| Hotline: 0983.970.780

Xanh lại Rục Làn

Thứ Năm 16/02/2012 , 10:09 (GMT+7)

Sau nhiều lần khảo sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã quyết định đầu tư công trình thủy lợi Rục Làn để trồng lúa nước, tạo nguồn lương thực tại chỗ cho đồng bào Rục.

Bà con dùng phân xanh bón ruộng
Bí thư chi bộ bản Mò O Ồ Ồ Cao Tiến Thuỳnh sau thủ tục cúng Giàng, đưa chén rượu lên ngang mặt khấn: “Hôm ni ngày 16 tháng Giêng, người Rục, người Sách của hai bản Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ làm một mâm lễ đạm bạc xin thần núi, thần sông, xin trời, xin đất cho đồng bào xuống đồng, cùng với bộ đội biên phòng Đồn 585 - Cà Xèng làm nên một mùa lúa mới bội thu...".

Trước đó một ngày, Trung tá Trịnh Thanh Bình (Đồn trưởng Đồn Biên phòng 585) điện thoại cho chúng tôi tha thiết: “Các anh lên, ngày mai bộ đội cùng bà con xuống đồng gieo lúa vụ đông xuân đó. Nhớ lên nghe”.

Chúng tôi lên với đồng bào Rục (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình) khi cái lạnh còn lảng bảng sau những lèn đá và sương còn giăng vắt qua đỉnh núi Giang Màn. Qua con đường đầy bùn đất, sỏi đá lầy lội nối đường Hồ Chí Minh với bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, ngay trước mặt Đồn biên phòng 585, một không khí náo nức trải ra trước mắt. Đồng bào trong những trang phục tươm tất, người già, người trẻ, nam thanh nữ tú…rủ nhau về phía cánh đồng Rục Làn cùng bộ đội xuống đồng. Ở đó, bà con đang tập trung làm lễ cúng Giàng, mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Trung tá Trịnh Thanh Bình, Đồn trưởng Đồn 585, phát biểu trước lúc gieo hạt giống lúa mới: “Năm nay là năm thứ hai, cánh đồng lúa Rục Làn cho bà con những hạt lúa vàng. Vẫn biết cây lúa nước đứng chân tại thung lũng này vô cùng khó khăn, đồng bào trước đây rất xa lạ với cây lúa nước, nhưng chúng tôi, những người lính biên phòng nguyện một lòng đồng cam cộng khổ với bà con, giúp bà con phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo”.

Thực tế đã minh chứng, bộ đội sát cánh bên đồng bào trong gian nan, trong những lần lũ lụt chia cắt hàng tháng trời, và bộ đội biên phòng sát cánh cùng đồng bào chăm lo cho cánh đồng Rục Làn luôn xanh tươi, để có những vụ mùa bội thu. Vụ đông xuân năm nay, bà con làm lúa nước và nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cấp, các ngành.

Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng giúp đồng bào một máy cày, một máy tuốt lúa; Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình quyết tâm đầu tư xây dựng thêm một đập nước; huyện Minh Hóa giúp phân bón, thuốc trừ sâu; Cty Cổ phần Giống cây trồng Quảng Bình giúp giống lúa và hướng dẫn kỹ thuật… Từ những thuận lợi căn bản này, bà con đang hy vọng cánh đồng Rục Làn sẽ cho những vụ mùa bội thu.

Trên cánh đồng, chúng tôi cũng đã gặp những khuôn mặt mà năm trước đã cùng giãi nắng dầm mưa với bà con, với cánh đồng Rục Làn, đó là: Bí thư chi bộ bản Mò O Ồ Ồ Cao Tiến Thuỳnh, trung úy Phạm Xuân Ninh, đại úy Võ Đình Thuần, Đồn phó trinh sát, người quê lúa Lệ Thủy… Để có được một Rục Làn hôm nay họ đã trải không ít nhọc nhằn.

Tự bao đời nay, đồng bào Rục ở Thượng Hóa chỉ sống nhờ trồng cây ngô, cây sắn và sự cứu trợ của Nhà nước. Sau nhiều lần khảo sát, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã quyết định đầu tư công trình thủy lợi Rục Làn để trồng lúa nước, tạo nguồn lương thực tại chỗ cho đồng bào Rục. Và kỹ sư, thượng úy Phạm Xuân Ninh được giao nhiệm vụ phụ trách kỹ thuật. Ngày đầu nhận công việc với nhiều khó khăn và trở ngại nhưng anh và đồng đội không nản. Việc đầu tiên là anh lấy mẫu đất để phân tích, chọn giống lúa phù hợp rồi sạ thử. Ðồng đội thì đào mương dẫn nước, cày ải, tuyên truyền, động viên bà con đến xem bộ đội làm đất, xuống giống lúa.

Thượng úy Ninh cùng đồng đội hướng dẫn cho đồng bào Rục sản xuất theo mô hình HTX bằng việc thành lập 11 tổ sản xuất với hơn 360 người tham gia. Ðồn Biên phòng 585 phụ trách các tổ sản xuất, tổ chức lao động tập trung, chấm ngày công lao động. Vụ gặt đầu (năm 2011), cánh đồng Rục Làn rộng 10 ha cho năng suất gần 40 tấn/ha. Lúa gặt về được chia cho người dân ba bản người Rục, người Sách dựa trên số công điểm.

Ngày thu hoạch lúa trên cánh đồng Rục Làn, bà con vui như ngày hội, nhưng thượng úy Phạm Xuân Ninh và đồng đội còn vui hơn, bởi từ đây, người Rục biết tự sản xuất được hạt gạo, tạo lập cuộc sống ổn định hơn, no đủ hơn.

Bây giờ đồng bào Rục biết sản xuất lúa nước bài bản. Cánh thanh niên đang xúm xít vận chuyển phân xanh ra rải ruộng. Ở những thửa ruộng đã được rải phân, cán bộ đồn Biên phòng cũng bà con dân bản dàn hàng ngang sạ giống. Dù đã gần trưa nhưng sương vẫn chưa dứt trên đồng. Ông Cao Tiến Thuỳnh xoa xoa tay, cười hể hả: “Năm ni chắc lại trúng mùa tiếp rồi”. Bà Đinh Thị Liên, mẹ của hai đứa trẻ ở bản Mò O Ồ Ò vừa bê thúng lúa giống tiếp cho người dưới ruộng vừa cho biết: “Vụ trước tui thu về được năm tạ lúa. Năm ni phải cố gắng được một tấn lúa, để lấy đó cho các con ăn học”.

Một mùa lúa mới hứa hẹn lại bội thu với những người dân.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bà Rịa - Vũng Tàu có thêm 22 sản phẩm OCOP 4 sao

Chiều 28/3, Sở NN-PTNT Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội nghị giao ban tổng kết hoạt động của các HTX nông nghiệp và lễ công bố, trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Bình luận mới nhất