| Hotline: 0983.970.780

"Xã rừng" xây dựng NTM

Thứ Năm 29/12/2011 , 10:20 (GMT+7)

Đến nay Hương Phong đã vượt qua bao khó khăn từ một vùng đất “lam sơn chướng khí” trở thành một địa phương no đủ.

Trồng rừng là kinh tế mũi nhọn ở Hương Phong

Hương Phong là xã điểm xây dựng NTM của huyện A Lưới, tỉnh TT- Huế. Được thành lập từ những cuộc “di dân” của huyện Hương Thủy sau ngày thống nhất đất nước, đến nay Hương Phong đã vượt qua bao khó khăn từ một vùng đất “lam sơn chướng khí” trở thành một địa phương no đủ.

10 năm không sinh con thứ 3

Nằm ven đường mòn Hồ Chí Minh, địa bàn xã Hương Phong trải ra trước tầm mắt là ngút ngàn rừng cây xanh. Đến đây, gặp những người già, là thế hệ  tiên phong đến với vùng đất còn lắm hoang vu, hun hút giữa đại ngàn mới hiểu hết nỗi cơ cực, nghị lực vượt khó của người dân “xã rừng”.

Ông Nguyễn Kế (75 tuổi), một người dân ở thôn Hương Thịnh cho biết, những năm sau ngày giải phóng, đặt chân đến vùng đất này, mặc dù có sự hỗ trợ về lương thực của Nhà nước nhưng cũng khó khăn, chật vật trăm bề. Năm đầu tiên lên, gần 50% số hộ dân đã bỏ về xuôi do không chịu nổi cái lạnh và những cơn sốt rét rừng. Cái khổ cũng do buổi đầu không đủ cơ sở vật chất nhưng có một nguyên nhân nữa là do bà con đẻ nhiều.

 Do thời đó nhận thức của người dân còn hạn chế, cuộc sống dựa vào nương rẫy, cứ ngỡ “trời sinh voi sinh cỏ” nên nhiều gia đình sinh con liên tục, không đủ điều kiện nuôi đành bồng bế nhau về xuôi buôn bán. Đến nay, tính đến năm 2011, thôn Hương Thịnh đã có 10 năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3.

Ông Mai Văn Đông, Trưởng thôn Hương Thịnh, cho hay: “Hương Thịnh có 70 hộ dân với gần 200 nhân khẩu. Vào thời gian mới lên định cư, nếu địa phương không có chính sách kịp thời thì e sẽ bỏ về hết vì cái nghèo, cái khó. Nắm bắt được nguyên nhân cốt lõi cũng như thực trạng của bà con, địa phương đã mạnh dạn đăng ký mô hình không sinh con thứ 3. Từ đây cũng có nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực về sinh đẻ có kế hoạch, loại bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ, trời sinh voi sinh cỏ trong cộng đồng thôn”.

 Tuy nhiên, để thực hiện được chính sách sâu rộng, toàn diện không phải là chuyện một sớm một chiều. Mà hơn ai hết, đội ngũ cộng tác viên dân số, hội đoàn, cán bộ thôn là lực lương nòng cốt trong việc đẩy mạnh chiến dịch vận động tuyên truyền, chính sách dân số đến từng hộ gia đình, đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ. 

Chị Nguyễn Thị Hương (thôn Hương Thịnh), một trong 6 hộ tiêu biểu đi đầu trong công tác vận động gia đình không có con thứ 3 cho biết: “Thật lòng mình cũng biết ơn các cán bộ dân số lắm, nhiều chị em không quản ngoại đường xa, mưa gió, tư vấn tận tình cho chị em. Không chỉ tư vấn mà còn cung cấp các kiến thức liên quan đến sức khoẻ sinh sản. Nhà mình thế là đủ nếp đủ tẻ, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng rừng và buôn bán, mình sinh còn ít nên cuộc sống cũng ổn định”.

Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, cho biết: “Điều góp phần to lớn cho sự thành công cho mô hình không sinh con thứ 3 ở Hương Phong là việc địa phương đã không tuyên truyền suông, không làm hình thức. Mà lấy các gương điển hình cụ thể của những hộ gia đình không sinh còn thứ 3, có đời sống, điều kiện kinh tế khấm khá, ổn định, làm các gương điển hình cho bà con noi theo. Bên cạnh đó, mỗi vị cán bộ xã, thôn cũng phải thực hiện tốt công tác dân số, cũng là một tấm gương điển hình, tôi nghĩ đó là phương cách tuyên truyền thiết thực, hiệu quả nhất".

Giàu nhờ rừng

Kinh tế rừng đã trở thành mục tiêu kinh tế mũi nhọn của Hương Phong. Từ những gia đình bám trụ đầu tiên sau ngày “di dân” từ huyện Hương Thủy, đến nay toàn xã đã có gần 400 ha rừng keo, tràm trong đó gần 50% số diện tích đã đến tuổi khai thác với những hộ gia đình đã trở thành những “đại gia” rừng phố núi.

Đến Hương Phong, nói về nghề trồng rừng, chúng tôi được nghe nhắc đến nhiều nhất là gia đình 3 cha con ông Nguyễn Đinh Hơn với hơn 100 ha rừng keo, tràm, dẫn đầu số hộ dân có diện tích trồng rừng trong xã. “Kỳ tích” chinh phục núi đồi của gia đình ông Hơn đã trở thành một câu chuyện tiêu biểu cho sự vượt khó, cần cù lao động nơi “xã rừng” Hương Phong.

Ông Hơn kể, những năm sau ngày giải phóng, ông cùng gia đình lên vùng đất thôn Hương Phú lập nghiệp. Cả một vùng lau lách trải ra trước mắt. Mặc dù đã có trợ cấp về lương thực của Nhà nước song nhiều hộ gia đình buổi đầu mới lên nhìn nhau như muốn phát khóc vì biết làm gì mà ăn giữa núi đồi hoang vu. Nhiều hộ gia đình là bạn đồng niên với ông đã lũ lượt kéo nhau bỏ về xuôi. Nhiều lúc ông cũng “phát ớn” khi nghĩ về bây giờ mình dặm cây tràm, cây keo, biết khi nào chúng lớn, bán được gỗ mà nuôi hy vọng.

Nhưng rồi ông bảo với vợ con, đất sẽ không phụ người, từ bàn tay mình làm nên tất cả. Ông xin khai hoang vùng đồi ở Hương Phú để dặm cây. Ba cha con ông phát ròng rã tháng này qua tháng khác, đến khi ngẩng mặt lên thì cả một vùng lau lách đã dọn xong, từng thớ đất vỡ ra như chờ ngày cây tràm, keo gieo xuống niềm vui bén rễ. Ròng rã trồng rừng, đi học hỏi kỹ thuật, xin giống, xin giao khoán đất mấy chục năm qua, đến nay, 3 cha con ông Nguyễn Đình Hơn, Nguyễn Đình Hóa, Nguyễn Đình Hùng đã có trong tay hơn 100 ha rừng keo, tràm, trong đó có gần 40% số diện tích đã đến tuổi khai thác, mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng.

Ở Hương Phong những gia đình là “đại gia” trồng rừng đếm không xuể. Mỗi hộ dân ít nhất cũng có vài chục, thậm chí vài trăm ha rừng trồng, cây công nghiệp. Bên cạnh nỗ lực trồng rừng, công tác bảo vệ rừng ở Hương Phong cũng được chú trọng. Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, cho biết: “Ngay từ những năm đầu triển khai mô hình trồng cây keo, tràm, địa phương đã thành lập Ban chỉ huy và xây dựng phương án quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy, phòng trừ khi có sự cố xảy ra nhằm có biện pháp ứng cứu kịp thời. Tuyên truyền vận động người dân có ý thức hơn nữa trong công tác quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt trong mùa nắng nóng. Do làm tốt công tác này, trong năm qua, trên địa bàn xã không xảy ra vụ cháy rừng nào".

Cũng theo ông Cường, địa phương đang kiến nghị UBND huyện thành lập Trạm quản lý bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn các đối tượng trong cũng như ngoài xã lợi dụng khai thác gỗ, săn bắt thú rừng trái phép.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.

Bình luận mới nhất