| Hotline: 0983.970.780

Xài những đồng tiền tôi tớ của má, cháu xót xa lắm cô

Thứ Hai 21/04/2014 , 09:44 (GMT+7)

Cháu nguyện trong lòng là sẽ báo hiếu cho ba má ngay khi ra trường và có việc.

Cô kính mến!

Cháu đang học đại học năm thứ hai. Ba mẹ cháu chỉ có hai anh em cháu. Anh cháu đã có gia đình, không được học hành tới nơi tới chốn như cháu. Vợ chồng anh cháu làm nông nghiệp, ở gần với ba mẹ cháu dưới tỉnh.

Biết gia đình mình ở vùng sâu nên cháu đã cố gắng từ nhỏ. Ba cháu là cán bộ xã, dù đất ruộng không là bao nhưng nhờ ba cháu có tham gia ở địa phương nên trước đây gia đình cháu tạm đủ.

Anh cháu học xong cấp III, thì cháu cũng vào lớp 10, vì vậy mà anh không đi học lên nữa. Vả lại, anh cháu mê bò, mê lúa, cũng tốt thôi nên khi anh đòi cưới vợ, ba má cháu chấp thuận ngay. Bám ruộng bám quê là đúng đắn chứ, phải không cô?

Khi cháu vào năm thứ nhất đại học ở thành phố, thì má cháu cũng lên theo để gần gũi và kiếm tiền nuôi cháu ăn học. Suất lương của ba ở quê để cho ba và để dành còn xây sửa ngôi nhà. Có lẽ vì chỉ còn mình cháu là phải nuôi nên mới có sự thu xếp phiêu lưu như vậy đó cô.

Cháu ở nhà trọ, tiền học, tiền nhà, tiền ăn cũng ngót nghét 3 triệu mỗi tháng. Nếu má cháu không đi làm giúp việc thì lấy đâu đủ tiền cho cháu hở cô? Má nói làm ô-sin cho người ta, có nhà tốt có nhà coi khinh mình nhưng dù sao cũng ăn ở không mất tiền, lương tháng giữ nguyên, nhờ vậy mà con gái út của má mới đầy đủ.

Xài những đồng tiền tôi tớ của má, cháu xót xa lắm cô. Cháu nguyện trong lòng là sẽ báo hiếu cho ba má ngay khi ra trường và có việc.

Ban đầu má cháu làm cho một gia đình cực giàu. Nhờ má lanh lợi và hồi trẻ cũng học khá nên má hay được bà chủ cho ngồi ô tô đi công việc, gần như là thư ký của bà ấy. Nói thư ký cho vui chớ kỳ thực bà ấy cần có người xách va-li, ủi quần áo, tối còn đấm bóp mát-xa, như thể bà ấy là người trong giới showbiz vậy đó.

Được là làm ở đó thì phủ phê, đồ thừa canh cặn (là vải vóc, mỹ phẩm đó cô) má cháu san sẻ cho cháu không phải mua. Vài lần bà ấy ỷ thói đại gia, mắng mỏ xúc phạm, má cháu bỏ đi, má nói thơm tho hào phóng mấy cũng không thèm.

Má cháu là người làm vì cháu chứ đâu phải sống chết với cái việc ô-sin này. Chỗ làm hiện nay của má lương không cao bằng nhà kia nhưng yên ổn. Nhà người ta chỉ có ông bà chủ tuổi trên dưới 70, trí thức, rất dễ chịu. Cũng là cái may của hai bên, cháu không thiên vị má mình nhưng má cháu rất giỏi việc nhà mà cô.

Gần đây cháu đọc báo thấy sắp có luật định về người giúp việc. Cháu mừng quá cô ơi. Nhưng cháu không có điều kiện tìm hiểu kỹ, mong cô giúp má con cháu. Nếu có luật thì má cháu sẽ không dễ bị ăn hiếp, bấp bênh mà khi má còn trẻ thì ô-sin cũng là một nghề chính đáng, đúng không cô?

Cô giữ kín email cho cháu.

------------------

Cháu thân mến!

Hóa ra bây giờ có rất nhiều gia đình xẻ đôi như vậy đó. Cô cũng quen vài ba gia đình có người đi làm giúp việc nuôi con ăn học ở gần chỗ mình làm. Một công mà mấy cái lợi đó chứ. Nuôi được con, gần được con, không cần gì hơn.

Ấy là do cuộc sống công nghiệp, cuộc sống đô thị nó cuốn người ta vào, không tốt hoàn toàn nhưng cũng không đến nỗi tệ. Làm gì ở nông thôn mà thu nhập 3 triệu mỗi tháng, đúng không?

Lòng người mẹ thật bao la, bao giờ cũng vậy. Nói gì thì nói, ở cái xứ lạc hậu của mình, nhiều gia đình còn coi thường người làm lắm. Làm không ngày nghỉ, ngồi xem ti-vi cũng phải đấm bóp cho chủ, trưa ngả lưng một chút đã bị dựng dậy. Có nhà còn bắt ăn cơm sau, vì trong lúc chủ ăn thì phải đứng để hầu, như thời phong kiến!

Có một người mẹ giỏi như má cháu thật đáng tự hào. Khôn, tốt và giỏi nữa thì sàng lắc mãi rồi cũng sẽ vào được nhà tử tế, đúng không nào?

Cháu đừng quá áy náy, hãy nghĩ thoáng đi. Làm công nhân cũng chừng ấy lương, xin đi vệ sinh còn bị ghi từng phút. Dù sao làm giúp việc cũng không đứng hay ngồi suốt 8 tiếng, cũng đủ cơm ăn và được ngủ có cái quạt, cô tin là vậy. Nghề nào cũng mặt tối và sáng, nghề nào cũng có lúc nước mắt chan cơm, lao động phổ thông là vậy.

Cô cũng có biết thông tin, rằng Quốc hội lần này sẽ thông qua luật cho người giúp việc, đại khái thế. Lương qui định phải bằng lương tối thiểu của công nhân viên, tức ít nhất cũng 2,7 triệu mỗi tháng (có phân 4 vùng cho mức lương này, như Sài Gòn là vùng I, lương như trên, vùng II thành phố nhỏ, 2,4 triệu/tháng, vùng III, chắc là tỉnh lẻ, 2,1 triệu/tháng và vùng IV, thị trấn thị tứ, vùng xa…1,9 triệu/tháng).

Và đây mới là những qui định có tính nhân văn để người giúp việc xứ mình dần ngang bằng với đồng nghiệp ở các nước trong vùng: Chủ nhà phải đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người làm công (18% BHXH, 3% BHYT, nghĩa là chủ nhà trao tiền ngoài lương cho người làm đi đóng, họ giữ quyền giám sát việc đóng ấy). Như vậy là sẽ có hợp đồng lao động cho nhiều khoản ngoài lương.

Còn nữa, mỗi ngày, người làm phải được ngủ nghỉ 8 tiếng và mỗi tuần phải nghỉ 1 ngày, mỗi năm được nghỉ 12 ngày phép có lương…

Thật đáng mừng, đúng không cháu? An tâm, nếu má đã gặp một mái nhà dễ chịu thì nên duy trì, cố gắng cùng ba xây nhà, mua sắm và có một sổ tiết kiệm về già.

Mong cháu báo hiếu ba má ngay khi còn trên ghế giảng đường, tức giỏi và ngoan.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.