| Hotline: 0983.970.780

Vực dậy lãnh Mỹ A

Thứ Ba 22/01/2013 , 10:15 (GMT+7)

Vào xóm ấp Long Hưng, thị trấn Tân Châu, nơi nổi tiếng làng dệt lụa (lãnh) Mỹ A từ thập niên 60 của thế kỷ trước, cảnh vật đổi thay thật khó nhận ra.

Nằm ven bờ sông Tiền, mấy năm gần đây, đường về huyện Tân Châu (An Giang) đi lại dễ dàng. Sắp Tết, hoa trái, bánh mứt bày bán la liệt bên đường. Khi xe chạy vào xóm ấp Long Hưng, thị trấn Tân Châu, nơi nổi tiếng làng dệt lụa (lãnh) Mỹ A từ thập niên 60 của thế kỷ trước, cảnh vật đổi thay thật khó nhận ra.

Còn chút gì để nhớ

Ghé nhà bác Tám Lăng (Nguyễn Văn Long, 87 tuổi), cơ sở dệt lãnh Mỹ A còn sót lại duy nhất ở Long Hưng. Cả một gian nhà trước lát nền gạch tàu rộng rãi nhưng không thấy bóng dáng người thợ nào. Mấy khung dệt bụi bặm, im lìm nằm xếp một bên “nghỉ ngơi” từ hai tháng trước.

Bác Tám Lăng bảo con gái thứ bảy - chị Hằng mang vài cây lụa giới thiệu khách phương xa: “Tuy cơ sở đã ngừng dệt xem như nghỉ Tết sớm, nhưng trong nhà vẫn có vài thùng hàng lụa lãnh Mỹ A mang ra chào hàng bán cho khách du lịch thỉnh thoảng đôi ba ngày tìm đến. Bán khách nội địa 250.000 đồng/m (khổ 0,9m x 1m)”.

Lãnh Mỹ A đen bóng, óng ả, mượt mà. Thứ tơ lụa xưa kia từng tôn thêm vẻ đẹp mềm mại, thướt tha cho các bà, các cô thiếu nữ miền Tây nên rất được ưa chuộng. Các cụ già kể rằng, không phải xưa kia hễ ai muốn là có lãnh Mỹ A để mặc. Dân mặc lãnh Mỹ A là những người sang cả, giới chủ điền hay thương nhân giàu có. Tơ lụa nhuộm mạc nưa có màu đen tuyền, giặt không phai màu, mình lụa sờ vào mát lạnh, càng mặc càng bóng láng, nhẹ nhàng.


Bác Tám Lăng bên khung dệt lãnh Mỹ A

Từ những năm 30 thế kỷ XX nghề trồng dâu, ươm tơ, dệt lụa ở Tân Châu bắt đầu phát triển. Đến thập niên 50, vải lụa nhập cảng chưa vào ào ạt cũng chính là thời cực thịnh của làng lụa Tân Châu. Nhà nào có khung dệt thủ công nhỏ chí ít có 2 cặp thợ, còn nhà làm xưởng dệt lớn cần tới 6 - 7 cặp thợ. Mỗi cặp thợ dệt mỗi tháng 800 - 1.000 m. Cùng với hai xưởng dệt quy mô lớn, người ta ước tính Tân Châu thời ấy tiêu thụ 4.000 - 6.000 tấn tơ sợi.

Năm tháng qua mau, dân làng lụa Tân Châu biết rõ theo sau sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp dệt may, nghề dệt lụa thủ công dần dần bị lấn át, lụi tàn. Đến những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, lãnh Mỹ A gần như vắng bóng. Mãi đến những năm 1990 có một dạo khung dệt cũ được bày ra, lãnh Mỹ A sống lại trong phạm vi nhỏ hẹp của nhà bác Tám Lăng, mỗi năm xuất xưởng vài ngàn mét theo đặt hàng xuất sang Pháp.

Gần đây nhà thiết kế Võ Việt Chung với chất liệu lãnh Mỹ A đã làm bật dậy giá trị một thời của lụa là trong tà áo dài duyên dáng. Nhưng rồi 3 - 4 năm trước đây, cơ sở dệt lụa của bác Tám Lăng tạm ngừng hoạt động, lãnh Mỹ A lại đứt nguồn cung hàng.

Nghề xưa khắc khoải

Bây giờ lãnh Mỹ A giống như hàng quý vì quá hiếm. Năm ngoái (2012) cơ sở dệt của bác Tám Lăng bắt nhịp trở lại theo đơn đặt hàng XK 2.000m lãnh Mỹ A sang châu Âu. Bác Tám giãi bày: “Thật ra, gần đây đơn đặt hàng XK có nhiều, trong nước khách du lịch gần xa biết tiếng lãnh Mỹ A tìm mua, giá bán chấp nhận được. Nhưng ngặt nỗi làng dệt sau nhiều năm không còn hoạt động, muốn khôi phục không đơn giản, vì gặp rất nhiều khó khăn. Từ khâu nguyên liệu lo ra sợi thật tốt, khôi phục vùng trồng mạc nưa làm sao đáp ứng yêu cầu.

Đặc biệt lớp thợ giỏi xưa kia theo năm tháng đã già, mất đi. Một vài người thợ giỏi còn sót lại muốn truyền nghề cho lớp trẻ thì ít ai chịu học. Thậm chí như mấy khung dệt trong nhà tôi muốn làm nghề cũ sống lại, ngặt nỗi muốn tìm thợ có tay nghề trả công 300.000 đồng/ngày, có khi tìm không ra thợ".

Trở ngại lớn nhất là phải có vốn đủ mạnh để chuẩn bị tất cả từng loại nguyên liệu sẵn sàng mới có thể ký hợp đồng với khách hàng. Bởi tất cả giá nguyên vật liệu, giá nhân công đã đẩy giá thành SX tăng cao. Giá trị lãnh Mỹ A hiện là 5 triệu đồng/cây, cao gấp 5 lần so với 3 năm về trước.

Dẫu rằng khách mua hàng đang quay trở lại nhận ra giá trị đích thực của mặt hàng tơ lụa danh giá bậc nhất miền Tây, dường như những người muôn năm cũ muốn vực dậy làng nghề vẫn còn ấp ủ giấc mơ canh cánh trong lòng.

Làm ra lãnh Mỹ A chỉ có dân trong nghề tự hào vì biết rõ cách căng vải lụa tạo nên chất lượng bền chắc. Trước đây lãnh Mỹ A nhuộm nhựa mạc nưa có hai loại: Loại hàng trơn bóng và loại hàng bông hoa. Loại hàng nào bán cũng chạy, hàng bán chạy ở thị trường nội địa và từng xuất sang Hồng Kông, Hoa Kỳ. Ngày nay hàng tơ lụa vẫn được ưa chuộng nhưng khách hàng yêu cầu chất lượng phải tuyệt hảo, mình lụa mịn màng, không đổ lông, phai màu…

Bác Tám Lăng nhìn nhận: Nghề dệt lãnh Mỹ A rất cực vì quá tỉ mỉ với nhiều công đoạn. Khác với dệt tơ tằm dệt suốt khô, lãnh Mỹ A dệt thủ công suốt nước. Khởi đầu quay tơ, sắp ống, trải sợi vào trục làm sợi dọc; thợ kết nối sợi, suốt thành sợi dọc vào con thoi và sợi ngang rồi thợ bắt đầu dệt.

Dệt xong nấu vải lụa cho ra hết nhựa kén. Sau đó xay giã trái mạc nưa, lụa nhuộm nước mạc nưa, đập và xả nước 15 - 16 lần cho sạch bã và phơi nắng trong hơn 1 tháng. Vải lụa dệt xong cắt thành từng đoạn dài 20 m/cây.

Hiện nay, nghề dệt lãnh Mỹ A còn phụ thuộc nhiều vào khâu chuẩn bị phần mua tơ, phải chọn tơ loại 1 ở Lâm Đồng, vì có một lúc thử dùng tơ Trung Quốc nhưng dệt không thành công. Khâu nhuộm màu phải trông vào thời vụ trái mạc nưa xanh có từ tháng 6 đến tháng 10.

Xem thêm
Thả 4,7 triệu con tôm giống ra biển Gành Hào

Bạc Liêu Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội Nghinh Ông huyện Đông Hải lần thứ XXI năm 2024.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm