| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới: Không chờ đợi!

Thứ Sáu 26/02/2010 , 10:35 (GMT+7)

Trong khi nhiều xã được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) chưa kịp hoàn thiện dự án, chưa xong quy hoạch chi tiết thì ở một số địa phương của tỉnh Thái Bình, mọi việc đã triển khai khá suôn sẻ.

Trong khi nhiều xã được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM) chưa kịp hoàn thiện dự án, chưa xong quy hoạch chi tiết thì ở một số địa phương của tỉnh Thái Bình, mọi việc đã triển khai khá suôn sẻ. 

Máy cày đã xuống từng chân ruộng

Quy hoạch là đột phá

Có thể nói cách “xắn tay” vào việc, phát huy nội lực người dân của Thái Bình là rất “hiếm”. Từ đầu 2009, khi vấn đề xây dựng NTM còn đang được thảo luận ở cấp TƯ thì Thái Bình đã sớm “đi tắt, đón đầu” chọn ra 8 xã để xây dựng điểm và thành lập BCĐ xây dựng mô hình NTM các cấp để tổ chức thực hiện. Xác định điểm mấu chốt để mô hình thành công là xây dựng phải gắn với quy hoạch nên tỉnh chỉ đạo các xã phối hợp với Cty Tư vấn quy hoạch khảo sát, thiết kế, xây dựng Thái Bình sớm lập quy hoạch chi tiết: khu dân cư, vùng sản xuất gắn hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng, khu trung tâm xã, khu vực làng nghề thủ công…

Trước khi các xã hoàn thành quy hoạch, tất cả các chương trình dự án đầu tư trên địa bàn 8 xã đều tạm dừng. Xã nào hoàn thành quy hoạch mới có đầu tư. Nhờ có chính sách nhất quán mà từng bước kế hoạch xây dựng NTM được triển khai thuận lợi. Cả 8/8 xã đã sớm hoàn thành và được phê duyệt quy hoạch chung, 7/8 xã đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng SXNN hàng hoá. Cho đến nay, ngoài các xã điểm đang tiếp tục xây dựng quy hoạch chi tiết khu trung tâm cụm xã thì trên toàn tỉnh 100% số xã đã kí hợp đồng từ vấn quy hoạch trong đó 39 xã đang triển khai khảo sát và lập quy hoạch, sẵn sàng bắt tay vào xây dựng NTM.

Ngay sau khi có quy hoạch, các xã điểm đã tích cực triển khai thực hiện các nội dung xây dựng NTM theo quy hoạch. Cũng trên cơ sở quy hoạch chi tiết vùng sản xuất, mỗi xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa, bố trí các vùng SXNN hàng hoá phù hợp với điều kiện nông hoá thổ nhưỡng như: Xã Nguyên Xá quy hoạch 123 ha lúa BC15, xã Vũ Phúc 120ha lúa BC15, xã Thuỵ Trình 120 ha lúa Hương thơm 1, xã Trọng Quan 100 ha khoai tây và 40 ha lúa T10, xã Thanh Tân 120 ha lúa BC15 và 100 ha đậu tương, rau…

Cán bộ nghĩ, dân làm

Ngày 24/2, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT Hồ Xuân Hùng đã đến thăm mô hình NTM xã Thanh Tân. Thứ trưởng biểu dương lãnh đạo địa phương đã thực sự quán triệt và thực hiện tốt nghị quyết TW7. Bước đầu xây dựng, thành công mô hình NTM theo đúng các tiêu chí Chính phủ ban hành. Trân trọng những thành quả của nhân dân xã Thanh Tân, Thứ trưởng đích thân mời lãnh đạo xã tham dự Hội thảo về xây dựng NTM toàn quốc để chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác.

Chỉ trong vòng một năm, Thái Bình vừa thực hiện xong quy hoạch vừa xây dựng thành công vùng SXNN hàng hoá, một khối lượng công việc khổng lồ. Theo ông Nguyễn Hữu Rong, GĐ Sở NN- PTNT Thái Bình, bài học kinh nghiệm lớn nhất của tỉnh là huy động tổng hợp các nguồn lực và vận động dân đóng góp sức. Trên thực tế ngân sách 2009 tỉnh đầu tư cho chương trình vẻn vẹn 48,5 tỉ đồng. Vậy lấy đâu ra tiền GPMB để làm đường giao thông, dồn điền, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng?

Vậy mà các xã đã làm được, thậm chí còn làm tốt. Điển hình là xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương. Mô hình NTM có tổng cộng 19 tiêu chí thì ngay năm đầu tiên Thanh Tân đã đạt 10 tiêu chí. Đây quả là một kì tích! Mà xưa nay, mọi kì tích đều phải dựa vào sức dân. Khi đã hiểu thấu đáo, người dân cả xã Thanh Tân tự nguyện đóng góp phần lớn. Để đưa máy cày vào đồng ruộng, mỗi hộ trong xã thống nhất góp 18 m2 ruộng làm đường. UBND xã cắm mốc giới mở đường tới đâu, dân trong xã tình nguyện hiến đất tới đó. Người hiến 50m vườn, người tặng 100m, ai cũng sẵn lòng. Chị Vũ Thị Hương, thôn An Cơ Bắc bộc bạch: “Tôi đọc báo thấy nhiều người dân ở miền Trung, miền Nam còn hiến tặng hàng nghìn m2 đất. Gia đình tôi chỉ hiến 40m2, so với họ đâu có ăn thua gì”.

Những ngày đầu vụ năm 2010, máy cày đã xuống từng chân ruộng, ôtô chạy khắp cánh đồng, hệ thống tưới tiêu bám theo đường giao thông luôn đảm bảo nguồn nước canh tác và điều quan trọng là khi có hạ tầng đồng ruộng tốt UBND tỉnh lại đầu tư cho xã trên 500 triệu đồng mua một máy cày, 2 máy gặt đập liên hợp, 5 máy sạ giao cho HTX dịch vụ giúp dân sản xuất. Đương nhiên, giá thuê máy dịch vụ của HTX sẽ “mềm” hơn so với giá thị trường rất nhiều. Kinh nghiệm ở Thanh Tân đang trở thành “nguồn vốn” quý giá để nhiều địa phương trên cả nước học tập.

Xem thêm
Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.