| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM ở Nghệ An: Cần đầu tư nâng cấp hệ thống chợ

Thứ Tư 09/03/2011 , 10:01 (GMT+7)

Theo thống kê của Sở Công thương Nghệ An, kết thúc năm 2010, Nghệ An hiện có 380 chợ lớn nhỏ.

Theo thống kê của Sở Công thương Nghệ An, kết thúc năm 2010, Nghệ An hiện có 380 chợ lớn nhỏ. Trong đó mới chỉ có 45 chợ kiên cố, 157 chợ bán kiên cố, số còn lại đều là chợ tạm.

Bởi thế, mặc dù vốn đầu tư của các hộ kinh doanh, của dân và doanh nghiệp đóng góp chiếm tới 640/686 tỷ đồng, nhưng chỉ thu hút được tổng cộng 61.395 hộ kinh doanh. Tổng thu vào ngân sách địa phương hiện chỉ được trên dưới 20 tỷ đồng/năm.

Ngoại trừ chợ Vinh và một số chợ nằm tại các trung tâm huyện lỵ hàng năm có lượng hàng hóa luân chuyển lớn, phong phú và đều tăng trưởng khá, hầu hết số chợ tạm, nhất là hệ thống chợ quê trên địa bàn các huyện miền núi và vùng nông thôn chỉ họp mỗi tháng mấy phiên chủ yếu là để trao đổi, lưu thông các mặt hàng nông, lâm, hải sản như lương thực, thực phẩm, rau quả, gia súc, gia cầm, con giống… do người dân quanh vùng sản xuất theo mùa vụ nên nguồn thu đều không đủ chi. Bởi thế, chợ quê vẫn chỉ lèo tèo kẻ bán, người mua, chưa trở thành một đầu mối đủ sức hấp dẫn để hút lực lượng lao động nông nghiệp vào đây buôn bán làm ăn... Công tác quy hoạch và quản lý chợ quê còn rất tùy tiện, phân bố không đồng đều, đầu tư nhỏ giọt, dàn trải nên hiệu quả càng thấp. Đây là lý do khiến chợ "cóc" có điều kiện sinh sôi nảy nở khắp mọi nơi. Việc bán hàng hoá nhếch nhách, lấn chiếm lòng, lề đường làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông và mỹ quan, văn minh trong thương mại đã trở nên phổ biến tại nhiều nơi.

Tình trạng chậm chuyển đổi các mô hình quản lý tại các chợ đã có đang là nguyên nhân khiến việc kinh doanh, khai thác và quản lý các nguồn thu tại các chợ kém hiệu quả. Đó là chưa kể tình trạng vệ sinh, môi trường, vệ sinh ATTP, phòng chống cháy nổ… “sờ” đâu cũng thấy vi phạm và bất cập. Thu nhập của hộ kinh doanh trong các chợ thấp…Đây là những lý do khiến lao động nông thôn quay lưng lại với chợ quê trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Nghệ An.

Khảo sát tại 27 chợ đóng trên địa bàn 23 xã, thị trấn của huyện Nghi Lộc. Ngoại trừ 3 xã (Nghi Yên, Nghi Thái, Nghi Hợp) mỗi địa phương có 2 chợ, hiện Nghi Lộc vẫn còn 6 xã chưa có chợ là Nghi Hưng, Nghi Đồng, Nghi Thịnh, Nghi Thuận, Nghi Xá, Nghi Phong. Cả huyện chỉ mới có chợ Mai Trang (xã Nghi Xuân), chợ Sơn (xã Nghi Thạch) và chợ Nghi Trung đã được đầu tư nên được xếp vào loại chợ bán kiên cố (tương đương chợ loại 3), số còn lại 24 chợ đều đang tạm bợ. Ban quản lý tại các chợ gần như 100% đều nhận khoán qua UBND. Bởi thế, mỗi năm số phí, lệ phí thu được chỉ bình quân trên dưới 150 triệu đồng/chợ. Đây được xem là nguyên nhân khiến chính quyền các địa phương bỏ bê công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng nguồn thu và thu hút lực lượng lao động nông nghiệp sang lĩnh vực này cho địa phương.

Khác với Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho số chợ hiện có được quan tâm nhiều hơn. Trong số 13 chợ nông thôn tại Hưng Nguyên thì đã có 10 chợ được xếp loại bán kiên cố (tương đương chợ cấp 3), chỉ còn lại 3 chợ tạm là chợ Trung, chợ Chùa và chợ Cồn. Hưng Nguyên hiện vẫn có 10 xã chưa có chợ. Thế nhưng, hệ thống chợ quê tại huyện Hưng Nguyên hiện mới thu hút được 1.546 hộ kinh doanh thường xuyên nên mới giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động nông thôn. Theo đánh giá của Phòng Công thương huyện Hưng Nguyên, mặc dù hầu hết các chợ hiện có tại địa phương đều được bố trí tại các vị trí thuận lợi, đáp ứng được nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hoá và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, do cơ sở vật chất vẫn còn hạn chế, diện tích các chợ còn chật hẹp nên vẫn chưa tạo được nhiều việc làm để thu hút lực lượng lao động nông thôn và tạo nguồn thu lớn cho địa phương...

Trước thực trạng trên, giai đoạn 2011- 2015, huyện Hưng Nguyên đang triển khai xây dựng quy hoạch lại mạng lưới chợ gắn liền với quy hoạch NTM. Căn cứ quy mô của từng chợ, hướng phát triển trong tương lai để xác định nhu cầu sử dụng đất khi quy hoạch xây dựng các chợ mới cho phù hợp. Đối với các chợ đã có, cũng phải tiến hành khảo sát, đánh giá lại hiện trạng, chợ nào chưa hợp lý, hiệu quả thấp sẽ bố trí, sắp xếp lại.

Muốn chợ nông thôn phát triển phù hợp với mục tiêu của chương trình xây dựng NTM và phát huy tốt hơn vai trò, vị trí của mình trong thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng nâng thu nhập lên 1,4 lần so với bình quân của tỉnh, khi đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ, các địa phương cần lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia để biến chợ nông thôn thành một đầu mối hấp dẫn đủ sức thu hút đông đảo lao động tại địa phương chuyển sang làm ăn kinh doanh, buôn bán có thu nhập cao hơn lao động nông nghiệp hiện nay.

Xem thêm
Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư 2 dự án dân cư nông thôn

Thái Nguyên chấp thuận nhà đầu tư Dự án Khu dân cư nông thôn số 1 xã Ký Phú và Dự án Điểm dân cư nông thôn số 1 xã Bình Thuận (huyện Đại Từ).

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Ninh Bình phấn đấu thêm 30 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 30 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên và có thêm sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.

Bình luận mới nhất