| Hotline: 0983.970.780

WWF khuyến cáo cá tra dùng bộ tiêu chuẩn ASC: Bội thực các bộ tiêu chuẩn

Thứ Ba 21/12/2010 , 07:15 (GMT+7)

Hiện có quá nhiều bộ tiêu chuẩn áp dụng cho thủy sản, trong đó không thiếu những bộ tiêu chuẩn không có tính pháp lý.

Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng, có quá nhiều bộ tiêu chuẩn áp dụng cho thủy sản, trong đó không thiếu những bộ tiêu chuẩn không có tính pháp lý.

Tiêu chuẩn ASC mới có từ 30/10/2010

Ngày 17/12, Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Hội Nghề cá đã ký biên bản ghi nhớ về sự hợp tác, phát triển cá tra theo hướng bền vững. Đây là động thái chấm dứt tranh cãi xung quanh việc cá tra của Việt Nam bị xếp vào danh sách đỏ, khuyến cáo người tiêu dùng châu Âu không sử dụng loại thủy sản này. Tuy nhiên, để đổi lại, WWF đề nghị phía Việt Nam áp dụng bộ tiêu chuẩn ASC (nuôi thủy sản nước ngọt không ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên).

Nội dung của bản cam kết là trong 5 năm tới (2011- 2015) sẽ đưa cá tra Việt Nam lên trạng thái được chứng nhận ASC. Trong giai đoạn đầu (trong 6 tháng tới) là tạo sự đồng thuận và hướng dẫn, phổ biến nhà sản xuất Việt Nam hiểu nội dung của ASC, phương pháp chứng nhận và cách đánh giá. Còn WWF có trách nhiệm phát triển thị trường toàn cầu đối với sản phẩm đã được chứng nhận ASC với giá bán cao hơn sản phẩm không được chứng nhận.

Giai đoạn thứ hai (đến năm 2015) là phấn đấu đến hết năm 2012 có 25% lượng cá tra đạt được bất cứ chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế nào, trong đó có 10% đạt được chứng nhận ASC. Hai năm tiếp theo (đến 2014) sẽ có 75% số cá XK được chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế và trong đó có 30% đạt chứng nhận ASC và đến năm 2015, 100% cá tra XK sẽ đạt các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó 50% đạt ASC.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tử Cương, đây chỉ là biên bản ghi nhớ sự đồng thuận giữa hai bên chứ ta không có nghĩa vụ với phía WWF và ngược lại. WWF sẽ giúp đỡ Việt Nam tiếp cận phương pháp mới do WWF xây dựng. “Thực chất của bộ tiêu chuẩn ASC là chứng nhận độc lập, chứ không phải tiêu chuẩn quốc tế. Bộ tiêu chuẩn kiểu này thường do các hội, hiệp hội, thậm chí chỉ là một hệ thống bán lẻ lập ra nên không mang tính pháp lý”, ông Cương cho biết. Theo ông Cương, lâu nay chúng ta vẫn “đánh đồng” những tiêu chuẩn này với tiêu chuẩn quốc tế. Việc này sai hoàn toàn.

“Bộ tiêu chuẩn ASC của WWF mới chỉ ra đời ngày 30/10/2010, trong đó nội dung chính chủ yếu “bám” vào các tiêu chuẩn CoC của FAO. WWF chỉ thêm 1 chút về việc bảo vệ động vật”, ông Cương nói.

“Bội thực” các bộ tiêu chuẩn

Thực chất, WWF chỉ là một tổ chức phi chính phủ, có trụ sở tại Thụy Sỹ. Tìm hiểu của Hội Nghề cá Việt Nam được biết, tổ chức này trước đó đã ra 2 bộ tiêu chuẩn là FSC và MFC, những tiêu chuẩn cho cá biển và gỗ. Tuy nhiên, chưa có nhiều vùng trên thế giới áp dụng.

Theo ông Cương, tất cả những bộ tiêu chuẩn trên sẽ “nằm im” nếu các tổ chức phi chính phủ không có những “chiêu thức” như vận động các nhà NK áp dụng sử dụng làm công cụ “bắt” các nhà XK phải tuân theo. Ngoài ra, các tổ chức như WWF “hứa” khi áp dụng bộ tiêu chuẩn của họ, giá bán sản phẩm sẽ tăng từ 10-15%... Tuy nhiên, ông Cương cho biết, những động thái trên chỉ để “lòe” cơ quan quản lý nhà nước, các DNXK và người sản xuất.

“Nội dung phát triển thủy sản bền vững của FAO (CoC) phải đạt 4 tiêu chí: An toàn môi trường; an toàn bệnh dịch; an toàn thực phẩm; chính sách xã hội. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ kiểm tra cấp giấy chứng nhận CoC cho những cơ sở đạt yêu cầu. Những quy định ASC đều bám vào 4 tiêu chí của CoC, bởi vì CoC đúng và hoàn chỉnh nhất. Về bản chất không có gì khác nhau, nếu cá tra VN đã thực hiện CoC, đương nhiên đạt được các tiêu chí của các tổ chức như WWF đặt ra”, ông Nguyễn Tử Cương.
“Tôi chỉ xin kể một câu chuyện liên quan đến việc đưa ra các bộ tiêu chuẩn trong việc phát triển, nuôi trồng thủy sản. Năm 2001-2003, một tổ chức phi chính phủ ở Thụy Sỹ đưa chứng nhận cho việc nuôi tôm sinh thái đến Việt Nam. Họ bảo sẽ tăng giá XK 15-20% nếu nuôi theo tiêu chuẩn của họ. Họ chỉ cho ta khách hàng mua tôm với mức giá tăng thêm 15-20% bằng cách đưa vào Green Shop (cửa hàng bán sản phẩm thân thiện môi trường) tại Thụy Sỹ. Tôi đã đi Thụy Sỹ vài lần và biết có vài cửa hàng Green Shop nhưng rất ít khách mua. Như vậy thì kể cả giá tăng đến 50% mà bán số lượng ít thì cũng không mang lại hiệu quả kinh tế”, ông Cương phân tích.

Ông Cương cho hay, trước khi WWF đưa cá tra và danh sách đỏ, rồi sau đó lại đưa ra, cuối cùng là đề nghị phía Việt Nam “mua” bộ tiêu chuẩn ASC, thì một số tổ chức của Liên hợp quốc như FAO, WHO… đã có đến 8 bộ tiêu chuẩn về nuôi trồng thủy sản. Đấy là chưa kể đến hàng chục bộ tiêu chuẩn của các hội, hiệp hội, các tổ chức hành chính công ở Mỹ và châu Âu như: SGS là một viện của hệ thống bán lẻ thủy sản của Mỹ; SQF 1000, SQF 2000 là tiêu chuẩn của Hội Nuôi thủy sản toàn cầu GAA; Ero Rep GAP là tiêu chuẩn nuôi thủy sản bền vững của một hệ thống bán lẻ của châu Âu. Và đặc biệt là ASC của WWF...

“Chúng ta phải hết sức cẩn thận, điều tra thật kỹ càng các bộ tiêu chuẩn. Ngay như bộ tiêu chuẩn GlobalGap mà ta đang áp dụng cũng không có giá trị pháp lý. Như vậy, nếu áp dụng tiêu chuẩn nào, phải dùng “kính chiếu yêu” để “soi” tiêu chuẩn đó”, ông Cương khuyến cáo. Theo ông Cương, hiện người nuôi cá tra cũng như doanh nghiệp Việt Nam đang bị bội thực các loại chứng chỉ mà nhiều khi chính chúng ta cũng không rõ nó từ đâu, ai ban hành.

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất