| Hotline: 0983.970.780

Xã trên 400 cán bộ thôn: Chuyện ở thôn 22 hộ dân, 9 công bộc

Thứ Hai 17/11/2014 , 08:39 (GMT+7)

Duy trì một bộ máy cồng kềnh, tốn kém nhiều tiền ngân sách cho trả lương, cho cơ sở vật chất hạ tầng đi kèm nhưng ì ạch và đùn đẩy trách nhiệm. Xã Thanh Hải (Lục Ngạn, Bắc Giang) điển hình cho điều ấy khi có tới 39 trưởng thôn, vài chục bí thư chi bộ cùng khoảng gần 400 cán bộ thôn các loại...

Trông cả vào ngân sách

Thôn Lòng Hồ, xã Thanh Hải có 22 hộ dân với tổng nhân khẩu 104 nhưng có tới 9 công bộc phục vụ trong bộ máy thôn.

Hôm tôi đến, vợ chồng trưởng thôn đang đi lấy cây lạc tiên, cây mật khỉ trên núi cách nhà tới 23 km đường rừng. Cật lực cả ngày trèo đèo, lội suối hái cây rồi băm nhỏ, phơi khô đem xuống tận chợ Lục Nam bán trừ xăng xe đi, ngày công mỗi người chỉ vào khoảng 50.000đ.

Lấy dược liệu đang là sinh kế của nửa số hộ trong thôn bởi không còn nghề nào khác. Mấy ngày nay, đoạn đường bê tông qua thôn đang được mở, cần người giám sát nhưng cán bộ thôn đều đi vắng cả để lại mình Vi Văn Lanh - cán bộ mặt trận là một ông già móm mém, mắt mũi tèm nhèm giám sát.

Ông làm sao có thể biết được xi măng mác mấy, đá sỏi kích cỡ, chủng loại ra sao?


Trưởng thôn Lòng Hồ.

9 công bộc trên 104 dân của thôn Lòng Hồ gồm: Hoàng Văn Phương -Trưởng thôn lĩnh 920.000đ/tháng. Hoàng Văn Mỏi - công an viên lĩnh 920.000đ/tháng. Vi Văn Thu - Phó thôn 690.000đ/tháng. Vi Hùng Cheo -Thôn đội trưởng kiêm thú y viên lĩnh hai suất 690.000đ + 170.000đ/tháng. Hoàng Thị Phượng - y tế thôn lĩnh 575.000đ/tháng. Vi Văn Lanh - Mặt trận kiêm Hội Người cao tuổi lĩnh hai suất 160.000đ + 160.000đ/tháng. Hoàng Văn Lô - Chi hội Nông dân thôn, Vi Thị Bích - Chi hội Phụ nữ thôn, Vi Văn Bốn - Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn lĩnh trợ cấp thấp nhất 160.000đ/tháng.

Tất cả đều do ngân sách Nhà nước chi trả.

Các hội đoàn đáng lẽ phải duy trì bằng kinh phí hội viên đóng góp nhưng vận động người vào hội đã khó chứ chưa nói đến chuyện đóng phí. Thực tế có đóng phí cũng chỉ là hình thức bởi không thể đủ để duy trì hoạt động bộ máy của chính hội, đoàn đó. Như 10 đoàn viên của thôn Lòng Hồ một năm nộp được 160.000đ tiền đoàn phí, vừa đủ một tháng trả trợ cấp cho bí thư chi đoàn.

Ở nông thôn giờ thanh niên rời làng đi rỗng rễnh. Lòng Hồ có 10 đoàn viên thì hơn một nửa bươn bả làm thuê, làm mướn bên ngoài. Bản thân bí thư chi đoàn ngoài vườn vải, sào ruộng cũng phu hồ, phụ vữa.

Trước đây, ngày thành lập đoàn 26/3, ngày sinh nhật Bác, các dịp văn hóa văn nghệ trong thôn hay dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm đều do đoàn thanh niên xốc vác. Giờ chẳng còn ngày nào có thể thu hút được đoàn viên tham gia. Bí thư chi đoàn duy nhất một lần trong năm đi vận động bánh kẹo cho thiếu nhi dịp rằm tháng Tám là chấm hết hoạt động. Đoàn thanh niên như con cá chỉ còn trơ bộ khung xương. Không da, không thịt không phải là một con cá sống.


Nhà một người nghèo.

Trong buổi chiều hanh hao nắng, gió, tôi ngồi bên thềm nhà anh thanh niên Vi Văn Thí. Thí mới ngoài ba mươi tuổi mà trông già xọm như ông lão năm, sáu mươi. Nói điều gì cũng rụt rè, bày tỏ gì cũng sợ sệt. Nhà anh nghèo một cách điển hình trong thôn dù có sức vóc, sẵn đất đai. Lập bập mãi rồi Thí cũng thổ lộ được hết cái ước ao giản đơn là được tập huấn kỹ thuật, được định hướng thị trường để làm vườn không còn thất bát nữa.

Nói chuyện thoát nghèo, năm 2013 Lòng Hồ được giao chỉ tiêu giảm 5 hộ. Nhẩm đi, nhẩm lại chẳng biết kiếm đâu ra trám vào cho đủ danh sách vì nhiều hộ khó khăn quá nên ông Vi Văn Lanh - phụ trách mặt trận thôn xung phong thoát trước dù gia đình còn đầy rẫy khó khăn.

Cũng như các hộ khác trong thôn, kinh tế nhà ông Lanh trông cả vào vườn vải. Năm ngoái vải kém, chỉ thu 20 triệu chưa trừ chi phí. Đã thế bà vợ ông bỗng dưng đổ bệnh lao lực phải nằm bệnh viện hai tháng ngốn mất hơn 10 triệu đồng. Vậy là còn 10 triệu đồng thu nhập chia cho 5 khẩu cho cả một năm nhưng đã trót là cán bộ thôn, không thể không noi gương được.

Ngoài ông Vi Văn Lanh còn có Vi Văn Mổ, Hoàng Văn Hạnh cũng vào danh sách thoát nghèo. Nhưng thế mới là ba, vẫn còn thiếu hai chỉ tiêu nữa. Toàn bộ máy của thôn ai nấy vò đầu, bứt tóc bí thì đột nhiên ở buổi họp tiếp theo trên phổ biến chỉ cần giảm 3 hộ nghèo là được rồi vì thôn Lòng Hồ cùng hai thôn nữa sẽ lọt vào danh sách "thôn 135" năm sau. 135 mà giảm nghèo nhiều quá thì làm sao đủ tiêu chuẩn 135 nữa?


Danh sách phân bổ chỉ tiêu hộ nghèo.

Những công việc nhàn nhất trần gian

Lòng Hồ bé như cái... lỗ mũi. Con chó chạy cuối thôn, đầu thôn còn thấy đuôi lấp ló, thằng bé đứng đái ở bờ rào đầu thôn, cuối thôn còn thấy tia nước vọt cầu vồng. Rảo bộ một vòng qua tất cả nhà trong thôn mất chừng mươi phút. Vậy công việc của các cán bộ cái thôn tí hon này là gì?

Bí thư chi đoàn một năm một hai ngày đi vận động góp Tết Trung thu. Y tế thôn một tháng đi vận động tiêm dự phòng vào ngày 20 và ngày 15 xuống giao ban ở trạm y tế xã. Thôn đội trưởng một tháng đi xuống xã giao ban một lần, một năm đưa giấy khám sơ tuyển, khám tuyển cho 4 thanh niên đang độ tuổi nghĩa vụ trong thôn một hai buổi, đi huấn luyện dân quân 7 ngày. Chia ra việc của anh một tháng một ngày thì hơi ít còn một tháng ngày rưỡi lại hơi thừa.

Ở Lòng Hồ, thôn đội trưởng kiêm luôn chức danh thú y thôn. Thú y thôn không giao ban theo tháng mà theo quý, khi nào có dịch bệnh thì lo thuốc tiêm cho 5 con trâu, 7 con lợn nái trong thôn. Trách nhiệm là thế nhưng một hai năm nay lợn gà ở Lòng Hồ dịch bệnh liên miên cũng chẳng thấy được cấp thuốc.

Ngay nhà trưởng thôn mới mua 20 con gà về nuôi cũng chỉ còn sót lại một. Hôm tôi đến, anh xua chó đuổi gà bắt về làm thịt đãi. Sợ khách ngại, trưởng thôn Phương cứ một hai mà rằng: “Khách ăn mấy đâu, người nhà ăn là chính”.

Công an viên một tháng trực ở xã 2 ngày, giao ban thêm 1 ngày nữa. Y tế thôn cũng là một chức hữu danh, vô thực. Chị đi tập huấn mười ngày trên huyện rồi về làm với mức trợ cấp cứ tăng theo từng năm tháng.

Tôi hỏi chuyện sinh đẻ kế hoạch thế nào mà trong thôn 22 hộ nhà nào cũng có con trai dù phải đẻ ba, đẻ bốn trong đó có cả nhà chị? Chị cười, bảo: Lòng Hồ vẫn thiếu cán bộ phụ trách dân số dù chúng em đã đấu tranh mãi. Bởi thế nên dân trong thôn nào có biết mặt mũi viên thuốc tránh thai, cái bao cao su Nhà nước cấp nó tròn hay méo ra sao đâu. Dân trong thôn vẫn thầm bảo nhau: Xe nào mòn phanh thì tự thay, nhà nào sơ sẩy thì tự đẻ.

Người bận rộn nhất trong bộ máy của thôn Lòng Hồ là trưởng thôn, mất chừng dăm bảy ngày cho mỗi tháng.

Tối đó, tôi ngủ ở nhà trưởng thôn. Gió thổi từ Lòng Hồ sang Khuân Dẽo rồi ngoặt Bừng Núi nghe như tiếng chuột chạy. Ba thôn giáp ranh nhau, mỗi đơn vị vài chục hộ nhưng vẫn duy trì ba bộ máy với mấy chục công bộc.

Trong cơn ngái ngủ tôi hỏi với sang Hoàng Văn Phương sao không sáp nhập thôn, anh bảo từ năm 1982 di dân về Lòng Hồ với 8 hộ vẫn là một thôn, nay có 22 hộ đã là khá, không nên sáp nhập. Chợt vơ vẩn so sánh 9 cán bộ trên 104 dân của thôn Lòng Hồ và 2,8 triệu công chức cùng vài triệu người tuy không phải là công chức nhưng vẫn nhận tiền trợ cấp trên tổng số 90 triệu dân Việt Nam thì khác gì một bản sao y hệt.

Ngoài hiên, gió vẫn không ngừng thổi...

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm