| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM ở Hà Nội: Những bước khởi đầu vững chắc

Thứ Hai 19/12/2011 , 10:53 (GMT+7)

Mô hình trồng hoa ở Thụy Hương

Hà Nội đã lựa chọn 19 xã làm điểm để xây dựng NTM ở 19 huyện, thị xã; trong đó có 1 xã điểm của Trung ương (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ), 3 xã làm điểm của thành phố và 15 xã điểm của huyện, thị.

Lấy sự hài lòng của dân làm thước đo

Thụy Hương bước vào thực hiện xây dựng NTM là xã trung bình của huyện Chương Mỹ, so với Bộ tiêu chí quốc gia về NTM, chỉ đạt 1/19 tiêu chí. Đề án xây dựng NTM xã Thụy Hương là cụ thể hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của ban lãnh đạo Trung ương, thành phố triển khai ở cơ sở. Trong quá trình xây dựng đề án có sự vào cuộc chủ động ngay từ đầu của các ngành; các cấp và sự tham gia của những người dân. Qua hơn hai năm nỗ lực phấn đấu, những kết quả tại xã điểm Thụy Hương được đánh giá đạt yêu cầu đề ra, cơ bản đạt 18/19 tiêu chí (tăng thêm 17 tiêu chí), làm chuyển biến rõ rệt diện mạo của xã. Những tiêu chí khó và yêu cầu đầu tư cao đã được thực hiện đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra.

Tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm đạt 23%; thu nhập đầu người đạt 21 triệu đồng/năm tăng hơn 2,12 lần; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực như tăng thương mại dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giảm nông lâm, ngư nghiệp…

 

 

Người dân Thụy Hương đã hiểu rõ nghĩa vụ, quyền lợi của mình trong việc góp sức cùng Nhà nước xây dựng NTM. Qua điều tra 557 hộ dân tại 7 thôn trong xã về mức độ hài lòng của cộng đồng dân cư trong quá trình tổ chức xây dựng NTM tại địa phương thì có 96,4% người dân trả lời được tham gia và hài lòng về cách lập kế hoạch xây dựng NTM như: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, xây dựng văn hóa ở khu dân cư…

Trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng có 80,8% hài lòng về chất lượng và tiến độ thi công. 95% đánh giá cao vai trò hoạt động của Đảng và các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương trong xây dựng NTM. Đặc biệt có đến 98,3% đồng tình với cách hướng dẫn xây dựng NTM trong phát triển sản xuất. Các HTX mới thành lập đã phối hợp với xã viên tổ chức sản xuất hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm bước đầu có hiệu quả, nâng cao thu nhập người dân.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ nhiệm HTX sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh xã Thụy Hương, cho biết: Lúc đầu triển khai Ban quản trị cũng phải đến từng hộ dân trong thôn để vận động họ tham gia góp đất, góp kinh phí để cùng trồng hoa. Năm 2010 đã tổ chức sản xuất được 4,5 ha hoa như lan hồ điệp, hoa lily, hoa cúc, hoa loa kèn. Bước đầu cho thu nhập 1,8 tỷ đồng gấp 3 đến 5 lần so với trồng lúa. Năm 2011 đã triển khai được gần 8 ha trồng hoa.

 

Anh Nguyễn Văn Thuyên, xã viên HTX sản xuất kinh doanh hoa cây cảnh, tính toán: Trồng lúa một năm, một sào thu khoảng 500 kg. Nếu tính giá thóc 7.000đ/kg chỉ được 3,5 triệu đồng/sào, hai vụ một năm, trồng thêm vụ đông nữa thì cũng chỉ được 5 triệu rưỡi một sào/năm. Nhưng trồng hoa thì một năm gia đình nếu trừ chi phí cũng thu gần 100 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên cái được quan trọng hơn mà người dân xã Thụy Hương đang được hưởng từ Chương trình xây dựng NTM là cách tư duy, nhận thức đổi mới làm ăn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đưa đời sống nhân dân được nâng lên. Người dân ý thức được việc cùng chung sức - chung đất - chung tiền của với Nhà nước để cùng xây dựng và hưởng lợi. Người dân thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, càng tin tưởng vào chủ trương chính sách và sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và cũng nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với quê hương.

Còn cán bộ, lãnh đạo ban quản lý ở xã qua tổ chức triển khai xây dựng NTM tại xã, trình độ đã được nâng lên một bước về phương pháp, cách làm và kinh nghiệm công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM.

Bên cạnh những kết quả đạt được những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế cũng được Ban chỉ đạo huyện, thành phố chỉ ra trong Hội nghị tổng kết Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM xã Thụy Hương vừa qua. Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM còn chưa đủ tầm, chưa sáng tạo. Trình độ đội ngũ cán bộ xã còn hạn chế, trong khi khối lượng công việc phát sinh lớn, yêu cầu công việc rất cao. Thủ tục thu hồi, đấu giá quyền sử dụng đất chưa thông thoáng, còn phức tạp, khó thực hiện, nên không huy động được nguồn lực tại chỗ cho xây dựng NTM để thực hiện các dự án đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp do không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp và tính rủi ro cao. Đặc biệt việc xây dựng NTM đòi hỏi một khối lượng kinh phí lớn trong lúc các nguồn kinh phí chưa đủ đáp ứng, nhất là phần huy động từ nhân dân...

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Phó trưởng ban chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình NTM cho rằng: “Xây dựng NTM thành công điều quan trọng là phải huy động nguồn lực tại địa phương. Chúng tôi đề nghị TW, thành phố Hà Nội nghiên cứu có cơ chế, chính sách để khai thác nguồn lực này, đặc biệt là xử lý đất xen kẹt, đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư xây dựng NTM cho kịp thời".

Xuất hiện nhiều cách làm hay

Song Phượng (huyện Đan Phượng), từ một xã chỉ có 2/19 tiêu chí đạt nay có 16/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt. Xã đã làm tốt công tác vận động nên người dân hiểu rõ lợi ích của chính mình trong khâu quy hoạch đường làng, ngõ xóm. Người dân đã tự nguyện hiến đất của gia đình để mở rộng hoặc làm mới các con đường, họ hiểu rằng đường làng ngõ xóm rộng mở giao thông thuận tiện thì kinh tế, văn hóa mới “nhanh đến” được.

Xã Yên Sở, huyện Hoài Đức khởi động xây dựng NTM bằng những thế mạnh là “chưa cần đến kinh phí đã thực hiện xây dựng NTM”, đó là yếu tố văn hóa, môi trường.

Ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, nông dân lại chủ động khâu quy hoạch đồng ruộng, liên kết phá bờ thửa dồn thành ô thửa lớn để tạo tiền đề cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân nông thôn trên lộ trình xây dựng NTM.

Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội, cho biết: Sau một thời gian triển khai xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều cách làm hay mới giúp cho nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất. Dù các cách làm là khó bắt chước nhưng đó là những bài học, những kinh nghiệm để các địa phương học tập để có bước đi vững chắc khi xây dựng NTM tại địa phương mình. Trên con đường xây dựng NTM yếu tố dân chủ sẽ là “sống còn” vì có dân chủ ở cơ sở người dân mới được trực tiếp tham gia từ đầu các công việc, các quy trình của quá trình xây dựng NTM và chính họ là người quyết định, người hưởng thụ của quá trình xây dựng NTM".

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.