| Hotline: 0983.970.780

Xã không túi ni lông

Thứ Ba 23/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Hơn 5 năm qua, người dân xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam không sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt hằng ngày.  

Chúng tôi có mặt tại bến tàu Cửa Đại, TP Hội An, lên thuyền cao tốc ra đảo Cù Lao Chàm thuộc xã Tân Hiệp. Đi cùng tôi, một đồng nghiệp mua bộ quần áo tắm và kính lặn được bọc trong túi ni lông cầm trên tay.

Vừa bước xuống thuyền, nhân viên lữ hành nói nhẹ nhàng: “Anh thông cảm, quần tắm, kính lặn có thể mang theo nhưng túi ni lông phải để lại trong đất liền”.

Thấy ngạc nhiên, tôi hỏi, sao khắt khe vậy? Người lữ hành cho biết: Đấy là quy định. Nếu để du khách mang túi ni lông ra đảo thì Cty du lịch chúng tôi bị phạt nặng. Theo quy định, lần đầu 1 triệu đồng, lần 2 phạt 2 triệu đồng.

Trong chốc lát, cuộc trò chuyện với nhân viên lữ hành trên ca nô cao tốc nhanh chóng trôi qua, chúng tôi có mặt trên đảo. Ấn tương đầu tiên là hòn đảo rất sạch sẽ, những con đường quanh đảo không có túi ni lông, rác thải bên đường; nước biển trong xanh.

Ông Trần Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hiệp, cho hay trước năm 2009, Cù Lao Chàm ngập rác thải sau những lần đón tiếp các đoàn du khách. Từ một hòn đảo hoang sơ, sạch bong, Cù Lao Chàm bị ô nhiễm trầm trọng.

Trong một lần tìm cách làm sạch Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Sự, khi đó là Bí thư Thành ủy TP Hội An (ngay đã nghỉ hưu), cương quyết thực hiện kế hoạch “Nói không với túi ni lông”.

Thế là từ tháng 5/2009, kế hoạch chấm dứt sử dụng túi ni lông chính thức được thực hiện ở Cù Lao Chàm. Để đạt được kết quả như hôm nay là cả quá trình đầy chông gai chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Ông Dũng cho biết, khi triển khai chiến dịch, UBND xã Tân Hiệp phải năm lần bảy lượt họp dân. Xã cũng lập một đội tuyên truyền để hằng ngày nhắc nhở người dân không dùng túi ni lông, cấp phát giỏ nhựa, túi tự hủy cho bà con dùng.

“Ban đầu, chúng tôi chỉ nhắc nhở, khi người dân không thực hiện thì mới mời lên làm việc rồi phạt. Nói vậy chứ xã chưa phạt ai bao giờ. Nay thì người dân trên đảo lại còn ghét túi ni lông đấy”, ông Dũng cho biết.

Đang lấy mớ rau đùm trong giấy báo ra nhặt, bà Nguyễn Thị Hồng, thôn Bãi Ông, bộc bạch: "Dùng giấy báo đựng cũng khó khăn chú ạ! Ban đầu thực hiện chủ trương không sử dụng túi ni lông mọi người cũng phản ứng dữ lắm, nhưng lâu thành quen.

Chú thử xem, đựng cái gì mà ướt trong giấy báo thì đừng nói đưa về đến nhà mà ra khỏi chợ báo đã rách nát, thực phẩm bị rơi vãi. Thấy được nỗi khổ của người dân, chính quyền địa phương huy động các tổ chức cấp cho giỏ nhựa cho bà con dựng".

08-33-43_nh-1
Đường sá sạch sẽ, không túi ni lông

“Như thế, một lần đi chợ, rau, thịt, cá đều được gói trong giấy báo, sau đó bỏ vào giỏ nhựa, thì làm sao rơi được? Xã có quy định ai sử dụng túi ni lông sẽ bị phạt 200.000 đồng/lần, nhưng 5 năm nay có mấy người dân bị phạt đâu, ai cũng chấp hành đầy đủ hết”, bà Hồng nói.

Tháng 10/2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập để giữ gìn sinh vật hoang dã trên đảo. Ngày 29/5/2009, với hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Chị Linh, một người bán rau quả tại chợ Tân Hiệp so sánh, nếu như trong đất liền, một thương lái như chị mỗi ngày chỉ hết khoảng 2.000-5.000 đồng mua túi ni lông để bán hàng, việc dùng túi rất nhanh chóng, đựng đồ không bị rơi rớt, còn khi dùng giấy báo gói đồ thì rất khó khăn.

Chị phân tích, thứ nhất dùng giấy báo đựng được ít, những loại rau quả có nước thấm vào giấy báo bị rách, đồ dùng rơi vãi. Thứ hai, mỗi ngày, tốn nhiều thời gian bọc giấy báo thành túi và mua 1 kg giấy báo hết 1.200 đồng.

“Nhưng muốn xã đảo sạch sẽ thì không phải ai khác chính người dân nơi đây phải có ý thức bảo vệ hòn đảo, chứ để ngập rác thì du khách không quay lại thăm đảo nữa. Mỗi người dân gắng làm một tý thì xóa bỏ được túi ni lông thôi”, chị Linh tâm sự.

Sau một ngày khám phá vẻ đẹp hoang sơ và sự thân thiện của người dân nơi đây, chúng tôi trở lại đất liền. Để lại phía sau, một hòn đảo yên bình, trong sạch. Vừa đặt chân xuống bến tàu Cửa Đại, chúng tôi lại bắt đầu cuộc sống mà đâu đâu cũng bắt gặp túi ni lông.

08-33-43_nh-4
Người dân dùng giấy báo gói thực phẩm

Được biết, Cù Lao Chàm là một cụm đảo gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Nơi đây có khoảng 600 hộ dân với hơn 3.000 người sinh sống.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm