| Hotline: 0983.970.780

Vùng đất... trời hành

Thứ Năm 21/01/2010 , 10:30 (GMT+7)

Nhiều người trọng thương, trâu bò chết, cây cối, nhà cửa gãy đổ, đồ điện bị cháy... Đó là kết quả của những lần sét đánh ở xã Đông Sơn và nhiều vùng khác của huyện miền núi A Lưới.

Hai vợ chồng Quỳnh Nui ở xã Đồng Sơn từng bị sét đánh ngất đi và may mắn thoát chết

Nhiều người trọng thương, trâu bò chết, cây cối, nhà cửa gãy đổ, đồ điện bị cháy. Trời mưa không ai dám ra khỏi nhà, nhiều người sợ đến nỗi phải trùm chăn trốn.... Đó là kết quả của những lần sét đánh ở xã Đông Sơn và nhiều vùng khác của huyện miền núi A Lưới (Thừa Thiên – Huế). 

Từ trung tâm TP Huế theo QL 49 lên huyện A Lưới phải mất gần 3 giờ đồng hồ chạy xe máy, vượt qua 70 cây số với những ngọn đèo cao chót vót. Nơi đây được ví như cổng trời của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Thiên lôi liên tục "hỏi thăm"

Khi đặt chân đến ngã ba Bốt Đỏ (xã Phú Vinh), chúng tôi hỏi chuyện sấm sét, một người dân tên Hồ Văn Phương nói đùa: “Không biết cái huyện ni mắc tội chi với ông trời không mà năm mô thiên lôi cũng nhắm vào dân làng. Trước đây ngã ba Bốt Đỏ là nơi sét đánh nhiều nhất huyện nhưng mấy năm trở lại giảm hẳn vì có cột sóng điện thoại, cột điện cao thế”. Theo lời anh Phương, chúng tôi theo đường Hồ Chí Minh chạy vào xã Đông Sơn – nơi được cho là tọa độ “chết” mà thiên lôi nhắm vào.

Ông Hồ Giăng Nghinh, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, hiện xã chưa có người chết nhưng sét cũng đã làm chết nhiều trâu bò, hư hỏng đồ điện, thiêu rụi nhà cửa… Ông Nghinh nói: “Từ khi dựng trạm thu sóng truyền thanh, truyền hình thì xã này sét đánh nhiều lắm. Nó đánh quanh năm, đặc biệt là vào mùa hè khiến công việc của bà con bị ngưng trệ. Đời sống thêm phần khó khăn vì điện đài mất, trâu bò chết, bà con không dám ra đồng, lên nương làm việc”.

Trạm thu sóng được xây dựng từ năm 2006, và kể từ đó xã Đông Sơn trở thành tọa độ “chết” luôn hứng chịu những trận thịnh nộ của thần sấm sét. Vào năm 2007, trạm đã bị sét đánh sập hoàn toàn, phải tốn 60 triệu đồng sửa lại. Nhưng vào tháng 7/2009 lại bị sét đánh sập và đến giờ vẫn chưa được dựng lại.

Anh Quỳnh Nui (32 tuổi, thôn Chai) giờ như người mất hồn, ăn nói ngớ ngẩn, hoàn toàn mất trí nhớ. Trước đó, anh là một người rất khỏe mạnh, đã lập gia đình. Vào tháng 6/2006, anh Nui và vợ đang ngồi nướng sắn thì sét đánh trúng người khiến anh ngất tại chỗ, thân thể bị cháy sém. Vợ anh lúc đó cũng bị ngất đi nhưng may mọi người phát hiện kịp nên đưa hai vợ chồng vào Trạm Y tế xã cấp cứu. Bị hôn mê sâu suốt 3 giời đồng hồ nhưng may mắn anh Nui bị thần chết từ chối nhưng từ đó đến nay tâm trí anh Nui không hoàn toàn bình thường, hay sợ hãi, sức khỏe ốm yếu. Gia đình 7 miệng ăn trong đó có 4 đứa con nhỏ phải dựa vào người vợ.

Vào trưa một ngày tháng 4/2008 trời đang nắng gắt thì mây ùn ún kéo về tạo thành cơn mưa giông. Sấm sét nổi đùng đoàng. Dù chồng khuyên ngăn nhưng vì ruộng lúa khát nước nên chị Căn Mười Hai vác cuốc ra ruộng. Nhưng vừa bước chân tới ruộng thì chị Hai bị sét đánh trúng người, bất tỉnh. Thấy vợ đi quá lâu nên chồng chạy ra ruộng tìm thì thấy vợ mình đang nằm giữa ruộng, áo quần cháy hết. Chị Hai được đưa tới Bệnh viện A Lưới cấp cứu và may mắn thoát chết.

Trong số những người ở xã Đông Sơn bị thiên lôi đánh trúng, trường hợp thoát chết may mắn và đáng thương nhất là em Hồ Thị Vây (17 tuổi) - bị câm điếc bẩm sinh - ở thôn A Xam. Cũng vào một buổi trưa năm 2007 trời mưa giông, dù Vây đang ngồi trong nhà nhưng cũng bị sét đánh trúng. Toàn thân đen sì do cháy hết áo quần, Vây ngất đi. Tưởng Vây đã chết, người thân than khóc, xóm làng người đi mua quan tài, kẻ lên chợ mua vải may áo quan, người đi sắm đồ cúng… để chuẩn bị mai táng. May mắn sau một buổi nằm chờ liệm, Vây tỉnh lại, nhưng nay trí nhớ của em không được như người bình thường. Hay hoảng sợ, đặc biệt là khi trời mưa gió là Vây nhảy lên giường trùm chăn kính mít.

Sợ hơn bom đạn

Không riêng gì xã Đông Sơn, ở huyện A Lưới đâu đâu cũng bị sấm sét đánh. Cứ vào mùa mưa giông là xã nào cũng có người bị sét đánh, trâu bò chết, nhà cửa, đồ điện… bị thiêu rụi. Mất hết của cải, tư liệu sản xuất.

Một cột trụ bị sét đánh

Tại thị trấn A Lưới, cách đây 3 năm về trước gia đình anh Nguyễn Văn Trọng, khu vực 4, bị thiêu rụi hoàn toàn một ngôi nhà cấp bốn, mái được lớp tôn nhưng sét đánh đã thiêu rụi thành tro, may mắn không ai thiệt mạng. Còn ở xã Hồng Vân cũng đã ghi nhận một trường hợp bị sét đánh chết. Đó là chị Hồ Thị Liên, bị sét đánh khi đang đi trên đường làm. Anh Hồ Văn Hùng, thôn A Năm khẳng định: “Ở trên này thấy trời sắp mưa là phải chạy vào nhà mà trốn, trâu bò cũng phải đưa vào chuồng, điện đài phải ngắt cầu giao”.

Tuyến đường Hồ Chí Minh từ ngã ba Bốt Đỏ tới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam mỗi lần trời mưa tuyệt nhiên không có người nào đi trên đường, nhiều người chạy xe qua đây gặp mưa nên suýt mất mạng.

Chúng tôi từng là nạn nhân của thiên lôi khi một lần chạy xe máy trên tuyến đường này. Đó là một buổi trưa tháng 4/2009, trời đang nắng gắt bỗng nhiên mây kéo về, sấm chớp nổi đùng đùng. Mưa nặng hạt. Những tia chớp, sấm sét liên hồi giáng xuống kinh hồn. Trên đường không một ai qua lại, khu vực qua xã A Roàng hai bên đường không một ngôi nhà. Đánh liều chạy xe để tìm nhà trú mưa thì bất ngờ một tia chớp xanh lè đánh xẹt xuống mặt đường ở trước bánh xe. Bu - gi xe máy bốc khói. May mắn sét không đánh trúng người.

Hiện ở A Lưới có rất nhiều người mỗi khi có mưa, sấm sét thì nhảy lên giường trùm chăn, bịt tai. Sấm sét trở thành nỗi sợ hãi. Ông Ngọc Hữu Hà (57 tuổi), xã Đông Sơn tâm sự: “Tôi đi chiến đấu nhiều nơi, trải qua nhiều trận chiến, không sợ bom đạn, chết chóc. Nhưng mấy năm trở lại đây tôi cảm thấy sợ sét”.

 Cần sớm xây dựng cột chống sét

Theo ông Trịnh Huy Sơn, Phó phòng Công thương huyện A Lưới, một người có nhiều năm theo dõi nghiên cứu hiện tượng sấm sét ở huyện, lý giải nguyên nhân là do A Lưới là một huyện nằm trên đỉnh Trường Sơn có độ cao trung bình là 600m, độ cao tối đa trên 1.700m, đây là vùng có lượng mưa lớn, độ ẩm cao. Vùng này nằm giữa hai luồng khí hậu mưa (Việt Nam) và nắng (Lào). Do vậy khu vực này thường có những đám mây chứa điện tích dương do mưa, độ ẩm cao tạo thành. Vào mùa mưa gió sẽ đưa những đám mây đi và dễ va chạm với đồi núi vì khoảng cách gần.

Đặc biệt, theo ông Sơn thì hiện tượng sét đánh nhiều ở xã Đông Sơn là rất lạ vì đây có địa hình bằng phẳng, núi rất ít. “Việc xây dựng hệ thống chống sét không đúng kỹ thuật thì chắc chắn sét sẽ tìm tới vì đây là nơi thu sét cả vùng. Chúng tôi sẽ làm hồ sơ và tiến hành kiểm tra lại hệ thống chống sét của cột thu phát sóng này”.

Ông Nguyễn Đức Phong, Trưởng phòng Công thương huyện A Lưới cho biết: “Hiện trên địa bàn toàn huyện hệ thống chống sét đều nhờ vào cột thu phát sóng của truyền hình, phát thanh, điện thoại, cột điện cao thế… là chủ yếu. Để sét đánh không còn là nỗi sợ hãi của người dân thì trên địa bàn huyện A Lưới cần 5 đến 6 cột chống sét. Chúng tôi sẽ nghiên cứu xây dựng sớm”.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.

Bình luận mới nhất