| Hotline: 0983.970.780

Vùng cửa biển sôi sục tìm đường... xuất ngoại

Thứ Hai 17/07/2017 , 13:50 (GMT+7)

Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản đang trở thành phong trào “Đông du” của người dân vùng biển Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Đây là câu chuyện nóng nhất của vùng cửa biển này diễn ra từ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra.
 

Nhà có 5 người lao động nước ngoài

Xưa nay, người dân vùng biển Cửa Việt chỉ có một nghề duy nhất là đánh cá trên biển quê hương. Nhà nào có điều kiện thì đóng tàu to rồi kêu trai bạn trong làng cùng đi biển. Sản phẩm thu về sẽ chia theo hình thức chủ tàu 6 phần, 4 phần còn lại chia đều cho số lao động trên tàu.

17-17-58_xut_khu_1
Rất đông người dân vùng biển Cửa Việt tập trung học tiếng Hàn Quốc để đi lao động nước ngoài

Cuộc đời ngư phủ của trai làng cứ trôi qua một cách bình lặng. Họ không thiếu ăn, nhưng cũng không có dư thừa để làm giàu. Cụm từ xuất khẩu lao động đối với ngư dân vùng biển này nghe rất xa xỉ. Vì trong những làng biển này đã có mấy ai đi lao động ở nước ngoài đâu.

Hôm ấy, đi mãi rồi tôi cũng tìm ra gia đình ông Nguyễn Quốc Ái ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt. Theo giới thiệu của ông Nguyễn Thanh Thương, Chủ tịch UBND xã Gio Việt thì con trai ông Ái là người đầu tiên của vùng này đi xuất khẩu lao động. Ngôi nhà ông Ái thuộc diện giàu có của thôn. Mười năm trước, con trai ông Ái được đi xuất khẩu lao động theo diện ưu tiên.

Sang Hàn Quốc làm nghề cơ khí, mỗi tháng trung bình con ông gửi về cho gia đình 30 triệu đồng. Ngần ấy tiền quả là quá lớn so với bạn bè, anh em ở nhà đi lao động đánh cá trên biển mỗi tháng kiếm được 3 đến 5 triệu đồng, chưa kể đến nguy cơ rình rập từ sóng gió biển khơi.

Như tìm thấy được cơ hội đổi đời, ông Ái liền cho thêm mấy đứa con sang Hàn Quốc, Nhật Bản lao động. Bây giờ, nhà ông Ái có 4 người con đã tham gia lao động ở nước ngoài, gồm 3 trai, 1 gái. Người con gái thứ 5 cũng đã thi tiếng Hàn Quốc trúng tuyển, đang đợi công ty tuyển dụng gọi ra nước ngoài làm việc.

Gia đình ông Ái là “đỉnh” nhất vùng biển Gio Việt này, có đến 5 người con đi xuất khẩu lao động. Trung bình hàng tháng mỗi đứa con ông dành dụm được 30 triệu đồng sau khi ăn uống, sinh hoạt. So với lao động ở nhà đi biển thì số tiền lương này quả là rất lớn, gấp đến nhiều lần.

Điều khiến các con ông thích nhất khi làm việc ở nước ngoài dù ở lĩnh vực nào cũng vậy, đó là tính tổ chức kỷ luật cao, rất chuyên nghiệp, lương lại cao nên ai biết dành dụm thì nhất định sau 3 hoặc 5 năm sẽ tiết kiệm được khoản tiền lớn. Vẻ mặt đầy tự tin, ông Ái nói các con ông rất chăm ngoan khi lao động ở nước ngoài, chúng đã gửi tiền về nước nhờ ba mẹ mua đất để xây dựng nhà cửa đàng hoàng.
 

Học xong lớp 12 là... xuất khẩu

Như một làn sóng mới ập đến, thanh niên trong các xã vùng biển trong độ tuổi dưới bốn mươi đều đăng ký đi xuất khẩu lao động, thị trường được chọn chủ yếu là Hàn Quốc rồi đến Nhật Bản nên dân ở đây gọi đi xuất khẩu lao động là "phong trào Đông du hiện đại".

Ngư dân Nguyễn Văn Thọ ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, gần như đã gắn bó cả cuộc đời mình với biển khơi. Sau sự cố môi trường, con tàu nhỏ của gia đình ông phải nằm bờ, cuộc sống gia đình rơi vào túng quẫn. Ông Thọ quyết định vay vốn của ngân hàng cho hai người con đi xuất khẩu lao động. Gặp tôi, ông Thọ khoe hai chúng nó mới đi chưa được một năm nhưng mỗi tháng đều gửi về cho ba mẹ bốn mươi triệu đồng.

Còn ngư dân Lê Viết Hùng ở thôn Xuân Lộc thì vui như tết khi kể rằng hai người con của ông vừa đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, sang đó các con ông làm nghề đánh cá. Ông Hùng nói bên họ đánh cá rất sướng, tàu thuyền máy móc đồng bộ chứ không phải như bên mình. Hai người con của ông bảo rằng nếu được tuyển dụng lâu dài thì sẽ không về làm việc trong nước nữa, mà ở lại để làm việc cho các chủ tàu Hàn Quốc.

Ở Gio Việt, gia đình ông Hùng có 2 tàu đánh cá với hàng chục lao động nhưng tính lại thu nhập hàng tháng vẫn ít hơn rất nhiều so với đồng lương các con ông nhận được. Hàng tháng trừ chi tiêu, ăn uống, mỗi đứa con gửi về cho ông 25 triệu đồng. Trong lúc đó ông Hùng thừa nhận mình sử dụng hơn mười lao động đánh cá nhưng mỗi tháng cũng chỉ trả chừng năm triệu đồng tiền lương cho mỗi lao động. Muốn trả cao hơn cũng khó vì tàu công suất nhỏ, máy móc thiếu đồng bộ nên năng suất đánh bắt thua kém các nước rất nhiều, thu nhập rất thấp.

Chủ tịch xã Gio Việt, ông Nguyễn Thanh Thương kể rang, chưa bao giờ tình hình đi lao động nước ngoài nóng như hiện nay. Thanh niên trong các làng biển họ nhận ra sức lao động trẻ của mình là hàng hóa có giá trị nhất mà các chủ lao động nước ngoài rất cần sử dụng. Ngày nào cũng có người ở trong xã đến làm giấy tờ để đi xuất khẩu lao động. Hiện tại xã Gio Việt có 350 lao động dưới bốn mươi tuổi đang đi làm việc ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản… Con số này sẽ tăng lên nhiều vì nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài là rất lớn. Dự kiến cuối năm nay con số ra nước ngoài làm việc đến 500 người.

11-43-05_xut_khu_2
17-17-58_xut_khu_3
Nhờ đi lao động ở nước ngoài mà nhiều người ở xã Gio Việt gửi tiền về xây dựng được nhà ở rất khang trang

Xã Gio Việt đã làm một cuộc điều tra đến tất cả các hộ gia đình thì có 100% số người trả lời đều muốn đi nước ngoài làm việc. Ông Thương giải thích cũng là mang công sức ra làm thuê làm mướn nhưng đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập hàng năm, hàng tháng cao hơn rất nhiều lao động ở quê hương nên điều này làm cho mọi người ai cũng muốn đi để tìm cơ hội đổi đời. Do đi lao động xuất khẩu được tổ chức tốt nên con em trong xã chưa ai bị lừa đảo, mất việc làm, phải tay trắng trở về.

Trò chuyện một lúc, ông Thương chỉ tay ra ngôi nhà 3 tầng nằm ngay mặt tiền đường xuyên Á nối về cảng Cửa Việt rồi thú nhận cả đời mình làm lụng cũng không đủ tiền để xây ngôi nhà khang trang, nhưng chủ nhà ấy mới đi lao động ở Hàn Quốc mấy năm đã gửi tiền về cho vợ con xây cất nhà cửa to đẹp. Nhìn vào những hình ảnh đầy thuyết phục đó nên ngư dân có tư tưởng bỏ biển, ra nước ngoài làm thuê có thu nhập cao hơn nhiều.

Nhưng xã Gio Việt của ông Thương vẫn chưa phải là địa phương có số người đi lao động xuất khẩu nhiều nhất. Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, là địa phương có số lượng người tham gia xuất khẩu lao động cao nhất của tỉnh Quảng Trị với hơn 500 người. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 100 người đi xuất khẩu lao động tập trung ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Ông Nguyễn Văn Hai, khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, có con trai Nguyễn Văn Việt đang lao động tại Nhật Bản cho biết vùng biển này nhà ít thì có một người, nhà nhiều có từ 3 đến 4 người đi lao động ở nước ngoài. Con trai ông bắt đầu sang Nhật Bản làm việc từ sau sự cố môi trường, mỗi tháng gửi về cho gia đình từ 25 đến 30 triệu đồng. Ông Hai thừa nhận xuất khẩu lao động đã thực sự góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sau sự cố môi trường biển. Từ nguồn ngoại tệ nước ngoài của các lao động gửi về hàng tháng đã thay đổi không nhỏ bộ mặt các vùng nông thôn. 

Ông Trần Đình Cảm, Chủ tịch thị trấn Cửa Việt cho biết, sau sự cố môi trường biển xuất khẩu lao động được xem là một giải pháp hợp lý, thiết thực góp phần rất lớn vào việc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhờ dòng tiền gửi về từ các con em làm việc chân chính ở nước ngoài mà đời sống kinh tế của bà con ngư dân có nhiều thay đổi đáng mừng. Bây giờ các học sinh học xong lớp 12 vùng này đều chọn xuất khẩu lao động để dấn thân ở nước ngoài, mong kiếm được thu nhập nhiều hơn về giúp đỡ cho gia đình, dành dụm cho bản thân nên từ đó dẫn đến tình trạng vùng biển Cửa Việt đang thiếu lao động đi biển một cách trầm trọng.

Xem thêm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung bị khiển trách

Ngày 19/4, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bị Bộ Chính trị quyết định kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm