| Hotline: 0983.970.780

Xách can đi mua thuốc "phun là chết"

Thứ Năm 26/09/2013 , 09:28 (GMT+7)

Trong khi các cơ quan hữu quan đang yếu thế trong cuộc chiến chống nạn dùng thuốc BVTV tràn lan, độc hại, thì ở biên giới, người ta cũng rất dễ dàng mua những loại thuốc độc không nguồn gốc, nhãn mác, từ một gói, một lít về phun đến một thùng, một vài chục lít...

Trong khi các cơ quan hữu quan đang yếu thế trong cuộc chiến chống nạn dùng thuốc BVTV tràn lan, độc hại, thì ở biên giới, người ta cũng rất dễ dàng mua những loại thuốc độc không nguồn gốc, nhãn mác, từ một gói, một lít về phun đến một thùng, một vài chục lít nhập cho các đại lý bán buôn, bán lẻ...

Đựng bằng can, đong bằng lít

Ông Lương Văn Kiếm - Trưởng thôn Phja Bủng (xã Vị Quang, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng) cho biết: Ở cái làng này có hàng trăm ha đất lúa, ngô, lạc. Hàng năm, người dân vẫn sang chợ biên giới mua thuốc BVTV của Trung Quốc về phun, thấy những loại thuốc đó dễ mua, rẻ, lại hiệu quả, nên cứ thế dùng. Thuốc đóng gói trong nước ư? Tôi chưa dùng bao giờ nên chưa biết hiệu quả như thế nào!

Tại xã Vị Quang, có tới 99% thửa ruộng được phun thuốc BVTV có xuất xứ từ Trung Quốc. Những loại thuốc mà họ phun, đa phần không có nhãn mác, xuất xứ, có loại dạng bột, dạng chai lọ và có cả loại được đựng bằng can, đong bằng lít… Dù rằng, trong số những loại thuốc kia, có cả thuốc cực độc, cấm lưu thông, cấm sử dụng.

“Nói là nói thế! Như thuốc trừ cỏ, phun đằng trước ngoảnh đầu lại đã thấy cỏ chết đằng sau, hiệu quả thế cơ mà. Thực tình, chúng tôi đâu có biết những loại thuốc kia là thuốc gì, cũng chẳng biết nó có độc hay không, nhưng tôi nghĩ chắc là độc nên cỏ mới chết nhanh như thế” - anh Lương Văn Bộ, trú tại thôn Nà Xo (xã Vị Quang), người vừa sang chợ Trung Quốc mua thuốc BVTV cho biết.


Cận cảnh chai thuốc BTVV đựng trong chai nước ngọt, được xem là loại thuốc rất độc

Nhà nào cũng vậy, cứ cấy lúa, trồng màu là lại sang chợ Trung Quốc mua thuốc về phun, không cần biết thuốc đó độc hại như thế nào! Từ người dân đến ông thôn trưởng, bí thư chi bộ, chủ tịch xã đều khẳng định. “Tôi nghe đâu trong số thuốc BVTV có nguồn gốc từ Trung Quốc đó, có nhiều loại độc hại lắm. Đặc biệt, có loại thuốc nước đựng trong can, thấy cán bộ huyện bảo không được sử dụng thì cũng vận động bà con. Nhưng mà phun đằng trước cỏ chết đằng sau, thấy hiệu quả tức thì nên người dân vẫn đi mua về phun” - Chủ tịch xã Vị Quang, bà Hoàng Thị Đức nói.

Lần theo đường đi của những loại thuốc này, chúng tôi đã đến cánh đồng xã Nà Sác, xã Sóc Hà - nơi có cửa khẩu Sóc Giang thuộc huyện Hà Quảng và được ông Nông Văn Bình cho hay, nhà ông cũng dùng thuốc BVTV sản xuất từ Trung Quốc, đặc biệt là loại thuốc được rót vào can. Chị Hoàng Thị Uyên cũng cho rằng, không riêng gì chị mà bên giáp biên giới và hầu hết các xã biên giới huyện Thông Nông người ta đều dùng, song bản thân chị và hầu hết người dân nơi đây không ai đọc được chữ Trung nên không biết thuốc đó độc hại thế nào, người bán bảo sao về làm vậy.

Thuốc BVTV xuất xứ từ Trung Quốc có thực sự hiệu quả? Những loại thuốc đó có tác động đối với môi trường và sức khỏe như thế nào? Không ai biết, cán bộ thuộc Trạm BVTV huyện cũng không biết. Chỉ biết là thuốc rất độc, không nên dùng. Mặt khác, nếu cán bộ có thấy dân dùng thì cũng chỉ nhắc nhở, vận động chứ không biết làm thế nào. Bà Bế Thị Thúy - Trạm trưởng Trạm BVTV huyện Hà Quảng nói: Đúng là những hộ dân phía biên giới dùng thuốc BVTV của Trung Quốc nhiều lắm, đặc biệt là những loại thuốc không rõ thành phần độc hại. Nói nhiều, nói mãi, cũng chỉ mong người dân hiểu được một mà từ bỏ những loại thuốc không rõ nguồn gốc kia thôi.

Nhập chợ mua thuốc

Mua thuốc BVTV - thuốc độc bên Trung Quốc dễ dàng vậy sao? Khỏi phải suy nghĩ lâu, anh Lý Văn Bông, một lái xe dọc biên giới, người xã Vị Quang cho biết: Với thuốc nước thì có người xách chai, xách can, thậm chí đưa cả téc đựng xăng đi mua. Mua gì khó chứ mua thuốc BVTV thì dễ như gói bánh, gói đường, như mua xăng, mua rượu, muốn mua bao nhiêu cũng được! Ai cũng có thể sang chợ Trung để mua. Chỉ cần có giấy thông hành để qua cửa khẩu và có tiền để mua thuốc.

Cũng theo anh Bông, loại thuốc nước được bán bằng lít, không rõ nhãn mác là thuốc cực độc, nghe nói có chứa chất gây ung thư, gây hoại tử nếu dính vào vết thương, và người nào hít nhiều khi sinh con, con cái sẽ thiếu tay, thiếu chân như chất độc màu da cam, song đó lại là loại thuốc bán chạy nhất trong các cửa hàng bán thuốc BVTV bên chợ Trung Quốc.

Để mục sở thị, tôi được anh L.V.H - một người dân xã Vị Quang đưa đến chợ Bình Máng - Trung Quốc, bên kia cửa khẩu Sóc Giang. Tuy nhiên, vì không có được giấy thông hành nên tôi phải ở lại bên cánh cửa biên giới, chờ người bạn sang chợ mua thuốc.


Chai thuốc BVTV cực độc không rõ nhãn mác mà L.V.H mới mua về

H bảo, anh cứ yên tâm đứng đây đợi, nhanh như mua rau thôi mà! Nói rồi cái cơ thể nhỏ thó, thoăn thoát của anh khuất sau đám người qua lại giữa hai nước.

Đúng 27 phút sau, H quay lại, trên khuôn mặt thô ráp anh ta nở một nụ cười rất tươi, tay trái mang một túi ni lông màu đen, tay phải xách một chai màu xanh, chứa nước màu nâu, mùi hôi. H nhanh nhảu: “Thuốc của anh đây, tôi mua tí là xong, tôi có xem giúp anh rồi, có 6 cửa hàng bán thuốc BVTV bên chợ đấy”.

“Chai nước này là thuốc cỏ, là loại mà “phun đằng trước ngoảnh đầu lại đã thấy cỏ chết đằng sau”. Bên đó, họ có cái bình chứa rất to. Chả có nhãn mác gì. Muốn mua bao nhiêu thì họ rót cho bấy nhiêu chứ kể chi là chai to chai nhỏ, họ căn cứ theo số tiền mà san, mà rót. Tôi chẳng mang gì nên họ rót vào vỏ chai nước ngọt này đây” - H đưa chai nước lên nói thêm.

Một chai thuốc nước 1,25 lít như chai nước ngọt này có giá 30 đồng tiền Trung. Còn những loại đóng gói, chẳng hiểu hiệu quả như thế nào song cũng có giá từ 10 - 20 đồng, tương đương với trên 30 đến 60 nghìn tiền Việt. Người mua được người bán hướng dẫn miệng. Rằng, một chai thuốc nước như chai nước ngọt này có thể phun cho hai mẫu ruộng hoặc nhiều hơn nếu muốn…

Đã không ít người từ xuôi lên đây lấy thuốc BVTV của Trung Quốc về bán lại cho các đại lý. Tiếp tục truy nguồn gốc, xuất xứ của những loại thuốc độc này, chúng tôi đã rời Cao Bằng về Lạng Sơn, thâm nhập chợ biên giới Tân Thanh.


Một số loại thuốc BVTV khác do L.V.H mua về

Chợ Tân Thanh không có cửa hàng bán thuốc BVTV ngoài ki ốt số 18. Ki ốt này bên ngoài là một sạp hạt rau giống. Bà chủ người Trung, tên Liu Liang. Trong vai một người có nhu cầu mua thuốc BVTV về xuôi buôn, chúng tôi được bà Liu nhiệt tình tiếp thị với tất cả các loại thuốc BVTV bên nước mình. Rằng, loại này trị bệnh sâu, loại kia trị cỏ, tất cả đều hiệu quả tức thì… Phun là chết!

Đưa bà Liu xem những hình ảnh về các loại thuốc cấm lưu thông, cấm sử dụng trong nước, Liu khẳng định: “Những loại này chợ bên kia (Trung Quốc) có nhiều lắm. Muốn mua bao nhiêu cũng được, chỉ cần để lại mẫu là mình đi lấy về cho”. Theo Liu, bên chợ Trung có nhiều loại phun còn hiệu quả hơn những loại mà chúng tôi có, kể cả loại thuốc nước mua bằng can mà chúng tôi mới mua ở chợ bên kia cửa khẩu Sóc Giang. Khi hỏi, thuốc này vận chuyển về Việt Nam bằng con đường nào? Liu đáp, “mang đi đường to đó, bỏ vào túi, không bị kiểm soát đâu”.

Chỉ một cái gật đầu, Liu có thể đóng cửa để về nước và chỉ 1 tiếng sau đã mang theo cả một thùng thuốc độc. Cũng chỉ sau đó ít giờ đồng hồ, loại thuốc độc không rõ xuất xứ, nhãn mác đó được đưa đi các cửa hàng thuốc BVTV trong nước để bán cho nông dân...

Được biết, tại chợ Đồng Đăng (Lạng Sơn) có một bà chủ chuyên buôn thuốc BVTV có xuất xứ từ Trung Quốc với đủ các loại. Bà chủ đó chuyên lấy hàng của Liu cung cấp cho các đầu mối bán buôn về xuôi, chỉ cần đặt hàng, mẫu mã, sau một vài giờ là có cả thùng to mang về.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khơi thông 'huyết mạch' những cánh đồng đất Cảng: Kênh mương 'cấp xã' chắp vá

HẢI PHÒNG Hệ thống công trình thủy lợi do các xã quản lý ở Hải Phòng được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp do thiếu kinh phí tu sửa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.