| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng chiến lược phát triển ngành nấm

Thứ Ba 27/09/2011 , 11:17 (GMT+7)

Mục tiêu phát triển ngành nấm đến 2015 đạt 400.000 tấn nấm các loại, 2020 là 1 triệu tấn, giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động.

Ông Ngô Xuân Nghiễn, Trưởng phòng Nghiên cứu CNSH (TT CNSH Thực vật) giới thiệu sản phẩm nấm linh chi của TT

Mục tiêu phát triển ngành nấm nước ta đến 2015 đạt 400.000 tấn nấm các loại, 2020 là 1 triệu tấn, giải quyết việc làm cho 1 triệu lao động từ nghề SX nấm… Đó là định hướng của Bộ NN-PTNT tại hội nghị “Thực trạng và giải pháp phát triển SX nấm” vừa tổ chức tại Hải Phòng.

Theo Cục Trồng trọt, Việt Nam đang nuôi trồng 16 loại nấm với sản lượng hàng năm đạt khoảng 250.000 tấn nấm tươi, kim ngạch XK khoảng 25-30 triệu USD/năm. Cụ thể sản lượng nấm rơm 64.500 tấn, nấm mộc nhĩ 120.000 tấn, nấm sò 60.000 tấn… ĐBSCL và Đông Nam bộ chiếm 90% sản lượng nấm rơm, Đông Nam bộ chiếm 70% sản lượng nấm mộc nhĩ của cả nước.

Năm 2010, Cục Trồng trọt đã công nhận chính thức 3 giống (nấm rơm, nấm sò, mộc nhĩ), công nhận cho SX thử 7 giống nấm mới, 10 quy trình SX giống nấm và 10 quy trình SX giống nấm thương phẩm. Trung tâm CNSH Thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp) là đơn vị chủ lực nghiên cứu, SX giống nấm và xây dựng quy trình kỹ thuật SX giống gốc, cấp 1 và một phần giống nấm cấp 2, cấp 3 với sản lượng 500 tấn giống các loại/năm.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Đồng Quảng cho biết, Chính phủ đã đưa nấm vào danh mục sản phẩm quốc gia, nhiều địa phương đưa nghề trồng nấm trở thành một trong những ngành trọng điểm, giúp tạo việc làm ổn định, bền vững cho nông dân. Nếu mỗi năm VN sản xuất được 1 triệu tấn nấm mỡ, nấm rơm XK thì riêng mặt hàng này đạt trên 1 tỷ USD/năm, mang lại nguồn thu lớn mà không phải bỏ một đồng ngoại tệ nào để NK nguyên liệu… Tuy nhiên, theo ông Quảng, hiện thị trường tiêu thụ nấm ở trong nước chưa ổn định, nghiên cứu khoa học về nấm chưa đủ mạnh, chế biến sau thu hoạch còn hạn chế…

Giám đốc Trung tâm CNSH Thực vật Đinh Xuân Linh cho rằng khó khăn nhất trong công tác nghiên cứu và SX nấm hiện nay là thiếu nguồn nhân lực. VN chưa có hệ thống đào tạo chuyên ngành nấm từ bậc sơ cấp đến trên đại học. Nhận thức của người dân cũng như tiếp cận kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Nếu coi việc trồng nấm dễ như trồng rau, cây ăn quả thì hiệu quả kinh tế sẽ rất thấp. Nhà xưởng, thiết bị, công cụ SX nấm còn chắp vá; hệ thống dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm còn ít. Đầu tư vào nghề nấm chi phí lớn, nếu vay vốn ngắn hạn thì quá khó khăn…

Đại diện các Sở NN-PTNT đều đánh giá, trồng nấm là ngành SX mới, từng bước khẳng định hiệu quả kinh tế cao, phù hợp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Hơn nữa SX nấm tận dụng rơm rạ sau thu hoạch, góp phần giảm đáng kể tình trạng đốt rơm rạ, bảo vệ môi trường… Để nghề nấm phát triển bền vững, các địa phương đề nghị tăng cường đầu tư công tác chọn tạo giống chất lượng, xây dựng CSSX giống nấm; khuyến khích hình thành vùng SX tập trung quy mô lớn theo hình thức trang trại hoặc DNSX, chế biến nấm…

Về phía DN, ông Nguyễn Xuân Mai, Giám đốc Cty Mây tre đan Ngọc Động (Hà Nam) đề nghị lập quỹ tín dụng ngành nấm để tạo vốn vay ưu đãi cho các DN và hộ SX nấm, thành lập Hiệp hội nấm, tạo tiếng nói chung cho các DN ngành nấm; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm nấm… Ông Phạm Quốc Hương, Giám đốc DNSX nấm Hương Nam (Ninh Bình) kiến nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ kinh phí tập huấn, chuyển giao kỹ thuật SX nấm; hỗ trợ giá giống nấm, một phần kinh phí làm lán trại và một số vật tư SX nấm ban đầu cho nông dân.

Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Ngô Thế Dân nhận định SX nấm ở nước ta mới chỉ giai đoạn đầu, chủ yếu trồng các loại nấm thông thường, chất lượng còn hạn chế, khâu tổ chức tiêu thụ kém. “VN là nước sẵn nguyên liệu trồng nấm nhưng thị trường phát triển nấm lại thua ngay trên sân nhà. Con gái tôi làm DN mỗi năm NK 1.200 tấn nấm từ Đài Loan, Hàn Quốc; muốn tiếp cận thu mua sản phẩm nấm trong nước nhưng chưa có đơn vị nào đáp ứng được bởi quy mô SX quá nhỏ, giá thành cao. Về lâu dài chúng ta phải NK công nghệ SX nấm của các nước tiên tiến, từng bước đưa nấm trở thành ngành SX hàng hóa lớn”, ông Dân nhấn mạnh.

“Bộ NN-PTNT rất ủng hộ việc thành lập Hiệp hội Nấm Việt Nam, trong đó các thành viên có cả nhà khoa học, DN và hộ trồng nấm nhằm liên kết với nhau để phát triển ngành nấm một cách bền vững”, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, SX nấm nước ta phát triển chậm và đi sau các nước, do đó phải đầu tư mạnh vào KHCN để có sản phẩm XK. Các HTX, nông hộ phải liên kết với DN để tiêu thụ sản phẩm ổn định. Các địa phương phải SX nấm một cách bài bản, đúng quy trình kỹ thuật, hướng tới năng suất, chất lượng chứ không nhất thiết hô hào toàn dân trồng nấm theo phong trào.

Cũng theo Thứ trưởng cần tăng cường đầu tư nhập khẩu công nghệ SX nấm, bảo tồn nguồn gen và đẩy mạnh nghiên cứu tạo ra giống nấm mới. Bộ NN-PTNT sẽ nâng cấp Trung tâm CNSH Thực vật thành cơ sở đào tạo nghề trồng nấm tầm quốc gia. Bộ sẽ tạo điều kiện về đất đai, kinh phí xây dựng Chi nhánh của trung tâm ở phía Nam.

Nấm là sản phẩm quốc gia đã được Thủ tướng phê duyệt, đề nghị các tỉnh lồng ghép đào tạo nghề trồng nấm vào chương trình dạy nghề, chương trình xây dựng nông thôn mới…, đồng thời tổ chức xúc tiến thương mại sản phẩm. Trên cơ sở định hướng và giải pháp phát triển ngành nấm, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng chiến lược phát triển ngành nấm đến năm 2020.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.