| Hotline: 0983.970.780

Vùng trồng cây mãng cầu đe dọa môi trường

Thứ Ba 29/11/2016 , 08:17 (GMT+7)

Tỉnh Tây Ninh có hơn 5.000ha mãng cầu, đây cũng là cây trồng mà người nông dân sử dụng thuốc BVTV vô địch, vì vậy mức độ ô nhiễm môi trường nông nghiệp không thể không đặt ra...

Đe dọa môi trường

Theo tính toán, giá thành 1kg mãng cầu khoảng 7 - 10 ngàn đồng/kg, trong khi giá bán trên thị trường luôn ổn định mức 20 ngàn đồng trở lên, thậm chí các ngày lễ, Tết có thể đạt đỉnh 50 - 70 ngàn đồng/kg. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha/vụ, 1 năm thu 2 vụ nên cây mãng cầu mang lại hiệu quả kinh tế khá lớn cho nông dân.

08-27-34_h1
Ông Huỳnh Biển Chiêu, nông dân đầu tiên của tỉnh Tây Ninh áp dụng thành công biện pháp bao trái mãng cầu nhằm hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV
 

Tuy nhiên, cây mãng cầu vốn dĩ mang theo nhiều sâu bệnh nên nông dân xịt thuốc vô tội vạ, sau khi trồng là đã xịt, không sâu cũng xịt để phòng ngừa, còn có sâu (bệnh) thì xịt càng nhiều để diệt trừ, bình quân 7 ngày xịt một lần.

Tại xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, nơi có diện tích trồng mãng cầu gần 700ha. Theo ông Nguyễn Thanh Tòng, Chủ tịch Hội Nông dân xã, sau khi trồng 24 - 26 tháng là cây mãng cầu ra hoa làm trái, từ đó đến lúc thu hoạch là 4 tháng.

Trong thời gian này, người nông dân sử dụng thuốc BVTV nhiều nhất, mỗi ha dùng 500 lít nước với 0,5 - 1kg thuốc. Như vậy, mỗi năm tại đây có hàng tấn thuốc BVTV và hàng ngàn chai lọ “ném” ra môi trường, đất đai và không khí.

Do dùng quá nhiều loại thuốc dẫn tới côn trùng ngày càng kháng thuốc nên đa số người trồng mãng cầu đều tăng liều. Nếu trên chai thuốc trị rệp, bọ trĩ, nhà sản xuất hướng dẫn pha 200 lít nước/ha với 450ml thuốc thì nông dân tăng liều lên gấp 1,5 - 2 lần xịt sâu mới chết, đặc biệt là con ruồi vàng sống rất dai, thuốc càng độc càng tốt.

Nhất là trong mùa mưa nhiều loại rệp sáp, ruồi vàng xuất hiện gây hại trái mãng cầu. Thế nên, có trường hợp xịt thuốc này không chết, ra đại lý họ “bổ cứu” thêm thuốc khác, nhưng không chỉ 1 loại mà có 3 - 4 loại thuốc BVTV phối kết hợp với nhau.

- Ở địa phương có biết việc sử dụng thuốc BVTV nhiều như thế là sẽ gây ô nhiễm môi trường nông nghiệp không? Tôi hỏi.

- Cũng có biết, nhưng mức độ ảnh hưởng như thế nào đối với đất đai, không khí, nguồn nước thì nông dân chịu thua, bởi từ trước đến nay chưa thấy ai phản ảnh nên cơ quan chức năng cũng không đến xét nghiệm kiểm tra, ông Tòng nói.
 

Le lói điểm sáng

Nhận thấy tác hại của việc sử dụng thuốc BVTV vô tội vạ trên cây mãng cầu, gần đây, Chi cục BVTV và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh đã tăng cường tập huấn cho nông dân, khuyến cáo người trồng mãng cầu áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV.

Tuy nhiên, đến nay mới có một vài nông dân, tổ hợp tác tham gia VietGAP với diện tích 50ha, tức chỉ chiếm 1% diện tích mãng cầu toàn tỉnh. Mặc dù mô hình còn nhỏ, có thể nói là không đáng kể, nhưng đây cũng là điểm nhấn tích cực cho thấy địa phương đã và đang thật sự quan tâm đến môi trường và sản phẩm sạch.

Chúng tôi đến tìm hiểu mô hình trồng mãng cầu VietGAP 5ha của ông Huỳnh Biển Chiêu ở xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, được Cty CP Giám định và Khử trùng (FCC) cấp Giấy chứng nhận từ năm 2013 đến nay. Ông Chiêu là nông dân đầu tiên áp dụng biện pháp chống dịch ruồi vàng đục trái gây giòi trái mãng cầu bằng cách bao trái, chấp nhận chi phí đầu tư thêm 420 đồng/bao.

Sắp tới, ông thuê thêm 10ha để trồng mãng cầu theo VietGAP mà chủ yếu là bao trái, quyết không dùng thuốc BVTV trong giai đoạn này. “Cứ mỗi tấn mãng cầu bao trái, tôi phải chi phí thêm 5 - 6 triệu tiền đầu tư, trong khi giá bán vẫn ngang bằng với giá mãng cầu không bao trái, nhưng tôi vẫn chấp nhận”, ông Chiêu chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Nhân, PGĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh (TTKN), ngoài các biện pháp xua đuổi, dùng chất dẫn dụ (không phun xịt thuốc ra bên ngoài môi trường) thì trong năm 2016, TTKN đã hỗ trợ 6 triệu đồng/ha cho nông dân bao trái mãng cầu với diện tích 14ha ở tổ hợp tác xã Tân Bình.

“Mặt khác, ngành chức năng còn khuyến cáo nông dân sử dụng máy phun khói với giá 20 triệu đồng/bình, pha 2 lít dung môi với 1 lít thuốc trong mỗi lần phun. Ưu điểm máy xông khói là gọn nhẹ, dễ di chuyển, độ phủ của khói rộng bao trùm cây và không gian có sự xuất hiện của sâu bệnh.

Nếu việc phun thuốc nước hoặc thuốc bột ở trên cao sẽ gây ảnh hưởng tới đất đai nguồn nước thì việc phun khói sẽ khắc phục nhược điểm này. Có thể nói, bao trái và xông khói trên mãng cầu phòng trừ sâu bệnh là hai giải pháp nhằm bảo vệ tối đa môi trường nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng hiện nay”, ông Nhân cho biết.

“Trước đây, ruồi vàng đục trái gây giòi chỉ xảy ra ở một vài thời điểm trong năm, nhưng bây giờ thì quanh năm. Vì vậy, giai đoạn này là nông dân tha hồ “thử nghiệm” thuốc BVTV, đại lý chỉ cái nào là dùng cái đó, miễn sao có hiệu quả là được. Nên nếu nói ô nhiễm môi trường, giai đoạn này là dữ nhất”, một cán bộ Chi cục BVTV tỉnh.

Ô nhiễm thuốc BVTV ở mức báo động

+ Theo ông Bùi Văn Kịp (Giám đốc kỹ thuật Cty Bayer), mỗi năm Việt Nam nhập trên 100.000 tấn thành phẩm hóa chất BVTV, số lượng vỏ thuốc cũng lên tới hàng chục nghìn tấn mỗi năm. Từ đó cho thấy, cùng với ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí thì ô nhiễm môi trường đất do sử dụng thuốc BVTV và phân bón hiện đang ở mức báo động, nó không chỉ ảnh hưởng xấu đến SX nông nghiệp và chất lượng nông sản, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

+ Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện KH-CN và Quản lý Môi trường (Đại học Công nghiệp TP.HCM), khi phun thuốc BVTV, không khí bị ô nhiễm dưới dạng bụi, hơi. Dưới tác động của ánh sáng, nhiệt độ, gió... và tính chất hóa học, thuốc BVTV có thể lan truyền trong không khí. Lượng tồn dư trong không khí sẽ khuếch tán, có thể di chuyển xa và lắng đọng vào nguồn nước mặt ở nơi khác gây ô nhiễm môi trường.

Trên thị trường, hiện có rất nhiều loại hoá chất BVTV có khả năng bay hơi và thăng hoa, ngay cả hóa chất có khả năng bay hơi ít cũng có thể bay hơi vào không khí, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm nó có thể vận chuyển đến những khoảng cách xa, đóng góp vào việc ô nhiễm môi trường không khí.

+ Một chuyên gia trong ngành thuốc BVTV thừa nhận, nếu để tồn dư lâu dài thuốc BVTV trong môi trường đất sẽ gây chết tất cả những sinh vật có hại và có lợi trong môi trường đất. Sự mù mờ của không ít nông dân khi lạm dụng thuốc BVTV trong quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm nặng nề môi trường đất, nước, không khí, ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế bền vững và sức khỏe cộng đồng.

Vì vậy cần phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng các hoá chất dùng trong nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV. Tổ chức thu gom, xử lý, chôn lấp tập trung chất thải rắn, chất thải nguy hại để hạn chế ảnh hưởng đến môi trường nói chung và nguồn nước xung quanh.

Nguyễn Biểu - Trần Văn

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỉnh tiên phong ban hành năm cao điểm phòng, chống bệnh dại

Thanh Hóa là một trong những tỉnh tiên phong trên cả nước ban hành tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.