| Hotline: 0983.970.780

Xã không nông dân

Thứ Hai 20/04/2015 , 06:15 (GMT+7)

Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) được gọi là “xã không nông dân” bởi ở xã không còn SXNN, toàn bộ các hộ dân trong xã tập trung nghề SX gốm sứ truyền thống.

Nhờ cách làm hay, tháng 2/2015, xã đã cán đích NTM.

Bát Tràng là xã nằm phía Tây Nam huyện Gia Lâm, là làng nghề truyền thống gần 1.000 năm tuổi, Bát Tràng nổi tiếng với những người thợ có bàn tay tài hoa, khéo léo, làm ra nhiều mẫu sản phẩm gốm sứ tinh xảo phục vụ thị trường trong nước và XK.

Làng nghề phát triển đã và đang mang lại cuộc sống khấm khá cho nhiều gia đình, mang lại diện mạo mới cho ngôi làng bên sông Hồng.

Bát Tràng là một trong những xã điển hình của Hà Nội hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng NTM. Điều đặc biệt trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM gồm 19 tiêu chí, nhưng Bát Tràng phải thực hiện ít hơn, bởi Bát Tràng chỉ làm nghề SX gốm, không SXNN nên không phải thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi nội đồng.

Ông Đào Xuân Hùng, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: “Khi đánh giá theo tiêu chuẩn theo các tiêu chí NTM, xã đã có 14/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt. Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã xác định, xây dựng mô hình "Mỗi làng một sản phẩm". Việc phát triển nghề là một trong những điều cốt lõi trong Chương trình xây dựng NTM. Nếu nghề phát triển tốt thì đời sống người dân sẽ ổn định và Chương trình xây dựng NTM sẽ phát triển bền vững”.

Phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) xuất hiện ở tỉnh Oi-ta, Nhật Bản, cách đây 35 năm, theo đó cộng đồng lựa chọn SX các loại hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Một làng SX một sản phẩm cạnh tranh như một DN để đạt được doanh thu nhằm cải thiện mức sống cho các cư dân của làng đó.

Tuy mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng nhiều địa phương trong cả nước đón nhận, áp dụng vào thực tiễn và đạt được những kết quả đang khích lệ trong việc bảo tồn, phát triển các làng nghề đồng thời xây dựng NTM một cách bền vững.

Ông Nguyễn Trọng Thư, Tổng Thư kí Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng, chia sẻ: “Chính vì 100% số hộ sống bằng nghề làm gốm và buôn bán gốm nên người dân chỉ tập trung vào nghề này, vì vậy đời sống kinh tế người dân ngày càng được nâng cao. Đây cũng là nền tảng để các DN, các hộ dân học tập và mạnh dạn tiếp cận phong trào “Mỗi làng, một sản phẩm”.

Cái lợi thứ nhất khi áp dụng mô hình OVOP là lợi cho các hộ SX, cho người dân  trong làng nghề; cái lợi thứ 2 là cho Chương trình xây dựng NTM vì nó tạo ra giá trị cốt lõi cho chương trình. Bát Tràng cũng đã có một thương hiệu rất tốt, không chỉ trong nước mà cả thế giới biết đến.

Trong một xưởng SX gốm sứ lâu đời, nghệ nhân Nguyễn Văn Hoa trưng bày rất nhiều sản phẩm gốm độc bản, trang trí bằng thư pháp, khắc họa chân dung, phong cảnh đất nước… Mô hình OVOP chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, đa dạng hóa và quảng bá sản phẩm vì vậy những sản phẩm này là bước đi mới của ông cũng như của các nghệ nhân trong làng gốm Bát Tràng đa dạng hóa mẫu mã cũng như tiếp cận với thị trường XK, người tiêu dùng trong và nước ngoài.

“Sau 4 năm xây dựng NTM, 2/2 vừa qua xã đã vinh dự được TP Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc trưng của xã là không có hộ SXNN nên không phải thực hiện các tiêu chí về giao thông, thủy lợi nội đồng. 100% số hộ sống bằng nghề làm gốm và buôn bán gốm. Nhờ phát triển nghề, đời sống kinh tế người dân ngày càng được nâng cao”, ông Đào Xuân Hùng cho biết.

Đặc biệt những du khách nước ngoài đến thăm Bát Tràng rất thích những sản phẩm gốm trang trí bởi các sản phẩm này giúp họ hiểu về văn hóa Việt Nam.

Ông Hoa nói: “Đây cũng là bước phát triển mới trong nghề gốm. Những người làm gốm, các nghệ nhân giờ đã có những bước đi tìm tòi, thay đổi. Đầu tiên là phải bảo tồn được giá trị văn hóa, duy trì và phát triển nó theo đúng những gì mà làng nghề đã có và phù hợp với thời cuộc. Ngoài trưng bày các sản phẩm, xưởng của tôi cũng mở các sân chơi vuốt, nặn để khách tham quan tập làm và hiểu những khó khăn của các nghệ nhân. Đồng thời quảng bá hình ảnh làng nghề với du khách thập phương”.

Nhờ công tác lãnh đạo, chỉ đạo được xuyên suốt, liên tục, kết hợp tốt công tác tuyên truyền, vận động đến cán bộ và nhân dân trong xã cùng đóng góp trí tuệ, sức người, sức của, xã Bát Tràng đã đạt được những thành quả xứng đáng.

Xây dựng thành công NTM, đời sống của người dân Bát Tràng đã thay da, đổi thịt. Cả xã có trên 100 DN, gần 1.000 hộ SX, kinh doanh gốm sứ và chỉ còn 14 hộ nghèo, chiếm 0,7% tổng số hộ. Đó đều là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt: gia đình neo đơn, có người ốm đau, tàn tật, mất sức lao động…

Thực hiện xây dựng NTM, nhân dân đã đóng góp hơn 30 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng nông thôn. Hàng trăm hộ dân đã ứng dụng quy trình nung đốt gốm bằng lò gas, lò điện thay thế lò than làm môi trường sạch hơn và chất lượng gốm cũng cao hơn. Người dân Bát Tràng cũng đã chủ động phân loại rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình, tất cả được thu gom và xử lý.

Đến nay, Bát Tràng cơ bản đạt 19/19 tiêu chí. Trọng tâm năm 2015, xã sẽ thực hiện dự án trung tâm Văn hóa - Thể thao, đưa vào sử dụng từng phần, kết hợp với trang bị cơ sở vật chất cho các nhà văn hóa xóm, thôn.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất