| Hotline: 0983.970.780

Xã ven đô 68% hộ nghèo

Thứ Năm 02/12/2010 , 14:15 (GMT+7)

Sau một ngày lang thang trên xã đảo Thạnh An, chúng tôi đã hiểu được phần nào nỗi cơ hàn mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu. Tạm biệt xã đảo, chúng tôi lại bắt đò trở về đất liền mang theo những trăn trở của người dân Thạnh An.

Mang tiếng là cư dân thành phố hoa lệ bậc nhất nước nhưng không ai ngờ người dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP HCM) lại chịu cuộc sống tối tăm đến thế.

Đò giang cách trở

Ngày cuối tuần, chúng tôi chạy xe xuống Cần Giờ để ra thăm xã đảo Thạnh An. Vừa qua phà Bình Khánh thì trời bỗng đổ mưa to khiến mặt đường tại nhiều đoạn đang thi công dở dang càng thêm trơn trượt. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ trên cả đường thủy lẫn đường bộ, từ trung tâm TP.HCM chúng tôi mới xuống được thị trấn Cần Thạnh. Dừng chân tại đây mua vé đò để chuẩn bị cho cuộc hành trình gần một giờ đồng hồ trên biển ra xã đảo Thạnh An.

Thấy khách lạ, chị chủ quán nước tại bến đò chạy ra bảo: “Muốn đi thăm xã đảo, các chú phải tìm chỗ gửi xe, rồi sang bên đó bắt xe ôm đi cho khỏe chứ mất công “rinh” xe qua đò cũng phải tốn cả trăm ngàn, mà cực lắm đó”. Nghe chị chủ quán giới thiệu, Thạnh An là xã nghèo khó, sâu xa nhất huyện Cần Giờ nên xưa nay hiếm khi thấy khách đặt chân đến tham quan. Tuy nhiên, mỗi khi gặp khách mới đi lần đầu chưa quen, chị chủ quán nước cũng “tư vấn” thật lòng cho khách biết như thế.

Đúng 9 giờ sáng, con đò tròng trành rời bến hướng về xã đảo Thạnh An. Khách đi chuyến đò hôm ấy khá đông, phần lớn là những phụ nữ thay vì bán mớ cá, mớ tôm ngay tại xã đảo mà chồng con vất vả chài lưới trong sóng gió suốt đêm, thì họ quyết định vượt biển mang ra trung tâm huyện mong bán được giá hơn. Do lượng khách đông, ngồi kín hết chỗ trên khoang boong nên chúng tôi đành chịu bị “nhốt” dưới hầm hàng.

Trên chuyến đò ra xã đảo, chúng tôi tình cờ gặp ông Bùi Văn Oanh, một nhân viên phát hành thư báo ở xã Thạnh An. Ông tâm sự: “Cuộc sống của cư dân xã đảo còn nghèo lắm. Đa phần trẻ mù chữ hoặc vừa biết đọc biết viết chút ít đã phải nghỉ ngang vì gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến nhiều gia đình cũng chẳng tải nổi con chữ cho con cháu họ". 

Gia đình ông Oanh cũng như nhiều hộ dân khác ở xã đảo này từng một thời gắn bó với nghiệp chài lưới, nhưng con tôm, con cá đánh bắt riết cũng cạn kiệt, không đủ thu nhập để giúp các gia đình nuôi được con chữ cho những đứa trẻ đang độ tuổi đến trường. Ngồi bó gối dõi mắt ra phía cửa hầm hàng, ông Oanh chép miệng: “Nghề đi biển cũng bạc bẽo lắm, để “săn” được mẻ tôm, mẻ cá giữa ngàn trùng khơi có khi bị trả giá bằng cả tính mạng đấy chú à”. Chính vì vậy, bản thân ông vốn là ngư dân giỏi bậc nhất xã đảo nhưng đến nay cũng đành “giải nghệ” để về xin một chân “chạy” thư báo thuê.

Với những trải nghiệm thực tế cuộc sống khiến ông Oanh càng thấm thía nỗi cơ cực của cư dân xã đảo nơi đầu sóng ngọn gió này. Cũng theo ông, chỉ riêng chuyện đò giang cách trở đã là một thiệt thòi lớn đối với mỗi cư dân xã đảo. Vì những ngày trời yên biển lặng, hành trình ra xã đảo đã mất khoảng 45 phút nhưng gặp hôm biển động, sóng lớn có khi con đò tròng trành cả vài tiếng đồng hồ mới cập bến.

Nghèo giữa chốn hoa lệ

Đò cập bến, lúc này trời vẫn đang mưa nặng hạt và những cơn gió tạt mạnh nơi cầu cảng khiến hành khách đi đò dúm lại phải bám chặt vào nhau mới bước được vững. Lang thang vào trung tâm xã bằng con đường độc đạo, chúng tôi chứng kiến những căn nhà cấp bốn sát vách nhau và chỉ gặp người già và trẻ nhỏ. Càng về phía cuối xã càng thấy nhiều căn nhà “teo” dần, chỉ dựng bằng mái lá tuềnh toàng, trống huơ trống hoác nằm liêu xiêu bên kênh rạch.

Tìm đến trụ sở UBND xã Thạnh An, chúng tôi gặp chị Dương Thị Thu Anh, cán bộ xóa đói giảm nghèo (XĐGN) xã Thạnh An. Chị Thu Anh cho hay, nghề của bà con nơi đây đều phụ thuộc vào thiên nhiên, do vậy lao động nhàn rỗi nhiều, phụ nữ chủ yếu ở nhà, buôn bán lặt vặt. “Hàng trăm hộ dân nghèo Thạnh An trước kia chỉ sống tạm bợ trong những căn nhà lá rách nát, nhưng nay nhờ được tặng nhà tình thương mới có nơi ở ổn định hơn”, chị Thu Anh tâm sự.

Để giúp chúng tôi xuống tìm hiểu thực tế, chị Thu Anh liệt kê hàng loạt danh sách, địa chỉ những hộ nghèo điển hình ở xã đảo Thạnh An. Song, chợt nhớ điều gì, chị vội chạy vào nhà dắt ra chiếc xe đạp đề nghị chúng tôi đi tạm để tiện đến thăm các hộ dân.

Đúng lúc này, tình cờ một người dân đi ngang qua, chị Thu Anh kéo vào giới thiệu chị là Đỗ Thị Giang ở tổ 3, ấp Thạnh Hòa (khu xóm mới).  Hỏi thăm gia cảnh, chúng tôi được biết chị sống độc thân, hàng ngày đi làm cỏ, đốn lá dừa thuê kiếm được vài chục ngàn. Theo chân chị Giang về thăm căn nhà nằm ở gần cuối khu xóm mới, chúng tôi chứng kiến căn nhà tôn tuềnh toàng bên trong chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường, tủ thờ, tủ quần áo cũ ẩm mốc ọp ẹp. Chị Giang mở ngăn chạn trong bếp cho tôi xem thấy rỗng không, lạnh lẽo chẳng có món ăn gì trong đó…

"Năm 2008 - 2009, UBND xã Thạnh An đã chọn ra 27 hộ dân thuộc diện xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã và cấp cho mỗi hộ một chiếc xe máy (trị giá khoảng 15-16 triệu đồng) để thay thế xe ba gác bán hàng rong của các hộ này. Tuy nhiên, do “cần câu cơm” không có tác dụng, vì đơn giản xã nghèo “rớt mồng tơi” làm gì có ai mướn xe ôm. Vì thế, người dân đã phải đem bán hết xe để có tiền lo miếng cơm, manh áo và đến nay khi sạch vốn, cái đói, cái nghèo lại bủa vây”, ông Phạm Văn Kiệu kể chuyện.
Ở khu xóm mới này ai cũng biết gia cảnh ông Nguyễn Văn Khúc, Huỳnh Văn Phủ và bà Nguyễn Thị Thất. Quanh năm họ chỉ sống nhờ vào nguồn gạo của bà con chòm xóm hỗ trợ. Bà Thất hiện đang sống cùng cô con gái tên Út Hết (27 tuổi) bị câm bẩm sinh, còn 5 người con lớn của bà đều đi làm mướn, ở đợ tứ xứ cũng chẳng hỗ trợ gì được cho hai mẹ con bà. “Cả cuộc đời tui chưa một lần được đi ra khỏi cái xã đảo này. Nếu mai mốt có cơ hội lên phố chắc cũng chỉ chờ đi… nhà thương mà thôi", bà Thất ngậm ngùi.

Gặp chúng tôi, ông Phạm Văn Kiệu, tổ trưởng tổ 1, cho biết: Khu xóm mới được hình thành từ năm 2001, cũng chính từ ý tưởng đề xuất của tôi nhằm giãn dân ra khỏi khu vực trung tâm xã. Lúc đầu trong xóm chỉ có khoảng 180 hộ dân, đến nay số hộ đã tăng gấp đôi và đa phần là những hộ nghèo điển hình.

Tâm sự với phóng viên, ông Hồ Công Tâm, cán bộ Tư pháp xã Thạnh An giãi bày: Thạnh An là một trong những xã đảo nghèo và chịu nhiều thiên tai nhất của TP HCM. Xã có ba ấp Thạnh Bình, Thạnh Hòa và Thiềng Liềng với khoảng 1.000 hộ dân và 5.000 nhân khẩu. Cư dân trên đảo sống chủ yếu nhờ vào nghề làm muối và đánh bắt hải sản ven bờ nên còn rất nhiều khó khăn. Tính đến nay, xã có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất huyện, chừng 68%. Năm qua xã phấn đấu lắm cũng chỉ giúp được chục hộ thoát nghèo, hầu hết là nhà cấp 4 hay nhà lá tạm bợ.

Sau một ngày lang thang trên xã đảo Thạnh An, chúng tôi đã hiểu được phần nào nỗi cơ hàn mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu. Tạm biệt xã đảo, chúng tôi lại bắt đò trở về đất liền mang theo những trăn trở của người dân Thạnh An.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất