| Hotline: 0983.970.780

Xã khá cũng than

Thứ Tư 26/10/2011 , 11:00 (GMT+7)

"Gấp 1,5 thu nhập bình quân đầu người của huyện vào thời điểm này thì cực khó...”, ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND xã điểm NTM Tân Thông Hội (Củ Chi, TPHCM), cho hay.

Nuôi bò sữa giúp tăng nhanh thu nhập ở Tân Thông Hội

"Gấp 1,5 thu nhập bình quân đầu người của huyện vào thời điểm này theo như kế hoạch ban đầu thì khó lắm. Bởi thế, chúng tôi phải điều chỉnh lại mục tiêu là gấp 1,5 lần so với lúc khởi điểm làm NTM mà thôi”, ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND xã điểm NTM Tân Thông Hội (Củ Chi, TPHCM), cho hay.

>> Tiêu chí thu nhập: Có bất hợp lý?

Chỉ dám nói có thể

Phước Thạnh là một trong những xã có thu nhập đầu người thuộc vào dạng khá ở huyện Củ Chi (TP. HCM). Ông Huỳnh Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Phước Thạnh, cho biết, về thu nhập, xã này chỉ thua thị trấn và một số xã có sự đô thị hóa mạnh. Với một xã gần như thuần nông như Phước Thạnh, như vậy cũng là đáng mừng.

Những yếu tố chính giúp cho Phước Thạnh đứng vào nhóm có thu nhập bình quân đầu người vào loại khá ở Củ Chi là bò sữa và bắp lai. Toàn xã hiện có khoảng 1.600 con bò sữa. Năm nay, tuy giá thức ăn có lên, nhưng nhờ giá thu mua sữa đúng chuẩn được nâng lên mức 11.500 đ/kg, đã giúp cho người nuôi bò sữa ở Phước Thạnh thu lời được từ 3.000-5.000 đ/kg sữa.

Ông Huỳnh Văn Thông cho biết, mỗi hộ nuôi khoảng 10 con bò sữa, nếu nuôi tốt, có thể thu lời 12-13 triệu đồng/tháng, nuôi kém hơn, cũng có thể thu lời 7-8 triệu đồng/tháng. Với cây bắp lai, hiện nay xã có khoảng 350 ha. Mỗi héc - ta cho lợi nhuận từ 55-60 triệu đồng. Ngoài ra, cây rau màu, cỏ cho bò sữa…, cũng đem lại lợi nhuận khá cho người nông dân. Cây lúa những năm trước đây cho lợi nhuận rất thấp. Năm nay giá lúa đạt trên 6.000 đ/kg lúa tươi, cũng góp phần làm tăng thu nhập cho người dân Phước Thạnh.

Trên cơ sở đó, khi được Thành phố đưa vào Chương trình xây dựng NTM từ nay đến 2015, để đạt được tiêu chí thu nhập, Phước Thạnh đã xác định cây bắp lai và con bò sữa sẽ là những cây trồng, vật nuôi chủ lực. Theo đó, đến 2015, đàn bò sữa sẽ tăng lên 8.000 con, diện tích bắp lai là 500 ha. Hai sản phẩm này đều có đầu ra tốt vì trên địa bàn xã hiện đã nhiều đại lý thu mua sữa và có một cơ sở của Cty CP Giống cây trồng Miền Nam. Diện tích lúa từ trên 465 ha hiện nay sẽ được giảm xuống còn 355 ha vào năm 2015, để nhường chỗ cho rau an toàn, cỏ nuôi bò…

Bên cạnh đó, những giải pháp kinh tế - xã hội khác cũng đã được UBND xã Phước Thạnh đề ra nhằm làm tăng nhanh thu nhập bình quân cho người dân trong xã. Chẳng hạn kế hoạch giảm số hộ nghèo từ 11% hiện nay xuống còn 4% vào 2015, hay chuyển mạnh lực lượng lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ…

Ông Thông nhấn mạnh: “Nếu làm tốt những tiêu chí về giảm hộ nghèo, lao động, giao thông…, cũng đều góp phần làm tăng nhanh thu nhập bình quân đầu người ở Phước Thạnh”. Tuy nhiên, nếu như các tiêu chí chưa đạt đều được đặt chỉ tiêu hoàn thành vào năm nay, năm sau, năm 2013 hay 2014, thì riêng tiêu chí thu nhập được xã Phước Thạnh đặt chỉ tiêu hoàn thành vào năm 2015. Mục tiêu của xã là đến 2015, đạt mức thu nhập bình quân đầu người 38 triệu đ/người, gấp 1,8 lần mức thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay.

Kế hoạch là vậy, những phương án nhằm tăng nhanh thu nhập cũng đã được đề ra, lại có được sự đồng tình của người dân (khi xã Phước Thạnh lấy ý kiến nhân dân về Chương trình xây dựng NTM, đa số người dân xã này đã nhất trí đưa việc đạt chỉ tiêu thu nhập vào năm 2015), nhưng khi tôi hỏi: “Anh có dám chắc là đến năm 2015, xã mình sẽ hoàn thành tiêu chí thu nhập không?”, thì ông Thông chỉ cười: “Thực hiện tiêu chí thu nhập là căng nhất. Nếu tập trung thực hiện đúng các kế hoạch như trong bản đề án xây dựng NTM của xã, là kết hợp nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, cả hệ thống chính trị và mọi người dân cùng tích cực tham gia thực hiện, thì đến năm đó cũng có thể đạt”.

Gấp 1,5 lần là cực khó 

Năm 2009, khi xây dựng đề án xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người lúc đó của xã Tân Thông Hội (Củ Chi, TP HCM) là 17,8 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người huyện này khi ấy là 18,6 triệu đồng. Trên cơ sở đó, xã Tân Thông Hội phấn đấu hoàn thành tiêu chí thu nhập vào năm 2011 với mục đích cụ thể là gấp 1,5 lần so với thu nhập bình quân đầu người của huyện.

Để đạt được tiêu chí thu nhập, trong mấy năm qua, Tân Thông Hội đã thực hiện nhiều giải pháp tổng hợp, từ đầu tư mạnh cho cơ sở hạ tầng, tới chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm cho những lao động nhàn rỗi… Bên cạnh nỗ lực của chính quyền và người dân toàn xã, còn có sự đóng góp, hỗ trợ khá tích cực của các ban, ngành thuộc Thành phố và sự đầu tư của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, vì là một trong những xã điểm của cả nước, nên Tân Thông Hội còn có sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, sự giúp đỡ của một số cơ quan Trung ương. Hàng chục lớp học khuyến nông, bảo quản nông sản, đào tạo nghề… đã liên tục được các ban, ngành, doanh nghiệp tổ chức cho nông dân Tân Thông Hội trong 2 năm qua. Những cây rồng, vật nuôi có giá trị cao như rau an toàn, hoa lan, bò sữa, cá cảnh…, tăng mạnh về diện tích, số lượng.

Nhờ vậy, riêng về sản xuất nông nghiệp, đến đầu năm nay, xã đã đạt lợi nhuận bình quân 177 triệu đ/ha. Qua đó, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người toàn xã tính đến tháng 10 năm nay là 28,6 triệu đồng. Ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội, hồ hởi cho biết: "So với thu nhập bình quân đầu người của huyện Củ Chi năm 2009, khi xã bắt đầu xây dựng NTM, thì thu nhập bình quân đầu người của xã ở thời điểm này đã gấp 1,54 lần. Như vậy, xã đã hoàn thành tiêu chí về thu nhập”.

Tôi thắc mắc: “Vậy là mới chỉ gấp hơn 1,5 lần so với thu nhập bình quân của huyện 2 năm trước chứ không phải bây giờ?”, ông Chí lý giải: “Gấp 1,5 thu nhập bình quân đầu người của huyện vào thời điểm này theo như kế hoạch ban đầu thì khó lắm, vì nhiều xã trong huyện cũng đang xây dựng NTM, đang đẩy mạnh việc tăng nhanh thu nhập. Bởi thế, chúng tôi phải điều chỉnh lại mục tiêu là gấp 1,5 lần so với lúc khởi điểm làm NTM mà thôi”.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất