi hương lài thơm ngát từ sáng đến tối. Thậm chí đến nay còn có hẳn một tuyến đường mang tên đường vườn lài để kỷ niệm tên làng nghề truyền thống. Các hộ dân buổi sáng đi hái lài, chiều về cân cho lái “ăn hàng” tận ngõ với giá cao. Thời điểm đó có Xí nghiệp Cầu Tre về “đóng chốt” ngay tại địa bàn để kịp thu mua hoa lài tươi với giá cao từ 50.000-70.000 đ/kg, lúc cao điểm giá hoa lài còn lên tới 100.000 đ/kg. Nếu tính bình quân gia đình nào có 2 ha đất sẽ cho thu nhập khoảng 80 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, khi diện tích lài tăng đến đỉnh điểm, Xí nghiệp Cầu Tre đã chuyển hướng không thu mua trực tiếp nữa. Đây cũng là cơ hội “làm ăn” của hàng trăm thương lái nhảy vào thu mua bông lài tươi của dân về bán lại cho xí nghiệp và các công ty, cơ sở ướp trà xuất khẩu. Giá cả bấp bênh, có lúc chỉ còn vài ba ngàn đồng/kg lài. Họa chồng họa! Thời điểm này, cây hoa bỗng dưng đổ bệnh và chết. Dân thất thu, chán nản bỏ bê vườn tược. Kể từ ngày đó, "vựa lài" cứ tiến dần đến cửa tử.

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

'Ghim' một đời, 'trọn' khoảnh khắc cùng DOJI

Cưới hỏi là trái ngọt của chặng đường tình yêu đôi lứa mà ở đó, nhẫn cưới là một tín vật thiêng liêng khiến khoảnh khắc sánh đôi trở nên trọn vẹn.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.