| Hotline: 0983.970.780

Vượt qua chính mình với 26 ngày đêm chạy bộ 1.741 Km

Chủ Nhật 10/12/2017 , 09:30 (GMT+7)

Những ngày qua, dư luận thu hút dân điền kinh và những người yêu thích thể thao là sự kiện anh Nguyễn Trung Kiên (ngụ Hoàng Mai, Hà Nội), cựu sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân đã hoàn thành được chặng đường xuyên Việt một mình từ Hà Nội vào TP.HCM sau 26 ngày đêm.

Điều gì khiến anh quyết định chạy một mình và chặng đường ấy có gì đặc biệt?
 

Nghiên cứu phương pháp áp dụng khí công và hít thở để tăng cường sức khỏe và giảm chấn thương khi chạy

Mặc dù ý tưởng chạy bộ xuyên Việt chỉ mới hình thành trong thời gian gần đây nhưng với những mốc thử thách đã đạt, Kiên tin mình sẽ làm được. Đó là giải Nhất người Việt xuyên rừng ở Sapa năm 2016, giải Ba marathon Long Biên 2016, cũng năm 2016 anh đứng top 7 và thứ 3 của người Việt trong giải marathon Hạ Long.

08-37-16_trng_26_3
Nguyễn Trung Kiên chạy về đến TP.HCM

Biết trước chặng đường sẽ có nhiều khó khăn, trước khi khởi hành chuyến chạy bộ xuyên Việt từ Hà Nội vào TP.HCM, Nguyễn Trung Kiên liên hệ với một số đơn vị thường hay tổ chức marathon thiện nguyện, mong họ tài trợ cho mình sự hỗ trợ dọc đường. Tuy nhiên, không ai tin anh có thể làm được. Tất cả đều từ chối khéo.

Với mục đích nghiên cứu phương pháp áp dụng khí công và hít thở để nâng cao sức khỏe cũng như giảm thiểu chấn thương khi chạy, Kiên xây dựng kế hoạch, hình dung mọi việc sẽ diễn ra trong mỗi ngày sắp tới để xác định phải nỗ lực. Với sự nhận lời hỗ trợ tình nguyện của một bạn quen trên mạng xã hội, Kiên bắt đầu khởi hành lúc 5g30’ ngày 22/10 tại Bưu điện Bờ Hồ (Hà Nội).

Có 2 ngày anh bị lên cơn sốt vì cảm mạo. Ngày xuất phát thứ hai, khi mắc mưa ở Ninh Bình và ngày vừa đi qua Quảng Nam. Đã vậy, khi đến Quảng Nam, những trận nước trút xối xả khiến quần áo dán chặt vào người, dù có áo mưa nhưng nhịp chạy liên tục đã gây nên những vết trầy xước da đùi, đau và khó chịu không tưởng. Cứ 10 km Kiên lại nghỉ 10-20 phút. Tự chăm sóc bản thân, lấy băng cá nhân ra băng bó các vết thương. Tự xoa bóp cho những vết sưng dịu xuống. Giới chạy bộ phán đoán chân sẽ bị chấn thương không chịu nổi; và thực chất, đúng là chân bị thương, chảy máu gót cơ căng cứng. Xoa bóp và băng bó cùng hít thở khí công, cơ thể dần thích nghi và càng về sau, thì chạy càng cảm thấy nhẹ nhàng, khỏe hơn, chạy được nhiều hơn. Có ngày chạy được hơn 80 cây số.

26 ngày đêm, anh đi qua Thanh Liêm (Hà Nam); Tam Điệp (Ninh Bình); TP. Thanh Hóa; Hoàng Mai rồi Vinh (Nghệ An); Trấn Voi (Hà Tĩnh); TP.Quảng Bình; TT Đông Hà (Quảng Trị); Huế; Lăng Cô (Đà Nẵng); Quảng Nam; Quảng Ngãi; Bình Định; Đại Lãnh (Phú Yên); Nha Trang (Khánh Hòa); Cà Ná, Bàu Trắng (Bình Thuận); Xuân Đà (Đồng Nai);… Khi về đến Dầu Giây là cảm thấy đích đã rất gần. Nhiều anh em chiến hữu đã chờ sẵn cùng chạy bộ với Kiên. Lúc đó, miệng cười mà nhiều lúc mắt muốn nhạt nhòa vì hạnh phúc.

08-37-16_trng_26_4
Bạn bè chào đón, tặng hoa cho Kiên trước cổng Dinh Thống Nhất

Kiên cho biết, chỉ 2 ngày đầu ở Thanh Liêm và Tam Điệp và vài đêm bão bùng là hai anh em phải tự lo nơi ăn chốn ngủ, còn lại hầu hết đều không phải anh em CLB điền kinh tỉnh thì cũng cựu sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân, chào đón, đùm bọc.
 

Sự khích lệ đồng đội là liều thuốc mạnh nhất

Khi anh lên cơn cảm sốt ở ngày thứ hai, cậu bạn đồng hành bắt đầu bàn ra. Cậu luôn miệng bàn ra khiến anh phải ra lệnh… cấm nói chuyện. Kiên chia sẻ: “Cho đến khi ở Thanh Hóa, và các tỉnh sau đó, được anh em tổ chức đón, chia sẻ động viên, tôi mới lên tinh thần. Thậm chí, một số chặng như ở Đà Nẵng và Dầu Giây, còn có nhóm anh em chạy cùng tôi. Sau đó, cậu bạn dỗi, lên mạng xã hội trách tôi coi cậu ấy thế này thế nọ và bỏ cuộc. Thật ra, tự cậu ấy coi mình như vậy, chứ tôi không có tư tưởng ấy. Nếu không có cậu ấy hỗ trợ khi đó, cũng như không có anh Hà chạy ra hỗ trợ sau đó, tôi khó mà có thể hoàn thành được mục tiêu mình đã đặt ra. Cứ chạy được 10 km, khi nghỉ, thì tôi lại nghĩ, “không biết cậu bạn đã tìm được chỗ nghỉ chưa, có tìm được chỗ ăn nào… ngon không?”…

Đặc biệt, tại điểm Quảng Nam, mưa bão xối mắt, đường vắng teo, anh Minh, người anh lớn ở Quảng Ngãi cứ một lúc lại gọi một cuộc điện thoại báo cho biết đoạn nào đang bị ngập, nếu đến thì phải dừng lại chờ nước rút hãy chạy tiếp. Thật may, những đoạn ấy, Kiên đều đã đi qua. Nhưng, những cú điện thoại ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho Kiên vượt qua khó khăn bởi biết, mình không đơn độc dù đang chạy một mình.

08-37-16_trng_26_1
Nguyễn Trung Kiên và tác giả

Chặng đường dài 26 ngày, có những chuyện cũng dở khóc dở cười. Như chiều tối ở Bình Định, tìm một quán bán khoai nướng bên đường, nhìn vẻ hốc hác, bê bết của Kiên, chủ quán tưởng ăn xin, vội vã đưa cho củ khoai nướng và đuổi “Cho rồi đấy! Đi đi!”. Hoặc có quán, đang đông khác, nhìn thấy mình vào xin ngả lưng nghỉ, tưởng ăn mày, dứt khoát đuổi đi, không bán hàng cũng không cho nghỉ. Kiên lấy máy ra livetream cho bạn bè cảnh bị xua đuổi phát vài phút rồi vội đi ngay vì sợ… bị đánh.

Giờ đây nhớ lại chính mình khi ấy, Kiên phì cười “Kể ra, nhìn một kẻ áo quần lôi thôi nhếch nhác mồ hôi mồ kê ròng ròng, vai mang ba lô, hai tay đeo 2 cái đồng hồ nhựa (dụng cụ chuyên dùng đo nhịp tim và sức khỏe), nhìn như thằng dở người, ai chả ngại!”

Kiên cứ tưởng bão đi qua thì những nguy hiểm và khó khăn nhất của chặng đường cũng đã hết. Nhưng không, những khó khăn kinh khủng nhất đang chờ đón anh phía trước. Đó là Bình Thuận trở thành quãng đường dài nhất với 3 ngày 3 đêm để vượt qua. Anh Nguyễn Văn Hà, người chạy xe máy chở hành lý hỗ trợ kể: Nhìn thấy Kiên đưa tay ra hiệu hết nước uống, tôi phi lên trước tìm quán mua mà chạy mãi mới có 1 quán nhỏ. Đến Bàu Trắng bắt đầu có nhà dân nhưng lại rơi vào chiều tối, nhà dân xa xa, dọc biển không nhà, không người, một bên biển một bên đồi, đi xe máy mà sợ cướp, ráng chạy trước tìm nhà nghỉ và chỗ ăn. Nhớ hình ảnh Kiên như một chấm nhỏ giữa mênh mông cát lúc trưa mà thấy kinh, thấy đơn độc vô cùng, cũng là vận động viên điền kinh nhưng tôi nghĩ, mình không chạy nổi”.

Chặng đường kết thúc vào 16g22’ ngày 16/11 tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM) với sự chào đón cùng chạy từ Dầu Giây về đã vỡ òa hạnh phúc. Chàng trai Nguyễn Trung Kiên đã lập được kỳ tích vào tuổi 40 của mình, chiến thắng chính mình, vượt qua tổng quãng đường thực tế chạy được ghi nhận trên thiết bị GPS chuyên dùng là 1.741,4km, trung bình mỗi ngày chạy được 70 km.

(Kiến thức gia đình số 48)

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.