| Hotline: 0983.970.780

Vườn trong phố, mô hình tháp rau

Thứ Tư 17/08/2016 , 13:15 (GMT+7)

Những vườn rau ở phố trông rất đẹp mắt. Bởi không có đất như ở làng quê, nên những thị dân phải tận dụng mọi vật dụng để trồng rau...

Một buổi chiều đi ăn bánh xèo ở đường Phan Thanh Nghị thuộc phường Đống Đa (TP Quy Nhơn, Bình Định), nhìn thấy một đôi vợ chồng trẻ cùng hai đứa con nhỏ đi vào, trên tay người vợ cầm bì rau xanh. Vào quán, họ chỉ kêu bánh, ăn rau của mình mang theo. Tôi bắt chuyện thì được biết, đa số người dân TP Quy Nhơn bây giờ đều có vườn rau xanh trong nhà để tự cung tự cấp.

Những vườn rau ở phố trông rất đẹp mắt. Bởi không có đất như ở làng quê, nên những thị dân phải tận dụng mọi vật dụng để trồng rau. Như nhà anh Nguyễn Thanh Tú ở khu dân cư mới đường Nguyễn Thị Định, rau được trồng trong những cái tháp nhìn rất bắt mắt. Tháp trồng rau được làm bằng thùng phuy nhựa loại 500 lít, ngư dân thường dùng chứa nước ngọt trên tàu cá để dự trữ nước sinh hoạt cho thuyền viên trong những chuyến biển dài ngày, đã được cải tiến.

“Để chủ động nguồn rau xanh phục vụ cho gia đình mỗi bữa ăn hàng ngày, tôi tìm hiểu và biết tại khu Bắc Hà Thanh có người dùng những thùng phuy nhựa cải tiến thành vật dụng hình tháp để trồng rau, tôi mua về sử dụng. Trồng tháp rau kiểu này rất lợi diện tích. Trồng 2 tháp rau tương đương với khoảng 2m2 đất. Đặc biệt, do ở đáy tháp có lót khay thoát nước nên không lo nước tưới sẽ đọng lại thấm xuống làm hỏng sàn bê tông. Nhưng thích nhất là tháp rau cho tôi tận dụng được rác thực vật. Lặt rau, gọt vỏ củ quả tôi không vứt rác nữa, mà cho vào tháp xử lý thành phân hữu cơ bón rau rất tiện”.

Ở Quy Nhơn, dù phong trào trồng rau trong nhà phố phát triển đã lâu, nhưng ít có dịch vụ cung ứng vật dụng để trồng. Do đó, năm 2015 anh Nguyễn Đăng Quang (29 tuổi) ở khu Bắc Hà Thanh, phường Đống Đa lên mạng tìm hiểu kỹ thuật, rồi bắt tay vào công việc cải tiến thùng phuy nhựa loại 500 lít thành những tháp trồng rau.

“Tôi nghĩ mô hình tạo đất trồng rau sạch này có thể phát triển được ở Quy Nhơn nên tôi bắt tay làm từ năm ngoái. Thời gian đầu tôi vừa làm vừa nghe ngóng phản hồi của khách hàng để rút kinh nghiệm. Hiện trung bình mỗi tuần tôi nhận được khoảng 5 - 7 đơn hàng”, anh Đăng chia sẻ.

Mua thùng phuy nhựa về, anh Đăng cắt rãnh, sau đó dùng nhiệt để kéo giãn tạo độ hở làm thành những cái khay chứa đất chìa ra quanh tháp. Ở giữa thùng phuy có đặt một ống nhựa lớn đường kính khoảng 20cm để tận dụng rác thực vật tạo chất dinh dưỡng nuôi cây. Giá bán một tháp trồng rau sạch dao động 400 - 500 ngàn đồng tùy theo loại.

08-50-04_2
Những tháp rau trông rất bắt mắt

 

“Người sử dụng mua đất trộn sẵn hoặc có thể trộn theo ý mình bỏ đầy phuy, sau đó gieo hạt vào những khay trồng”, anh Đăng nói.

Trước đây, tại ngôi nhà nằm trên đường Trần Hưng Đạo, anh Lê Văn Năng có cả một vườn rau trên tường. Tuy nhiên, theo anh Năng, trồng rau trên “vườn tường” không hiệu quả, nên mấy năm nay anh trồng rau trong các vật dụng hình tháp. Từ các khay đất trên tháp rau, những cọng rau tươi tốt mọc cao khoảng 20cm trông rất mát mắt. Các loại rau gia vị như ngò, hành, quế, húng, mỗi thứ chiếm một khay đất chừng một bàn tay người lớn; riêng rau muống, rau cải thì trồng nhiều hơn.

Anh Năng nói: “Rau thơm chỉ bao nhiêu đó là đủ cho gia đình ăn mỗi ngày, để dành đất trồng những loại rau khác. Trông thấy vậy mà trồng được nhiều lắm, rau ăn hoài không hết đâu. Ngoài ra, tôi còn tận dụng 2 chiếc can nhựa đựng dầu loại 5 lít khoét hình chữ nhật trồng mấy bụi rau mã đề”.

Những ngôi nhà có sân thượng rộng thường được chủ nhà làm giàn sắt kê bên dưới, bên trên để những chiếc khay nhưa san sát nhau và đổ đất, trồng rau trong khay, mỗi khay 1 loại rau để tiện việc chăm sóc. Đứng từ xa nhìn lại, những cây rau mọc thẳng đều trông chẳng khác một vườn rau xanh phong phú chủng loại trước những sân nhà ở làng quê.

“Hiện người dân thành phố không còn thích tận dụng các thùng xốp để trồng rau nữa vì thùng xốp nhanh hư, mà chuyển sang dùng các loại khay, chậu và tháp nhựa, giá thành tuy có cao hơn nhưng bền hơn, dễ sử dụng và tiện trong việc di chuyển”, chị Thu Hường, nhà ở đường Mai Xuân Thưởng cho biết.

 

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.