| Hotline: 0983.970.780

Bắc Ninh

Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Thứ Năm 19/01/2017 , 08:21 (GMT+7)

Sau 5 năm, Bắc Ninh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Điều này cho thấy chủ trương và từng bước đi triển khai xây dựng NTM của tỉnh là đúng đắn, phù hợp.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện Bắc Ninh đã hoàn tất việc quy hoạch và đề án xây dựng NTM. Cụ thể, 97/97 xã (100% số xã) hoàn thành việc quy hoạch tổng thể (không gian) xã và quy hoạch sử đất. 87/97 xã lập xong quy hoạch trung tâm xã, quy hoạch sản xuất nông nghiệp và xây dựng NTM.

14-05-34_nh-2-27
Trồng hoa ly trong nhà lưới

 

Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được đầu tư nâng cấp, cải tạo. Xây dựng mới và nâng cấp 40 trạm bơm đầu mối và trạm bơm cục bộ, kiên cố hóa 36,6km kênh cấp I, 65km kênh cấp II, 114 kênh cấp III; nạo vét, khơi thông 43,5km dòng chảy các trục tiêu của các sông chính.

Đầu tư bê tông hóa mặt đê vừa chống lũ, vừa làm đường giao thông, tạo điều kiện cho các xã, phường ven đê phát triển kinh tế - xã hội. Hiện hệ thống đê của tỉnh cơ bản được cứng hóa. Toàn tỉnh có 82/89 xã (chiếm 84,5% số xã) đạt tiêu chí thủy lợi, tăng 74% so với năm 2010.

Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Sau 5 năm đầu tư, sản xuất nông nghiệp của Bắc Ninh phát triển ổn định, an ninh lương thực đảm bảo. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung được hình thành và mở rộng; bước đầu hình thành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mô hình chuỗi giá trị trong nông nghiệp từ sản xuất giống - thức ăn - gia công - thu mua - chế biến - phân phối bước đầu được áp dụng. Công tác dồn điền, đổi thửa hoàn thành, tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Hiện nay, toàn tỉnh đã có khoảng 5.000 máy làm đất, 910 công cụ gieo hàng, 5 máy cấy và 80 máy gặt đập liên hợp. Đã cơ bản áp dụng các biện pháp kỹ thuật che phủ ni lông cho mạ, cấy mạ non, nhổ mạ không đập…; áp dụng tốt quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) giúp nâng cao năng suất, sản lượng lúa.

Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 34,1 triệu đồng, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 tăng 14,5%/năm. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi - thủy sản. Cơ cấu nông nghiệp năm 2015 như sau: trồng trọt 41,7%, chăn nuôi - thủy sản 53,4%, lâm nghiệp và dịch vụ 4,9%.

Về tổ chức sản xuất ở nông thôn từng bước đổi mới. Bắc Ninh đã cơ bản hoàn thành công tác tổ chức lại hoạt động các HTX nông nghiệp và chuyển đổi HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012.

Toàn tỉnh có 659 HTX nông nghiệp, trong đó 85 HTX nông nghiệp thành lập sau 1/7/2013, 574 HTX nông nghiệp phải tiến hành tổ chức lại theo luật HTX 2012. Đến nay, số HTX nông nghiệp đã tổ chức đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012 là 340 HTX; số HTX dịch vụ nông nghiệp chuyển sang loại hình tổ chức khác (tổ hợp tác) là 212 HTX; số HTX giải thể là 22 HTX.

Các HTX nông nghiệp đã thể hiện vai trò chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, làm được các khâu dịch vụ cho các hộ xã viên. Một số mô hình HTX nông nghiệp đã liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, giúp tăng thu nhập cho xã viên.

Kinh tế trang trại có quy mô ngày càng lớn theo hướng phát triển thành các doanh nghiệp nông nghiệp. Tính đến nay, toàn tỉnh có 167 trang trại, tăng 103 trang trại so với năm 2010 (trong đó có 36 trang trại được cấp gấy chứng nhận). Các trang trại tổ chức sản xuất chủ yếu theo mô hình VAC và AC kết hợp, đã tận dụng đất đai, mặt nước để bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Đại, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Ninh cho biết, với đặc thù là tỉnh công nghiệp phát triển, Chương trình MTQG xây dựng NTM được Bắc Ninh đặc biệt quan tâm, được xác định là 1 trong 3 quyết tâm chính trị lớn. Đặc biệt, xây dựng NTM luôn gắn kết chặt chẽ với tái cơ cấu nông nghiệp.

Cho đến nay, Bắc Ninh đã có 58 xã đạt chuẩn NTM, có 2 huyện Tiên Du và TX Từ Sơn đang chờ Bộ NN-PTNT thẩm định, đề nghị Chính phủ công nhận huyện NTM.

 

Xem thêm
Hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc và hộ nghèo ở Hà Nội

Nội dung thực hiện theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Thạc sĩ kinh tế đối ngoại nghỉ việc về quê trồng rau sạch

Mỗi năm chị Dung thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ tiền bán rau thủy canh. Đây cũng là mô hình trồng rau thủy canh thương mại đầu tiên tại Thanh Hóa.

Trưng bày các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc

Quảng Bình mở một gian trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại Hội Báo toàn quốc 2024.