| Hotline: 0983.970.780

Vùng cao nóng chuyện "bẫy người"

Thứ Tư 16/11/2011 , 10:05 (GMT+7)

Hàng loạt trẻ em dân tộc vùng cao Tây Bắc đã bị lừa ra khỏi bản rồi tống lên xe. Bạo hành, bóc lột là thứ các em phải nếm trải hàng ngày.

Hàng loạt trẻ em dân tộc vùng cao Tây Bắc đã bị lừa ra khỏi bản rồi tống lên xe. Bạo hành, bóc lột là thứ các em phải nếm trải hàng ngày. 

Lén lút tuyển trẻ em

 Cuối tháng 9/2011, tại xã Mường Mún và Mùn Chung (Tuần Giáo, Điện Biên) người dân vui mừng chào đón sự trở về của 23 trẻ em bị lừa vào các xưởng may ở TP Hồ Chí Minh. Tại xã Mùn Chung, khắp làng trên bản dưới, đề tài trẻ em bị lừa đi lao động lúc nào cũng nóng hổi. Người Khơ Mú ở đây cảnh giác hơn rất nhiều mỗi khi có người lạ tìm đến.

Ông Lò Văn Vinh, trưởng bản La Tếch, nơi có số trẻ em bị lừa đi lao động nhiều nhất địa phương này giải thích: Người lạ về đây tuyển lao động và đưa các cháu đi bản thân tôi cũng không biết gì hết. Họ lén lút về trực tiếp các gia đình, không qua chính quyền địa phương. Phải đến lúc mất hết tin tức của con cái thì các gia đình mới báo.

Chúng tôi nhờ ông Vinh dẫn đến gia đình bà Quàng Thị Chung có đứa con gái là Quàng Thị Vin (12 tuổi), một trong số 23 trẻ em bị lừa đi lao động được giải thoát. Ngôi nhà bé nhỏ nằm trên đỉnh núi ẩn mình giữa nương ngô xanh tốt, ba mẹ con chị Chung đang chuẩn bị bữa cơm tối. "Nó về nhà nhiều ngày rồi nhưng đêm nào nằm ngủ cũng la hét. Có hôm tôi giật mình nghe nó kêu: Mẹ ơi! Cứu con với, con muốn về nhà, ông chủ đừng đánh con nữa, con đau lắm...", chị Chung rươm rướm kể. 

Chị Quàng Thị Chung vì tin lời đã giao con đứa con gái Quàng Thị Vin (12 tuổi) cho bà Dục đưa vào cơ sở may của con trai mình làm việc

Chồng chị Chung mất sớm, một mình chị nuôi 3 đứa con và một bà mẹ đã già. Vật lộn với nương lúa, nương ngô nhưng không nuôi đủ bốn miệng ăn. Đang học lớp 6, Vin phải nghỉ học giữa chừng để theo mẹ lên nương. Vào đầu năm nay, hai mẹ con đi làm nương về thì thấy một người phụ nữ đến tìm. Bà ta giới thiệu tên là Lê Thị Dục (SN 1943, quê ở tỉnh Bắc Ninh, tạm trú phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) rồi bảo rằng, về đây để tuyển lao động vào làm việc tại một xưởng may mặc với mức thu nhập khá cao. 

Gia đình khó khăn, con lại đang thất học nên chị Chung đã đồng ý cho con Vin theo bà Dục đi làm công nhân. Hôm trước đồng ý thì hôm sau đã bắt xe đi rồi. Chuyến xe chạy theo hướng Nam, ngoài 9 đứa trẻ dân tộc Khơ Mú ở xã Mùn Chung còn có 14 đứa trẻ khác ở xã Mường Mún cùng đi. Sau 6 ngày hành trình ròng rã, chuyến xe dừng lại ở hai xưởng may mặc tại TP Hồ Chí Minh. 23 đứa trẻ được bà Dục bàn giao cho hai người khác và chia thành 2 tốp về hai cơ sở may mặc khác nhau.  

Bóc lột, bạo hành, bỏ đói…

Về nhà đã gần một tháng nhưng trên mặt Vin vẫn lộ rõ sự sợ hãi khi kể lại cuộc hành trình với chúng tôi. Vin bảo rằng, vừa vào xưởng ông chủ đã ra quy chế: "Chỉ ăn ở trong xưởng may không được ra ngoài. Ai làm việc không đúng theo yêu cầu sẽ bị phạt. Ông chủ nói gì không được cãi, cứ theo đó mà làm".  

Buổi sáng, ông chủ bắt làm 7 giờ sáng cho đến 12 giờ trưa mới được ăn cơm. Buổi chiều bắt đầu từ 2 giờ làm việc tiếp cho đến 7 giờ tối mới được tắm rửa nghỉ ngơi và ăn cơm tối. Tiếp đến 9 giờ làm việc tới 12 giờ đêm thì đi ngủ. Con gái làm công việc may quần áo, con trai ngoài thời gian may còn kiêm thêm xếp áo quần đóng vào bao. Khi nào có xe xuất nhập hàng phải đi bốc vác. Mỗi lần làm sai là ông chủ dùng thước đánh liên tục.

Công việc nặng nhọc, cộng thêm bị hành hạ, những đứa trẻ xin ông chủ cho gặp bà Dục để về lại quê thì bị mắng: "Tao bỏ tiền đưa bọn mày vào đây làm ăn nếu về thì trả lại số tiền đã đưa cho cha mẹ chúng mày".

Trong xưởng may hơn 10 người thì có năm người con trai gồm Tùng, Điêu, Mai, Ngọc và Khánh cùng hai người con gái là Vin và Pin. Chịu không nổi cực hình, Quàng Văn Tùng (16 tuổi) ở bản Pa Tếch cùng 6 đứa trẻ khác đã tìm cách chạy trốn khỏi xưởng may. Đêm khuya, khi ông chủ đi ngủ thì 7 đứa leo tường trốn ra ngoài  nhưng hai đứa con gái là Vin và Pin không leo được đành phải ở lại. 

Thoát được rồi nhưng chẳng biết đi đâu, sau 3 ngày 3 đêm Tùng, Điêu, Mai, Ngọc và Khánh đói quá không đi nổi và dừng chân trước một quán cơm. Cả 5 lột hết túi áo, quần nhưng không có một đồng xu dính túi. 

Ông Quàng Văn Chưa vui mừng khi đứa con trai Quang Văn Tùng về với gia đình

Tùng kể: “Bọn con đứng một hồi trước quán thì có một chị đang ngồi ăn trong đó. Chị ấy chạy ra gọi bọn con vào, mua cho 5 suất cơm ăn. Ăn xong còn mua cơm gói trong bao bóng cho chúng con và cho mỗi đứa 50 ngàn đồng đi tiếp". 5 đứa tiếp tục đi, khi đến một xưởng mộc có tên bà Chín thì xin vào đó làm, mỗi tháng được trả 2 triệu đồng/người.  Làm với bà Chín được 2 tháng thì mấy chú công an phường đến và đưa xuống TP HCM.

Thì ra, việc các cơ sở may mặc tuyển dụng lao động trẻ em đã lọt vào tầm ngắm của cơ quan chức năng. Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã phối hợp cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ TP HCM và một tổ chức phi chính phủ của Australia bàn giao 23 trẻ em từ 11 đến 17 tuổi, người dân tộc Khơ Mú, xã Mường Mún và xã Mùn Chung đoàn tụ cùng gia đình.

Bà Lê Thị Dục đã bị bắt. Tại cơ quan điều tra, bà Dục khai nhận, số trẻ em này được bà tuyển đưa vào hai cơ sở may của con trai mình là Nguyễn Thế Tuấn (SN 1976) và Nguyễn Hồng Quang (SN 1981) làm chủ đều đóng ở phường Tây Thạnh. 

Và những người chưa được trở về

Việc những đứa trẻ Khơ Mú được giải cứu là một sự may mắn. Nhưng tại 16 bản thuộc xã Mùn Chung không ít những bậc làm cha, làm mẹ do tin lời đã giao con các ông chủ đưa đến “miền đất hứa” nay ngày đêm ngóng tin con trong sự vô vọng. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Nhung, Phó trưởng Công an xã Mùn Chung cho biết: Tại xã từ trước đến nay có nhiều người trên địa bàn xã đi làm ăn xa nhưng đều bặt vô âm tín như ở bản Pa Tong có em Quàng Thị Lón (SN 1980) và Quàng Thị Úng (SN 1983). Lón và Úng có một người lạ về tuyển lao động rồi đưa đi, đến nay đã 5 năm nhưng mất liên lạc. Ngoài ra, Lường Văn Đoan ở bản Pô Tếch đi xuất khẩu lao động Malaysia, trong lúc 2 người đi cùng đợt đã về nhưng Đoan không có tin tức gì.

Cách đây hai năm tại bản Pô Tếch có trường hợp em Lò Văn Tương (13 tuổi) nghe theo lời dụ dỗ đã đi theo người lạ làm ăn và từ đó đến giờ không biết ở đâu. Trưởng bản Pô Tếch, ông Lường Văn Tun cho biết: "Trước đây, Tương đi chăn trâu thuê kiếm gạo về nuôi mẹ nhưng nghe lời một người lạ đã trốn đi. Nhớ thương con, bà Lò Thị Sương (48 tuổi) mẹ Tương khóc hết nước mắt, chính quyền xã cầu cứu nhiều nơi nhưng đều bạt vô âm tín. Đã hai năm nay, lúc nào bà cũng thế. Bà bị chồng bỏ từ ngày có mang thằng Tương. Từ khi Tương đi không về bà buồn bã nhiều lần đòi chết nhưng bà con trong bản đến động viên rồi người cho ít gạo, ngô để ăn qua ngày".

Gặp tôi, bà Sương khóc lóc: “Thằng Tương rất chăm chỉ, chịu khó làm ăn, vì nó biết hai mẹ đói khổ. Từ ngày đi đến giờ, nó chưa một lần gọi điện về nhà. Từ hôm 23 đứa trẻ Khơ Mú về, tôi lại buồn thêm, không biết thằng Tương sống chết thế nào rồi”. Nói xong, bà Sương nắm chặt tay chúng tôi, ánh mắt như cầu khẩn, giọng vỡ oà: “Xin các chú tìm cách giúp đỡ và cứu con tôi với...”. 

Chung tâm trạng với bà Sương, dù đứa con trai Quàng Văn Tùng đã được giải cứu trở về nhưng gia đình vợ chồng ông Quàng Văn Chưa và bà Quàng Thị Sinh vẫn buồn rầu vì giờ này thằng anh là Quàng Văn Diêu (20 tuổi) bị người lạ đến lừa đem đi hai năm nay không biết đang ở đâu. Ông Chưa bảo: Vì nghèo đói nên con cái ông thất học và bị người ta lừa bán rồi cũng nên.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất