| Hotline: 0983.970.780

Vượt qua thử thách với trẻ sinh non

Thứ Ba 20/11/2012 , 14:38 (GMT+7)

Nhân ngày thế giới vì trẻ sinh non (17/11) năm nay, Bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức một ngày giao lưu và hội thảo cho các bé sinh non.

Bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Mỗi năm bệnh viện chào đón từ 15.000-18.000 trẻ ra đời thì 40% số đó là trẻ sinh non”. Đó là lý do Nhân ngày thế giới vì trẻ sinh non (17/11) năm nay, Bệnh viện Từ Dũ đã tổ chức một ngày giao lưu và hội thảo cho các bé sinh non. Đây cũng là nơi các ông bố, bà mẹ giao lưu, học hỏi cách chăm sóc trẻ sinh non.

Trẻ đẻ non được bình thường, cha mẹ phải nhẫn nại

Ông G. Liêm (ngụ ở quận Bình Chánh), cha của bé Hồng Phúc (sinh non nặng 1 kg), chia sẻ: Chăm sóc một đứa con bình thường vất vả một, chăm sóc trẻ sinh non vất vả gấp trăm lần và đòi hỏi một sự nhẫn nại nhiều lúc tưởng chừng kiệt sức, đặc biệt là giai đoạn chăm trẻ theo phương pháp kangugru. Sơ xảy buông lơi do mệt mỏi là bé có thể gặp sự cố đường thở ngay lập tức… May mắn lắm nay bé được 12 tháng dù cân nặng mới đạt có hơn 6 kg nhưng phát triển vận động đạt bình thường.


Chăm trẻ sinh non đòi hỏi sự nhẫn nại gấp trăm lần chăm trẻ bình thường

Sẽ không ai tưởng tượng nổi các bé tham gia biểu diễn nghệ thuật: múa, đàn, nhảy và hát trên sân khấu kia là những bé đã từng sinh non tại BV Từ Dũ và từng trải qua thời kỳ nhũ nhi vô cùng khó khăn. Nhìn bé Lê Hoàng Hồng Ân, sinh năm 2003 (nhà ở quận 1) múa trên sân khấu, bà Hoa, bà ngọai của cháu rưng rưng nước mắt kể: Khi mẹ cháu mang thai đến tháng thứ 6 thì bỗng bị viêm ruột thừa phải mổ cấp cứu. Theo PGS.TS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch Hội Chu sinh và sơ sinh TP.HCM, trưởng khoa Sơ sinh của BV Từ Dũ thì 1 ngày trong bụng mẹ bằng cả tuần chăm sóc bên ngoài.

Theo nguyện vọng giữ con của gia đình, BV quyết định phẫu thuật ruột thừa mà vẫn giữ thai nhi trong bụng mẹ. Khi bé không thể chịu dung nạp hơn lượng kháng sinh tiêm vào cơ thể mẹ mỗi ngày, các bác sĩ quyết định bắt con ra. Khi ấy bé chỉ mới hơn 28 tuần tuổi, ra đời với số cân nặng 1,2 ký. Bà Hoa tả: Khi bác sĩ “bắt con”, tôi nhìn cháu mà xót xa bởi nó nhỏ xíu, nhăn nheo như khỉ con, cẳng tay chân nhỏ như cành tre với các ngón tay mảnh như những cọng tăm. Suốt tháng đầu nằm lồng kính cháu ngưng thở 3 lần, sau khi cấp cứu cũng chỉ thoi thóp. Các bác sĩ làm công tác tư tưởng cho gia đình chuẩn bị tinh thần “đưa cháu về lo hậu sự”. Như phép màu, qua tháng thứ hai, cháu thở tốt hơn. Chưa kịp vui thì các bác sĩ báo tin cháu có nguy cơ bị bong võng mạc mắt.

Nếu không đưa cháu ra Bệnh viện Mắt trung ương kịp trong vòng 72 tiếng thì cháu sẽ vĩnh viễn mù. (Thời điểm này phía Nam chưa có phương tiện kỹ thuật điều trị bệnh lý này). Sức khỏe của cháu không thể đi máy bay. Mẹ cháu vẫn còn chưa đi lại được do biến chứng nhiễm trùng vết mổ. Tôi ôm cháu cấp tốc lên tàu lửa tốc hành ra Hà Nội. Cháu thoát mù, quay về và được về nhà với điều kiện gia đình phải đảm bảo chế độ “kangugru” 24/24 giờ. Chăm sóc cực khổ là thế mà sau 3 tháng chăm sóc, cháu chỉ đạt được 2,4 ký. Từ tháng thứ 6 trở đi mỗi tháng bé cháu tăng được 1,2 ký mỗi tháng. Bây giờ, không chỉ cháu múa hát sôi nổi mà năm nào cũng là học sinh giỏi của lớp, của trường. Nhưng không phải cháu nào cũng may mắn như bé Hồng Ân và các cháu tham gia ngày hội ở đây.

40% trẻ chào đời là sinh non

Hàng năm thế giới có khoảng 15 triệu trẻ em bị sinh non trong đó có 1,1 triệu trẻ sinh non tử vong. Có nghĩa là cứ 30 giây lại có một trẻ sinh non qua đời! Sinh non trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh và là nguyên nhân thứ 2 gây tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ sinh non trở thành gánh nặng nhiều mặt cho xã hội với các chi phí chăm sóc sinh non và các vấn đề liên quan đến sức khỏe của các trẻ em này.

Jennifer Howse, Chủ tịch March of Dinner – một tổ chức Phi chính phủ hàng đầu về trẻ sơ sinh và sinh non của Mỹ cho biết: “Trẻ sinh non là vấn đề lớn toàn cầu, gây ra những tổn thất lớn về tình cảm, sức khỏe và tài chính cho các gia đình, hẹ thống y tế và kinh tế.

Việt Nam nằm trong 42 nước có tỷ lệ trẻ em tử vong cao nhất thế giới, ước tính khoảng 63.000 trẻ tử vong hàng năm, trong đó hơn một nửa là trẻ sơ sinh. Cứ 1,2 triệu trẻ em ra đời thì có hơn 100.000 trẻ sinh non (khoảng 10%).

Bác sĩ Lưu Kim Chi, trưởng khoa chăm sóc trẻ sinh non của BV Từ Dũ cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ sinh non, có thể do sức khỏe sinh sản người mẹ (tử cung dị dạng, u xơ tử cung, hở tử cung, viêm âm đạo…), sức khỏe thai nhi (song thai, đa thai, nhiễm độc thai, dư ối, vỡ ối…). Trẻ sinh non thường dễ bị rất nhiều bệnh cùng một lúc tuy nhiên bệnh thường gặp nhất là ngạt thở (dẫn đến tử vong), hạ thân nhiệt, nhiễm trùng do hệ thống bảo vệ kém, rối loạn chuyển hóa, xuất huyết não, vàng da sơ sinh, bệnh lý võng mạc…). Trẻ sinh non phát triển vận động sẽ kém hơn trẻ bình thường nếu không được chăm sóc kỹ. Hiện nay BV Phụ sản Từ Dũ đã phối hợp tốt với BV Mắt TP.HCM và BV Nhi đồng 1 để điều trị kịp thời cho các bé sinh non sau tuần thứ 4 có bệnh lý võng mạc.

Để tránh sinh non, trong thai kỳ, bà mẹ cần chú ý bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng đầy đủ và tránh lao động quá sức. Khi sinh non phải hợp tác bác sĩ để có chế độ chăm sóc trẻ tốt nhất sao cho trẻ mau chóng đạt cân nặng, bắt kịp tốc độ phát triển của trẻ bình thường.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.