| Hotline: 0983.970.780

Xác minh "thú lạ" xuất hiện ở khu dân cư

Thứ Tư 18/09/2013 , 08:51 (GMT+7)

Một người dân mô tả con thú “mẹ” to cao bằng nửa chiếc xe máy, dài khoảng hơn 1 mét, có lông màu trắng xám pha đen, chạy với tốc độ rất nhanh...

Dấu chân do thú lạ để lại
Ngày 17/8, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Võ Danh Tuyên, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết Chi cục sẽ cử cán bộ đi kiểm tra, xác minh sự việc thú lạ xuất hiện trong khu dân cư sát sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) theo phản ánh của người dân thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Cũng trong ngày 17/9, công tác xác minh thú lạ mới được Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng tiến hành bước đầu. Lực lượng kiểm lâm đã đến hiện trường lấy dấu chân thú bằng thạch cao để đưa đi giám định.

Trong khi đó, lãnh đạo sân bay Liên Khương cho biết sẽ phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng và Hạt Kiểm lâm Đức Trọng để tăng cường kiểm tra an ninh khu vực xung quanh sân bay.

Theo phản ánh của người dân, liên tiếp trong những ngày qua tại thôn Nghĩa Hiệp, xã Liên Hiệp (huyện Đức Trọng) xuất hiện hai con thú lạ tấn công vật nuôi của người dân trong thôn, khiến bà con nơi đây hoang mang, lo lắng. Điều đáng e ngại là khu vực thú lạ xuất hiện nằm sát sân bay Liên Khương.

Ngày 17/9, PV đã đến thôn Nghĩa Hiệp để tìm hiểu sự việc. Theo người dân trong thôn, vào những tối trước đó, nhiều người nghe thấy tiếng kêu của gia cầm (chủ yếu là ngan, ngỗng) nuôi trong sân nhà, khi kiểm tra nhanh đã phát hiện tất cả những vật nuôi này bị sát hại.

Sự việc lặp lại nhiều lần và ở nhiều gia đình đã khiến cả trăm hộ dân trong khu vực lo lắng. Một số gia đình đã phải gửi con nhỏ ở nơi khác để đề phòng bất trắc.

Do nghi ngờ thú lạ là báo, cọp, nên hầu hết người dân trong thôn đi làm rẫy phải về sớm hơn bình thường và không dám ra ngoài vào buổi tối.

Theo mô tả của ông Mông Ngọc Bích - một người dân trong thôn có gia cầm bị thú bắt ăn thịt, con thú “mẹ” to cao bằng nửa chiếc xe máy, dài khoảng hơn 1 mét, có lông màu trắng xám pha đen, chạy với tốc độ rất nhanh. Ông Bích cho biết thêm, vào đêm 16/9 thì xuất hiện thêm một con thú "con."

Anh Lê Xuân Tình, trú cùng xóm với ông Bích khi đi chơi về lúc 21 giờ ngày 16/9 cũng nhìn thấy con thú ngồi phía cuối vườn, đang ăn một con ngỗng, dáng to cao, khi hô hoán thì nó vụt chạy vào vườn cà phê.

Nhiều người khác cho biết, buổi tối hai con thú lạ thường di chuyển từ khu vực dưới suối đi lòng vòng trong xóm để săn tìm mồi, chúng phát ra tiếng gầm ghê sợ.

Khảo sát khu vực có thú lạ xuất hiện, chúng tôi thấy có rất nhiều dấu chân với đường kính lớn nhất là 13cm, có cả dấu móng vuốt để lại trên mặt đất.

Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân trong thôn dẫn chúng tôi đi xem những dấu chân thú và kể: “Lúc 1 giờ sáng tôi cùng chồng nghe thấy tiếng động lạ phía sau khu vực chăn nuôi, nghe tiếng kêu của con gà trống, hai vợ chồng ra đến nơi thì con gà đã biến mất, hiện trường để lại rất nhiều dấu chân thú lạ và vết máu.”

Gia đình ông Mông Ngọc Minh, ông Lý Cỏng Gìn cũng có ngan, ngỗng, gà bị thú ăn thịt mất. Vợ chồng ông Gìn còn phát hiện trên mặt sân bằng đất ngay trước phòng vợ chồng ông nằm dày đặc vết chân thú có vuốt với một dấu tròn ở giữa.

Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã xác nhận có hai con thú nghi là cọp hoặc báo xuất hiện tại khu vực sát sân bay Liên Khương; đồng thời cảnh báo người dân đề phòng cảnh giác.

(Vietnam+)

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất