| Hotline: 0983.970.780

WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ

Thứ Năm 02/12/2010 , 09:13 (GMT+7)

WWF đã liệt cá tra vào danh sách đỏ trong các tài liệu hướng dẫn tiêu dùng thủy sản mới được cập nhật, tái bản trong năm nay.

Theo thông tin mới nhất được đăng tải trên trang IntraFish, Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) đã liệt cá tra vào danh sách đỏ trong các tài liệu hướng dẫn tiêu dùng thủy sản mới được cập nhật, tái bản trong năm nay.

WWF còn khuyên người tiêu dùng tại các nước nằm trong danh sách vàng như Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch không nên sử dụng loại cá nuôi nước ngọt từng là sản phẩm thu hút nhiều công ty thủy sản ở châu Âu này nữa. Điều này cũng là dễ hiểu bởi một khi sản phẩm này đã bị đưa vào danh sách đỏ có nghĩa là WWF khuyên người tiêu dùng nên chọn lựa một thủy sản khác để thay thế. Còn đối với các loài thuộc danh sách vàng, WWF khuyến cáo người tiêu dùng vẫn có thể sử dụng, nhưng nên chọn một loài trong danh sách xanh là tốt nhất.

Lý giải về nguyên do của sự việc này, ông Mark Powell, nhà lãnh đạo thủy sản toàn cầu của WWF cho biết “sự xuống hạng này là do thiếu chặt chẽ trong các vấn đề về quản lý. Trong năm nay, chúng tôi đã cập nhật cơ chế tính điểm cho các loại cá nuôi và tới đây sẽ có thang điểm cho các loại cá hoang dã. Đối với một số trường hợp nhất định, những cuốn sách hướng dẫn tiêu dùng thủy sản sẽ có những tỉ lệ đánh giá khác nhau hoặc nhiều tỉ lệ đánh giá chi tiết dựa vào những gì đang diễn ra tại thị trường này”.

Vì vậy, đối với Đức và Bỉ loài cá tra nuôi sinh thái này vẫn nằm trong danh sách xanh. Tuy nhiên, trong những cuốn cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản cho người tiêu dùng tại Bỉ, loài cá này vẫn thuộc danh sách vàng và đỏ, nhưng danh sách đỏ chỉ dành cho loại cá tra do tập đoàn bán lẻ khổng lồ Delhaize Group bán ra.

Trước khi đưa ra lời khuyến cáo tới người tiêu dùng, WWF đã đánh giá sản phẩm dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Ông Powell cho biết thêm “Chúng tôi sẽ gửi tới các đối tác kinh doanh của mình nhiều thông tin chi tiết hơn nữa. Chẳng hạn như các thông tin về cá tra mà những tập đoàn lớn như Edeka đang bán ra sẽ được hoàn thiện, đầy đủ hơn nữa”.

Ông Powell cũng nhấn mạnh Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới đang hướng tới việc trở thành một tổ chức toàn cầu chuyên cung cấp các thông tin cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp thủy sản.

Nguyên do quan trọng nhất khiến cá tra bị liệt vào danh sách đỏ tại Đan Mạch là các trại nuôi gây ô nhiễm môi trường tự nhiên xung quanh họ bởi vì các loại thức ăn, hóa chất và thuốc trừ sâu được thải ra sông, hồ, và cũng bởi vì có nguy cơ cá nuôi sẽ lây bệnh sang cá tự nhiên. Hơn nữa, không gì có thể đảm bảo rằng nguồn thức ăn được sử dụng trong chăn nuôi loại cá này không đến từ nguồn cung khai thác lạm thác”.

Những cuốn cẩm nang hướng dẫn này cũng đề cập đến việc cá tra được ghi nhãn Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thuỷ sản (ASC) - dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào năm tới. Cuốn cẩm nang hướng dẫn tại Đan Mạch có viết “chừng nào cá tra được ghi nhãn ASC chưa xuất hiện trên thị trường, bạn sẽ không thể biết được liệu cá tra có được nuôi dưỡng cẩn thận, đảm bảo các quy trình tiêu chuẩn hay không đâu. Vì vậy WWF khuyên bạn nên tìm một sản phẩm thay thế. Hãy dùng thử một loài trong danh sách xanh thay thế cá tra”.

Danh sách đỏ của WWF được đưa ra sau những lời chỉ trích của một chính trị gia ở Châu Âu về cá tra và bài báo chống lại nó trên kênh truyền hình Today của Mỹ.

Tuần trước, ông Struan Stevenson, một nghị sĩ Nghị viện châu Âu đã gây xôn xao trong ngành công nghiệp thủy sản khi phát biểu rằng cá tra được nuôi bởi “những lao động nô lệ” tại dòng sông Mê Kông “bẩn thỉu” ở Việt Nam.

Ngay sau đó, hai tập đoàn thủy sản lớn, có trụ sở ở Anh là Findus Group và Birds Eye Iglo Group đã đưa ra các lý lẽ bào chữa cho cá tra tại thị trường thủy sản châu Âu.

Cá tra là tên gọi một họ, một chi và một số loài cá nước ngọt. Ở Việt Nam, cá tra sống chủ yếu trong lưu vực sông Cửu Long và lưu vực các sông lớn cực nam, có thân dẹp, da trơn, có râu ngắn. Ngoài Việt Nam, cá tra còn được phân bố ở một số nước Ðông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, và Indonesia. Có lẽ không chỉ ở Việt Nam, mà ngay cả Campuchia cũng rất lo ngại trước sự việc này bởi ở Campuchia, tỷ lệ cá tra thả nuôi chiếm tới 98% trong 3 loài thuộc họ cá tra, chỉ có 2% là cá ba sa và cá vồ đém, sản lượng cá tra nuôi chiếm một nửa tổng sản lượng các loài cá nuôi.

Tại Việt Nam, sau khi Chính phủ ban hành nghị định kinh doanh xuất khẩu gạo với nhiều điều kiện ràng buộc cho nhà xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo nghị định nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra, với những điều kiện mang tính siết chặt việc nuôi và chế biến, xuất khẩu từ nông dân cho tới doanh nghiệp. Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập tới việc thành lập quỹ bình ổn giá cá tra nguyên liệu trên cơ sở trích từ nguồn thu cá tra xuất khẩu.

(Theo VnMedia)

Xem thêm
Giá heo tăng nhờ tăng cường ngăn chặn nhập lậu

Việc các địa phương ở phía Nam tăng cường ngăn chặn heo nhập lậu đang góp phần giúp cho giá heo hơi tăng lên ở Đông Nam bộ và trên cả nước.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất