| Hotline: 0983.970.780

Xa lắm bản Đoòng

Thứ Ba 25/01/2011 , 08:34 (GMT+7)

Từ ngã tư Trạ Ang đi theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh khoảng 14 km, đến một chốt gác của lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), là bắt đầu xuyên qua những cánh rừng già, suối réo để đến bản Đoòng.

Từ ngã tư Trạ Ang đi theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh khoảng 14 km, đến một chốt gác của lực lượng Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), là bắt đầu xuyên qua những cánh rừng già, suối réo để đến bản Đoòng. Ngược một con dốc, đất nhão nhoét, tôi chọn chỗ đất nhô cao đạp vào để lấy đà rướn lên. Phượt. Tôi chỉ kịp phát tiếng “ối” là đã bổ sấp mặt xuống...

Nhà ở… dưới suối

Hết hai con dốc, tôi thở đánh phào khi lội xuống con suối vỗ mấy vốc nước “tát’ vào mặt cho tỉnh người. Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình) Nguyễn Chí Sỹ, đồng hành cùng tôi, nhìn rồi tủm tỉm: “Còn con dốc cuối trước mặt đó nữa thôi mà". Nghe xong câu nói, thấy mồ hôi đổ ra dọc sống lưng.

Bản Đoòng nằm ở một thung lũng nhỏ, tương đối bằng phẳng, cách trung tâm huyện 75 cây số và cách xã Tân Trạch 50 cây số. Khu vực này thuộc địa giới hành chính của xã Tân Trạch và nằm trong vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Theo già làng Nguyễn Sỹ Trắc thì bản có tên là Đoòng là do bản nằm gần một cái hang đá mà lâu nay người bản địa gọi là hang Đoòng.

Già làng Trắc ở tuổi gần 60 nhớ lại cách đây gần 20 năm, ông đã đưa cả gia đình vào định cư ở giữa lòng rừng già Phong Nha và bản Đoòng được ra đời từ đó. Hỏi ra mới biết, già làng Trắc vốn có gốc tích từ Cam Lộ (Quảng Trị), mấy đời trước phiêu bạt hay vì lý do gì đó mà di chuyển lên vùng núi dân tộc Vân Kiều, rồi khi đến thế hệ của già thì đã trở thành người Vân Kiều thứ thiệt.

Trước năm 2004, bản Đoòng được UBND huyện tạm giao cho xã Sơn Trạch quản lý. Năm 2004, trước yêu cầu đăng ký đơn vị bầu cử, UBND huyện thấy bản Đoòng nằm trên địa phận xã Tân Trạch nên đăng ký tổ bầu cử này thuộc xã Tân Trạch và giao cho xã quản lý từ đó đến nay. "Do điều kiện giao thông khó khăn, không có điều kiện hỗ trợ, đầu tư theo các dự án, rồi gặp thiên tai nên hiện nay cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho sản xuất và đời sống của đồng bào chưa có gì", Bí thư Sỹ tâm sự.

Lúc đông nhất, bản có 11 hộ, 49 khẩu, nhưng sau này một số hộ đã di dời đi ở nới khác nên chỉ còn lại 7 hộ với 32 nhân khẩu. Xét về góc độ huyết thống thì bản chỉ có “nhánh” của dòng họ. Chúng tôi vào đến bản Đoòng lúc giữa trưa, đi qua một vùng nương rẫy cũ mà đồng bào đã bỏ không canh tác đã khá lâu, cây rừng đã lên xanh, cao quá đầu người. Bản Đoòng hiện ra trước mắt với cảnh tạm bợ đến nao lòng.

Trên khoảng đất rộng chỉ có một ngôi nhà sàn vừa được dựng lại. Kế sát nhau là hai ngôi nhà lều bạt được dựng vội. Thấy có người lạ vào, đám trẻ trố mắt nhìn rồi ù chạy ngang qua ngôi lều bạt trống sang nhà khác và vừa hét, vừa nói ríu ríu như chim hót. Già làng Nguyễn Sỹ Trắc đón chúng tôi trong căn nhà bạt, giọng ông chùng xuống: "Cả mấy ngôi nhà trôi hết về dưới suối rồi. Trôi hôm lũ đó. May mà Hội Chữ thập đỏ huyện cứu trợ kịp thời cho hai nhà bạt để che tạm cho mấy nhà ở chung”.

May mắn đầu tiên có lẽ dành cho vợ chồng Nguyễn Văn Chiều (con già làng Trắc). Ngôi nhà sàn gỗ bị lũ cuốn trôi cách nền khoảng nửa cây số nhưng ít hư hại. Phải mất mấy ngày huy động hết nhân lực và thuê cả người ngoài vô nữa mới đưa được về chỗ cũ. Tuy được dựng lên, nhưng nhìn ngôi nhà lấm lem, lá lợp bù xù nom cũng cám cảnh. Chiều nói: "Rứa đó, còn có chỗ ở là mừng hết trong cái bụng miềng rồi. Mấy nhà khác còn dưới suối không biết khi mô đưa lên được đó".

Lo cho bản Đoòng

Già làng Trắc ngồi trên cái đòn kê trong ngôi lán giọng rầu như lá cây chuối úa sát bìa rừng: "Trước đây bản cũng tạm tạm. Có vài chục trâu bò, vài trăm con gà, rồi làm lúa nương, lúa nước, bà con còn ngăn đập lấy nước tưới. Miềng còn sắm được máy tuốt lúa. Nay thì khổ rồi, may có gạo cứu trợ chứ không đói chết người đó chớ. Mà gạo cứu trợ đâu như lá rừng có sẵn bứt về là ăn được".

Hỏi chuyện thì mới biết rằng, mấy năm trước, dân bản còn đông người, hợp lực cùng nhau khai phá đất đai để sản xuất lúa nước, ngô, sắn, đậu... với diện tích khoảng 5 ha, trong đó diện tích lúa nước 2 ha, cây hoa màu khoảng 3 ha. Lợi dụng dòng suối bên cạnh, dân bản đã tự ngăn đập tạm để đưa nước vào làm lúa nước, nhưng cứ đến mùa mưa lũ lại bị nước cuốn trôi, hàng năm đều phải làm lại. Hiện nay, do nhiều hộ đã bỏ đi, sức người còn lại không đủ nên đồng bào không có đủ sức ngăn đập, phần lớn diện tích trồng lúa nước trước đây bị bỏ hoang. Diện tích trồng trọt chỉ còn khoảng 2 sào lúa nước, 3 sào ngô, 5 sào sắn... Rồi tất cả đã bị cơn lũ đưa về trạng thái như buổi nguyên sơ lập bản ban đầu.

Trẻ em ở bản Đoòng cũng như phần lớn bố mẹ của chúng, mù chữ khá nhiều, bởi ăn ở biệt lập như vậy biết đi đâu học cái chữ. Mấy năm gần đây, huyện chỉ đạo giáo viên cắm bản để dạy chữ cho con em trong bản. Lớp học hiện cũng phải tạm thời trong nhà bạt. Chỉ có 8 đứa trẻ được chia học đủ từ lớp 1 đến lớp 5 ngồi trong đó.

Dù khoảng cách không xa là mấy nhưng do đường sá đi lại khó khăn nên việc trợ cấp gạo, thực phẩm cho bà con bản Đoòng cũng chỉ tập kết được ở Km 35+500 trên nhánh Tây đường Hồ Chí Minh rồi cử người vào bản báo cho đồng bào ra “cõng” vào chứ không còn cách nào khác.

Cũng vì vậy nên nhiều lần huyện hỗ trợ gạo, muối, đồng bào thiếu ăn nhưng vẫn cứ gửi lại ở Trạm Kiểm lâm, lúc nào tiện mới lấy. Ba tấn gạo do Thành ủy TP Hội An (Quảng Nam) hỗ trợ cho bản thông qua Báo NNVN cũng phải chia nhỏ gùi từng bao đi cả buổi mới đến được. Cũng chuyến đi này, PV báo NNVN trao cho mỗi hộ 7 triệu đồng (tiền do Thành ủy TP Hội An) hỗ trợ để giúp bà con ổn định cuộc sống.

Thầy giáo Nguyễn Văn Sáu cho hay: “Phải gom lại như vậy các em mới chịu học anh ạ. Phương pháp dạy thì chúng tôi cứ chia thời gian dạy chữ cho lớp 1, rồi tập làm văn cho lớp 2, lại quay đến dạy toán lớp 4… Mỗi em cứ xem như đang ở lớp riêng, chứ mỗi em một lớp thì không thể nào thực hiện được nhiệm vụ cho các em biết đọc, biết viết".

Ông Trắc lại rủ rỉ: “Nhà nước phải quan tâm đến chúng tôi, chứ như thế này sớm muộn gì bà con cũng đói. Đề nghị phải đầu tư làm đường, làm nhà, hỗ trợ bò cho dân. Nói đường khó đi không làm được, răng nhiều nơi khác người ta làm được”. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Chí Sỹ quay sang tôi: “Việc này khó lắm vì đồng bào ở biệt lập ngay giữa vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thì ai cho phép đầu tư mở đường. Nhiều lần lãnh đạo huyện họp với dân bản bàn di dời ra sát tuyến đường 20 nhưng người dân của bản không đồng ý”.

Rồi Bí thư Sỹ quay sang già làng: “Thì sau đợt lũ quét này, bản ta dời ra ở Rào Con, bản 39 hay Khe Ngát có được không? Ở đó thì Nhà nước mới có điều kiện quan tâm đầu tư cho đồng bào, và đồng bào cũng có điều kiện mà học hành, khám bệnh”. Già làng Trắc lúc lắc cái đầu: "Khó hè, mồ mả chi cũng ở trong ni cả thì răng mà đi được?”.

Hy vọng sáng lên khi mấy người con già làng "bấm" chúng tôi ra nói riêng, đại ý là đến vài năm nữa khi già làng yếu sức hay không còn nữa thì họ sẽ dời bản ra chỗ thuận tiện hơn theo hướng dẫn, giúp đỡ của huyện.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.