| Hotline: 0983.970.780

Xã hợp thức hóa, thú y huyện bỏ qua

Thứ Năm 09/08/2012 , 10:42 (GMT+7)

Trâu bò dắt lậu từ Lào về Việt Nam qua địa phận xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) sẽ được trưởng bản xác nhận là trâu bò của người dân trong bản, sau đó UBND xã Nậm Cắn cộp dấu để hợp thức hóa thành trâu bò của xã.

Trâu bò dắt lậu từ Lào về Việt Nam qua địa phận xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) sẽ được trưởng bản xác nhận là trâu bò của người dân trong bản, sau đó UBND xã Nậm Cắn cộp dấu để hợp thức hóa thành trâu bò của xã. Trong khi đó, thú y huyện Kỳ Sơn nói mình vô can, bị bỏ qua và đổ trách nhiệm cho xã tiếp tay, các cơ quan chức năng của Nghệ An thiếu trách nhiệm.

>> Bạn sốt sắng, ta... ngồi nhìn
>> Mua bán lậu xuyên quốc gia

“Không chứng nhận không được”

Thi thoảng một vài ông chủ trâu bò ở Đô Lương (Nghệ An) hoặc Hải Dương, Hà Nội mua trâu bò “trên dây” trực tiếp từ người Lào. Nhưng sau mỗi lần tranh mua một cách chớp nhoáng như thế, những ông chủ này đều bị trừng phạt rất nặng, là cấm được bước chân đến khu vực cửa khẩu Nậm Cắn do các lái trâu bò trung gian tại khu vực huyện Kỳ Sơn áp đặt. Bởi lẽ, đường dây mua bán “trên dây” xuyên quốc gia giữa các lái trâu ở Kỳ Sơn với các ông chủ người Lào là độc quyền. Nếu người ngoại đạo bỏ qua đường dây này mà mua được trâu bò trực tiếp từ người Lào thì nghĩa là giá sẽ không còn độc quyền nữa.

“Tôi chớp được một hai đàn, đói mà mần liều thôi, chứ ghê lắm. Giờ các vàng cũng không dám mần. Đường dây nhập lậu này nó có quyền đưa giá lên hoặc hạ giá xuống, nó tồn tại được thì nhiều người có phần, từ ông nhỏ đến ông to, từ dưới lên trên. Đó cũng là lý do vì sao mà không ai ngăn chặn con đường này cả” – Hùng, một ông chủ ở Đô Lương (Nghệ An) cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, hiện có hơn 20 lái trâu là người Nậm Cắn nhận tiền của các ông chủ ở Nghệ An, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc… để mua trâu bò “trên dây” từ Lào về Nậm Cắn. Sau đó, xin xác nhận của các bản và UBND xã Nậm Cắn để biến chúng thành trâu bò Việt. Các chủ trâu bò ở dưới xuôi chỉ việc đánh xe lên nhận trâu bò về. Các lái trâu ở Nậm Cắn sẽ được trả một khoản tiền từ 200-500 ngàn đồng/con bao gồm cả chi phí lót tay khi dắt lậu và làm giấy chứng nhận. Số lái trâu ở Nậm Cắn còn lại thì dùng tiền của mình mua trâu bò từ Lào về và bán lại cho các ông chủ ở dưới xuôi. Các mối mua bán này được khép kín và tổ chức hết sức chặt chẽ.


Người dân Nậm Cắn dắt trâu bò lậu từ Lào về nhưng được xã biến thành bò Việt

Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn Hờ Chống Nhìa thẳng thắn: Việc nhập lậu trâu bò lậu từ Lào về Nậm Cắn hàng ngày là sự thật đã tồn tại từ nhiều năm nay. Số lượng trâu bò về cụ thể bao nhiêu mỗi ngày tôi không rõ, họ đi đêm, đi đường khác…, nói chung nhiều đường.

Ông Nhìa khẳng định thêm: “Nếu như tôi làm căng theo đúng chỉ đạo của huyện, tỉnh, cũng khó lắm. Dân họ nói chúng tôi đói không có ăn, tắm giặt ngoài đường mà không quan tâm, lại quan tâm đến việc bắt trâu bò lậu làm gì? Dắt trâu bò về qua cửa khẩu thì không cho, chúng tôi phải dắt lậu bằng đường mòn thôi. Xã xác nhận là trâu bò của xã, thu một ít tiền phí, mục đích cũng chỉ là phục vụ dân để dân có thu nhập, tạo điều kiện cho họ bán được thuận lợi. Họ nói với tôi, bác làm cũng được không làm cũng được, chúng em cũng chả cần. Còn giá thu tiền chứng nhận mỗi con trâu bò chúng tôi dựa vào quy định của HĐND xã, quyết định của UBND xã, chỉ tiêu của huyện giao”.

"Tiếp xúc cử tri cấp huyện, tỉnh chúng tôi cũng có ý kiến về cái này. Tôi đã kiến nghị rất nhiều nhưng không giải quyết được. Người dân hiện nay vay vốn được 30 triệu đồng, làm gì được, phải đi buôn, không buôn trâu bò thì buôn cái gì ở đây bây giờ. Dân chả có việc gì làm cả, mà làm việc này họ có tiền chi tiêu, vì thế, tỉnh, huyện phải có một cách giải quyết tổng thể mới được” – ông Nhìa kiến nghị.

Thú y huyện đổ trách nhiệm

Bà Nguyễn Thị Kiền được giao cho phụ trách đội kiểm dịch trâu bò đường tiểu ngạch (tức là con đường mòn nhập lậu trâu bò từ Lào về Việt Nam – cũng là cách huyện thừa nhận có tồn tại con đường nhập lậu này) khẳng định: Không thể làm gì được, dù hàng ngày chứng kiến trâu bò lậu kéo về ùn ùn. Chức năng bắt, giữ là nhiệm vụ của hải quan và biên phòng cửa khẩu hoặc đội liên ngành, thú y cứ ngó thế thôi, hỏi giấy tờ thì họ đưa giấy tờ là trâu bò của xã Nậm Cắn, cũng có khi họ chả đưa mình cũng không làm được gì. Chúng tôi chỉ làm được một việc nhỏ là nắm được tình hình dịch bệnh thôi. Có dịch bệnh nghiêm trọng ở cửa khẩu thì báo về tỉnh.


Khu vực bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn

Trong khi đó bà Trần Thị Mai, Trạm trưởng Trạm Thú y Kỳ Sơn cho rằng, ai cũng có thể nhìn thấy trâu bò Lào nhập lậu về qua đường 7 này hàng ngày. "Nhưng vấn đề ở chỗ không ai ngăn chặn cả. Chúng tôi có chức năng kiểm dịch, nhưng không chủ trâu bò lậu nào đến chỗ tôi xin giấy kiểm dịch, trong khi đó bản thân chúng tôi không thể dừng được xe trâu bò nhập lậu đang chạy trên đường. Muốn dừng xe phải có cảnh sát giao thông, quản lý thị trường. Tỉnh đã chỉ đạo nhiều lần, PGĐ Sở NN-PTNT phụ trách thú y cũng về đây kiểm tra chỉ đạo nhiều lần thành lập chốt kiểm soát liên ngành để ngăn chặn trâu bò nhập lậu, nhưng chẳng hiểu sao đến giờ huyện vẫn chưa thành lập được. Chức năng và trách nhiệm của chúng tôi có, nhưng không có công cụ thì chúng tôi chịu", theo lời bà Mai.

 

"Qua tham khảo ý kiến, địa phương và nhân dân muốn đưa trâu bò về chính ngạch nhưng thuế quá cao, 5%, 10 triệu/con mất 500 ngàn đồng, trong khi đó họ mua bán lậu chỉ chi phí mất có hơn 100 ngàn/con từ Lào sang Việt. Vì thế, họ đi lậu thường xuyên, đi đầy đường. Biên phòng và chúng tôi bắt cũng nhiều, nhưng mà chả giải quyết được gì", Chủ tịch xã Nậm Cắn Hờ Chống Nhìa.

Mặt khác, các chủ trâu bò cũng không cần giấy kiểm dịch của chúng tôi. Họ chỉ cần tờ giấy có xác nhận của ông chủ tịch UBND xã Nậm Cắn là có thể vượt qua mấy trăm km về đến tận chợ trâu bò ở Đô Lương rồi, mà không gặp bất kỳ sự ngăn cản nào.

“Trách nhiệm trước hết trong việc để trâu bò nhập lậu ùn ùn kéo về hàng ngày là của hải quan và biên phòng. Sau đó đến xã Nậm Cắn. Nếu xã Nậm Cắn không chứng nhận là trâu bò của xã mình thì việc sẽ khác. Còn thú y huyện Kỳ Sơn bị bỏ qua, phớt lờ rồi, chúng tôi chỉ biết báo cáo và kiến nghị. Nhưng kể cả là hải quan, biên phòng cứ cho đi lậu, xã cứ chứng nhận đi chăng nữa, nhưng không có giấy kiểm dịch của chúng tôi thì các huyện nằm trên đường 7 từ Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương, Ban chỉ đạo 127 của tỉnh (Ban chỉ đạo chống hàng lậu, hàng giả), rồi các cơ quan chức năng của Nghệ An hoàn toàn có khả năng bắt, phạt nặng chứ. Bởi theo quy định, không có giấy kiểm dịch của thú y huyện thì trâu bò không thể đi tới các huyện khác được", bà Mai nói.

"Mặt khác, gần 80% trâu bò nhập lậu từ Lào về sẽ tề tựu tại chợ trâu bò Đô Lương, rồi từ chợ này Thú y tỉnh, huyện Đô Lương mới cấp giấy kiểm dịch để đi các địa phương trong tỉnh Nghệ An và cả nước. Nếu không có giấy kiểm dịch của chúng tôi thì thú y ở Đô Lương căn cứ vào đâu để cấp giấy kiểm dịch đi các địa phương? Thực ra trong việc này, chỉ cần thú y ở Đô Lương làm chặt, làm đúng là ngăn chặn được” – bà Mai lại đổ lỗi cho thú y Đô Lương.

Theo điều tra của PV, có những xe trâu bò nhập lậu về Việt Nam có giấy chứng nhận của UBND xã Nậm Cắn, nhưng cũng có những xe không hề có giấy tờ gì. Một số chủ trâu bò ở Đô Lương cho hay, để những xe trâu bò lậu không có giấy tờ về đến chợ Đô Lương trót lọt, tổng chi phí lót tay trên đường sẽ mất khoảng 5-7 triệu đồng/xe 3,5 tấn thay vì có giấy chứng nhận của UBND xã Nậm Cắn chỉ mất từ 2-4 triệu đồng/xe 3,5 tấn.

Về việc xã Nậm Cắn cấp giấy chứng nhận biến trâu bò Lào thành trâu bò Việt, bà Mai nói: Một năm xã Nậm Cắn không thể nuôi được cả trăm ngàn con trâu bò như thế. Đấy là trâu bò nhập lậu từ Lào về. Bản và xã họ biết, nhưng họ vẫn chứng nhận. Còn chúng tôi nhất quyết không cấp giấy kiểm dịch.

Trả lời PV câu hỏi biết rõ trâu bò nhập lậu từ Lào về, sao UBND xã vẫn chứng nhận là trâu bò của xã, Chủ tịch Nhìa bảo: Người dân trong xã có giấy mua bán trâu bò với nhau, dựa vào giấy mua bán của họ, bản xác nhận. Cứ có giấy mua bán của người dân trong bản với nhau thì bản phải xác nhận, không cần biết nó từ Lào hay từ đâu về. Và, xã đã có giấy mua bán và giấy xác nhận của trưởng bản thì xã phải đồng ý thôi. Còn những trường hợp không có xác nhận của bản chúng tôi không công nhận.  

Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) Hờ Chống Nhìa trả lời báo chí về việc chứng nhận trâu bò nhập lậu từ Lào về thành trâu bò Việt

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Giông lốc gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân Si Ma Cai

Lào Cai Giông lốc, mưa lớn gây ảnh hưởng đến mùa màng của người dân trên địa bàn huyện Si Ma Cai và huyện Mường Khương.

Bình luận mới nhất