| Hotline: 0983.970.780

Warmbier & cái chết của quan hệ Mỹ-Triều?

Thứ Sáu 23/06/2017 , 11:10 (GMT+7)

Tháng 1/2016, nam sinh viên người Mỹ Otto Frederick Warmbier tới Bình Nhưỡng (Triều Tiên) du lịch và bị chính quyền ở đây bắt giữ do tình nghi ăn trộm một biểu ngữ tuyên truyền tại khách sạn.

Sau 17 tháng giam giữ, Warmbier đã được trả về Mỹ vào hôm 13/6 trong trạng thái hôn mê, sau đó qua đời vào hôm 19/6.
 

Vụ việc sinh viên Warmbier

Vào tháng 1 năm 2016, Warmbier, khi đó là sinh viên năm thứ ba Đại học Virginia (Mỹ) đã tới Triều Tiên để du lịch. Sinh viên này đã bị chính quyền Triều Tiên bắt giữ do tình nghi có ý định ăn trộm một biểu ngữ tuyên truyền chính trị ở khách sạn Yanggakdo, thủ đô Bình Nhưỡng. Vào tháng 3/2016, tòa án Triều Tiên đã tuyên án 15 năm lao động cải tạo với Warmbier cho tội danh âm mưu lật đổ chế độ.

Hôm 13/6 , Warmbier được trao trả về nước sau khi Đặc phái viên phụ trách “chính sách Bắc Triều Tiên của Mỹ” Joseph Yun tới Bình Nhưỡng để đàm phán về việc trao trả công dân. Triều Tiên phóng thích Warmbier, viện dẫn lý do “nhân đạo”. Thông báo của Triều Tiên được đưa ra cùng lúc cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman tới Triều Tiên hôm 13/6.

Otto Warmbier xuất hiện trước báo giới ở Bình Nhưỡng ngày 29-2-2016. Ảnh: AP

Ông Rodman nói ông hy vọng chuyến đi sẽ "mở cánh cửa" giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng. Rodman là bạn của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ông đã đến Triều Tiên trước đây vào năm 2013. Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Thomas Shannon nói với các phóng viên rằng chính phủ Mỹ biết về chuyến đi của ông Rodman, nhưng cho biết ông Rodman đi với tư cách cá nhân.

Sau khi trở về nước, Warmbier đã được các bác sĩ Mỹ kiểm tra sức khỏe nhưng không xác định được nguyên nhân dẫn tới trạng thái hôn mê.

Phía Triều Tiên cho biết công dân Mỹ 22 tuổi này đã bị ngộ độc thịt (botulinus), sau đó được cho uống thuốc ngủ và rơi vào trạng thái hôn mê. Tuy nhiên, các bác sĩ Mỹ khẳng định họ không tìm được chứng cứ nào cho thấy Warmbier đã bị ngộ độc thịt, đồng thời cho biết cấu trúc não của nạn nhân đã bị tổn thương trên diện rộng. Hiện tượng này chỉ xuất hiện khi một bệnh nhân bị ngừng chức năng tim phổi, khiến não bộ bị chết.

Các bác sĩ phía Mỹ cũng không tìm thấy dấu vết nào trên cơ thể cho thấy nạn nhân đã bị tra tấn, ngược đãi hay gãy xương. Sinh viên Warmbier được cho là đã rơi vào trạng thái hôn mê ngay sau khi bị tòa án Triều Tiên tuyên án, nhưng chính quyền nước này đã che giấu vụ việc trong suốt hơn một năm.
 

Phản ứng của các bên

Gia đình Warmbier nói trong một tuyên bố: "Thật đau lòng, hành vi ngược đãi theo kiểu tra tấn mà con trai chúng tôi phải chịu đựng đã dẫn tới hậu quả không thể tránh khỏi, không thể khác hơn hậu quả bi thảm mà chúng tôi trải nghiệm ngày hôm nay".

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gửi lời chia buồn cùng gia đình nạn nhân vào hôm thứ Hai 19/6: "Đối với cha mẹ, không có gì bi thảm hơn là mất đi một đứa con đang ở độ tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời."

Hôm thứ Ba 20/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert cho biết Mỹ cáo buộc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm về việc bắt giam trái phép anh Warmbier và mạnh mẽ cảnh báo các công dân Mỹ không nên du lịch tới Triều Tiên. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson cũng đã yêu cầu Bình Nhưỡng trả tự do cho 3 người Mỹ mà nước này bắt giữ.

Hôm thứ Ba 20/6, Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên rằng những gì xảy ra với anh Warmbier là một điều nhục nhã, đáng lẽ không được phép xảy ra. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer nói rằng Mỹ vẫn sẽ hợp tác với Trung Quốc và các nước khác nhằm gây áp lực thích đáng để Triều Tiên thay đổi cách hành xử.

Sean Spicer tuyên bố sau vụ việc của Warmbier, rằng khó có cơ hội diễn ra một cuộc gặp giữa ông Trump với lãnh tụ CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ra tuyên bố "chia buồn và an ủi" gia đình anh Warmbier, đồng thời lên án Bình Nhưỡng về việc giam giữ người nước ngoài mà không tôn trọng các quyền làm người được luật pháp quốc tế bảo đảm.

Người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Park Soo-hyun nói: "Bắc Triều Tiên vẫn đang giam giữ công dân miền Nam chúng tôi và các công dân Mỹ, họ cần lập tức trả lại những người này về lại cho gia đình họ, và chính phủ của chúng tôi sẽ dồn mọi nỗ lực để thực hiện điều này." Hàn Quốc nói hiện có 6 người Hàn Quốc đang bị giam cầm ở miền Bắc. Một số là các nhà truyền giáo bị buộc tội gián điệp, và những người khác được cho là bị gián điệp Triều Tiên bắt cóc.

Triều Tiên thì tố cáo Washington và Seoul đã đưa gián điệp vào nước này nhằm lật đổ chính phủ của họ.
 

Quan hệ liên Triều, Mỹ - Triều thêm u ám

Ban đầu, dư luận kỳ vọng việc chính quyền Triều Tiên trao trả công dân Mỹ sẽ là cơ hội để hai bên cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, việc một thanh niên từng rất khỏe mạnh khi đặt chân tới Bình Nhưỡng, lại bị trao trả về nước trong tình trạng hôn mê, đã khiến tình hình chuyển biến theo hướng ngược lại. Không chỉ vậy, Warmbier lại qua đời chỉ chưa đầy 1 tuần sau khi được trao trả về nước, khiến dư luận nước Mỹ không khỏi phẫn nộ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã ra tuyên bố chỉ trích sự tàn ác của chính quyền miền Bắc. Theo đó, quan hệ Triều-Mỹ dự kiến sẽ rơi vào tình thế mâu thuẫn sâu sắc hơn.

Vụ việc của sinh viên Warmbier dự kiến cũng có thể tác động xấu tới chính sách với miền Bắc Triều Tiên của Chính phủ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Đó là bởi nếu quan hệ Triều-Mỹ xấu đi, việc tìm ra một bước đột phá trong đàm phán về vấn đề hạt nhân miền Bắc sẽ càng trở nên khó khăn hơn. Vụ việc này nhiều khả năng cũng sẽ tác động tới kết quả Hội nghị thượng đỉnh Hàn-Mỹ sắp tới.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.