| Hotline: 0983.970.780

Vướng cơ chế, thủ tục

Thứ Tư 06/03/2013 , 10:06 (GMT+7)

Làm thế nào khắc phục tình trạng trên, để đề án thực sự mang lại hiệu quả. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Thế Hạnh, PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa.

Sau 2 năm triển khai thí điểm cấp thẻ học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn (LĐNT) theo Quyết định 1956, năm 2012 đã có 1.915 lao động ở Thanh Hóa được đào tạo nghề (ĐTN), năm 2013 sẽ là 2.759 người.

Nhu cầu học nghề của LĐNT là rất lớn. Làm thế nào khắc phục tình trạng trên, để đề án thực sự mang lại hiệu quả. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Thế Hạnh (ảnh), PGĐ Sở NN-PTNT Thanh Hóa.

Xin ông cho biết, việc chuyển giao cấp thẻ học nghề từ Sở LĐ-TB&XH sang Sở NN-PTNT như thế nào?

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Thanh Hóa về việc triển khai thí điểm cấp thẻ học nghề; năm 2012 chúng tôi đã khẩn trương làm việc với các huyện để tổ chức thực hiện; đồng thời chỉ đạo rà soát, đánh giá lại việc lựa chọn nghề, đối tượng học nghề để đảm bảo hiệu quả sau khi học nghề...

Tổng kinh phí được giao năm 2012 là 7 tỷ đồng, triển khai tại 6 huyện: Nga Sơn, Thọ Xuân, Yên Định, Quảng Xương, Triệu Sơn, Như Xuân và 8 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh. Tổng số lớp là 79 lớp với 2.759 học viên. Đã triển khai đồng loạt, bắt đầu từ tháng 10/2012, đạt 100% kế hoạch đề ra.

Số thẻ học nghề đã sử dụng là 2.759 thẻ (trong đó thẻ đỏ: 1.188, thẻ xanh:116, thẻ vàng: 1.455). Giá trị thực hiện đến hết tháng 12/2012 ước đạt 4 tỷ đồng.

Ngành nghề đào tạo theo quy định của Bộ NN-PTNT, gồm các nhóm nghề trồng trọt (trồng hoa lan, mía đường, trồng lúa năng suất cao, rau an toàn…), chăn nuôi (nuôi ngao, cá lóc bông, thỏ, tôm thẻ chân trắng…) và nghề dịch vụ phục vụ SX nông nghiệp (sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, điều khiển tàu cá, quản lý trang trại, quy trình SX mạ khay, máy cấy…).

Dự kiến đến hết tháng 3/2013 kết thúc tất cả các lớp học, cũng là kết thúc triển khai thực hiện Đề án thí điểm cấp thẻ học nghề trên địa bàn tỉnh sau 2 năm.

Thanh Hóa triển khai đề án đã đạt được những kết quả khả quan. Song thực tế do nhiều nguyên nhân dẫn đến hiệu quả chưa cao. Xin ông cho biết nguyên nhân của tình trạng trên?

Sau khi khảo sát, đánh giá, chúng tôi đã ác định những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả đề án chưa cao, cụ thể:

- Một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa chú ý đến việc học nghề để chuyển đổi cơ cấu nghề, hoặc chưa chú ý đến đào tạo học viên nhằm thâm canh, tăng năng suất để họ sống được với nghề hiện tại. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc lựa chọn nghề, thường chọn giải pháp an toàn lựa chọn một số nghề truyền thống để đào tạo lại như trồng lúa, chăn nuôi lợn…

Tuy nhiên, đa số học viên đã quen với việc SX truyền thống, khi áp dụng tiến bộ KHKT mới rất ngại nên chưa thực sự muốn tham gia học nghề. Do đó chưa tạo đột phá trong công tác ĐTN.

- Nhận thức của đa số còn hạn chế, bất cập trong việc tiếp cận thông tin về nghề, thị trường và cơ sở dạy nghề nên nhiều lao động còn thụ động trong việc đăng ký học nghề, lựa chọn nghề, tiếp cận KHKT, cơ giới hóa để thay đổi tập quán SX cũ nhằm giảm lao động trực tiếp, hạ giá thành và tạo ra sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh cao.

Riêng nghề mới đưa vào, người lao động không có đủ điều kiện để đảm bảo chắc chắn việc giải quyết đầu ra. Do đó vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phối hợp với DN, cơ sở ĐTN trong việc dạy nghề, chuyển giao KHKT, bao tiêu đầu ra là hết sức cần thiết.

Cần phải nói thêm một nguyên nhân đang gây khó khăn cho cơ sở đào tạo cũng như việc triển khai thực hiện đề án mà tỉnh Thanh Hóa không thể khắc phục. Đó là cơ chế, chính sách quy định các cơ sở dạy nghề được ứng trước 30% giá trị của thẻ nhưng đến nay chưa thực hiện được, bởi chưa có văn bản chính thức của liên bộ…

Mặt khác, thủ tục hồ sơ liên quan đến người lao động và quy trình thực hiện nhiều, kéo dài thời gian nên không phù hợp với đối tượng là LĐNT trong SXNN, ví dụ hồ sơ xác nhận của lao động học nghề ngay tại xã trong thực tế chỉ cần có xác nhận của UBND cấp xã là phù hợp.

Mặc dù Chính phủ đã có quyết định chuyển toàn bộ phần ĐTN nông nghiệp sang cho Bộ NN-PTNT và Sở NN-PTNT các tỉnh quản lý, nhưng do chưa có thông tư hay hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính, nên Sở LĐ-TB&XH vẫn đang hoàn toàn quyết định quản lý tài chính. Bởi vậy, ngành nông nghiệp và cơ sở gần như đứng ngoài cuộc, hạn chế trong việc chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

Xin ông cho biết biện pháp khắc phục, nhu cầu học nghề nông nghiệp của LĐNT, kế hoạch đào tạo nghề của tỉnh Thanh Hóa trong năm 2013?

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, trên tinh thần khẩn trương nhưng chắc; mạnh dạn thấy sai sót thì sửa chữa kịp thời; giám sát chặt chẽ nếu thấy ngành nghề đào tạo không phù hợp, không có tính lan tỏa, hiệu quả không rõ nét thì chuyển đổi; Sở NN-PTNT đã chỉ đạo và yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương từ xã đến huyện.

Phòng Nông nghiệp huyện và xã căn cứ vào tình hình địa phương định hướng lựa chọn nghề. Lựa chọn cán bộ Phòng Nông nghiệp cùng cán bộ Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y huyện có nhiều kinh nghiệm thực tế tham gia trực tiếp dạy nghề.

Gắn việc dạy nghề và giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Một số nghề, cơ sở đào tạo phải cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con (như nghề trồng nấm, trồng rau an toàn…) thông qua HTXNN. Từ đó tạo được sự cạnh tranh của các cơ sở dạy nghề, đảm bảo khả năng kiểm soát về tính hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tập trung thực hiện ĐTN gắn với cơ giới hóa đồng bộ trong SX. Ví dụ Cty CP Công nông nghiệp Việt Mỹ (Thanh Hóa) được lựa chọn trực tiếp đào tạo và chuyển giao quy trình SX mạ khay máy cấy cho nông dân và cán bộ khuyến nông xã, đồng thời cung cấp máy móc phục vụ SX, giải quyết vấn đề thiếu lao động trong mùa vụ, giảm lao động trực tiếp, tiết kiệm chi phí, hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất…

Từ cách làm này, đã huy động được 21 cán bộ chuyên môn của các Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Thú y ở các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Thạch Thành, Như Xuân tham gia dạy nghề, huy động sự tham gia tích cực của các HTX để tham gia công tác chuyển giao KHKT, liêt kết với DN, cơ sở dạy nghề để dạy nghề và tiêu thụ sản phẩm.

Năm 2013, trên cơ sở đăng ký nhu cầu học nghề của LĐNT do các huyện tổng hợp, Sở NN-PTNT đang xây dựng kế hoạch ĐTN trên địa bàn sau khi được tỉnh giao kế hoạch vốn.

Xin cảm ơn ông!

Mẫu và nội dung thẻ học nghề nông nghiệp được quy định tại Thông tư liên bộ về Hướng dẫn phát hành, quản lý và sử dụng thí điểm Thẻ học nghề NN từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG Việc làm & dạy nghề.

Thẻ bao gồm có 3 loại tương ứng với 3 đối tượng người học quy định tại điểm 1 mục III Điều 1 của Quyết định số 1956/QĐ-TTg và được quy định bằng 3 màu thẻ khác nhau:

a) Màu đỏ: Thẻ cấp cho LĐNT được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế);

Hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đ/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đ/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

b) Màu xanh: Thẻ cấp cho LĐNT thuộc diện có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học thực tế).

c) Màu vàng: Thẻ cấp cho lao động khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) với mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học thực tế).

In và phát hành thẻ: Sở NN-PTNT các tỉnh thí điểm phê duyệt danh sách các đối tượng được phát thẻ học nghề.

Căn cứ vào dự toán kinh phí dành cho việc thực hiện phát hành thẻ được UBND tỉnh giao và danh sách các đối tượng đã được phê duyệt, Sở NN-PTNT các tỉnh thí điểm in và phát hành thẻ cho LĐNT, giao về cơ quan chuyên môn NN-PTNT cấp huyện để giao cho UBND xã cấp cho LĐNT.

Thời hạn và sử dụng thẻ: Mỗi LĐNT đủ điều kiện được cấp 01 Thẻ. Thẻ có giá trị sử dụng trong vòng 1 năm kể từ ngày phát hành. Thẻ chỉ được sử dụng cho LĐNT trực tiếp tham gia các khóa học nghề nông nghiệp. Khi nhập học, lao động nộp thẻ cho cơ sở dạy nghề đã lựa chọn và tham gia các khóa học nghề đã đăng ký.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.