| Hotline: 0983.970.780

Vua ngựa

Thứ Ba 25/02/2014 , 10:43 (GMT+7)

Ở vùng biên giới Tây Ninh, từ gần 30 năm nay, có một người đàn ông đam mê cháy bỏng những con ngựa đua đẹp như tranh vẽ. Ông là Châu Văn Hòa.

Ở vùng biên giới Tây Ninh, từ gần 30 năm nay, có một người đàn ông đam mê cháy bỏng những con ngựa đua đẹp như tranh vẽ. Đàn ngựa gần ba chục con của ông cực “chiến”, mỗi con có giá từ 40 đến cả trăm triệu đồng. Ông là Châu Văn Hòa (Sáu Hòa), ở ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

>> Những nữ xà ích

CHỈ MỘT ĐAM MÊ

Từ TP. Tây Ninh, theo QL 22B, đi thêm hơn 30 cây số, đến thị trấn Tân Biên, chúng tôi hỏi đường đến trại ngựa đua Sáu Hòa, mấy tay xe ôm “à” lên một tiếng rồi nói một lèo đường đến trại ngựa Sáu Hòa. “Tây Ninh có ổng nuôi ngựa đua từ đó giờ nên nhiều người biết lắm. Ở đây tụi tui gọi ổng là vua ngựa đấy”, sau khi chỉ đường xong, một người nói thêm.

Tiếp chúng tôi là anh Châu Văn Việt, con trai út ông Sáu Hòa, người có cùng đam mê ngựa đua như cha mình. “Ba tui đang đi Sài Gòn gặp mấy “chiến hữu” cùng đam mê ngựa của ổng. Chắc chiều tối về tới”, anh Việt vừa nói vừa dẫn chúng tôi ra dãy chuồng ngựa được xây dựng kiên cố, nơi đàn ngựa vừa trở về sau một buổi đi ăn cỏ và dạo chơi ngoài đồng. Ánh nắng chiều vàng rực xiên nghiêng vào dãy chuồng dài, khiến bộ lông óng mượt của những chú ngựa đang đứng bên trong càng thêm bóng.

“Ở vùng Tân Biên này, trại ngựa của ba tui là lớn nhất, lâu nhất và cũng chỉ có mình ba tui nuôi ngựa đua, trong đó nhiều “chiến mã” từng một thời nổi danh ở trường đua Phú Thọ. Bởi thế, hầu hết những người từng làm nghề xe ngựa thồ đều biết ba tui”, anh Việt nói tiếp.

Trò chuyện với anh Việt, chúng tôi mới biết, gia đình anh là Việt kiều Campuchia, hồi hương về sinh sống từ năm 1978. Và, niềm đam mê ngựa của ông Sáu Hòa bắt đầu từ những tháng năm làm nghề đánh xe ngựa.


Anh Châu Văn Việt và con Mã Hồng Lan một thời “làm mua làm gió” ở 
trường đua Phú Thọ

“Có lần, vì mê ngựa mà ba tui lấy hết số tiền vừa bán xe lúa ra để tậu con ngựa đua giống Nam Phi mang về. Báo hại cả nhà phải khổ mấy tháng trời. Từ khi có con ngựa đua này, ba tui buồn vui cùng nó, chăm nó còn hơn chăm con. Khi lúc kinh tế gia đình khá lên chút, ba tui lại xuống trường đua Phú Thọ mua thêm mấy con mang về nuôi. Chính vì thế mà bao năm làm cật lực mà vẫn không có dư”, anh Việt kể.

Đã có sẵn đam mê trong máu, và từng có nhiều năm kinh nghiệm chăm sóc ngựa, nhưng đó là ngựa cỏ, ngựa kéo, còn ngựa đua đòi hỏi nhiều kinh nghiệm khác. Biết điều này, đi đưa con ngựa đua đầu tiên về, ông Sáu Hòa lặn lội đi khắp nơi để “tầm sư” học kinh nghiệm. Trở về, ông vừa chăm sóc, vừa quan sát mọi chuyển biến nhỏ nhất của con ngựa, từ ánh mắt, màu lông đến cả cách nhai cỏ.

“Tui nhớ không lầm thì đó là năm 2002. Lúc tôi mới 11 tuổi. Ngoài lúc ngủ và thời gian đi đây đó tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, ba tui không rời con ngựa. Mỗi sáng ngủ dậy, dù sớm hay muộn, cũng đã thấy ổng ngoài chuồng ngựa rồi. Chiều đến, trước khi lên đèn là ba tui lại tắm rửa, dọn chuồng, rải rơm mới cho nó nằm. Đến mức, mỗi khi ổng đi lâu là con ngựa có vẻ như bồn chồn, cứ dậm chân, hí hoài.

Ba về đến cổng, dù chưa thấy nhưng nghe bước chân là nó đã biết, lồng lên rồi hí dài. Sau này lớn lên, có nhiều thời gian tiếp xúc, gần gũi với chúng tôi mới biết, ngựa là loài cực khôn. Nhiều lúc tui nghĩ, nếu biết nói, có khi nó chẳng thua người”, anh Việt nói.

NGHỀ CÔNG PHU

Khi con ngựa Nam Phi trưởng thành, ông Sáu Hòa bắt đầu đi tìm mua thêm một con ngựa cái về kết hợp với con ngựa Nam Phi nhân giống, mấy năm sau, những tuấn mã của trại ngựa Sáu Hòa bắt đầu xuất hiện ở trường đua Phú Thọ, tên tuổi “vua ngựa” Sáu Hòa bắt đầu được giới đam mê ngựa đua ở phía Nam biết đến.

Năm 2007, ông Sáu bán con tuấn mã Nam Phi cao 1,8m cho một tay đua ở TP.HCM với giá gần 200 triệu đồng. Kinh tế gia đình bắt đầu khá lên từ đó.

Cứ ngỡ nghề nuôi ngựa đua sẽ ngày một phất lên, ai ngờ, đùng một cái, năm 2011, trường đua Thú Thọ đóng cửa khiến ông Sáu như chết đứng. Thấy nhiều người bán ngựa đua cho các lò giết mổ, ông cầm lòng không được nên cố gắng thu gom mua lại, mang về nuôi dưỡng.

Hiện trại ngựa Sáu Hòa có những “chiến mã” sở hữu thân hình tuyệt mỹ, nước phi mà anh Việt ví von là “như cơn gió thoảng”, từng một thời làm nức lòng dân đua ngựa như: Nữ Phi Mai, Việt Anh, Triệu Vy, Mã Hồng Lan, Hạnh Nguyên, Tường Vy, Carino, Hugo. Trong số những “chiến mã” này hiện nay một số đang mang thai hoặc đã sinh hậu duệ 2 - 3 năm tuổi (chưa được đặt tên) và cao từ 1,2 - 1,4 m.

Anh Việt cho biết, tổng số đàn ngựa đua của ba anh hiện nay trên 30 con, tất cả đều thuộc hàng “độc” được lai từ giống ngựa của Hoàng gia Anh, trị giá hàng tỷ đồng. Riêng con ngựa đua Tường Vy, vừa rồi có người mê ngựa ở Long An đến và ngỏ ý mua với giá 100 triệu đồng nhưng ông Sáu Hòa không bán.

 Còn “hậu duệ” của hai “chiến mã” Tường Vy và Hugo có giá 40 triệu đồng. Nói về những cái tên rất đẹp, sang trọng đặt cho ngựa, anh Việt cười: “Đặt tên cho nó dựa vào ngoại hình, khả năng đua của nó và dựa vào tình cảm của người chủ dành cho nó”.

Anh Việt cho biết, những chú ngựa con được sinh ra ở trang trại của ba anh thì con nào cũng cao lớn và chạy giỏi. Khi chúng được 4 năm tuổi thì ba anh mời các chuyên gia huấn luyện ngựa ở trường đua Phú Thọ về nhận diện và cùng với chủ nhân đặt tên gọi cho mỗi con ngựa.

Những chú ngựa đua do ông Sáu Hòa nhân giống đều được bán ngược về cho các tay đua ngựa ở trường đua Phú Thọ hoặc bán cho một vài người nuôi ngựa đua như một thú vui hoặc để kéo xe thổ mộ, ngoài ra còn bán sang Campuchia những con ngựa đẹp cho những gia đình khá giả làm kiểng. Thấy ngựa cũng dễ nuôi và có lời hơn nuôi trâu, nuôi bò nên từ hơn 30 năm nay gia đình của chú sáu Hòa đã theo nghề này luôn.

Anh Việt bảo, nuôi ngựa đua nếu không có đam mê cháy bỏng và yêu thương chúng thật sự thì sẽ không thể thành công. Bởi nghề này không chỉ tốn rất nhiều thời gian chăm sóc, mà chi phí nhiều khi không tính hết. Ngoài đầu tư chuồng trại hết cả trăm triệu đồng, ông Sáu Hòa còn dành hẳn 1 ha đất để trồng cỏ dinh dưỡng cho đàn ngựa. Hằng ngày, có 6 nhân công chỉ chuyên chăm sóc đàn ngựa.

“Năm nay ba tui đã 55 tuổi, nhưng chưa thấy mê cái gì như mê ngựa đua. Tui cũng có đam mê giống ba, nên dù làm việc tận Sài Gòn nhưng cứ chiều thứ 6 là tui phi về, vừa phụ ba chăm sóc chúng vừa thỏa nỗi nhớ”, anh Việt cười tâm sự.

"Để có một con ngựa đua tốt, ngoài đam mê, người nuôi phải có kiên thức, kinh nghiệm. Để ngựa đua khỏe và bền, ngoài chế độ ăn uống, mỗi người có một bí quyết riêng ngoài những bài tập phổ thông như rèn chạy trên các loại địa hình, từ nền cứng, đất cát đến bùn nhão… Ngựa 3-4 tuổi là có thể đưa đi đua.

Nếu chăm sóc tốt, ngựa có thể đua trong thời gian khoảng 15 năm. Vòng đời của ngựa có thể kéo dài tới 30 năm, nên sau khi hết tuổi đua, những con ngựa tốt được dùng để nhân giống", ông Sáu Hòa.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.