| Hotline: 0983.970.780

Xã hơn nghìn hộ bỏ ruộng

Thứ Tư 09/04/2014 , 15:39 (GMT+7)

Chúng tôi về thăm cánh đồng thẳng cánh cò bay xã Yên Đồng, nơi từng được xem là vựa lúa của huyện Ý Yên (Nam Định). Nhưng giờ đây, từ xa nhìn lại, nơi đó chỉ như một tấm áo rách, vá chằng vá đụp.

Từ 4 năm nay, hơn 1.000 hộ nông dân của xã Yên Đồng đã không còn SX trên mảnh ruộng của mình. Chính quyền xã thì loay hoay vận động người dân bám ruộng, giữ đất. Và cũng từng đó thời gian, ruộng lúa năm xưa hóa bãi hoang, cỏ mọc um tùm.

Không sống nổi với ruộng đồng

Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, công tác rà soát diện tích ruộng bỏ hoang trong tỉnh vẫn đang được tiến hành. Hiện mới chỉ có 2 – 3 huyện báo cáo số liệu. Đơn vị này sẽ sớm tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh Nam Định trong thời gian tới.

Yên Đồng là một xã thuần nông, diện tích đất tự nhiên 1.071ha với trên 14.000 dân, chia làm 35 thôn, xóm.

Trong đó, diện tích đất SXNN chiếm gần 800 ha. Diện tích gieo trồng hàng năm của xã khoảng 700ha.

Đây là địa phương có diện tích và dân số thuộc hàng lớn nhất nhì huyện Ý Yên.

Ông Nguyễn Viết Thấm, Chủ tịch UBND xã Yên Đồng cho biết, tình trạng người dân bỏ ruộng tại đây đã diễn ra từ 4 – 5 năm nay.

“Theo điều tra mới nhất của HTXNN, trong vụ này cả xã có khoảng 133 mẫu ruộng bị bỏ không nằm ở 16 thôn. Diện tích này chiếm khoảng 6,8% tổng diện tích gieo trồng của toàn xã”, ông Thấm cho biết thêm.

Và trong vụ mùa 2013, diện tích bỏ ruộng có nhỉnh hơn một chút nhưng không đáng kể. Toàn bộ rơi vào diện tích đất được chia lâu dài cho các hộ dân.

13-39-36-3135433563
Hàng trăm mẫu ruộng xã Yên Đồng bị bỏ hoang

Đứng từ trên bờ đê con sông Đào nhìn xuống, khắp các miền quê Tiến Thắng, Khang Giang, Nam Đồng… đâu cũng là những mảnh ruộng bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Vợ chồng ông Trung (Khang Giang) đang làm cỏ mảnh ruộng gần đó buồn bã nói: "Khu này họ bỏ ruộng gần hết rồi. Như nhà tôi, anh em con cháu cũng bỏ ruộng đi làm ăn xa. Giờ nhà tôi phải cấy luôn cho 16 suất của chúng nó. Tham công, tiếc việc thì vẫn phải làm thôi, chứ tính ra giờ trồng lúa đủ ăn là may lắm rồi".

Ông Thấm cho hay, lí do người dân bỏ ruộng là vì giá trị thu nhập từ trồng cây lúa quá thấp. Vì đây là vùng đồng bãi, nằm sát đê sông Đào nên chất đất tương đối xấu. Trước đây, khi chia lại ruộng, người dân được gắp thăm 2 phần ruộng, một tốt và một xấu. Tính ra, mỗi hộ đều phải nhận một phần ruộng xấu, diện tích từ 1 – 2 sào.

Nằm xa khu dân cư, lại giáp đê nên khu đồng bãi này thường xuyên bị chuột hại. Cộng với chân đất trũng, xấu nên nhiều năm người dân mất trắng. “Năng suất trung bình ở khu vực này chỉ khoảng 1,2 – 1,3 tạ/sào. Nhà nào chăm sóc tốt, giỏi lắm thì được tạ rưỡi”, ông Thấm thông tin.

13-39-36-4135431399
Hàng nghìn hộ dân không còn thiết tha với đồng ruộng

Sáu tháng một vụ, tiền bán thóc một sào được gần 1 triệu đồng. Trừ chi phí phân bón, thuốc trừ sâu, làm đất… nhà nào may thì hòa. Hộ nào phải đi thuê cấy, cày, phun thuốc sâu, cầm chắc lỗ vốn. Ông Thấm không ngần ngại thừa nhận, chính gia đình ông cũng được chia 1,2 sào ruộng ở khu vực đồng bãi. Và hai năm nay, ông đã chuyển cho người khác canh tác vì giá trị SX quá thấp.

Vài năm trở lại đây, các xưởng may, đan lát, dịch vụ… mọc lên như nấm sau mưa ở Yên Đồng. Nhiều người dân bỏ ruộng, tham gia các nghề thương mại, dịch vụ. Một ngày đi làm may, mỗi người được trả công từ 100 – 150 nghìn. Tính ra, mỗi tháng họ cũng có thu nhập trung bình trên 3 triệu đồng. Người nào già yếu, nhận quần áo về nhặt chỉ, một ngày cũng kiếm được 70 nghìn đồng.

“Giờ người dân chỉ làm ruộng để đủ gạo ăn thôi, ít nhà nào trồng hàng mẫu lấy thóc bán. Đa phần họ đi làm công ty kiếm tiền trang trải cuộc sống”, ông Thấm chia sẻ.

Loay hoay chuyển đổi

Khảo sát tại Hà Nam, tình trạng người dân bỏ ruộng trong vụ xuân 2014 gần như là không có. Thậm chí, nhiều diện tích ruộng, đất bãi chờ giải tỏa, người dân cũng tranh thủ trồng lúa, các loại hoa màu. Một cán bộ Sở NN-PTNT Hà Nam khẳng định, 4 – 5 năm nữa thì không biết, còn bây giờ người dân còn lam làm, bám lấy từng mét ruộng chứ đừng nói đến chuyện bỏ ruộng.

Bước vào vụ mới, chiếc loa truyền thanh của xã Yên Đồng lại sang sảng lời kêu gọi người dân tích cực SX, không bỏ ruộng đồng. Đối với khu đồng bãi, chính quyền xã Yên Đồng đã miễn nhiều khoản phí, tạo mọi điều kiện để người dân trở lại ruộng đồng.

Nhưng ông Thấm thừa nhận, dù làm nhiều cách, người dân vẫn bỏ ruộng. Chính quyền vẫn vận động, tuyên truyền nhưng không khả quan.

Tuy không còn gieo trồng nhưng người dân nhất quyết không trả ruộng hoặc cho người khác thuê lại. Cả xã cũng chưa có hộ nào xin chuyển đổi sang giống cây khác mà chỉ giữ đất rồi để đó.

Điều này khiến chính quyền địa phương phải đau đầu. Một số thôn, trưởng thôn đứng lên vận động người dân trả ruộng nhưng không có kết quả.

Một phương án khác được đưa ra đó là thôn đứng lên thuê lại ruộng, cho một hộ đủ tiềm lực kinh tế SX. Đương nhiên là thuê trong một thời hạn khoảng vài năm, xã đứng ra bảo đảm quyền lợi.

Đầu năm 2014, chính quyền xã Yên Đồng đã lập kế hoạch sử dụng đất trình lên UBND huyện Ý Yên. Kế hoạch cụ thể chuyển đổi 2,1ha đất ruộng đồng bãi bỏ hoang thành mô hình cá – lúa. Đến nay, chưa có ý kiến chính thức từ phía cơ quan cấp huyện.

Theo ông Thấm, đây có lẽ là phương án tối ưu nhất giải quyết số ruộng đất bỏ hoang vùng đồng bãi. “Chắc vùng này chỉ áp dụng cá – lúa được thôi, vì đất xấu lại trũng, có đem cây gì về trồng cũng không sống nổi. Nếu sau này, mô hình có hiệu quả, chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng”.

Nhưng cái khó hiện nay là làm sao có thể gom nhiều mảnh ruộng thành một để xây dựng mô hình. Bởi nhiều hộ dân có tư tưởng giữ đất, không muốn cho thuê vì sợ mất ruộng. Cũng về vấn đề ruộng đất, công tác DĐĐT ở đây gặp vô vàn khó khăn. Có những thôn tổ chức 25 cuộc họp lớn bé vẫn không có kết quả.

Trồng thì rất dễ, khó ở đầu ra

Vụ xuân 2014, Ninh Bình gieo cấy khoảng hơn 41 nghìn ha lúa.

Ông Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Ninh Bình) khẳng định chắc như đinh đóng cột, tỉnh này không có tình trạng dân bỏ ruộng. Người dân Ninh Bình vẫn bám lấy ruộng đồng vì ngành nghề phụ không có, công nghiệp chậm phát triển. Nhưng người dân trồng lúa cũng chỉ để đủ ăn, chứ không tính đến chuyện bán.


Cánh đồng nhìn từ trên cao như một tấm áo vá

Một số xã của huyện Nho Quan, đầu vụ xuân, do thiếu nước SX nên phải chuyển sang cây trồng khác như ngô, lạc, khoai lang… Còn vào vụ mùa, nhiều diện tích khó khăn trong việc lấy nước đã phải bỏ vì không thể gieo trồng. Diện tích này khoảng 2.000ha, nằm rải rác ở các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Tam Điệp và Yên Mô.

Bài toán chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được Sở NN-PTNT Ninh Bình đặt ra. Nhưng theo ông Vinh, cái khó không nằm ở khâu SX mà cốt lõi ở vấn đề đầu ra. “Trồng gì thì rất dễ, đầu ra mới là quan trọng. Trồng nhiều không bán được”, ông Vinh chia sẻ.

Bên cạnh trồng trọt, Ninh Bình cũng đã tính đến phương án chuyển đổi sang các mô hình nuôi trồng thủy sản.

Cũng theo ông Vinh, nếu như Nghị định 42 của Thủ tướng Chính phủ có những điều chỉnh hợp lí, chắc chắn nhiều hộ sẽ chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Mới đây, đoàn cán bộ Sở này vào Thanh Hóa để tham quan mô hình trồng cây mắc ca. Dự định trong thời gian tới, đơn vị sẽ xây dựng thí điểm một vài mô hình trồng cây mắc ca.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.